“Năm 2024, năm nhảy vọt thiêng liêng?”

86

“Năm 2024, năm nhảy vọt thiêng liêng?”

la-croix.com, linh mục Laurent Stalla-Bourdillon, giáo sư tại Viện Bernardins

Thần học gia Laurent Stalla-Bourdillon tiếc cho các tôn giáo đã trở thành những dấu hiệu cho thấy họ có bản sắc hơn là nguồn sinh lực thiêng liêng thực sự. Linh mục bảo vệ tầm quan trọng của việc suy ngẫm về tôn giáo và đức tin trong một thế giới chịu nhiều đau khổ.

Linh mục Laurent Stalla-Bourdillon, giáo sư tại Viện Bernardins

Bị một số người sợ hãi, được một số người khác quý trọng, bị cuốn vào sự hỗn loạn của thế giới, liệu năm 2024, các tôn giáo sẽ là tác nhân của đoàn kết hay là nhân tố mới gây chia rẽ? Tính hiện đại của chúng ta đã không vượt qua được nhu cầu tin tưởng cũng như nhu cầu mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại. Ngay cả trí tuệ nhân tạo có khả năng sáng tạo cũng được lập trình để trả lời mọi câu hỏi cho các chủ đề tôn giáo. Nhưng các trí tuệ nhân tạo không có sự sống cũng như tâm trí. Chúng không thể làm gì cho những gì mỗi người phải làm trong cuộc sống của mình mà không thể ủy thác nó cho bất kỳ ai.

Từ quan điểm nhân học, các tôn giáo phản ánh phần này của những điều chưa biết về sự hiện hữu mà không một tư duy con người nào có thể giải thích được. Như triết gia Pháp Blaise Pascal đã nói, các tôn giáo là lời nhắc nhở thường xuyên rằng “con người vượt trội hơn con người một cách vô tận”. Ý tưởng về “Chúa” khẳng định sự trường tồn của một điều gì đó mà những sinh vật thông minh như chúng ta không thể biết được. Sự u minh này thường xuất hiện như một khiếm khuyết không thể chịu nổi và đáng xấu hổ.

Nếu trong thế kỷ 20, nỗ lực loại bỏ Thiên Chúa khỏi chân trời tư tưởng làm cho con người xem mình là người tự quy chiếu, thì việc loại bỏ ước muốn khao khát ý nghĩa – việc tìm kiếm sự siêu việt – dường như là nỗ lực của thế kỷ 21: làm cho con người trở nên hoàn toàn minh bạch với chính mình và làm cho con người từ bỏ việc đi tìm sự thật vượt quá họ. Chỉ có một ngạc nhiên cho điều vượt trội này.

Giải phóng các tôn giáo khỏi sự giả mạo của chúng

Dưới góc độ chính trị, tôn giáo tham dự vào việc quản trị con người. Các chế độ chuyên quyền biết điều này, họ thấy tôn giáo là công cụ hỗ trợ rất mạnh mẽ cho hoạt động chính trị của họ. Thật không may, nhiều cuộc xung đột lại lấy lý do tôn giáo để biện minh cho mong muốn thống trị. Việc cầu xin ý trời để áp đặt thường tạo ra hỗn loạn trên trái đất. Vì vậy, nhiều người đương thời xem tôn giáo là tai họa và nguyên nhân gây ra chiến tranh. Với lý do chính đáng, họ quay lưng lại với tôn giáo. Giải phóng các tôn giáo khỏi sự giả mạo của chúng vẫn là nhiệm vụ sẽ không bao giờ hoàn thành. Từ bỏ tôn giáo không làm cho chúng ta mạnh hơn, trái lại, nó làm chúng ta mong manh hơn khi đức tin đòi hỏi lý trí, và lý trí lại kích thích đức tin.

Từ nhiều năm nay, chúng ta thấy toàn cầu hóa kinh tế và công nghệ không tạo ra một nhân loại đoàn kết hơn. Công nghệ mang chúng ta đến gần nhau hơn, nhưng không làm chúng ta trở thành anh em. Ai có thể giúp nhân loại suy nghĩ về sự hợp nhất của mình? Con đường hướng tới sự hợp nhất này là con đường duy nhất có khả năng giải phóng nhân loại khỏi sự phi lý của các cuộc chiến tranh. Đức Phanxicô không mệt mỏi kêu gọi chúng ta khám phá trong tình bạn và tình huynh đệ câu trả lời cho “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh” này. Nhân loại rõ ràng đang bị thách thức bởi sự đoàn kết của mình và nhất thiết phải khám phá ra chìa khóa để những bi kịch trong lịch sử nhân loại không lặp lại. Đây là mong muốn thân yêu nhất của chúng ta cho năm 2024!

Các dấu hiệu bản sắc

Các thuộc về tôn giáo đã trở thành dấu hiệu bản sắc hơn là nguồn năng lực cho trí tuệ và tinh thần. Xa rời chức năng kết nối và thống nhất của tôn giáo qua việc tìm kiếm và lắng nghe sự thật, về mặt chính trị, tôn giáo phục vụ như một lực lượng loại trừ. Ở Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, hệ quy chiếu tôn giáo thúc đẩy các diễn từ về chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước. Chúng ta sẽ không cứu các tôn giáo bằng cách bỏ chúng cho những kẻ làm hư hỏng chúng, cũng như không nương tựa vào những con đường thiêng liêng cá nhân mới mà không có khuôn khổ thể chế.

Đứng trước các chế độ chuyên chế chính trị-tôn giáo mới, nỗ lực chung là phải tập trung vào sự thật về bản chất con người. Khoa học đã đạt được tiến bộ to lớn về kiến thức của các sinh vật sống trên trái đất. Các tôn giáo phải được truyền cảm hứng từ đó để chiêm ngưỡng sự khôn ngoan vốn là nguyên tắc của nó. Với tín hữu kitô, khôn ngoan này có khuôn mặt của Chúa Giêsu, khuôn mặt tình yêu của Chúa Kitô. Việc xóa bỏ kitô giáo ở châu Âu, một nghịch lý và cũng là một may mắn đã loại bỏ tôn giáo ra khỏi thách thức của quan hệ quyền lực. Nó không phải – và không được phép tìm cách trở thành – một tôn giáo thống trị, mà là một tôn giáo phục vụ. Nếu kitô giáo tham gia vào trò chơi bắt chước những kẻ chinh phục, kitô giáo sẽ hoàn toàn làm hại chính mình.

Tuy nhiên trên hết, sự tiến bộ thực sự của tôn giáo đã dẫn đến việc tôn trọng lương tâm, đảm bảo lương tâm là nơi biểu hiện của Thiên Chúa đối với loài người được Chúa tạo dựng. Kitô giáo không có mục tiêu tìm chiến thắng mà là biểu hiện của sự thật được mạc khải do sức mạnh duy nhất của chính sự thật. Người tín hữu kitô chỉ có tình yêu là ngôn ngữ phổ quát để biến đổi thế giới này và làm cho nó trở nên dễ thở. “Người tín hữu kitô không phải chỉ là người không theo hồi giáo, do thái giáo, thần đạo,  ấn độ giáo… người tín hữu kitô là người duy nhất có một tình yêu, trong đó họ sống một tình yêu và chỉ tiếp xúc với người khác bằng tình yêu, khơi dậy một tình yêu mới.” Thần học gia Maurice Zundel (1897-1975) giải thích thêm, “với người tín hữu kitô, điều tốt không phải là việc gì đó để làm, nhưng là ai đó để yêu thương.”

Củng cố mệnh lệnh kitô giáo

Những căng thẳng tôn giáo quan sát trên thế giới chỉ củng cố mệnh lệnh kitô giáo. Điều cấp thiết là phải tố cáo sự giả mạo chính trị của các tôn giáo. Kitô hữu không nên tìm cách chinh phục để hoàn thiện nhân tính của mình, điều mà phần lớn vẫn chưa được hoàn thiện. Chính sự hiệp nhất của gia đình nhân loại duy nhất mà kitô giáo muốn phấn đấu bằng tất cả sức lực của mình. Nhân loại không thể thoát khỏi cái ác đang gặm nhấm nó. Không thể tạo ra một nhân loại mới cả về mặt kỹ thuật, chủng tộc, lẫn tôn giáo. Nhân loại phải để mình được yêu thương và khám phá từ một cái nhìn không đến từ nó: cái nhìn của Chúa Kitô.

Châu Âu, nơi đã chứng kiến kitô giáo sinh ra những hoa trái đẹp đẽ nhất, giờ đây phải tìm ra những bậc thầy thiêng liêng sống theo quan điểm này. Chúng ta thấy rõ khi chúng ta nói lời tạm biệt với ông Jacques Delors, châu Âu đang bối rối tìm cách làm chứng cho sự hiệp nhất mà nó đã nhận được trong Chúa Kitô. Châu Âu, cùng với nước Pháp và các quốc gia trong đó, mang lại lợi ích cho mọi người, nhận thức rằng khả năng yêu thương phổ quát đã được ký thác trong mỗi con người. Thái độ cởi mở với điều vượt ra ngoài bản thân này có thể vượt qua nỗi đau khi sống trong thế giới khép kín. Đó là sự phục vụ tốt đẹp và cấp bách nhất mà các tôn giáo có thể cùng nhau thực hiện.

Ước mong năm mới 2024, năm sẽ chứng kiến các cuộc bầu cử ở châu Âu, việc mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà Paris, việc chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 là năm trong đó hòa bình và hợp nhất chiến thắng, vì thế chúng ta cầu xin cho năm 2024 là năm nhảy vọt của một sự kiện thiêng liêng vĩ đại!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch