Đức Phanxicô nói về vai trò giáo dục của nghệ thuật với các nghệ sĩ Venice
cath.ch, Jacques Berset, 2024 -04-28
Đức Phanxicô gặp các nghệ sĩ tại nhà nguyện Sainte Madeleine ở Giudecca | © Truyền thông Vatican
Ngày chúa nhật 28 tháng 4, tại Gian hàng của Tòa thánh ở nhà tù phụ nữ Giudecca trong sự kiện Venise Biennale, Đức Phanxicô nhắc các nghệ sĩ về vai trò giáo dục của nghệ thuật: “Xin anh chị em tưởng tượng những nơi không có người nào bị cho là người xa lạ”. Ngài cảnh báo chống lại thị trường nghệ thuật thích tuyên dương nhưng lại bóp nghẹt sáng tạo và ngài khuyến khích các nữ nghệ sĩ.
Trong nhà nguyện kiểu baroque thế kỷ 16 của nhà tù, trên trần nhà có treo tác phẩm bằng vải đầy màu sắc của nghệ sĩ Sonia Gomes. Tại đây ngài được hồng y José Tolentino de Mendonça, bộ trưởng bộ Văn hóa và Giáo dục tiếp đón. Hồng y phụ trách cuộc triển lãm và là kiến trúc sư vĩ đại của chuyến đi Venise của Đức Phanxicô, trong bài phát biểu ngắn gọn, ngài nói Đức Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên đến thăm Venice Biennale, một sự kiện nổi tiếng thế giới trong lãnh vực nghệ thuật đương đại.
“Thế giới luôn cần nghệ sĩ”
Trước tám trong số chín nghệ sĩ tham gia triển lãm, Đức Phanxicô khẳng định: “Thế giới luôn cần các nghệ sĩ,” ngài cho biết, ngài không cảm thấy xa lạ với giới nghệ sĩ, theo ngài, nghệ thuật có khả năng trở thành “thành phố trú ẩn” cho mọi người.
Ngài nhấn mạnh, nghệ thuật bất chấp bạo lực và phân biệt đối xử, tạo ra những hình thức thuộc về con người có khả năng nhận biết, bao gồm, bảo vệ, đón nhận tất cả.
“Quần đảo hợp tác” và “đảo đơn độc”
Ngài khuyến khích các nghệ sĩ hoạt động như một mạng lưới để thúc đẩy nhân quyền và chống lại “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại, bất bình đẳng, mất cân bằng sinh thái và chứng sợ hãi, chứng thần kinh khủng khiếp này là nỗi ám ảnh người nghèo”.
Lấy Venice làm mẫu, ngài khuyến khích chúng ta nên hình dung có những thành phố “nơi không có người nào bị cho là xa lạ, nơi hợp tác chứ không phải nơi đơn độc”.
Cẩn thận với “nghệ thuật theo thị trường”
Đức Phanxicô vinh danh cuộc triển lãm tại Gian hàng Tòa Thánh, đây là cuộc triển lãm đầu tiên trong lịch sử, có tên “Với đôi mắt của tôi”. Ngài cho biết, nghệ thuật có thể giáo dục hướng đến cái nhìn chiêm niệm để không thờ ơ với thế giới và con người.
Tuy nhiên, theo ngài, nghệ thuật đương đại cũng phải học cách để phân biệt với nghệ thuật thị trường. Nghệ thuật loại này “vinh danh” nghệ sĩ, nhưng lại thường xuyên giết sáng tạo, đánh mất hồn nhiên, lạnh lùng hướng dẫn về những gì phải làm.
Vinh danh các nữ nghệ sĩ
Kế đó Đức Phanxicô vinh danh các nữ nghệ sĩ, nữ họa sĩ người Mêxicô Frida Khalo, nữ tu người Mỹ Corita Kent, nhân vật vĩ đại của Pop Art được triển lãm tại Vatican Pavilion, hay nghệ sĩ thị giác người Pháp Louise Bourgeois. Ngài nhấn mạnh: “Có niềm vui và nỗi đau kết hợp với phụ nữ theo một hình thức độc đáo và chúng ta phải lắng nghe, vì họ có một cái gì quan trọng để dạy chúng ta.”
Tại đây ngài chào đón các nghệ sĩ Ý và các đại diện trong lãnh vực văn hóa và chính trị, trước khi đến với 1.500 trẻ em đang đợi ngài ở Quảng trường phía trước Basilica della Salute, bên bờ kênh Grand Canal.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch