Pauline Déroulède chiến đấu để thắng điều phi lý
Bị một người lớn tuổi lái xe tông năm 2018 ở Paris khi cô 27 tuổi, cô bị mất một chân. Hôm nay, nhà vô địch quần vợt khuyết tật người Pháp đã có chân giả, cô muốn giành huy chương Thế vận hội Paralympic mùa hè năm 2024. Cô đang đấu tranh để Pháp bãi bỏ cấp bằng lái xe vĩnh viễn.
lavie.fr, Corine Chabaud, 2024-01-22
Nhà vô địch quần vợt khuyết tật này thích thi đấu không cần chân giả để giảm trọng lượng. Cô vận động để có an toàn giao thông. Léa Crespi – La Vie
Cô là ngôi sao đang lên của môn quần vợt xe lăn. 33 tuổi, Pauline Déroulède đã là nhà vô địch Pháp của môn này từ năm 2021. Cô là người đứng thứ 13 trên thế giới trong bộ môn này. Cô chỉ tham gia các môn thể thao dành cho người khuyết tật vào năm 2019 dù thời trẻ cô từng chơi quần vợt.
Tháng 1 năm 2024, cô sẽ thi đấu giải Grand Slam ở Melbourne, Úc. Nhưng suốt năm năm qua, mục tiêu của cô hướng đến Thế vận hội Paralympic ở Paris mùa hè này. Không chỉ để tham gia, mà còn để giành chiến thắng. Cô hào hứng: “Tôi nóng lòng muốn được ở đó.” Ngày ngày cô tập luyện ở Yvelines, được nhóm của cô giám sát kỹ: huấn luyện viên, người lo thể lý, nhà vật lý trị liệu: “Tôi có các phương pháp điều trị để khỏe mạnh, châm cứu, làm mạnh bắp thịt. Tôi sẽ không mạnh nếu không có đội ngũ này.”
Cô ngồi xe lăn để đánh quần vợt, nhưng không mang chân chỉnh hình để giảm trọng lượng. Thời gian còn lại cô đứng. Cô di chuyển nhờ đầu gối carbon điện tử, được trang bị bằng một bộ vi xử lý cực kỳ thông minh, giúp phát hiện tốc độ đi bộ của cô. Cô chỉ bỏ chân giả khi đánh quần vợt hoặc khi đi ngủ, đôi khi ban ngày nếu cô bị đau. Cô thừa nhận: “Với một chiếc chân giả, mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Nếu chỉ muốn thay giày thì phải cởi ra tất cả và mất rất nhiều thì giờ. Cả một gánh nặng tinh thần, vượt xa sự thiếu tiện nghi.”
Hình. Léa Crespi – La Vie
Đời sống đảo lộn
Ngày 27 tháng 10 năm 2018, cuộc đời cô thay đổi hoàn toàn. Kể từ đó, đã có một trước và một sau. Ngày hôm đó, Pauline Déroulède, 27 tuổi, đang ngồi ở Paris trên chiếc xe gắn máy ở trạm dừng trên đường Conventio. Lần đầu tiên cô được mời đến thăm người anh trai của cô Typhaine, bạn đường của cô. Hai người dừng lại ở một cửa hàng hoa để mua hoa. Pauline đội mũ bảo hiểm đợi ở ngoài. Đột nhiên, một lỗ đen lớn. Khi cô mở mắt ra, cô ở cách đó 50 mét. Người đầy máu, chân trái bị lìa.
Cô nghĩ đây là một vụ khủng bố. Nhưng cô vừa bị một chiếc xe chạy với tốc độ 80 cây số/giờ tông. Người tài xế đã ngoài chín mươi, đã nhầm bàn đạp phanh và bàn đạp thắng. “Ông đã hủy cuộc đời của hai người khác: một cô gái trẻ bị thương nặng; một chàng trai trẻ hôn mê sáu tháng và bây giờ một số khả năng của anh đã vĩnh viễn không còn.”
Kể từ đó, Pauline dẫn đầu một cuộc đấu tranh: cô đấu tranh với các chính trị gia Pháp để họ thông qua dự luật chấm dứt cấp bằng lái trọn đời. Như ở Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, v.v., nhưng không phải ở Đức hay Pháp. Đến một số tuổi nào đó, người lái xe phải qua kiểm tra năng khiếu. Không phải nhắm vào tuổi như những người chương trình dựa vào đó để lên tiếng. Cô nhấn mạnh: “Tôi tôn trọng người lớn tuổi, họ có thể là ông bà nội ngoại của tôi. Nhưng đôi khi một người đàn ông 80 tuổi còn khỏe mạnh hơn một người 50 tuổi mắc bệnh Parkinson ở giai đoạn đầu.”
Sau tai nạn, người đang dạy quần vợt đã chọn môn thể thao này cho sinh hoạt thể thao khuyết tật của cô. Khi còn nhỏ, cô mơ ước trở thành vận động viên hàng đầu. Léa Crespi – La Vie
Tâm hồn của một nữ chiến binh
Tai nạn đã không làm thay đổi nhân cách của cô. Phong cách của cô là tấn công. Hậu duệ xa của Paul Déroulède, sĩ quan và nhà thơ, người sáng lập Liên đoàn những người yêu nước vào thế kỷ 19, cô bác bỏ hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của ông đã truyền cảm hứng cho chủ nghĩa phát xít, cô tự nhận mình là người “không có màu sắc chính trị”. Nhưng cô có tâm hồn của một chiến binh. Hôm qua, cô là người sống hết mình. Hôm nay, trong quần vợt, cô vẫn là chiến binh sống hết mình.
Cô nói: “Tôi thích khi trận đấu diễn ra nhanh và khó, bùm bùm!” Sau khi tốt nghiệp đại học về thương mại, lấy bằng truyền thông tại đại học Sorbonne, vừa học vừa làm tại France Télévision, cô làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau. Chịu trách nhiệm casting, cuối cùng cô là phụ tá đạo diễn, được thuê làm việc ở Eurosport. Cô cho biết: “Công việc của tôi đòi hỏi rất nhiều về thể chất. Tôi phải đứng hàng giờ, chạy quanh phim trường.” Cô còn dạy quần vợt cho trẻ em. Sau tai nạn, cô rất tiếc phải bỏ công việc ở đài truyền hình. Cô phải thích nghi với tình trạng mới của mình. Cô chọn môn quần vợt dành cho người khuyết tật. Cô tâm sự: “Tôi nhớ khi còn nhỏ, tôi đã mơ trở thành vận động viên hàng đầu. Giấc mơ đã thành nhưng trong một cơ thể khác.”
Dù chân bị cưa, cô đã có thể tự đứng dậy được, đó là nhờ các bác sĩ tại bệnh viện quân đội Percy, ở Clamart (Hauts-de-Seine), cô được điều trị tại đây 8 tháng để phục hồi chức năng. Xe cứu thương lập tức đưa cô đến bệnh viện này vì vết thương của cô như vết thương trong chiến tranh, cô đã mất quá nhiều máu. Và bệnh viện này là trung tâm truyền máu lớn.
Pauline Déroulède vẫn gần gũi với những người chăm sóc cô. Các giáo sư, các bác sĩ phẫu thuật cho cô. Các y tá túc trực bên giường bệnh đã an ủi, nâng đỡ tinh thần cho cô. Nhờ họ mà nỗi sợ hãi và giận dữ đã tan biến: “Họ tác động rất nhiều trên tôi. Năm 2021, khi tôi nhận Huân chương danh dự của Những người xứng công, tôi mời họ đến dự.” Cô được mọi người hỗ trợ. Cha mẹ đứng bên cạnh cô.
Tháng 7 năm năm 2022, Typhaine và Pauline trở thành mẹ của Ava. Typhaine là nhà báo, cô nói với người bạn đang bị thương nằm dài trên mặt đất: “Pauline đừng lo, tôi sẽ yêu bạn suốt đời.” Những lời “siêu hiện thực” có khả năng mang lại cho cô một “sức mạnh phi thường”.
Nói chuyện với người gây tai nạn
Cô tâm sự: “Tôi đã thiếu điều gì trong cuộc sống của tôi trước đây? Đó là cảm nhận cát hay nước dưới chân tôi ở bãi biển. Đơn giản là đi bằng hai chân. Sống vô tư, hồn nhiên.” Nhìn lại những hình ảnh ngày xưa, nhìn bức hình đứng trên hai chân của mình, vẫn là điều không thể với cô. Quá đau đớn.
Cô vẫn còn uống thuốc an thần các bác sĩ cho toa. Cô tiếp tục theo các buổi EMDR (Giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động của mắt, tích hợp thần kinh-cảm xúc qua chuyển động của mắt), để điều trị “các tia sáng hình ảnh và âm thanh của vụ tai nạn”. Trái tim của mẹ cô vẫn còn rỉ máu, và Pauline hiểu mẹ hơn khi bây giờ cô cũng là người mẹ: “Chúng ta đau khổ hơn khi nhìn con bị đau.” Bản thân cô nén nỗi buồn đôi khi chợt đến khi màn đêm buông xuống.
Nhưng cuộc sống vẫn đi đến đàng trước với tiếng cười và những huy chương của nó. Sau khi gặp cô, nhà văn Philippe Labro nhận xét: “Cô là tấm gương tuyệt vời của một nghị lực sống.” Theo cha của cô, cô là người dám nghĩ dám làm, ông cổ động cho thỉnh nguyện thư đòi chấm dứt bằng lái trọn đời.
Bây giờ cô là đại sứ cho hãng thời trang cao cấp Dior của Pháp, với hình xăm ở mắt cá chân, đấu tranh để nước Pháp có các thử nghiệm kỹ năng lái xe, đấu tranh để gặp cụ già đã tông cô. Nhân danh công lý phục hồi, cô muốn trao đổi với ông. Ông từ chối. Sau đó, cô được nói chuyện với ông qua hội thoại truyền hình.
Cô bị lúng túng khi ông gọi cô bằng tên. Tôi cần biết câu chuyện và con người của ông để hiểu vì sao ông còn lái xe. Ông trả lời tất cả các câu hỏi của tôi. Điều đáng chú ý là khi ông nhận ra nếu luật bắt ông không được lái xe thì ông sẽ tôn trọng. Vì ông biết ông không thể tự quyết định ngưng lái xe, nó quá khó với ông. Ông nói: “Tôi là tội phạm, tôi là kẻ sát nhân.” Tôi trả lời: “Nhưng không, tôi chưa chết.”
Ông già bị dày vò lương tâm qua đời hai năm sau đó, trước khi có phiên tòa mà cô thực sự mong muốn được làm chứng. Cô cảm thấy thương xót, nhưng không thể nói lời tha thứ, cô bị một “nỗi buồn vô tận” xâm chiếm.
Ngày 27 tháng 10 năm 2018, khi nhìn bàn tay đẫm máu nhưng còn nguyên vẹn, Pauline Déroulède nghĩ: “Phiu! mình sẽ có thể tiếp tục chơi Chopin!” Cô cho biết: “Tôi đã học 20 năm ở nhạc viện dương cầm. Tôi đàn guitar và hát cho con gái tôi nghe. Âm nhạc, một đam mê khác cứu mọi chuyện. Tốt hơn uống thuốc chống trầm cảm.”
Tháng 9 năm 2019, ủy ban quần vợt Yvelines đã chào đón cô và mời bà Aurélie Somarriba, huấn luyện viên thể thao giúp cô. Kể từ đó, cô quyết tâm tập luyện. Léa Crespi – La Vie
Sẵn sàng cho Thế vận hội
Thế vận hội Paralympic Mùa hè sẽ bắt đầu ngày 28 tháng 8. Cô Pauline rất vui được thi đấu tại Roland-Garros, nơi huyền thoại của thế giới quần vợt. Cô vui vì thi đấu diễn ra ở Pháp, lần thứ hai sau 100 năm. Cô cảm nhận sự phấn khích điên cuồng của người dân Pháp. Cô nói: “Tôi đã chuẩn bị suốt năm năm. Mỗi sáng ngủ dậy tôi đều nghĩ về nó. Đó là mục tiêu của tôi. Hiện tại, tôi có những buổi tranh đấu, tôi sống các sự kiện này để thao dượt cho sự kiện trọng đại.” Kể từ khi bị tai nạn, quyết chí của cô đã mang hơi hướm tiên tri.
Ở phòng hồi sức, cô nói với những người thân yêu: “Đừng quá lo, tôi sẽ tham dự Thế vận dành cho người khuyết tật năm 2024.” Một điều chắc chắn sẽ sớm được thực hiện. Cô nói: “Với tôi, thể thao ở cấp độ cao nhất là công cụ tốt nhất để tái xây dựng cuộc đời.” Cô muốn mình hữu ích cho người khác để thay đổi cách nhìn của chúng ta về người khuyết tật. Với chân trái mang thiết bị chỉnh hình, cô đã nhận không biết bao chứng từ của những nạn nhân bị tai nạn, những người tàn tật không phải lúc nào cũng kiên cường, những người mà cô mang lại hy vọng cho họ. “Thông điệp của họ làm tôi xúc động vô cùng. Chính vì đội quân nhỏ bé trong bóng tối này đã làm cho tôi phải chiến thắng.”
Và bây giờ nhà vô địch quần vợt xe lăn Pauline Déroulède là đại sứ mới của Nhà thời trang cao cấp Dior cho Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024.
Marta An Nguyễn dịch