Đức Phanxicô xin các học sinh trở thành “nghệ nhân hòa bình”

28

Đức Phanxicô xin các học sinh trở thành “nghệ nhân hòa bình”

Ngày thứ sáu 19 tháng 4, khi gặp các học sinh và giáo viên của Mạng lưới Trường học Hòa bình Quốc gia Ý tại Hội trường Phaolô VI, Đức Phanxicô xin các em cầu nguyện cho các bạn cùng trang lứa ở Ukraine và Gaza, khuyến khích các em trở thành “những nghệ nhân hòa bình”.

vaticannews.va, Christopher Wells, 2024-04-19

Sáng thứ sáu 19 tháng 4, hơn 6000 học sinh Ý kết nối với Mạng lưới Trường học Hòa bình Quốc gia Ý đã đến gặp Đức Phanxicô ở Vatican.

Trong bài phát biểu sôi động, ngài liên tục xin các em trả lời ngài, ngài kêu gọi các em đặc biệt nhớ đến những trẻ em bị chiến tranh và các cuộc xung đột tác động, đặc biệt là các trẻ em Ukraine “đã quên cười”, trẻ em ở Dải Gaza “bị bắn hạ, bị đói khát”.

Mạng lưới Trường học Hòa bình được hình thành sau nhiều năm cố gắng để thúc đẩy giáo dục thường xuyên cho hòa bình và nhân quyền trong chương trình giảng dạy của tất cả các trường học ở mọi cấp. Mạng lưới cam kết giáo dục giới trẻ về hòa bình, công lý, quyền công dân, nhân quyền và trách nhiệm.

Hành trình ‘đầy ý tưởng’

Bắt đầu bài phát biểu, Đức Phanxicô cám ơn các học sinh đã có cuộc hành trình “đầy ý tưởng” nhằm mục đích thúc đẩy “một tầm nhìn mới về thế giới”. Ngài cảm ơn các em đã nhiệt tình và quảng đại cam kết để làm việc cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về tương lai vào mùa thu tới của Liên Hiệp Quốc tổ chức tại New York, ngài nói sự đóng góp của trẻ em là cần thiết để đảm bảo các nghị quyết được đưa ra trên giấy trở thành “cụ thể và được hiện thực hóa qua các con đường và hành động nhằm thay đổi”.

Đề cập đến sáng kiến của Ý “Biến đổi tương lai: Vì hòa bình, với lòng quan tâm”, ngài xin các em trở thành “nhân vật chính, chứ không phải là khán giả của tương lai. Điều này cần có mạng lưới và kết nối để tất cả có thể cùng nhau làm việc trong tinh thần đoàn kết và hòa hợp.

Một giấc mơ tập thể

Ngài cảnh báo, ngày nay đây là những thách thức mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi người và đòi hỏi “can đảm và sáng tạo của một giấc mơ tập thể nhằm thúc đẩy một cam kết liên tục để cùng nhau đối diện với các cuộc khủng hoảng môi trường, kinh tế, chính trị và xã hội mà hành tinh chúng ta đang trải qua”.

Ngài nói: “Đó là giấc mơ đòi hỏi chúng ta phải thức, không được ngủ. Những giấc mơ này được thực hiện qua lời cầu nguyện, cùng với Chúa, chứ không phải bằng chính sức của mình.”

Đức Phanxicô nhấn mạnh hai từ chính của cam kết này: “Hòa bình và chăm sóc. Hai ý tưởng này liên kết nhau, hòa bình đích thực không chỉ là không có bạo lực mà còn là bầu khí thiện chí, tin tưởng và yêu thương có thể trưởng thành trong một xã hội được thiết lập trên các mối quan hệ chăm sóc.”

Nghệ nhân hòa bình, thái độ quan tâm

Với một tình cảm trìu mến sâu sắc, ngài mời gọi các học sinh đóng góp phần của mình để thúc đẩy hòa bình trên thế giới: “Trong thời điểm thế giới còn bị chiến tranh, cha xin các con hãy là nghệ nhân kiến tạo hòa bình. Trong một xã hội vẫn còn là tù nhân của một văn hóa vứt bỏ, cha xin các con là chứng nhân chính của hòa nhập; trong một thế giới bị xâu xé bởi những cuộc khủng hoảng toàn cầu, cha xin các con là những người xây dựng tương lai, để ngôi nhà chung của chúng ta có thể trở thành nơi của tình huynh đệ.”

Cuối cùng, ngài xin các em chống lại thái độ thờ ơ bằng thái độ quan tâm, mời gọi các em “luôn quan tâm đến số phận của hành tinh và đồng loại, hướng về tương lai trước mắt để tương lai này thực sự giống như điều Thiên Chúa mơ ước cho tất cả chúng ta: một tương lai hòa bình và tươi đẹp cho toàn cho nhân loại.”

Hình ảnh buổi Đức Phanxicô gặp các học sinh Ý ngày thứ sáu 19 tháng 4 tại Hội trường Phaolô VI

Marta An Nguyễn dịch