Đông Timor, quốc gia công giáo đầu tiên trên thế giới nồng nhiệt chào đón Đức Phanxicô

99

Đông Timor, quốc gia công giáo đầu tiên trên thế giới nồng nhiệt chào đón Đức Phanxicô

Một tuần trôi qua, Đức Phanxicô cho thấy phong cách và sự năng động đáng kinh ngạc của ngài trong nhiều cuộc gặp gỡ.

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2024-09-09

Đón tiếp Đức Phanxicô tại Dinh Tổng thống ở Dili ngày thứ hai 9 tháng 9-2024. Willy Kurniawan / REUTERS

Đức Phanxicô không có vẻ mệt mỏi khi ngài đến Dili, Đông Timor. Ở tuổi gần 88, ngài đi Châu Á và Châu Đại Dương, ngài đến Papua Tân Ghinê, Đông Timor, ngài sẽ ở đây đến ngày thứ tư, ngài đi hàng giờ bay dài, như thể chẳng có chuyện gì hoặc gần như chẳng có chuyện gì xảy ra với ngài.

Cái nóng nhiệt đới không làm ngài bận tâm, ngài vui vì được gặp người bản xứ, được họ đón tiếp nồng nhiệt, khi gặp các bạn trẻ sáng thứ hai ở Papua Tân Ghinê, ngài không ngừng đùa giỡn, ứng biến khuyên các bạn trẻ nên có cuộc sống hữu ích. Cuộc gặp ở đất nước này cho thấy thể chất và tinh thần năng động của ngài, một tuần chạy marathon, và cuộc chạy sẽ kết thúc ở Singapore ngày thứ sáu.

Khi đến Dili chiều thứ hai, giáo dân nhiệt tình hơn cả nhiệt tình, họ ùa ra đường đón ngài, tình cảm của họ thấy rõ khi ngài đi qua. Cả thành phố dường như ra đường để hoan hô ngài. Cảnh vinh quang hiếm hoi này có lẽ chúng ta chỉ thấy ở Châu Mỹ Latinh hoặc Châu Phi. Chính quyền cho biết có 700.000 người đón ngài.

Dili thực sự là thủ đô của quốc gia công giáo thế giới, 98% dân số của một triệu rưỡi người dân là người công giáo. Một giám mục người Anh hài hước nói: “Quốc gia này có nhiều người công giáo nhất thế giới sau Vatican”, dù lịch sử đất nước này đầy biến động và bạo lực.

Khi Đức Gioan Phaolô II đến Đông Timor năm 1989, một nửa hòn đảo bị Indonesia cai trị từ năm 1975. Indonesia đã chiếm Đông Timor một ngày sau khi người Bồ Đào Nha rời đi. Đông Timor giành được độc lập ngày 20 tháng 5 năm 2002 sau cuộc đàn áp đẫm máu của Indonesia, ước tính có khoảng 200.000 đến 300.000 người hy sinh trong cuộc chiến.

Quốc gia nghèo nhất châu Á

Vào cuối buổi chiều, đôi mắt của ngài nheo lại vì mệt, ngài gặp các nhà chức trách Đông Timor, ngài khen họ đã cố gắng hòa giải với Indonesia. Ngài xin họ đừng bi quan về tương lai và kiên nhẫn khi đối diện với bạo lực. Đông Timor được cho là nước nghèo nhất Châu Á và là quốc gia vẫn đang còn tìm cho mình một bản sắc sau bốn thế kỷ thuộc địa của Bồ Đào Nha và gần bốn thập kỷ dưới sự thống trị của Indonesia. Nhưng trên mảnh đất này, Giáo hội công giáo là một tài nguyên quý giá.

Ngài lên án hành vi phi công giáo hủy hoại đời sống xã hội và đời sống của giới trẻ. Ngài lên án, rượu và bạo lực là tai họa xã hội, giới trẻ đã lạm dụng rượu và lập băng đảng thay vì phục vụ xã hội.

Trong bài phát biểu, ngài đã đề cập đến vấn đề lạm dụng tình dục, tuy không nói chi tiết, nhưng ngài cho biết có nhiều trẻ em và thanh thiếu niên bị xâm phạm phẩm giá. Ngài kêu gọi phải có hành động để ngăn chặn bất kỳ hình thức lạm dụng nào và bảo đảm sự phát triển bình an cho giới trẻ.

Trong các thách thức phải đối diện, Đức Phanxicô đề cập đến tình trạng nghèo đói ở các vùng nông thôn và hiện tượng di cư, cần phải tìm ra các giải pháp thay thế. Những người trẻ đang bỏ nước ra đi. Tuy không có số liệu thống kê chính xác nhưng các người trẻ này đi tìm tương lai tốt đẹp ở Úc hoặc Hàn Quốc. Giấc mơ lớn của họ là nước Anh, họ có thể đến được nhờ nhập tịch Bồ Đào Nha.

Làm sao để giữ chân những người trẻ này? Theo ngài: “Con đường đầu tiên là phải đào tạo để các người trẻ có khả năng quản lý khối tài nguyên thiên nhiên của đất nước, khối trữ lượng dầu khí có thể mang lại những cơ hội phát triển chưa từng có.”

Ngài đề nghị các “học thuyết xã hội” của Giáo hội có thể giúp họ phát triển, nếu không họ sẽ bị mất cân bằng, tỷ lệ người bị bỏ lại phía sau, bị thiệt thòi sẽ rất cao.

Vì thế với cái nhìn đầy hy vọng và tin tưởng, ngài nói: “Chúng ta phải đầu tư vào giáo dục và trường học cho người trẻ (Đông Timor có 65% người dân dưới 30 tuổi) và lãnh vực đầu tiên phải đầu tư là lãnh vực giáo dục và trường học. Tin tưởng hướng đến tương lai trong tinh thần can đảm. Sáng kiến của người trẻ kết hợp với kinh nghiệm khôn ngoan của người lớn tuổi tạo thành một kết hợp giữa kiến thức và động lực để hướng tới tương lai, không thụ động và bi quan.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Trung Quốc theo dõi chặt chẽ chuyến đi Châu Á của Đức Phanxicô

Nơi đại dương gặp bầu trời