Tại Singapore, trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, Đức Phanxicô chỉ có một lời khuyên: “Đầu tư”

81

Tại Singapore, trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, Đức Phanxicô chỉ có một lời khuyên: “Đầu tư”

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2024-09-12

Đức Phanxicô dâng thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia “Singapore SportsHub ngày thứ năm: 12 tháng 9.

Hơn bao giờ hết, Đức Phanxicô khen “tinh thần kinh doanh” ở Singapore, ngài xin nhà cầm quyền chú ý đến công bằng xã hội, không được để công bằng xã hội ra đằng sau.

“Đầu tư có lợi nhất dưới mắt Chúa là chúng ta!” Đức Phanxicô đã tìm được khẩu hiệu hay nhất để thu hút sự chú ý của sáu triệu dân Singapore, trung tâm tài chính thứ ba trên thế giới sau London và New York.

Chiều thứ năm 12 tháng 9, có khoảng 50.000 giáo dân trong buổi phát sóng rộng rãi trên truyền hình tại Sân vận động cực kỳ hiện đại của thành phố, đây là một phần ba cộng đồng công giáo của thành phố, không tính người nhập cư công giáo, đặc biệt là người Phi Luật Tân và Mã Lai đến làm việc ở đây.

Cuộc gặp là thời điểm quan trọng cuối cùng trong chuyến tông du Châu Á và Châu Đại Dương bắt đầu ngày 2 tháng 9 với Indonesia, Papua Tân Ghinê và Đông Timor. Với hành trình dài 32.000 cây số, hơn 40 giờ bay này ở tuổi 88, ngài cho thấy ngài có sức đề kháng cao vừa thể chất vừa tinh thần. Ngài sẽ về Rôma tối thứ sáu 13 tháng 9.

Ngày chúa nhật tuần trước, ở Vanimo thị trấn nhỏ bờ biển phía Bắc Papua Tân Ghinê nhiều giáo dân đã đi chân không đến gặp ngài. Ngày thứ ba, giáo dân Đông Timor với tấm lòng rộng mở đã đón ngài. Và hôm nay ngài được người dân Singapore chào đón, nơi người dân có tiêu chuẩn sống cao nhất hành tinh.

Thành phố này không thua sạch sẽ của các thành phố Thụy Sĩ, không thua sang trọng của Monaco và không thua New York về kiến trúc siêu đô thị, đã truyền cảm hứng cho Đức Phanxicô, ngài thường phê phán thế giới tài chính, kinh tế và thành công vật chất. Và ở đây ngài có một câu chuyện ngụ ngôn độc đáo: đừng nhìn vào bề ngoài vì các bề ngoài hoành tráng này che giấu sự hiện diện của… “tình yêu”.

Ngài giảng: “Cũng như các công trình hoành tráng khác trên thế giới, thành phố này không như chúng ta nghĩ là phải nhờ tiền bạc, nhờ kỹ thuật, nhờ công nghệ… nhưng trước hết là nhờ Tình yêu: Tình yêu đã xây dựng nên một thành phố hoành tráng như vậy!”

Không ngây thơ khi nghĩ vậy. Ngài nhấn mạnh: “Có những người thông minh, mạnh mẽ, giàu có, sáng tạo, nhưng cũng có những người mong manh như chúng ta, và với họ, không có tình yêu thì không có sự sống, không có động lực, không có lý do để hành động, không có sức mạnh để xây dựng.”

Sự chung sống giữa các tôn giáo

Ngài giải thích: “Nếu có điều gì tốt đẹp tồn tại trên thế giới này, trong vô số hoàn cảnh khác nhau thì đó là tình yêu. Tình yêu chiến thắng hận thù, tình đoàn kết chiến thắng thờ ơ, lòng quảng đại chiến thắng ích kỷ. Nếu không có những điều này, ngay cả ở đây, không ai có thể phát triển một đô thị lớn như vậy, các kiến trúc sư sẽ không thiết kế, công nhân sẽ không làm việc và chúng ta sẽ không có gì. Đằng sau mỗi tác phẩm là những câu chuyện tình yêu đáng để khám phá.”

Sau đó ngài đưa ra lời khuyên về sự đầu tư sinh lợi nhất: “Tòa nhà đẹp nhất, kho báu quý giá nhất, khoản đầu tư sinh lợi nhất trước mắt Thiên Chúa, chính là chúng ta: những đứa con có cùng một người Cha yêu thương, kêu gọi chúng ta để đến lượt chúng ta, chúng ta lan tỏa tình yêu.”

Lan tỏa tình yêu, một chương trình rộng lớn vươn ra khỏi biên giới nhỏ bé của Singapore và tại sao lại không vươn xa đến Trung Quốc? Viễn cảnh này không làm tu sĩ trẻ dòng Cát Minh Luke Joseph Mary ngồi hàng ghế đầu lo sợ. Anh là người Singapore, đã theo học một thời gian ở Trường Khoa học Chính trị Paris, anh cho biết: “Cuộc gặp với Đức Phanxicô đã củng cố đức tin chúng tôi và cho mọi người thấy toàn Châu Á hiệp nhất. Đây là dấu hiệu độc đáo của Singapore, không phải vì chúng tôi đa số là người Trung Quốc, nhưng chúng tôi chung sống hòa hợp giữa các tôn giáo với nhau. Dấu hiệu này có thể đến với Trung Quốc, để giúp Trung Quốc tiếp tục mở ra.”

Cách đó không xa, thầy John một tu sĩ lớn tuổi gốc Ấn Độ, đến từ Mã Lai, thuộc dòng Thánh Mẫu của Thánh Louis-Grignon-de-Monfort giải thích: “Cuộc gặp này tác động đến Singapore, Châu Á và Trung Quốc, cho thấy sự chung sống giữa các tôn giáo là có thể, sự hòa hợp trong xã hội là có thể và Giáo hội công giáo dù thiểu số nhưng đã nêu gương cho sự hòa hợp và hoạt động này.”

Những viên đá của các linh mục Pháp

Dù khá phê phán với nền kinh tế tài chính nhưng Đức Phanxicô đã  ca ngợi (một chuyện hiếm hoi) các lợi ích của sự sáng tạo kinh tế và tinh thần kinh doanh: “Những ai đến đây đầu tiên không thể không ấn tượng với những tòa nhà chọc trời cực kỳ hiện đại dường như mọc lên từ biển. Chúng thể hiện rõ ràng sự khéo léo của con người, sự năng động của xã hội Singapore và cái nhìn sâu sắc về tinh thần kinh doanh đã tìm thấy mảnh đất màu mỡ để thực hiện ở đây.” Ngài nhận xét, với sự khởi đầu khiêm tốn vì không phải mọi chuyện đều từ trên trời rơi xuống. Quốc gia này đã đạt “trình độ phát triển cao, chứng tỏ đây là kết quả của những quyết định hợp lý chứ không phải ngẫu nhiên: kết quả của một nỗ lực không ngừng để thực hiện các dự án và sáng kiến được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với đặc điểm riêng của địa phương.”

Câu chuyện ít được biết đến, tuy Đức Phanxicô không đặc biệt nói rõ, nhưng ngài bày tỏ lòng kính trọng với các nhà truyền giáo nói chung: trong số các nhân vật “của những ngày đầu khiêm tốn này”, các linh mục kín đáo của Phái bộ Truyền giáo Nước ngoài Paris MEP đã đặt viên đá của họ. Họ là những người xây dựng nhà nguyện công giáo đầu tiên ở Singapore năm 1833 trên đường Bras Basah. Sau đó các linh mục người Pháp thành lập các trường học ở mỗi giáo xứ, mở cửa cho tất cả mọi người. Chắc chắn họ có ý thức bẩm sinh về “đầu tư” cho “tình yêu” mà Đức Phanxicô đã ca ngợi ở thành phố kinh tế này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch