Trong khi các Giáo hội ở Châu Phi tuyên bố “không” trên châu lục với khả năng chúc phúc cho các cặp đồng tính do Đức Phanxicô phê chuẩn, thì một trang khó khăn lại mở ra cho việc quản trị Giáo hội. Phỏng vấn Massimo Faggioli, nhà sử học tôn giáo.
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2024-01-12
Đức Phanxicô ban phép lành sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican. ALESSIA GIULIANI/CATHOLIC PRESS PHOTO
Ngoài sự phản đối thông thường với triều Đức Phanxicô, những phản ứng với tài liệu được bộ Giáo lý Đức tin công bố tháng 12 vừa qua về khả năng chúc phúc cho các cặp đồng tính, đặc biệt là lời nói “không” của châu lục Phi châu mở ra một cuộc khủng hoảng về việc quản trị Giáo hội và các vấn đề về tính đồng nghị. Những hiểu biết sâu sắc của thần học gia, nhà sử học tôn giáo người Ý Massimo Faggioli ở Hoa Kỳ.
Có phải có một hình thức chống đối mới với Đức Phanxicô đang nổi lên không?
Giáo sư Massimo Faggioli. Trong những tháng gần đây, chúng ta chứng kiến những trường hợp chống đối mới, chẳng hạn trường hợp linh mục ở Ý bị vạ tuyệt thông latae sententiae sau khi tuyên bố giáo hoàng là “kẻ tiếm mạo”. Tình tiết này xảy ra cùng lúc với việc các giám mục và hồng y có quan điểm chống lại tài liệu của Vatican về các chúc phúc Fiducia supplicans. Tiến trình này tạo ấn tượng có một phong trào chống lại giáo hoàng Phanxicô đang bùng phát.
Đây có đúng là tình trạng này không?
Điều duy nhất có thể nói, đây là thời điểm rất tế nhị trong triều giáo hoàng, vì đây là lần đầu tiên sau 10 năm, ngài soạn các tài liệu và ấn định quy tắc với hồng y Víctor Manuel Fernández, gần gũi với sự nhạy cảm của ngài, ngài đã bổ nhiệm hồng y kèm theo một thư sứ mạng cá nhân. Những người tiền nhiệm của hồng y được đánh dấu bằng một nhạy cảm khác, gần gũi với Đức Joseph Ratzinger hơn. Với Fernandez, Đức Phanxicô có thể tiến xa trong việc thực hiện tầm nhìn của mình, và thử nghiệm đầu tiên không diễn ra suôn sẻ cho lắm.
Bài đọc thêm: Chúc phúc cho các cặp đồng tính: Vatican trả lời các chỉ trích
Đáng ngạc nhiên là tương đối hàng giám mục Mỹ ít có phản ứng chống đối tài liệu này…
Đây thực sự là một ghi nhận thú vị. Tại Hoa Kỳ, sự phản đối Đức Phanxicô đã bắt đầu ngay từ đầu triều. Một phong trào khá lớn đã bắt đầu hình thành do giới trí thức, một số giám mục và một số hồng y lãnh đạo, một bộ phận lớn hàng giáo sĩ Mỹ và đặc biệt là giáo dân có cán cân tài chánh đáng kể. Những người Mỹ tương đương với Vincent Bolloré, nhưng đông đảo và có tổ chức hơn. Vì vậy, sau khi tài liệu chúc phúc được công bố, họ không có sự phản đối lớn nào vì những người có thể phản đối đang bận theo đuổi một chiến lược khác.
Họ làm việc ngầm, họ xây các trường học, trung tâm đào tạo và trường đại học mới. Họ tài trợ cho các phương tiện truyền thông công giáo và hoạt động như thử đã là thời hậu Đức Phanxicô. Tương tự như vậy, ở Đông Âu, Ba Lan, Ukraine, Hungary, việc chúc phúc này củng cố các phong trào nền tảng thầm lặng mang tính chiến lược, nơi mà mọi con mắt đã hướng về giai đoạn kế tiếp: mật nghị và bầu cử giáo hoàng tiếp theo. Trong bối cảnh này, không thể loại trừ khả năng mật nghị tiếp theo, và vì thế các hồng y do Đức Phanxicô chọn, sẽ bầu ra một người bảo thủ hoặc một người cực đoan.
Vậy thì một hình thức phản đối thầm lặng mới?
Đúng vậy, một số giám mục, linh mục và thần học gia đã ngưng nói trước quần chúng và trực tiếp chống đối Đức Phanxicô. Tại Hoa Kỳ, một số giám mục và hồng y lo ngại triều giáo hoàng này sẽ trở thành một loại triều giáo hoàng ma trong nước, theo nghĩa một giáo hoàng họ ngừng lắng nghe. Việc một số biện pháp mới nhất đã được thực hiện cũng không giúp được gì. Nếu Fiducia Supplicans được xuất bản vào cuối thượng hội đồng, nó sẽ có tính hợp pháp hơn. Vì thế tình hình rất phức tạp. Tôi chưa bao giờ thấy một tài liệu nào từ Văn phòng Tòa Thánh bị tấn công dồn dập như thế này. Và những phản ứng này có thể thay đổi động lực tại Thượng Hội đồng bằng cách tạo cho mọi người ấn tượng, bất cứ điều gì những người tham gia nói, cuối cùng mọi việc sẽ được Vatican và giáo hoàng quyết định. Đối với tính đồng nghị, đây là một bản văn tế nhị. Nhưng không chỉ có vậy.
Chúc phúc cho các cặp đồng tính, một cuộc nổi dậy chưa từng có
Có nghĩa là?
Từ nhiều năm nay, Đức Phanxicô dựa nhiều vào các mối liên hệ cá nhân của ngài để có thông tin rồi đưa ra quyết định, bỏ qua hệ thống thể chế, cơ quan quản lý, Hồng y đoàn, cơ quan ngoại giao… Vào thời điểm bộ Giáo lý Đức tin công bố thông báo, Hội đồng Hồng y (C9) đang tổ chức một cuộc họp ở Rôma về một chủ đề khác. Và làm thế nào bộ Phụng vụ lại không can dự vào việc chúc phúc này? Mặt khác, trong hiến chế mới của Giáo triều, Đức Phanxicô đã đặt phúc âm hóa trước học thuyết đức tin, điều mà trong những ngày này đang được dư luận chú ý. Đâu là ý nghĩa của tất cả những chuyện này? Mỗi người dường như đóng vai trò riêng của mình và cách làm việc này đã cô lập giáo hoàng trong chính guồng máy của ngài.
Hậu quả của việc lục địa châu Phi từ chối Fiducia Supplicans là gì, sau cuộc tham vấn của hồng y Ambongo đưa ra tại các hội đồng giám mục?
Thật khó để trả lời câu hỏi này, vì cuộc khủng hoảng này sâu sắc hơn sự chống đối Đức Phanxicô mà chúng ta đã trải qua trong những năm đầu tiên. Tôi không quá lo lắng về một số ít người cực đoan xem là dị giáo trước mỗi quyết định của giáo hoàng – bởi vì họ luôn giống nhau, những người nghi ngờ thông thường – nhưng tôi lo trước làn sóng ngầm mới này. Trong những năm 1960 hoặc 1970, chúng ta có một danh sách hạn chế các vấn đề nhạy cảm (ngừa thai và phụ nữ, đó là những vấn đề chủ yếu liên quan đến người châu Âu và Bắc Mỹ).
Bài đọc thêm: Fiducia Supplicans, các giám mục Pháp nhấn mạnh: Chúa Giêsu không đến để kêu gọi người công chính mà kêu gọi kẻ tội lỗi
Hiện nay các vấn đề đang nổi lên không chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nhỏ người công giáo mà còn ảnh hưởng đến lục địa châu Phi đang phát triển của đạo công giáo. Đây là vấn đề mang tính hệ thống. Tôi không chỉ nói về mặt số lượng, vì Giáo hội công giáo không tính đến số lượng để phát triển. Nhưng vì nó liên hệ đến khả năng kết nối của Giáo hội với giáo dân của mình. Một pháo đài phía Nam, nơi Đức Phanxicô tiếp tục thể hiện sự gần gũi của ngài kể từ khi bắt đầu triều.
Liệu tính đồng nghị có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này không?
Tôi nghĩ tính đồng nghị vẫn là một cơ hội tuyệt vời. Vấn đề lớn nhất của Giáo hội như sau: làm thế nào để duy trì sự hiệp nhất trong việc chấp nhận ý tưởng và thực tế có những tình huống và những cách khác nhau để tiếp cận các vấn đề trên thế giới? Các Giáo hội địa phương đã có được một ít thẩm quyền và tự do trong các vấn đề phụng vụ, nhưng với các Giáo hội còn lại, vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Cá nhân tôi khó có thể tưởng tượng Giáo hội công giáo lại có cùng một chính sách về cách đối xử với vai trò của phụ nữ trong Giáo hội ở mọi nơi trên thế giới. Một số quốc gia sống trên các hành tinh khác nhau khi nói đến những vấn đề này.
Bài đọc thêm: Tổng giám mục Hervé Giraud: “Đức Phanxicô muốn mang một ý nghĩa khác đến cho việc chúc lành”
Bây giờ Đức Phanxicô phải đối diện với vấn đề hiệp nhất trong đức tin, một hiệp nhất mà hơn bao giờ hết ngài phải là dấu chỉ hữu hình trước sự đa dạng vốn đã tồn tại, nhưng giờ đây sự đa dạng này xuất hiện một cách đầy đủ. Vì thế mệnh lệnh có hai mặt: nhận ra tính đặc thù của các bối cảnh và duy trì dấu chỉ hữu hình của sự hiệp nhất. Nếu không, giáo dân quay sang các tiên tri giả, các chính trị gia hoặc các nhân vật truyền thông, những người tự cho mình là người theo chủ nghĩa giáo hoàng hơn là giáo hoàng.
Liệu vấn đề thẩm quyền của các Giáo hội địa phương có nên được xem xét nghiêm túc hơn vào tháng 10 tới không?
Đây là điều đáng mong muốn, nhưng về điểm này, Đức Phanxicô đụng vào một trong những nỗi lo sợ của ngài: Thượng hội đồng sẽ trở thành một nghị viện. Hơn cả việc chuyển đổi các cơ cấu và thể chế, ngài đặt phong cách “đối thoại thiêng liêng” vào trọng tâm của thượng hội đồng đầu tiên. Ở đây chúng ta đề cập đến một trong những nghịch lý của triều giáo hoàng: một giáo hoàng có trực giác tuyệt vời về tính đồng nghị nhưng lại có một guồng máy ngày càng tập trung hơn.
Marta An Nguyễn dịch