Làm sáng tỏ bí ẩn của bộ não, thách thức của nhà khoa học thần kinh Sylvie Chokron
Nhà tâm lý học thần kinh Sylvie Chokron vừa xuất bản quyển “Trong bộ não của…” giải thích những bí mật về khả năng nhận thức của con người. Mỗi ngày bà cố gắng để hiểu thêm về hệ thống bí ẩn này.
la-croix.com, Esther Serrajordia, 2024-04-14
Song song với hoạt động nghiên cứu, bà Sylvie Chokron còn tư vấn cho khách hàng, tổ chức các khóa học, viết các chuyên mục trên một số phương tiện truyền thông. / Philippe Mazzoni
Tinh thần lạc quan đến từ đâu? Tại sao chúng ta chấp nhận rủi ro? Khả năng phục hồi hoạt động như thế nào? Bà Sylvie Chokron, nhà tâm lý học thần kinh, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia CNRS và Đại học Paris cố gắng trả lời các câu hỏi này. Trong quyển sách gần đây của bà “Trong bộ não của…: bà lặp lại nhiều lần, không có “một” mà là “một số” bộ não. Vì dù chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn về cách quản lý sự chú ý, nhận thức, hành động hoặc trí nhớ ở não, chúng ta vẫn chưa thể làm sáng tỏ lý do vì sao độc giả đang đọc những dòng này không thể thoát ra khỏi bầu khí đặc biệt này, vì sao chúng ta khó hiểu hành vi của một thiếu niên, vì sao đôi khi chúng ta thích đọc sách hơn xem phim, vì sao khi nhìn một bức tranh nào đó lại làm chúng ta xúc động, vì sao chúng ta lại phản ứng như vậy trong bữa ăn gia đình.
Bà Sylvie Chokron luôn bị mê hoặc bởi chứng rối loạn ngôn ngữ. Bà nói: “Khi còn nhỏ, tôi vào hướng đạo, tôi chăm sóc những đứa trẻ chưa biết nói. Tôi muốn tiếp xúc với những người không biết nói và giúp đỡ họ, hiểu được cái nhìn của họ về cuộc sống. Tôi rất nhạy cảm với khả năng có được một tiếp xúc.” Sau khi đậu tú tài, bà học khoa trị liệu bằng ngôn ngữ. Bà nói: “Khi tôi bắt đầu hành nghề, người ta thường nói với tôi: ‘Bạn, bạn nói như người mất ngôn ngữ’, như thể ‘mất ngôn ngữ’ là một ngôn ngữ. Tôi không thể giải thích được, nhưng sự thật là tôi vẫn có cảm tưởng tôi có khả năng hiểu được những người không có khả năng diễn tả.”
Đánh lừa bộ não của bạn
Sau một vài năm hành nghề, bà quyết định quay về với ngành tâm lý, năm 1993 bà bảo vệ luận án về khoa học thần kinh thị giác và sự chú ý. Bà làm việc ở bệnh viện Adolphe-de-Rothschild, ở đây bà có văn phòng tư vấn chuyên về chẩn đoán và quản lý các rối loạn thị giác, không gian, sự chú ý và nhận thức ở trẻ em và người lớn – đó là cơ sở tư vấn duy nhất ở Pháp vào năm 2019. Song song với việc tư vấn, bà tiếp tục nghiên cứu, dạy ba mươi giờ mỗi học kỳ và viết các chuyên mục trên các phương tiện truyền thông.
Bà chưa bao giờ làm việc hai ngày giống nhau, bà nhận xét: “Tôi không làm những việc vất vả nên tôi có thể làm việc nhiều. Tôi nhận ra một số hoạt động bổ sung có tác dụng rất tốt với tôi, giúp tôi ở trong những không-thời gian khác nhau.”
Bà Sylvie Chokron sống nhiều ‘cuộc đời’ khác nhau cùng một lúc, đặc biệt nhờ các khám phá khoa học, bà đã “đánh lừa” được bộ não của bà. Bà cho biết: “Tôi là người rất căng thẳng. Một ngày nọ, tôi phải đến chương trình ‘8 giờ tối’ trên đài France 2. Tôi nghĩ tôi sẽ không đến được, sẽ phải hủy bỏ thôi. Và rồi tôi đảo ngược suy nghĩ, tôi lặp lại với chính tôi, điều này sẽ chỉ xảy ra một lần trong đời. Tôi làm cho bộ não của tôi tin rằng, đây là cơ hội chứ không phải đau khổ. Và nó đã hoạt động tốt! Bằng trí óc của mình, chúng ta có thể hợp tác, xử lý, không bị công việc áp đặt.”
“Tôi càng biết nhiều, tôi càng cảm thấy tôi biết ít”
Là chính con vật thí nghiệm của mình, bà có tách bà ra khỏi đời sống nghề nghiệp của bà được không? Bà trả lời: “Tôi nghĩ bộ não không nghỉ ngơi, nó cần tự do làm những gì nó muốn.” Và với bà, đó là những việc như bơi lội, đi bộ, quần vợt. Bà nói: “Tôi bỏ thì giờ nhiều ở bãi biển vắng vẻ Normandie. Làm việc chăm chỉ và có khoảng trống trong nhiều giờ giúp tôi tốt nhất.” Bà đọc cả tiểu thuyết: Aharon Appelfeld, Brigitte Giraud, Delphine de Vigan, Zeruya Shalev… : “Tôi thích những tác giả mô tả tâm hồn con người. Trong thời gian cách ly, tôi đọc lại toàn bộ Les Rougon-Macquart của Émile Zola, ông rất thành thạo chủ đề này.”
Thật khó tin nhưng bà Chokron bảo đảm, bà vẫn tiếp tục khám phá mọi thứ: “Tôi như những nhà nghiên cứu nói: càng biết nhiều thì lại cảm thấy mình biết ít. Điều làm chúng ta thông minh hơn, đó là học. Tôi thích hiểu những phẩm chất hơn. Tôi thích mổ xẻ lạc quan, kiên cường… Tôi khó hướng tới những điều tiêu cực, hèn hạ hay nhỏ nhen.”
La bàn của bà: “Truyền tải”
“Cách học tốt nhất của tôi là đi dạy, tổ chức khóa hội thảo hoặc viết sách. Đây thực sự là động lực của tôi, chia sẻ kiến thức cũng là lý do để tôi tiếp xúc. Tôi thích giao tiếp với bệnh nhân, với những người tôi không quen biết, với người thân yêu, với các sinh viên. Tôi cũng đã ảnh hưởng một chút trên hai cô con gái trong lựa chọn nghề nghiệp của chúng, một cô đang học năm thứ tư y khoa và cô kia sau khi tốt nghiệp trường các giám đốc bệnh viện, bây giờ làm việc trong phái đoàn liên bộ về bệnh tự kỷ và rối loạn phát triển thần kinh. Chúng tôi thực sự đã trở thành một ê-kíp.”
Marta An Nguyễn dịch
Nhà tâm lý học thần kinh Sylvie Chokron vừa xuất bản quyển “Trong bộ não của…”