“Các cha xứ là những người vô hình của Thượng Hội đồng”
la-croix.com, Arnaud Join-Lambert, Giáo sư thần học tại Đại học Công giáo Louvain, Bỉ, 2024-04-26
Các linh mục giáo xứ được mời về Rôma ngày chúa nhật 28 tháng 4 để dự một cuộc họp quốc tế, giáo sư Arnaud Join-Lambert giải thích lý do vì sao các cha xứ này, chính xác hơn là văn phòng giáo triều, vắng mặt trong các cuộc tranh luận của Thượng Hội đồng. Theo giáo sư, đây là một sai sót đáng tiếc vì vai trò của họ là trọng tâm.
Các linh mục giáo xứ được mời về Rôma chúa nhật 28 tháng 4 để dự một cuộc họp quốc tế.
Có phải các cha xứ là những người vắng mặt chính trong Thượng Hội đồng hiện nay không? Vai trò của họ ở đây được nhấn mạnh là mang tính quyết định, theo cách tích cực để khuyến khích các cộng đồng kitô giáo tham gia, hoặc đôi khi theo cách tiêu cực do thụ động, hoặc thậm chí là thái độ chỉ trích. Đây có lẽ là một trong những lý do vì sao ban thư ký Thượng Hội đồng tổ chức “cuộc họp quốc tế của các linh mục” ngày 28 tháng 4 tại Rome. Tuy nhiên, câu hỏi còn căn bản hơn trong ý tốt hay ý xấu của người này hay người kia.
Trên thực tế, không phải các cha xứ “vắng mặt” trong tiến trình này nhưng là trách vụ cụ thể của họ, chính xác là văn phòng giáo triều. Cứ nhìn vào các tài liệu từ năm 2021. Từ “cha xứ” không xuất hiện ở đâu. Nó rất ấn tượng khi chúng ta thấy sự vô hình hóa này.
Năm 2021, cả tài liệu chuẩn bị lẫn cẩm nang của Ủy ban Phương pháp đều không đề cập đến. Trong các báo cáo quốc gia, hiếm có đề cập hiếm hoi nào như ở Bỉ; trong các báo cáo lục địa năm 2022 cũng không có gì, ngoại trừ một lần trong báo cáo cho Châu Đại Dương (“Mọi người biết cách nhận ra một cha xứ giỏi khi họ có một cha xứ”). Năm 2023, không có cha xứ trong Tài liệu làm việc, cũng như trong báo cáo tóm tắt của Thượng hội đồng.
Tuy nhiên, tất cả những văn bản này đều đề cập đến các linh mục (ở số nhiều) rất nhiều. Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ hơn, thì trên thực tế rất thường là các linh mục giáo xứ, nghĩa là các linh mục có trách nhiệm mục vụ của một vùng đất. Tuy nhiên các cha xứ đa số không phải là linh mục, dù phải như vậy. Chúng ta đang nói về ai khi nói về các linh mục? Dĩ nhiên có các cha đại diện giáo xứ, các tuyên úy cho người trẻ, cho các phong trào, trong bệnh viện. Có những linh mục lớn tuổi, những linh mục đảm nhận trách nhiệm như đại diện giám mục, linh mục tổng đại diện, các thầy giáo, các nhà đào tạo, v.v. Tóm lại, có phải chúng ta đang nói về tất cả các linh mục, hay đặc biệt các cha xứ mà không nêu tên họ?
Một quyền lực rất rộng lớn
Chỉ đề cập đến hình ảnh linh mục chắc chắn sẽ thuận lợi hơn cho sự thay đổi đồng nghị, vì nó bỏ qua bất kỳ cơ cấu quản trị nào. Sau đó chúng ta sẽ thấy vấn đề. Không dùng từ “cha xứ” quả thực có hại cho phản ánh đang diễn ra.
Nguyên tắc thần học về tính đồng nghị đề cập đến cách sống trong Giáo hội, cũng như việc quản lý ở mọi cấp độ, sự phân định và phân bổ chính xác quyền lực mục vụ cần thiết cho đời sống Giáo hội. Nhưng trách vụ giáo triều, nếu chúng ta tuân theo giáo luật của Giáo hội, là một chức năng, một thừa tác vụ bao trùm rất nhiều lĩnh vực. Đó là một quyền lực rất lớn mà trên giấy tờ lại ít được chia sẻ.
Như thế việc gọi mọi thứ bằng đúng tên của chúng là điều cấp thiết. Có một lỗ hổng trong tiến trình Thượng hội đồng hiện tại, có thể dẫn đến sự nhầm lẫn trong tưởng tượng, trong các bài phát biểu hoặc trong hành động. Hình ảnh linh mục có giá trị như một bí tích và hình ảnh linh mục được cảm nhận như một quyền lực phát sinh từ việc bổ nhiệm. Khi đó, vai trò của các chuyên gia có thẩm quyền là điều cần thiết với Thượng hội đồng, chẳng hạn như nhà giáo hội học người Canada Gilles Routhier, ông sẽ can thiệp vào cuộc họp ở Rôma của các linh mục, hay nhà giáo luật người Bỉ Alphonse Borras, cũng là một chuyên gia của Thượng hội đồng.
Một vai trò trọng tâm
Dùng thuật ngữ cha xứ sẽ có tính táo bạo và có nguy cơ phải đối diện trực tiếp với khó khăn của tính đồng nghị hàng ngày trước một cơ cấu quyền lực truyền thống. Cuộc gặp của các cha xứ không phải là sự kiện bên lề trong Thượng Hội đồng về tính đồng nghị. Chiều kích biểu tượng của nó vượt xa sự tham gia của con người. Đó là sự thừa nhận vai trò trung tâm của các linh mục trong đời sống Giáo hội và sự cần thiết phải suy nghĩ lại về các chiều kích khác nhau của trách vụ giáo triều trong bộ giáo luật.
Điều quan trọng là phải nghe điều này từ chính các cha xứ vì đã có thông báo cho biết tài liệu này sẽ được dùng để chuẩn bị Tài liệu làm việc cho Đại hội vào tháng 10 năm 2024. Sẽ đúng lúc và theo tôi là cấp bách, chúng ta không nên nói đến các linh mục chung chung nữa, nhưng vấn đề về thừa tác vụ của cha xứ phải được đặt ra với mục đích của những cải cách theo nguyên tắc thần học đồng nghị.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch