Đức Phanxicô: chống lại sự lạnh nhạt biếng nhác bằng sự kiên nhẫn của đức tin

67

Đức Phanxicô: chống lại sự lạnh nhạt biếng nhác bằng sự kiên nhẫn của đức tin

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 14 tháng 2 tại Hội trường Phaolô VI

Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 14 tháng 2, Đức Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về các tính tốt tính xấu, tuần này ngài nói về tính lạnh nhạt biếng nhác. Ngài giải thích, chúng ta phải chiến đấu với “con quỷ buổi trưa” này, nó chịu trách nhiệm về “cái chết báo trước” và tin rằng Chúa Giêsu không bỏ rơi chúng ta trong cơn cám dỗ.

vaticannews.va, 2024-02-14

Đức Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về tính tốt tính xấu, tuần này ngài giảng về thói lạnh nhạt biếng nhác, “con quỷ” tìm cách phá hủy “niềm vui ở đây và bây giờ” và chúng ta có thể chống lại bằng sự kiên nhẫn của đức tin.

Lạnh nhạt biếng nhác còn hơn cả lười biếng

Mở đầu bài giảng, ngài xác định lười biếng là một hậu quả hơn là một nguyên nhân: “Khi một người nhàn rỗi, uể oải, hững hờ thì chúng ta nói họ lười biếng, nhưng như khôn ngoan của các tổ phụ sa mạc ngày xưa đã dạy, gốc rễ thường là acedia, nghĩa đen là ‘thiếu quan tâm’. Vì thế theo Đức Phanxicô, thuật ngữ acedia (lạnh nhạt biếng nhác) thích hợp hơn, tuy thuật ngữ này ít được biết đến hơn.”

Ngài nói tiếp: “Đó là một cám dỗ rất nguy hiểm. Nạn nhân là người như bị một cơn tử thần đè bẹp: họ cảm thấy ghê tởm mọi thứ, mối quan hệ của họ với Chúa trở nên nhàm chán, ngay cả những hành động thánh thiện nhất, những hành động trong quá khứ đã sưởi ấm trái tim họ, giờ đây với họ dường như hoàn toàn vô dụng.”

Lạnh nhạt biếng nhác, con quỷ giữa trưa

Lạnh nhạt biếng nhác cũng còn được định nghĩa là “con quỷ lúc nửa đêm”, nó gây bất ngờ vào giữa ban ngày, khi mệt mỏi lên cao và những giờ phút sắp đến dường như đều đơn điệu, không thể sống được. Đức Phanxicô kể lại Tổ phụ Evagrius, tu sĩ ở thế kỷ thứ 4 đã mô tả cám dỗ này là “con mắt của kẻ lười biếng liên tục tìm kiếm cửa sổ (…) Khi đọc, kẻ lười biếng thường ngáp và dễ bị buồn ngủ. Tóm lại, kẻ biếng nhác không siêng năng làm công việc của Chúa”.

Với độc giả ngày nay, các mô tả này “giống như bệnh trầm cảm về mặt tâm lý và triết học”, vì thực sự, với những người bị kìm kẹp bởi lạnh nhạt “cuộc sống mất đi ý nghĩa, cầu nguyện trở nên nhàm chán, mọi trận chiến dường như vô nghĩa”. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Vì thế sự thiếu suy nghĩ xuất hiện như lối thoát duy nhất, họ giống như người đang chờ chết.”

Sự kiên nhẫn của đức tin

Để giải quyết vấn đề này, ngài nhắc lại các phương thuốc đã được các bậc thầy về linh đạo vạch ra, đặc biệt là phương thuốc “kiên nhẫn của đức tin”. Đức Phanxicô giải thích: “Nếu, dưới đòn roi của sự lạnh nhạt, ước muốn của con người là được ở một nơi khác, trốn chạy thực tế, thì ngược lại, chúng ta phải có can đảm ở lại và đón nhận ‘ở đây và bây giờ’ của mình, trong hoàn cảnh hiện tại với sự hiện diện của Thiên Chúa. Con quỷ lạnh nhạt biếng nhác tìm cách phá hủy ‘niềm vui đơn giản ở đây và bây giờ’, nó muốn làm cho chúng ta thành nạn nhân của nó, nghĩ rằng không có gì có ý nghĩa, không có gì phải lo lắng cho cái gì, cho ai.”

Trận chiến quyết định

Đức Phanxicô so sánh thói lạnh nhạt biếng nhác như một trận chiến quyết định mà bằng mọi giá chúng ta phải thắng, một trận chiến không tha cho cả các thánh. Các thánh dạy chúng ta phải kiên nhẫn suốt đêm bằng cách chấp nhận sự nghèo khó của đức tin và khuyến khích chúng ta giữ mức độ cam kết vừa tầm tay, đặt ra những mục tiêu dễ làm hơn, đồng thời kiên trì chống lại bằng cách trông cậy vào Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong cám dỗ.

Kết thúc bài giảng, Đức Phanxicô nhắc: “Đức tin bị dày vò bởi thử thách của biếng nhác lạnh nhạt, nhưng đức tin không mất giá trị của nó. Ngược lại, đó là đức tin đích thực, đức tin rất nhân bản, bất chấp mọi sự, bất chấp bóng tối mù quáng, vẫn khiêm tốn tin.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch