“Giáo hoàng kế tiếp không nhất thiết phải là Phanxicô II”
lepoint.fr, Quentin Raverdy, 2023-07-28
Ra đi hay không? Câu hỏi tiếp tục đặt ra xung quanh Đức Phanxicô. Và các cuộc bổ nhiệm tân hồng y bất ngờ gần đây chỉ làm hợp pháp thêm vấn đề này.
Tại Vatican, một lần nữa, một loạt các bổ nhiệm gần đây đã châm ngòi cho các thảo luận xung quanh “thời hậu Phanxicô”. Một số nhà quan sát của thành đô-Quốc gia Vatican tin rằng có nhiều manh mối do tuổi tác làm suy yếu và các vấn đề sức khỏe tái phát (ngài phải mổ vào tháng 6 vừa qua) cho các phỏng đoán việc kế nhiệm ngài.
Chuyên gia về Vatican và là giáo sư khoa thần học và khoa học tôn giáo tại Đại học Villanova, Philadelphia, Massimo Faggioli trả lời các câu hỏi của báo Le Point.
Vào cuối buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 9 tháng 7, Đức Phanxicô bất ngờ công bố sẽ bổ nhiệm 21 tân hồng y, trong đó có 18 cử tri sẽ được bầu trong mật nghị tiếp theo. Chúng ta có nên thấy ở đây là một dấu hiệu không?
Giáo sư Massimo Faggioli: Tôi không nghĩ Đức Phanxicô đang chuẩn bị từ chức và bổ nhiệm các hồng y trong độ tuổi bầu cử để chuẩn bị cho mật nghị. Đây là một kế hoạch rộng lớn hơn, chính xác là kế hoạch mở rộng Hồng y đoàn.
Mở rộng Hồng y đoàn để mở Giáo hội, đặc biệt hướng tới các “vùng ngoại vi” mà ngài đặc biệt lưu ý?
Khái niệm “ngoại vi” được thấy rõ ràng trong các bổ nhiệm này. So với các năm trước, nếu nhìn vào lý lịch của các tân hồng y, chúng ta thấy các ngài đến từ các quốc gia khác nhau của châu Á, châu Phi hoặc châu Mỹ Latinh nhiều hơn và vì thế về mặt logic, họ ít đến từ Bắc Mỹ hoặc châu Âu như trong quá khứ.
Tại sao cần điều này?
Tôi nghĩ, điều không thể chối cãi nhất mà Đức Phanxicô đã làm trong thập kỷ vừa qua là để hiểu Giáo hội, đặc biệt là giáo hoàng, phải ra khỏi khối Âu-Tây này. Vì thế trong các đề cử này có một cố gắng mang lại tầm nhìn, tính đại diện và tiếng nói cho một Giáo hội cần phổ quát hơn vào thời điểm mà các vấn đề về nhân khẩu học và xã hội, tương lai của đạo công giáo hiện đang chuyển hướng ở châu Phi nhiều hơn ở châu Âu, nên trong triều giáo hoàng của ngài, ngài mong muốn bổ nhiệm các hồng y từ rất nhiều quốc gia khác nhau, nhưng đồng thời cũng xem lại một số vấn đề đạo đức, giáo huấn của Giáo hội theo quan điểm ngày càng ít Âu-Tây hơn.
Hồng y cử tri sắp có 137 hồng y cử tri, 70% trong số đó được Đức Phanxicô bổ nhiệm (30% do các tiền nhiệm của ngài). Giáo hoàng tiếp theo có nhất thiết phải mang bản chất Bergoglian không?
Có và không. Một ví dụ, Bergoglio được Đức Gioan Phaolô II phong hồng y, nhưng không vì thế mà hai triều giáo hoàng có những điểm giống nhau, triều của ngài khác với triều của giáo hoàng Ba Lan. Dù sao theo thống kê, có nhiều khả năng hồng y do Đức Phanxicô bổ nhiệm sẽ là giáo hoàng, nhưng điều này không có nghĩa người đó sẽ là Phanxicô II. Không bao giờ có một đảm bảo, thậm chí ngày nay lại càng ít hơn.
Những gì đã thay đổi?
Vì khi mở rộng Cử tri đoàn cho cho các hồng y ở gần 60 quốc gia, chúng ta sẽ có một Cử tri đoàn lớn hơn, toàn cầu hơn, giải quyết các chủ đề phức tạp hơn, như các chủ đề Trung Quốc, môi trường, đạo đức. Và vì thế một hồng y đến từ châu Á hay Thái Bình Dương, dù được Đức Phanxicô chọn, họ sẽ nhìn vấn đề theo cách có thể rất khác so với cách của một người Mỹ Latinh. Ngày nay, không còn các hồng y tự động theo những gì Vatican nói với họ.
Đức Phanxicô và tổng giám mục Victor Manuel Fernandez có cách tiếp cận khá cổ điển về vai trò phụ nữ trong Giáo hội, ít cải cách hơn so với cách tiếp cận của một hồng y từ Đức hoặc từ các nơi khác của châu Âu.
Một trong các bổ nhiệm mới đã làm hao tốn giấy mực, đó là bổ nhiệm tổng giám mục Victor Manuel Fernandez làm bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin, một bộ rất có ảnh hưởng. Vì sao tổng giám mục Argentina, một cộng tác viên thân cận với giáo hoàng lại là “người bảo vệ tín điều”?
Với việc bổ nhiệm ngài, chúng ta khép lại lịch sử của các giám chức của bộ này, một bộ được mở vào năm 1981 với Joseph Ratzinger và kéo dài cho đến năm nay với những người kế vị đều thuộc hệ thống này, đều có cùng một văn hóa này. Với tổng giám mục Fernandez, một kỷ nguyên mới được mở ra và đây là một hành động quan trọng trong triều giáo hoàng của ngài.
Điều đáng chú ý, ngài sẽ là bộ trưởng đến từ Châu Mỹ Latinh, một lục địa mà trong suốt 50 năm qua đánh dấu bằng những cuộc đối đầu đôi khi gay gắt giữa thần học và các giám mục của lục địa và bộ Giáo lý này. Đây là một một bổ nhiệm mang tính biểu tượng rất mạnh, mang đặc điểm của một hành động mang tính đền tạ. Vì vậy, có một loạt chất nổ trong lựa chọn này.
Thêm nữa ngài có quan điểm cởi mở với vấn đề LGBT, nên không làm hài lòng những người bảo thủ nhất của thành đô-Quốc gia Vatican.
Rõ ràng là giáo hoàng muốn có một nhà thần học và một hồng y, ở một số quan điểm nào đó có cùng tầm nhìn với ngài, điều này bị cho là chạm đến những người xem Đức Phanxicô là người phá hoại chính thống, người làm thay đổi truyền thống. Việc bổ nhiệm này rõ ràng là một đẩy nhanh, củng cố một đường lối nào đó của Đức Phanxicô về một số vấn đề luân lý. Ngoài ra với bổ nhiệm này, người ta ít mong đợi hơn về vấn đề vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, vì Đức Phanxicô và tổng giám mục Victor Manuel Fernandez có cách tiếp cận khá cổ điển với vấn đề này, ít cải cách hơn so với quan điểm của một hồng y đến từ Đức hoặc các nơi khác ở châu Âu.
Nhiều nhà quan sát thấy trong những lựa chọn gần đây là mong muốn chuẩn bị cho di sản của mình, và do đó là sự kế vị của ngài. Ông nghĩ sao?
Vấn đề di sản rất quan trọng với Đức Phanxicô, nhưng ngài cũng biết giáo hoàng không thể chỉ rõ ai sẽ là người kế vị, luật cấm làm như vậy. Nhưng có những cách kín đáo để suy nghĩ về việc kế vị và với ngài, một chính trị gia tinh tế, ngài biết dùng ván bài một cách khéo léo, không nêu rõ ai là người thừa kế hoặc một ứng viên nào khả dĩ. Vì như ngạn ngữ Ý nói: “Ai vào mật nghị với tư cách là giáo hoàng, sẽ đi ra là hồng y.”
Tháng 10 năm 2024, Rôma sẽ tổ chức Thượng hội đồng về tính đồng nghị, cao điểm của một suy tư sâu sắc về một Giáo hội cởi mở hơn, ít tập trung hơn. Như ông đã thấy, đây là đường hướng quan trọng trong di sản của Đức Phanxicô. Vì sao?
Thượng Hội đồng này, trong tư cách là một chuyển động, một thảo luận là sự kiện vĩ đại nhất đã xảy ra cho Giáo hội công giáo kể từ Công đồng Vatican II. Điều này sẽ để lại một dấu ấn mà giáo hoàng tiếp theo, dù ngài là ai, sẽ phải có quan điểm của mình: hoặc phớt lờ hoặc đi theo. Tôi nghĩ ngoài việc biết liệu các hồng y muốn biết, có một giáo hoàng châu Âu, châu Phi hay châu Á, nhiều người sẽ tự hỏi: chúng ta muốn một giáo hoàng cho tính đồng nghị và, nếu có thì tính đồng nghị nào? Theo tôi, điều này sẽ đứng đầu danh sách các yếu tố cần xem xét. Vì Thượng Hội đồng này là việc trọng đại mà Đức Phanxicô đã đặt vào trọng tâm Giáo hội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô bất ngờ công bố sẽ phong 21 tân hồng y trong công nghị 30 tháng 9-2023