Sáu thách thức lớn lao trong chuyến đi Châu Á và Châu Đại Dương của Đức Phanxicô
cath.ch, I.Media, 2024-09-02
Ngày thứ hai 2 tháng 9, Đức Phanxicô lên đường đi Châu Á và Châu Đại Dương trong 12 ngày đưa ngài đến Indonesia, Papua Tân Ghinê, Đông Timor và Singapore.
Trong cuộc họp báo ngày 30 tháng 8, ông Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết khu vực này vẫn còn bị nhiều vết thương quá khứ tác động; sự phát triển dân chủ, kinh tế và xã hội ở một đất nước có những bất bình đẳng rất lớn; vị trí ngày càng tăng của công nghệ trong sự phát triển của khu vực; nơi có một Giáo hội truyền giáo có đối thoại liên tôn và đây cũng là nơi có vấn đề môi trường rất lớn.
“Ở tất cả các quốc gia này, vẫn còn vấn đề “dịch thuật đức tin công giáo” cần được phát triển” – Michel Chambon
Án tử hình tại Indonesia và Singapore là vấn đề Đức Phanxicô phản đối mạnh mẽ cũng sẽ được đề cập. Ngoài ra còn có một trường hợp tế nhị, Giám mục Timor Carlos Ximenes Belo bị cáo buộc lạm dụng trẻ vị thành niên.
Sáu thách thức của Đức Phanxicô
1. Sức khỏe của Đức Phanxicô
Đức Phanxicô đi chuyến đi xa và dài ngày khi ngài đã 87 tuổi, là giáo hoàng lớn tuổi nhất đi tông du. Từ vài năm nay ngài đã phải đi gậy hoặc ngồi xe lăn. Trong các chuyến đi ngài phải dành nhiều thì giờ để nghỉ ngơi chứ không như trước. Chuyến đi này dài 44 giờ bay và 32.000 cây số! Như thường lệ, sẽ có một bác sĩ và hai y tá đi theo ngài.
Hồng y Luis Antonio Tagle nói: “Hành trình này là một hành vi khiêm nhường và vâng phục sứ mạng. Đây không phải là việc ngài muốn tỏ ra mình có khả năng.”
2. Vùng đất truyền giáo cần nâng đỡ
Mỗi chuyến tông du ra ngoài nước Ý đều nhằm mục đích làm cho sứ mạng ngài trở nên hữu hình và phổ quát vì đạo công giáo rất đa dạng. Chiều kích này có tầm quan trọng đặc biệt ở những quốc gia có bản sắc văn hóa không phải là bản sắc kitô giáo.
Tại bốn quốc gia ngài đến thăm, đạo công giáo có được chỗ đứng từ mấy mươi năm qua trở thành một nhóm thiểu số có ảnh hưởng: ở Indonesia (3%), Singapore (7%), Papua Tân Ghinê (27%) và Đông Timor (97%).
Thần học gia và là nhà nhân chủng học Michel Chambon giải thích: “Tại các quốc gia này, công việc phiên dịch đức tin công giáo cần được phát triển. Sự hiện diện của Đức Phanxicô nhằm mục đích nâng đỡ các cố gắng truyền giáo là một khích lệ lớn lao.”
3. Indonesia, đất nước hồi giáo lớn nhất thế giới
Indonesia là quốc gia có dân số hồi giáo lớn nhất thế giới – hơn 200 triệu tín hữu – và họ có triết lý Pancasila bảo vệ sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo khác nhau. Giáo hội tìm được vị trí thích hợp và đóng góp vào lợi ích xã hội. Vì thế Đức Phanxicô thấy ở Indonesia là mảnh đất thuận lợi để nêu bật các nguyên tắc của Tài liệu về Tình huynh đệ ngài đã đồng ký với giáo gĩ Ahmed el-Tayyeb ở Abu Dhabi năm 2019. Ngài lên án việc biện minh tôn giáo cho các xung đột và kêu gọi các tôn giáo cùng hợp tác để kiến tạo hòa bình.
Pancasila và Tài liệu này là tài liệu chính của các bài phát biểu về liên tôn của ngài, đặc biệt một tài liệu mới sẽ được ký kết ở nhà thờ hồi giáo Istiqlal, Jakarta.
Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea | © Gailhampshire/Flickr/CC BY 2.0
Vấn đề tình huynh đệ giữa các tôn giáo cũng là đề tài trọng tâm ở Singapore, thành phố nơi người công giáo chung sống với các tín hữu các tôn giáo khác như phật giáo, nho giáo và ấn độ giáo. Ở các thành phố-nhà nước, nơi các cuộc đối thoại liên tôn bị quyền lực chính trị áp đặt, Đức Phanxicô sẽ nhấn mạnh đến sự hòa hợp, vì Giáo hội có vị trí xứng đáng để đóng góp cho xã hội.
4. Lắng nghe người dân Châu Đại Dương
Đây là lần đầu tiên Đức Phanxicô đến thăm Papua Tân Ghinê ở Châu Đại Dương, quốc gia duy nhất ngài có chuyến đi nội địa đến thị trấn nhỏ Vanimo giáp Thái Bình Dương, phía bắc đất nước. Vanimo là vùng ngoại vi thuộc khu vực Melanesia rộng lớn, ngài sẽ ngỏ lời với nhiều quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt với Quần đảo Solomon, nơi có các giám mục là thành viên của cùng một hội đồng giám mục với các giám mục của Papua Tân Ghinê.
“Ưu thế của các giáo hội tin lành ở Thái Bình Dương”
Ông Matteo Bruni cho biết, Đức Phanxicô sẽ đề cập đến việc phát triển của người dân ở đây và cuộc khủng hoảng sinh thái, ông cho biết: “Papua Tân Ghinê là một trong những quốc gia phong phú về mặt sinh học nhất thế giới. Ưu thế của Giáo hội tin lành ở Thái Bình Dương là vấn đề thực sự với Giáo hội công giáo, nhưng không được Tòa Thánh nhấn mạnh trước chuyến đi.
5. Chữa vết thương của Timor
Đức Phanxicô không phải là giáo hoàng đầu tiên đến thăm Đông Timor, nhưng ngài là giáo hoàng đầu tiên đến thăm đất nước này kể từ khi nước này được độc lập năm 2002. Năm 1989, Đức Gioan-Phaolô II đến thăm Timor khi quốc gia bị Indonesia chiếm đóng từ năm 1975. Tòa thánh không muốn khiêu khích Indonesia, đất nước có nhiều người công giáo sinh sống. Một cử chỉ được đánh giá cao nhưng còn rụt rè vì các giáo sĩ địa phương dấn thân giúp người dân bị áp bức.
Giáo hội công giáo đóng vai trò then chốt trong hòa bình xã hội ở một đất nước bị nhiều đợt tấn công bạo lực, đặc biệt trong cuộc nội chiến năm 2006. Căng thẳng hiện nay tăng cao vì đất nước phải đối diện với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng do mất nguồn thu nhập dầu mỏ.
Cuộc xung đột ban đầu với Indonesia đã làm cho người dân Timor đổi sang đạo công giáo, Đức Phanxicô khuyến khích họ nên có chương trình hòa giải và cùng nhau xây dựng tương lai khi triển vọng kinh tế đáng lo ngại.
Cuối cùng là việc xử lý trường hợp Giám mục Carlos Ximenes Belo, anh hùng dân tộc, người đoạt giải Nobel Hòa bình bị cáo buộc lạm dụng trẻ vị thành niên. Ông Matteo Bruni tuyên bố các biện pháp Tòa thánh áp dụng chống lại giám mục năm 2022 vẫn còn hiệu lực, hạn chế việc ông đi ra ngoài Bồ Đào Nha nơi ông cư trú, loại trừ bất kỳ sự hiện diện nào của ông trong chuyến thăm.
- Mong chờ cuộc họp báo trên máy bay
Đi theo Đức Phanxicô trong các chuyến đi là mong chờ cuộc họp báo trên máy bay, đây là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi báo chí có thể chất vấn ngài về mọi chủ đề, và ngài thường đưa ra những tuyên bố quan trọng.
Kể từ tháng 9 năm 2023 Đức Phanxicô đã không rời nước Ý sau chuyến đi Marseille gần một năm trước. Vì vậy, các nhà báo rất mong chờ cuộc họp báo này.
Marta An Nguyễn dịch
Chuyến tông du Châu Á-Châu Đại Dương của Đức Phanxicô: ngài là Giáo hoàng của Châu Á
Từ đường hầm chiến tranh đến đường hầm tình huynh đệ
Vì sao chuyến đi Châu Á và Châu Đại Dương lại đặc biệt như vậy?