Chiêm tinh học dựa trên cái gì?
Theo khảo sát của Ifop, gần một nửa số thanh niên từ 11-24 tuổi ở Pháp xem chiêm tinh là một môn khoa học. Từ bản đồ thiên văn cho đến những lá số tử vi được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, nó bao gồm những gì? Giáo hội nghĩ gì? Giải thích.
la-croix.com, Christel Juquois, 2024-01-11
Chiêm tinh học là gì?
Chiêm tinh học phương Tây bắt nguồn từ nền văn minh Lưỡng Hà, ba ngàn năm trước thời đại chúng ta, nền văn minh này chia đường cong được vẽ bởi quỹ đạo của mặt trời thành 12 phần bằng nhau, liên kết với các chòm sao.
Trong bối cảnh đó, nhìn từ Trái đất, các chuyển động của Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh trong hệ mặt trời cho thấy những điều bất thường nào đó mà người xưa xem là những thông điệp thiêng liêng cần được giải thích. Philippe Zarka, nhà thiên văn học tại Đài thiên văn Paris giải thích: “Chính trên những điều bất thường rõ ràng này mà các nhà chiêm tinh dựa vào để đưa ra dự đoán của họ”. Chịu ảnh hưởng của người Lưỡng Hà, người Hy Lạp đã để lại cho chúng ta những cung hoàng đạo như chúng ta đã biết.
Thiên văn học và chiêm tinh học từ lâu vẫn có mối liên hệ với nhau, ngay cả khi các học giả đã phân biệt chúng từ thời Cổ đại. Chính từ thế kỷ 16, với Copernicus, Galileo, Newton, Kepler, sự phân chia đã bắt đầu. Nhưng ngay cả ngày nay, các nhà chiêm tinh vẫn tiếp tục khẳng định lịch sử chung cổ xưa này. Dù bầu trời của họ không còn là bầu trời của các nhà thiên văn học, ông Zarka giải thích: “Kể từ khi phát minh ra chiêm tinh học, các chòm sao di chuyển trên bầu trời và các dấu hiệu chiêm tinh không còn tương ứng với chúng nữa. Chiêm tinh học cũng chưa tính đến những khám phá của thiên văn học: tính chất vật lý của các ngôi sao, hành tinh mới, các lỗ đen… Ngày nay, chiêm tinh học không có cơ sở trong thiên văn học và khoa học hiện đại, và các thử nghiệm thống kê đã chứng minh ảnh hưởng của chiêm tinh học không tồn tại.”
Nguyên tắc chính của nó là gì?
Đối với ông Serge Bret-Morel, cựu chiêm tinh gia, chúng ta có thể định nghĩa chiêm tinh học theo cách nó được áp dụng ngày nay ở phương Tây, “một tập hợp các niềm tin và thực hành gắn liền với việc dùng công cụ chiêm tinh, gồm một hệ thống các dấu hiệu, của các nhà và các góc. Nó dựa trên nguyên tắc những gì xảy ra trên bầu trời đều có liên quan đến những gì xảy ra trên Trái đất. Nhờ vào vị trí của các hành tinh trong 12 cung hoàng đạo và 12 cung nhà (cấu trúc ngày) tại một thời điểm và địa điểm nhất định, nhà chiêm tinh phát triển một “biểu đồ” để họ dự đoán các sự kiện hoặc để mô tả tâm lý, những điểm mạnh, điểm yếu, các mối quan hệ của một người…
Những giải thích này được hướng dẫn bởi một hệ thống phức tạp của những biểu tượng tương ứng. Rất sơ đồ, mỗi dấu hiệu gắn liền với một tính cách, một cách tồn tại, với mỗi ngôi nhà theo một loại hoạt động của con người. Các hành tinh có biểu tượng của chúng. Cũng gồm trong phương trình này là các yếu tố của bốn nguyên tố, nước, lửa, không khí và đất… Chính trong sự kết hợp của tất cả các biểu tượng này mà nhà chiêm tinh rút ra được chất liệu để họ giải thích.
Chúng ta tìm kiếm gì trong chiêm tinh học?
Theo bà Michèle Mazilly, chiêm tinh gia trong bốn mươi năm, khách của bà là những người đi tìm lời khuyên cho đời sống tình cảm, lựa chọn nghề nghiệp, hướng dẫn con cái… Đôi khi bà phải đứng trước những người đang đau khổ. Bà nói: “Trong những trường hợp này, một cách có hệ thống, tôi đề nghị họ đi gặp một tâm lý gia, một người huấn luyện (coach), tôi không làm những việc này.” Với nhiều người, đây là công cụ phát triển cá nhân giúp họ hiểu chính mình.
Ngày nay, với mạng xã hội, chiêm tinh học đã thay đổi quy mô. Những người trẻ bị quyến rũ bởi một phương thức giao tiếp dựa trên sự nhẹ nhàng và hài hước, nhưng cũng qua hệ thống của những biểu tượng mang vẻ huyền bí cổ xưa. Họ đến để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi của họ, như một trò chơi để tìm hiểu bản thân nhưng họ cũng đi tìm một ý nghĩa cho cuộc sống, khả năng xây dựng một câu chuyện về cuộc đời và tương lai của họ.
Bà Michèle Mazilly lưu ý: “Hiện nay có một cuộc đi tìm đời sống thiêng liêng vô cùng lớn, nhưng thật ra đây là một loại thời trang. Nhiều người tìm trên Internet một hình thức bói toán, hướng dẫn tâm linh mà tôi thấy nguy hiểm. Chiêm tinh học là một kỹ thuật hơn là một niềm tin”.
Từ giữa thế kỷ 20, những trang chiêm tinh tràn ngập trên các báo bình dân, mỗi ngày các báo đăng một lần. Ông Serge Bret-Morel lưu ý: “Với các thông báo từ mạng xã hội hoặc trên ứng dụng, người trẻ xem suốt ngày, họ ở trong những loại niềm tin này, họ không dè chừng vì chúng hiển hiện công khai mọi nơi mọi lúc. Mối nguy hiểm của những niềm tin lan tỏa này là chúng có thể dẫn đến một sự phân biệt đối xử nào đó, điều có hại nhất là họ dựa trên chiêm tinh của những ứng viên, khi họ tuyển những người này vào những chức vụ trong ban điều hành.”
Giáo hội nghĩ gì về chiêm tinh học?
Từ thế kỷ thứ 4, trong Công đồng Laodicea (364), Giáo hội đã lên án chiêm tinh học. Tuy nhiên, trên thực tế, Giáo hội vẫn khá khoan dung. Ngày nay, giáo lý của Giáo hội công giáo tiếp tục bác bỏ bất kỳ việc tìm kiếm lời tiên đoán nào về tương lai: “Việc tham khảo tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải thích các điềm báo và bùa chú, các hiện tượng bói toán, việc nhờ đến nhà ngoại cảm cho thấy ước muốn của một quyền lực vượt thời gian, lịch sử và cuối cùng là quyền lực con người, đồng thời với mong muốn dung hòa các quyền lực ẩn giấu” (số 2116).
Linh mục Jean-François Meuriot, giáo phận Marseille, thành viên ban giám sát các niềm tin mới tại Hội đồng Giám mục Pháp, giải thích: “Điều Giáo hội không chấp nhận là ý tưởng cho rằng tương lai sẽ được viết trước và số phận con người đã được quyết định”. Trên thực tế, Giáo hội bảo vệ thực tế của một ý chí tự do, không phù hợp với ý tưởng về một số phận, một định mệnh. Giáo hội đưa ra nguy cơ, trong chiêm tinh học, việc thần thánh hóa các vì sao, không phù hợp với thuyết đơn thần của kitô giáo.”
Tuy nhiên, linh mục Meuriot uyển chuyển: “Tôi sẽ phân biệt giữa việc xem chiêm tinh và việc thiết lập sao theo ngày sinh. Việc này có thể là một công cụ để hiểu biết bản thân. Theo tôi, nó để lại cho con người quyền tự do lựa chọn và không nói gì về tương lai của họ.” Ngài trích dẫn Ptolémée: “Các ngôi sao thiên về nhưng không bắt buộc.”
Ngài cũng nhắc đến lễ Hiển Linh người công giáo vừa cử hành: “Tin Mừng tường thuật các đạo sĩ, những người khôn ngoan và học thức ở phương Đông đi tìm Chúa. Chính ngôi sao đã dẫn họ đến với Hài Nhi trong máng cỏ. Điều này có nghĩa, Thiên Chúa có thể nói chuyện với con người thông qua vũ trụ và không chỉ giới hạn ở các quy luật của vật chất. Sau đó Tin Mừng cho biết các nhà thông thái trở về nhà “bằng con đường khác”. Theo tôi có nghĩa, sau khi gặp được ánh sáng của Thiên Chúa nơi Chúa Hài Đồng, họ không còn cần đến ánh sáng của ngôi sao để hướng dẫn họ nữa.
Từ thiên văn học đến Internet
Thế kỷ thứ 2: nhà toán học Ptolémée, nhà địa lý, nhà thiên văn học sống ở Ai Cập, đã xuất bản Tetrabible, chuyên luận đầu tiên về chiêm tinh học.
Thế kỷ 4-5: Đế chế la-mã kết thúc, chiêm tinh học suy tàn, bị Giáo hội lên án trong các hội đồng Laodicea (364) và Toledo (400).
Thời Trung cổ: Chiêm tinh chiếm vị trí quan trọng trong các triều đình, cả ở các giáo hoàng.
Phục hưng: Chiêm tinh học và thiên văn học tách biệt rõ rệt sau những khám phá của Johannes Kepler (1571-1630).
1682: Vụ đầu độc đã dẫn đến việc Pháp lên án “thầy bói, pháp sư và thầy phù thủy lợi dụng lòng tin của công chúng dưới chiêu bài xem tử vi và bói toán”.
Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20: Sự trỗi dậy của chiêm tinh học. Một số chuyên luận chiêm tinh ở Pháp được viết bởi các linh mục.
1932: Trang chiêm tinh đầu tiên ở Pháp trên Báo Phụ nữ.
1968: Thiết lập Astroflash, máy chiêm tinh tự do sử dụng ở đại lộ Champs-Élysées, Paris.
2019: Ứng dụng Co-Star có 7,5 triệu người dùng. Ước tíng có 40 triệu đôla doanh thu của chiêm tinh học trên Internet ở Hoa Kỳ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch