Victor Manuel Fernandez, một người Argentina khác làm rung chuyển Vatican
Kể từ khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin, hồng y Victor Manuel Fernandez tiếp tục hứng chịu nhiều chỉ trích. Nhưng nhà thần học kín đáo và thân cận với Đức Phanxicô, người chúc phúc cho các cặp đồng tính, nhận trách nhiệm đã tạo ra các căng thẳng.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2024-03-04
Đứng đầu bộ Giáo lý Đức tin tháng 9 năm 2023, hồng y tiếp tục hứng chịu nhiều chỉ trích. Hồng y Fernández tại Vatican tháng 2 năm 2024. RICCARDO DE LUCA / Anadolu qua AFP
Đột nhiên, mọi ánh mắt đổ dồn vào ngài. Cao và gầy, hồng y Victor Manuel Fernandez vừa phát biểu trong căn phòng rộng lớn của Hội trường Phaolô VI. Tháng 10 năm 2023, 364 thành viên nam nữ được Đức Phanxicô triệu tập về Vatican để tham dự thượng hội đồng suy nghĩ về tương lai Giáo hội công giáo. Nếu nhiều người tò mò lắng nghe, thì đó cũng vì tân hồng y, người đứng đầu bộ Giáo lý Đức tin trong chưa đầy một tháng đã thu hút nhiều chỉ trích.
Trong bài phát biểu ngày hôm đó, tân hồng y người Argentina nhấn mạnh đến sự cần thiết phải sống “niềm vui Tin Mừng”. Ngài nói về bản chất, các quy tắc của Giáo hội không nên ngăn cản “niềm vui”. Ở tuổi 61, người chính thức bảo vệ giáo điều không nói một cách ngẫu nhiên. Ngài muốn làm rõ sự thay đổi trong phong cách Đức Phanxicô xin ngài thực hiện: thúc đẩy thần học hơn là đi tìm những lỗi lầm về giáo lý.
Bài đọc thêm: Một cuộc cách mạng trong bộ Giáo lý Đức tin?
Một nghị phụ có mặt trong phòng họp nhớ lại: “Người này có vẻ hơi kỳ lạ.” Trong những giờ nghỉ giải lao, ngài ít giao tiếp, đôi khi ngài về văn phòng làm việc hoặc ngồi một chỗ để lần hạt. Kể từ khi đứng đầu “học thuyết đức tin” tháng 9 năm 2023, hồng y Fernández, người ký tuyên bố Fiducia supplicans cho phép chúc phúc cho người đồng giới, được xuất bản vào tháng 12, ngài là người nhiều người nói đến nhưng không ai nhìn thấy. Ngài sống bên trong bức tường Vatican, nơi ngài hiếm khi rời đi. Một kín đáo mà ngài tuân theo với các công việc riêng của ngài. Một nguồn tin của Vatican thở dài: “Ngài không phải là người ghé qua các văn phòng để hỏi xem công việc diễn tiến như thế nào.” Một người khác nói: “Ngài là người cô độc.”
Bài đọc thêm: Phép lành cho các cặp đồng tính: các lý do được Vatican cho phép
Dọn Giáo triều ra ngoài Rôma
Đầu tháng 7 năm 2023, việc bổ nhiệm thần học gia Argentina vào vị trí chiến lược, người rất thân thiết với Đức Phanxicô vì từng là một trong những nhà lý thuyết ở đất nước Argentina, đã có tác dụng như một quả bom ở Giáo triều Rôma. Vai trò thiết yếu của ngài trong việc soạn thảo các tài liệu chính của giáo hoàng, gồm những tài liệu tế nhị và gây tranh cãi nhất như tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia, tông huấn về gia đình, là một bí mật ai cũng biết. Nhưng không ai tưởng tượng ngài là người bảo vệ đầy quyền năng cho các giáo điều của Giáo hội công giáo. Với Giáo triều Rôma, trách nhiệm của ngài rất nặng nề: mọi người ở Rôma đều nhớ đến những phát biểu của ngài với nhật báo chính của Ý Corriere della Sera, ngài cho rằng chính quyền Vatican là một “cấu trúc không thiết yếu”. Ngài đi xa đến mức muốn dọn Vatican ra bên ngoài Rôma.
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô nói về các cặp vợ chồng bất hợp lệ: “Chúa chúc phúc cho mọi người”
Mọi người ở Rôma đều biết, năm 2009 Vatican đã phản đối việc bổ nhiệm ngài làm Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Argentina. Và nếu cuối cùng ngài được bổ nhiệm, đó là nhờ sự can thiệp của Đức Bênêđíctô XVI, của tổng giám mục Buenos Aires vào thời điểm đó… một Jorge Mario Bergoglio nào đó. Mười bốn năm sau, ngài được thăng chức như một “trả thù” của Đức Phanxicô với Giáo triều.
Được Đức Phanxicô chọn vì phẩm chất của một thần học gia
Là cựu giám đốc phân khoa Thần học ở Buenos Aires, chủ tịch Hiệp hội Thần học Argentina, chủ tịch Ủy ban Đức tin và Văn hóa của tòa giám mục Argentina, nhưng ngài được Đức Phanxicô chọn vì phẩm chất của một thần học gia. Một bổ nhiệm ngài đã từ chối lần đầu, trước khi ngài được yêu cầu lại vào tháng 6 năm 2023. Lúc đó Đức Phanxicô đang ở bệnh viện, ngài đang hồi phục sau ca phẫu thuật, ngài gọi điện thoại. Theo các nguồn tin của Vatican, lập luận chính của Đức Phanxicô rất rõ ràng: nếu Fernandez phải về Rôma, đó là để giúp giáo hoàng Argentina, người sắp kết thúc triều của mình, làm cho huấn quyền của giáo hoàng trở nên “mạch lạc hơn”. Một cách để củng cố di sản thần học của ngài.
Bài đọc thêm: Tổng giám mục Víctor Manuel Fernández: “Một tháng trước, tôi nói với giáo hoàng tôi không chấp nhận”
Fernandez nhượng bộ. Không phải không cảnh báo cho Đức Phanxicô: “Sẽ có chiến tranh chống lại tôi.” Đức Phanxicô trả lời: “Anh sẽ đương đầu được.” Có phải là để lường trước những chỉ trích này mà vài ngày sau, Đức Phanxicô gọi cho hồng y Gerhard Müller, nhà phê bình gay gắt và cựu bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin để xin hồng y “làm bạn” với nhà thần học Argentina không?
Một quyển sách về cực khoái
Fernandez đã đúng: chưa đầy mười ngày sau khi được bổ nhiệm, một số người ở Hoa Kỳ đã tìm thấy một trong những tác phẩm đầu tay của ngài xuất bản năm 1995, Nghệ thuật hôn, trong đó ngài viết hơn 20 trang ca ngợi nụ hôn như một biểu hiện của tình yêu. Các nhà phê bình lại chỉ trích ngài trong một ấn phẩm không phù hợp, xuất bản năm 1999 về “niềm đam mê huyền bí”. Tác gia tả chi tiết các đặc điểm của cực khoái ở phụ nữ và nam giới, đặc biệt dựa trên mô tả cơ quan sinh dục của nam và nữ, đồng thời liên kết khoái cảm tình dục với “khoái cảm thần bí”.
Đối với những người thân thiết với ngài, hồng y Victor Manuel Fernandez bảo vệ “những quyển sách sách dành cho tuổi trẻ” được xuất bản khi ngài đồng hành với các sinh viên và các cặp vợ chồng trẻ tại một giáo xứ của giới lao động ở ngoại ô Buenos Aires. Không đủ để xoa dịu đối thủ của mình. Một trong nhiều nhà phê bình nói: “Ngài đã bị mất uy tín nặng.”
Một văn bản tương lai về “phẩm giá con người”
Theo một nguồn tin Mỹ-La tinh ở Giáo triều thì hồng y Fernández – “một chuyến tàu không có gì làm dừng lại”, đã tiếp tục con đường của ngài, giữa tháng 12 ngài xuất bản tuyên bố Fiducia supplicans, cho phép chúc phúc cho các cặp vợ chồng “bất thường”, tạo một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong Giáo hội. Một trong các bạn Rôma của hồng y than thở: “Giáo hoàng đã không thực sự ủng hộ hồng y”.
Bài đọc thêm: Loạt đạn đầu tiên của “khẩu đại bác Fernandez” làm rung chuyển Vatican
Dù sao “cuộc chiến” của hồng y Fernandez lên kế hoạch vẫn chưa kết thúc. Ngài đang chuẩn bị xuất bản một tài liệu mới, lần này ngài viết về “phẩm giá con người”. Văn bản này được các thần học gia Rôma phát triển trong 5 năm, được xem lại kỹ từ khi ngài về bộ Giáo lý Đức tin. Một yêu cầu rõ ràng của giáo hoàng. Mục tiêu: giới thiệu các chủ đề trọng tâm của triều giáo hoàng như như di cư, môi trường, trong khi phiên bản đầu tiên chỉ giới hạn ở các chủ đề đạo đức sinh học. Tài liệu gần như đã sẵn sàng và có thể tạo ra một cú sốc mới. Dự trù sẽ xuất bản vào cuối tháng ba.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch