Bảo vệ gia đình, trục chính của chuyến tông du Châu Á của Đức Phanxicô
Đức Phanxicô ở Đông Timor / TIZIANA FABI | AFP
fr.aleteia.org, Cyprien Viet, 2024-09-13
Chuyến tông du Châu Á và Châu Đại Dương kết thúc ngày thứ sáu 13 tháng 9 đã cho Đức Phanxicô có cơ hội để ngài tiếp tục vận động không mệt mỏi cho quyền tự do sinh sản của gia đình.
Ngài dùng một ẩn dụ hơi khó hiểu với người phương Tây nhưng rất cụ thể với người dân ở Đông Timor: “Xin anh chị em cẩn thận với những con cá sấu muốn thay đổi văn hóa, lịch sử của anh chị em. Xin anh chị em trung thành, đừng đến gần những con cá sấu này, chúng cắn rất mạnh.” Với ẩn dụ này ngài tấn công các tổ chức liên kết viện trợ phát triển với các biện pháp làm suy yếu quyền tự do của các gia đình.
Mục đích: kiểm soát sinh sản và dạy một số lý thuyết về giới tính. Bất cứ nơi nào ngài đến, Đức Phanxicô đều lên tiếng tố cáo “chủ nghĩa ý thức hệ thực dân” áp đặt lối sống phương Tây lên phần còn lại của thế giới. Ở Đông Timor, một trong những quốc gia trẻ nhất thế giới về chủ quyền – chỉ được công nhận từ năm 2002 – và về tuổi tác, ngài rất ngạc nhiên khi thấy có nhiều trẻ em. Khoảng 600.000 người dự thánh lễ ngày thứ ba ở đây, gần một nửa dân số đất nước, những người già nhất trong số họ đã bị tàn sát trong cuộc chiến chống quân Indonesia chiếm đóng.
Trẻ em Đông Timor mặc y phục truyền thống chào Đức Phanxicô. Ảnh của Simone Risoluti / VATICAN MEDIA / AFP
Ngài nói với cái nhìn hướng về tương lai: “Ở Đông Timor thật đặc biệt vì có nhiều trẻ em: đất nước anh chị em là một đất nước trẻ, chúng tôi thấy nhịp sống rộn ràng, bừng nở khắp nơi. Tuổi trẻ là tuổi không ngừng đổi mới, đầy năng lượng, niềm vui và nhiệt huyết.”
Kiểm soát sinh sản, một “luật chết”
Giống các giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Phanxicô là giáo hoàng cổ vũ sự sống. Trong bài phát biểu trước chính quyền dân sự Indonesia ngày 4 tháng 9, ngài kiên quyết lên tiếng: “Một bộ phận đáng kể nhân loại bị bỏ lại bên lề, họ không có phương tiện để tồn tại xứng đáng, không có khả năng tự vệ khi phải đối diện với sự mất cân bằng xã hội ngày càng gia tăng, càng nghiêm trọng tạo những xung đột nghiêm trọng. Và chúng ta giải quyết vấn đề này như thế nào? Thông qua luật chết, bằng cách hạn chế sinh sản, bằng cách hạn chế sự giàu có lớn nhất của một quốc gia là sinh sản. Sự đầu tư có lợi nhất trước mắt Thiên Chúa là chúng ta: những đứa con có cùng một Người Cha yêu thương, đến lượt chúng ta, chúng ta được mời gọi lan tỏa tình thương.”
Ngài vui mừng khi thấy ở Indonesia có những gia đình có ba, bốn hoặc năm đứa con, đó là tấm gương tốt cho các quốc gia khi tỷ lệ sinh sản giảm một cách đáng lo ngại ở nhiều quốc gia. Ngài nói: “Có lẽ một số gia đình thích nuôi chó, nuôi mèo hơn nuôi con, điều này không bình thường.” Ngài muốn nói việc bán xe đẩy cho chó ở phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng nhiều hơn bán xe đẩy trẻ em!
Bảo vệ gia đình
Trước chính quyền thành phố Singapore, nơi trong những năm gần đây đã trở thành trung tâm tài chính quốc tế, ngài nhấn mạnh: “Trước mắt Thiên Chúa, khoản đầu tư sinh lợi nhất là chúng ta: những người con yêu dấu của cùng một Cha, được mời gọi để đến lượt chúng ta, chúng ta lan tỏa tình yêu. Gia đình là nơi đầu tiên chúng ta học yêu thương, học liên hệ với người khác để yêu và được yêu.” Ngài khen các nỗ lực của các tổ chức ở Singapore nhằm “thúc đẩy, bảo vệ và hỗ trợ sự hiệp nhất của gia đình, vì trong điều kiện xã hội hiện nay nền tảng gia đình dựa vào bị đặt vấn đề và có nguy cơ suy yếu”. Vì thế ngài nhấn mạnh các gia đình phải có khả năng “truyền tải các giá trị mang lại ý nghĩa và hình thức cho cuộc sống, dạy người trẻ hình thành các mối quan hệ vững chắc và lành mạnh”.
Ngài xin người công giáo từ chối bất kỳ chính sách áp đặt nào về kế hoạch hóa gia đình, một chủ đề gây chia rẽ trong lãnh thổ nhỏ bé chịu áp lực nhân khẩu học mạnh mẽ này, như Đức Gioan-Phaolô II đã nói: “Tôi muốn bảo đảm với các cặp vợ chồng, Giáo hội hỗ trợ họ trong nỗ lực được quyền kết hôn một cách có trách nhiệm, để lập gia đình, sinh con, nuôi dạy con, không chịu một hình thức ràng buộc hay áp lực nào.”
Trong nhiều thập kỷ, quá trình toàn cầu hóa quá nhanh, các giáo hoàng đã duy trì đường lối bảo vệ sự sống và gia đình chống lại bất cứ điều gì làm nguy hiểm cho các quyền tự do cơ bản của con người và các kế hoạch của Thiên Chúa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch