Châu Phi ngày càng lớn mạnh trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh
cath.ch, I.Media, 2024-09-16
Đức ông Julien Kaboré, 56 tuổi, được Hồng y Pietro Parolin phong giám mục | © Tin tức Vatican
Đức ông Julien Kaboré, 56 tuổi, tân Sứ thần Tòa thánh tại Ghana, được hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin phong giám mục tại Đền thờ Thánh Phêrô, một dấu hiệu mới cho thấy sự trỗi dậy của Châu Phi trong bộ máy ngoại giao Tòa Thánh.
Sau thánh lễ, Hồng y Philippe Ouedraogo, Tổng Giám mục Danh dự của Ouagadougou nói với I.Media: “Đây là vinh dự cho toàn thể người dân Burkina Faso, chứ không chỉ riêng cho Giáo hội.” Thánh lễ cử hành với sự có mặt của một số giáo dân, người thân của tân giám mục, đặc biệt là thân phụ của Giám mục từ Burkina Faso và Ghana về. Trong bài giảng, Hồng y Parolin giải thích: “Chức vụ Sứ thần Tòa Thánh phải hướng tới việc rao giảng hòa bình và công lý, đặc biệt là giữa các nhà lãnh đạo Quốc gia, nhiều nhà lãnh đạo đã không bảo đảm cho công dân của họ sự thanh thản và an ninh này.”
Chức vụ sứ thần phải hướng tới “việc rao giảng hòa bình và công lý”, Hồng y Parolin | © Truyền thông Vatican
Đức ông Julien Kaboré sinh ngày 18 tháng 6 năm 1968 tại Zorgho, miền trung Burkina Faso, làm Sứ thần Tòa thánh tại Ghana sau 20 năm phục vụ trong cơ quan ngoại giao của Vatican. Chịu chức ngày 8 tháng 7 năm 1995 tại Tổng giáo phận Koupéla, ngài bắt đầu làm việc trong ngành ngoại giao Tòa thánh ngày 1 tháng 7 năm 2004. Ngài đã làm sứ thần ở Kenya, Papua Tân Ghinê, Costa Rica, Hàn Quốc, Croatia, Trinidad và Tobago, Phi Luật Tân và Ireland. Một số phái đoàn từ các quốc gia này đã về Rôma dự lễ nói lên kỷ niệm tốt đẹp và tình cảm của họ với ngài, ngài phát triển tình bạn lâu dài ở các quốc gia nơi ngài làm việc. Ngoài tiếng Pháp, ngài còn nói được tiếng Anh, tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha. Trong bối cảnh đau thương của các cuộc chiến đau thương giữa các lực lượng dân quân thánh chiến kể từ năm 2015, và đặc biệt là vụ thảm sát Barsalogho làm cho hàng trăm người thiệt mạng ngày 24 tháng 8, Giám mục Kaboré nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các sáng kiến hòa bình do Giáo hội địa phương lãnh đạo. Ngài đề cập đến Tam Nhật được Hội đồng Giám mục Burkina-Niger tổ chức từ ngày 12 đến ngày 14 để cầu nguyện cho hòa bình và sự sống ở các làng mạc và đất nước.
Ngày càng có nhiều sứ thần Châu Phi
Lễ tấn phong này đánh dấu một giai đoạn mới về đại diện của Châu Phi trong ngành ngoại giao của Vatican. Phản ánh sự tiến triển của người Châu Phi trong nhiều giáo phận phương Tây, ngày càng có nhiều giáo phận Châu Phi gởi sinh viên về Rôma học ở Giáo hoàng Học viện Giáo hội, có biệt danh là “trường của các Sứ thần”.
Chỉ đến năm 1998, “sứ thần giáo hoàng” đầu tiên của một quốc gia Châu Phi mới được phong: Đức ông Augustin Kasujja, quốc tịch Uganda, ngài làm việc tại Tunisia và Algeria từ năm 1998 đến năm 2004, tại Madagascar từ năm 2004 đến năm 2010, tại Nigeria từ năm 2010 đến năm 2016, và cuối cùng là ở Châu Âu, Bỉ và Luxembourg, từ năm 2016 đến năm 2021. Sứ thần đầu tiên đến từ một quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp là Đức ông Léon Léon Kalenga Badikebele (1956-2019), quốc tịch Congo. Ngài là Sứ thần Tòa Thánh tại Ghana từ năm 2008 đến 2013, sau đó ở El Salvador và Belize từ năm 2013 đến 2018, và cuối cùng ở Argentina từ năm 2018 cho đến khi ngài qua đời tại Rôma ngày 12 tháng 6 năm 2019 bên lề cuộc họp ba năm một lần của các Sứ thần. Đặc biệt, Đức Phanxicô đã đích thân cử hành tang lễ cho “đại sứ” quê hương ngài tại Đền thờ Thánh Phêrô, với sự hiện diện của tất cả sứ thần ở Rôma.
Các sứ thần Châu Phi nói tiếng Pháp
Ngoài Đức ông Kaboré, hai sứ thần khác đến từ Châu Phi nói tiếng Pháp hiện đang hoạt động trong mạng lưới ngoại giao của Tòa thánh. Đức ông Dieudonné Datonou, người Bénin giữ chức vụ Sứ thần Tòa Thánh tại Burundi từ năm 2021. Trước đây ngài là người điều phối các chuyến tông du của Đức Phanxicô trong vài tháng, đặc biệt là chuyến đi khó khăn của Đức Phanxicô tới Iraq tháng 3 năm 2021. Đức ông Jean-Sylvain Émien Mambé ở Biển Ngà đã giữ chức vụ Sứ thần Tòa Thánh tại Mali và Guinea từ năm 2022, ngài đã được Hồng y Parolin phong giám mục tại Abidjan ngày 7 tháng 5 năm 2022.
Vị trí chiến lược các sứ thần châu Phi khác đến từ khu vực nói tiếng Anh
Đức ông Fortunatus Nwachukwu, quốc tịch Nigeria, là nhân vật nổi bật dưới triều Đức Bênêđíctô XVI, đứng đầu Bộ Ngoại giao từ năm 2007 đến năm 2012. Sau đó, ngài giữ chức vụ Sứ thần Tòa thánh tại Nicaragua, Caribê trước khi đảm nhận vị trí chiến lược là quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva. Năm 2023, ngài được Đức Phanxicô đưa về Vatican làm thư ký cho Bộ Truyền giáo. Đức ông Jude Thaddeus Okolo, người Nigeria đã là Sứ thần Tòa thánh tại Cộng hòa Séc từ năm 2022. Trước đây, ngài từng là Sứ thần tại Ai-len, quốc gia ngài chào đón Đức Phanxicô trong chuyến tông du khó khăn năm 2018. Đức ông Novatus Rugambwa, quốc tịch Tanzania, là sứ thần tòa thánh ở Angola, Honduras, sau đó ở New Zealand, nhưng ngài về Rôma năm 2024 vì bị suy yếu sau cơn đau tim. Đức Giám mục Brian Udaigwe, gốc Cameroon, đã giữ chức vụ Sứ thần Tòa thánh tại Sri Lanka từ năm 2020 sau khi phục vụ ở Benin và Togo.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch