Tổng giám mục  Moulins-Beaufort: Trách nhiệm của Giáo hội trong vụ Abbé Pierre

111

Tổng giám mục  Moulins-Beaufort: Trách nhiệm của Giáo hội trong vụ Abbé Pierre

Tổng giám mục Eric de Moulins-Beaufort

fr.aleteia.org, Cécile Séveirac, 2024-09-16

Trong một chuyên mục đăng ngày thứ hai 16 tháng 9 trên nhật báo Le Monde, Tổng giám mục Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp nói về những cáo buộc mới nhất về lạm dụng tình dục của Abbé Pierre. Thẳng thắn công nhận một số giám mục đã được thông báo về vụ lạm dụng nghiêm trọng này, ngài nhắc lại, đã có các biện pháp để chống lại Abbé Pierre và Giáo hội không thể bị cho là người duy nhất chịu trách nhiệm về sự im lặng để chặn những vụ bê bối này.

Nhận ra lỗi của mình, đúng, nhưng hoàn toàn chịu trách nhiệm về những sự việc mà Abbé Pierre bị buộc tội thì không. Đó là thông điệp Giáo hội Pháp muốn nói lên qua tiếng nói của Tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort ngày thứ hai 16 tháng 9. Ngài phát biểu trên nhật báo Le Monde về hành động của Giáo hội và mức độ hiểu biết của Giáo hội về các sự kiện của vụ Abbé Pierre, linh mục đã qua đời năm 2007.

Ngài cho biết, một số giám mục có lẽ đã biết về hành vi lệch lạc và nguy hiểm của Abbé Pierre khi ông còn sống, “các biện pháp đã thực hiện” để ngăn chặn các lệch lạc này, trong đó có chữa trị tâm thần. Ngài thừa nhận: “Chúng ta có thể đánh giá chúng là không đủ, chúng ta hối hận vì đã giữ rất bí mật, nhưng đây là phản ứng của cách làm việc thời đó, ở trong Giáo hội cũng như trong toàn xã hội.”

“Chúng ta đang nói về ai khi nói: Giáo hội?”

Hội đồng Giám mục Pháp đã xin Vatican dỡ bỏ thời hiệu phổ biến các tài liệu lưu trữ, Tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort nhấn mạnh đến các công việc được thực hiện gần đây để bảo đảm các trường hợp lạm dụng tình dục của các tu sĩ phải được xử lý một cách nghiêm túc. Ngài kêu gọi tất cả các cơ quan, tổ chức khác cũng làm như vậy. Ngài lấy làm tiếc vì Giáo hội đã phổ biến và ca ngợi Abbé Pierre trong suốt cuộc đời của ông và cả sau khi ông qua đời: “Giáo hội không phải là cơ quan  duy nhất chịu trách nhiệm về việc tôn vinh này. Nhưng giới truyền thông, chính trị, văn hóa, văn học và nhiều tổ chức khác cũng không hơn gì Giáo hội, cũng không tố cáo các hành động này, không khuyến khích các nạn nhân lên tiếng, không bao giờ đề cập đến vấn đề tấn công tình dục của Abbé Pierre. Giáo hội tránh xa các vấn đề của Abbé Pierre vì ông hầu như luôn sống xa rời bất kỳ khuôn khổ đúng đắn nào của Giáo hội.”

Ngài kết thúc bằng việc làm sáng tỏ vấn đề độc thân của các linh mục, một vấn đề bị nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi, họ xem việc dỡ bỏ là phương tiện chống lại nạn lạm dụng tình dục. Tổng giám mục trả lời: “Việc thách thức Giáo hội và đời sống độc thân của linh mục không phù hợp với những gì mà các vụ tấn công tình dục do Abbé Pierre gây ra.”

Ngày 12 tháng 9, cơ quan truyền thông Mediapart hỏi vấn đề này với nữ tu Véronique Margron, chủ tịch Hội đồng Tu sĩ Pháp, sơ cũng đồng ý với quan điểm này: “Đây không phải là vấn đề, không có nghĩa ngày mai vợ của các linh mục sẽ là tấm bình phong để ngăn chặn các ông khỏi bạo lực tình dục.”

Linh mục Dòng Tên Patrick C. Goujon, giáo sư thần học tâm linh và tín lý (Khoa Loyola Paris) nói: “Chúng ta đã cho phép dựng lên một thần tượng, thay vì thực thi công lý”. Theo linh mục, những tiết lộ liên quan đến các vụ tấn công tình dục của Abbé Pierre với nhiều phụ nữ cho thấy mối nguy hiểm của Giáo hội khi cho phép dựng lên các thần tượng.”

Linh mục đặt câu hỏi về tầm nhìn của chúng ta về sự thánh thiện cũng như sự hoàn hảo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm

Abbé Pierre: Bài học từ cú sa ngã

Vụ Abbé Pierre: “Xã hội không còn chịu được sự toàn quyền của một số người” 

Vụ Abbé Pierre: “Chúng ta tạo ra một thần tượng hơn là thực thi công lý”