Linh mục Patrick Chauvet: “Huấn luyện người trẻ có đời sống nội tâm, nếu không họ sẽ thành quái vật”

95

Linh mục Patrick Chauvet: “Huấn luyện người trẻ có đời sống nội tâm, nếu không họ sẽ thành quái vật”

lepoint.fr, Jérôme Cordelier, 2024-05-04

Linh mục Patrick Chauvet, quản nhiệm Nhà thờ Đức Bà trong một thời gian dài, hiện nay ngài quản nhiệm nhà thờ La Madeleine, Paris, ngài vừa viết một quyển sách mới về nhà văn Bernanos.

Bảy mươi lăm năm sau khi nhà văn Pháp Georges Bernanos qua đời, các tác phẩm của tác giả vẫn còn mang một giá trị kinh ngạc: khai sáng, rung chuyển, kích thích. Bốn năm trước, linh mục Patrick Chauvet viết quyển tiểu sử Georges Bernanos, nhà tiên tri của thời đại chúng ta (Georges Bernanos, un prophète pour notre temps, nxb. Presses de la Renaissance), năm nay linh mục xuất bản quyển Bernanos, không nhân nhượng (Bernanos sans concessions, nxb. Fayard) ghi lại bóng tối và ánh sáng, dằn vặt và hy vọng của nhà văn.

George Bernanos. – akg-images / TT News Agency / SVT, Le Point

Bảy mươi năm sau khi tác giả qua đời, chúng ta còn gì mới để nói về ông?

Linh mục Patrick Chauvet: Dù có đọc tác giả này nhiều đến đâu, tôi vẫn luôn tìm một cái gì đó mới mẻ nơi nhà văn. Đơn giản vì tác giả có quan điểm tiên tri, khi tôi đọc Nhật ký của linh mục đồng quê hoặc các bài viết về đấu tranh của tác giả, tôi nhận ra ánh mắt của ông đang chất vấn tôi. Bernanos là người quan sát tinh tường, dù muốn dù không, chúng ta đang ở trong một xã hội vô nhân đạo mà tác giả nói đến.

Tám mươi năm trước, khi công bố sự thắng lợi của xã hội máy móc, tác giả đã cảnh báo về sự mất nhân tính. Chính xác chúng ta đã thành nô lệ cho robot của mình. Trí tuệ nhân tạo làm hào hứng nhưng nó cũng đặt nhiều vấn đề. Chúng ta có thể về lại với câu hỏi của Heidegger: “Chúng ta gọi tư duy là gì?” Các bạn trẻ lao vào phần mềm này để làm luận văn, học cách sao chép hoặc để máy nói chứ không tự mình suy nghĩ. Tuy nhiên, thách thức chính của cựu giáo sư đang nói với chúng ta là: làm thế nào chúng ta có thể giúp các bạn trẻ cũng như người lớn tuổi tìm ra được lẽ phải thông thường?

Chúng ta đang bị nhồi nhét bởi những bài phát biểu phức tạp. Một câu nói đơn giản, rõ ràng là một câu nói có tính nuôi dưỡng.

Có phải chúng ta đã đánh mất tinh thần tuổi thơ mà nhà văn công giáo ca ngợi không?

Đặc tính của tinh thần tuổi thơ là ngạc nhiên, giản dị, buông bỏ, tin tưởng. Chính vì thế giới mất nhân tính nên đã mất tinh thần tuổi thơ này. Khi tôi về góc phố Brittany của những ngày hè thời thơ ấu, tôi rất vui được ngắm cảnh trí, được có niềm vui đơn giản này.

Hơn nữa, niềm vui là một phần không thể thiếu trong công việc của nhà văn. Cần phải phân định để tìm thấy một chút gì đó tuổi thơ trong thế giới chúng ta. Mọi người đều có thể giữ phần này trong tâm hồn mình, giúp chúng ta trên một quy mô lớn nhằm đấu tranh chống lại phi văn minh mà tổng thống Emmanuel Macron nói đến. Khi tôi ở bên cạnh người hấp hối, tôi thường nghe họ gọi cha mẹ một cách phản xạ. Chúng ta phải bảo vệ tuổi trẻ nội tâm này nhiều nhất có thể.

Trở về với đơn giản có thể là một con đường dài. Như cha đã trích dẫn trong Nhật ký của linh mục làng quê: “Thật khó để trở nên đơn giản”…

Kinh thánh nói, càng lớn tuổi chúng ta càng phức tạp hóa mọi chuyện. Sự đơn giản là cái nhìn của tôi về những gì tôi đọc, một cái nhìn không phức tạp, đó là sự thật. Thế giới chúng ta cần sự đơn giản này. Chúng ta bị những bài phát biểu phức tạp nhồi nhét. Một câu nói đơn giản, rõ ràng là một câu nói mang tinh thần nuôi dưỡng. Cha xứ Ars sẽ nhàm chán khi chép lại các bài giảng, nhưng khi ngài để tâm hồn vào đó thì nó đơn giản và chạm vào trái tim.

Chúng ta có sống “trên bề mặt của chính mình” như Bernanos đã nói không?

Thảm kịch là chúng ta không còn dành thì giờ cho im lặng nội tâm. Chúng ta sống quá bề ngoài, không còn nhìn sâu bên trong, không còn đi sâu vào tâm hồn, vì sợ nhìn thấy chính mình trong sự thật. Đó là điều Thánh Augustinô nói: “Hãy về với trái tim của bạn.” Chúng ta đừng ngại khi quay về với trái tim của mình!

Trên quan điểm giáo dục, điều quan trọng là khuyên các bạn trẻ bỏ thì giờ ngồi xuống, làm quen nhau. Ngày xưa gọi là xét mình. Khi còn là giáo viên, tôi đã đấu tranh với vấn đề này: làm thế nào để rèn luyện trái tim và lương tâm của thanh thiếu niên? Thầy cô bắt học sinh phải biết đọc, biết đếm, phải học thuộc lòng… Nhưng vì sao họ không dạy các em thông minh trái tim?

Như Bernanos đã nói: “Nuôi dưỡng đời sống nội tâm để tránh chủ nghĩa man rợ…” Đúng vậy. Rất nhiều người không thể lùi lại một bước, đó là vấn đề. Và đời sống nội tâm cho phép điều này. Chúng ta phải rèn luyện nội tâm. Khi còn là giáo viên, tôi đưa học sinh đến tu viện và xin các em im lặng để có thể lắng nghe trái tim mình. Một số các em cuối cùng đã khóc vì thấy ở đó có người ở, có một hiện diện, có Chúa, một số em đơn giản nghe tiếng đập của trái tim mình. Đời sống nội tâm có thể học được, nếu không chúng ta sẽ tạo ra những con quái vật, những con quái vật này sẽ giết chúng ta. Con cái chúng ta sẽ giết chúng ta. 

Chúng ta chúi mũi xuống đất, thu thập tất cả tin tức. Chúng ta nuốt chúng! Chúng ta không có nhận thức, không sáng suốt.

Cuộc chiến tâm linh có phải là cuộc chiến hiện đại?

Đúng vậy! Chúng ta đang sống trong một thế giới tin vào ma quỷ. Chúng ta nghĩ không có ma quỷ, nhưng thủ đoạn lớn nhất của ma quỷ là làm chúng ta tin không có nó. Cuộc chiến tâm linh chắc chắn là có, như Bernanos đã nói với cha xứ Donissan. Theo Bernanos, cám dỗ lớn nhất là tuyệt vọng. Vậy mà ngày nay chúng ta ở trong thế giới tuyệt vọng. Khi nghe tin tức, cuối cùng chúng ta nên uống một viên thuốc hoặc một ly whisky để lên tinh thần! Đơn giản, chỉ vì chúng ta chỉ có quan điểm về chính trị, kinh tế, xã hội. Chúng ta không có một cái nhìn nào để bước lui. Chúng ta chúi mũi xuống đất, thu thập tất cả tin tức. Chúng ta nuốt chúng! Chúng ta không có nhận thức, không sáng suốt.

Trong thế kỷ 21, liệu chúng ta còn có thể nói đến “linh hồn”, danh từ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của Bernanos không?

Đó là một từ đã biến mất. Mọi thứ chạm đến trái tim, đời sống nội tâm, tâm hồn, lương tâm đều bị loại hoàn toàn. Tôi có thể thách thức bất cứ ai cho tôi một định nghĩa về tâm hồn. Chúng ta đã tách linh hồn ra khỏi thể xác. Và bây giờ trong nhân học, chúng ta tập trung vào cơ thể. Chúng ta tập thể dục để đẹp hơn, tiêm botox để theo thời. Nhưng chúng ta quên điều giúp chúng ta sinh động, chính là tâm hồn.

Cha không phải là thầy bói, không máy môi thành tiếng, cha nghĩ Bernanos sẽ nói gì về wokism?

Ồ, tôi nghĩ Bernanos sẽ nói: “Tôi đã cảnh cáo rồi.” Một ngày sau vụ cháy nhà thờ Đức Bà, một mình trên quảng trường, tôi hoàn toàn suy sụp. Và Bernanos đã đến cứu tôi. Tôi nghe Bernanos nói: “Nước Pháp ơi, dậy đi! nước Pháp ơi, dậy đi!”. Đúng, chúng ta phải dậy! Không phải để lên án thế giới, nhưng để xây dựng, như Đức Gioan Phaolô II đã nói, một văn minh mới, chính mình của sự sống, tình yêu, niềm vui, hòa bình, tóm lại, tất cả những gì mà ngày nay chúng ta không còn nghe nữa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch