Khí cụ của Chân phước Carlo Acutis: Chuỗi Mân Côi và Bí Tích Thánh Thể

49

Khí cụ của Chân phước Carlo Acutis: Chuỗi Mân Côi và Bí Tích Thánh Thể

Chân phước Carlo Acutis trong ngày rước lễ lần đầu 16 tháng 6-1998

Trích sách “Trao truyền đức tin theo cách Carlo Acutis, con chúng tôi”, Antonia Salzano và Andrea Acutis  (Transmettre la foi à l’école de notre fils Carlo Acutis, Antonia Salzano et Andrea Acutis, nxb. Salvator). Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano.

Carlo đã nói: “Sau Bí tích Thánh Thể, chuỗi Mân côi là khí cụ mạnh nhất…” Lời cầu nguyện của Carlo có mối liên hệ gì với Bí tích Thánh Thể không?

Nếu chúng ta không xem Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện thường trực của Chúa Giêsu trong Nhà tạm, chúng ta sẽ không hiểu cuộc đời của Carlo. Đời sống thiêng liêng của Carlo nằm ở mầu nhiệm Thánh Thể.

Khi còn rất nhỏ, cô bảo mẫu Beata đã đưa Carlo đi lễ vì cô có thói quen đi lễ hàng ngày. Carlo tự nguyện đi, Carlo chưa được rước lễ. Sau đó, khi lên 7, ngày 16 tháng 6 năm 1998, Carlo được rước lễ lần đầu, kể từ đó Carlo sốt sắng đi lễ hàng ngày, chầu trước hoặc sau thánh lễ.

Ngày hôm sau khi được rước lễ lần đầu, Carlo rạng rỡ tươi cười nói với chúng tôi: “Luôn kết hợp với Chúa Giêsu là chương trình sống của con.” Chắc chắn Carlo đã dâng mình cho Bí tích Thánh Thể để được lớn lên trong ân sủng thánh hóa và đó là cách Carlo nhìn thấy cánh cửa thiên đàng rộng mở. Khía cạnh chính Carlo dành cho Bí tích Thánh Thể có lẽ Carlo nhận từ các nữ tu ở Perego, họ có linh đạo sâu sắc về Thánh Thể. Tại nhà thờ của họ và trước sự hiện diện của cộng đoàn, Carlo được rước lễ lần đầu. Vài ngày sau, Carlo viết: “Càng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ càng trở nên giống Chúa Giêsu, và từ trái đất này, chúng ta sẽ được nếm trước thiên đàng.” Carlo cho mình là người rất may mắn, Carlo nói:

Xét về mọi mặt, chúng ta may mắn hơn nhiều so với những người sống cách đây hơn hai ngàn năm bên cạnh Chúa Giêsu ở Palestine. Dĩ nhiên các tông đồ, các môn đệ thời đó có thể gặp Ngài, chạm vào Ngài, nói chuyện với Ngài nhưng họ vẫn bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Nhiều người phải đi bộ hàng dặm đường để gặp Ngài và không phải lúc nào cũng có thể đến gần Ngài vì Ngài luôn bị đám đông vây quanh. Ông Giakêu đã phải leo lên cây để nhìn thấy Ngài. Còn chúng ta, chúng ta chỉ cần đến nhà thờ gần nhất là đã có “Giêrusalem”.

Những người đã sống với Chúa Giêsu không thể nhận Bí tích Thánh Thể như chúng ta để được Chúa Giêsu biến đổi và làm chúng ta ngày càng hòa nhập với Ngài. Ngài đã nói với chúng ta: “Vậy các con sẽ nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48), Ngài ẩn mình trong Thánh Thể để ban cho chúng ta linh hồn và thần tính của Ngài, giúp chúng ta được thánh hóa. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài: “Nếu ai khát, ai tin vào Thầy hãy đến với Tôi mà uống! Như Kinh thánh đã nói: “Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 37-38).

Carlo nói: “Nếu mọi người hiểu được tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể, sẽ có rất nhiều người sắp hàng để rước lễ đến nỗi chúng ta sẽ không vào nhà thờ được nữa.” Với Carlo, Bí tích Thánh Thể là thực tại siêu nhiên nhất, vì Chúa hiện diện ở đó và cũng là thực tại mọi người dễ dàng đến với Chúa Giêsu: là dấu hiệu thực sự về lòng nhân từ của Ngài dành cho chúng ta.

Marta An Nguyễn dịch