Hướng tới mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa thánh?
Việc bổ nhiệm tổng giám mục Marek Zalewski đánh dấu bước đột phá đáng kể trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh | © Media Vatican
cath.ch, Ban biên tập với các Giáo hội châu Á, 2024-01-03
Theo tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng, tổng giám mục giáo phận thành phố Hồ Chí Minh và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, việc tổng giám mục Marek Zalewski đến Việt Nam với tư cách là đại diện giáo hoàng thường trú đầu tiên kể từ năm 1975 là “dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự hiệp thông giữa Giáo hội Việt Nam và Đức Thánh Cha”. Việc bổ nhiệm này có báo hiệu việc tái lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam không?
Năm nay, các giám mục Việt Nam hy vọng sẽ chính thức hóa quan hệ ngoại giao giữa nước Việt Nam cộng sản và Vatican, trước lễ Giáng sinh, các giám mục chào đón tổng giám mục Marek Zalewski, đại diện giáo hoàng đầu tiên thường trú tại Việt Nam kể từ năm 1975. Ngày 23 tháng 12, Đức Phanxicô bổ nhiệm giám mục Zalewski sau khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao, sau chiến thắng của cộng sản ở miền Nam Việt Nam năm 1975.
Tổng giám mục Zalewski, 60 tuổi, gốc Ba Lan, từng là sứ thần Tòa thánh tại Singapore, và là đại diện giáo hoàng không thường trú tại Việt Nam kể từ năm 2018. Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng với văn phòng thường trực, tổng giám mục Zalewski sẽ là dấu hiệu hiệp thông rõ ràng và hữu hình hơn giữa Giáo hội Việt Nam và Đức Thánh Cha.”
Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi tổng giám mục Zalewski được bổ nhiệm, tổng giám mục Nguyễn Năng nhấn mạnh, nhiệm vụ mới của tổng giám mục Ba Lan là “kết quả của sự tiến bộ” được thực hiện trong 14 năm qua thông qua của “Nhóm làm việc chung Việt Nam-Vatican”, được thành lập năm 2008. Ngài sẽ đóng vai trò cầu nối ngoại giao để Giáo hội địa phương có thể phát triển các hoạt động khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng xã hội.
“Một khoảnh khắc lịch sử”
Về phần mình, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam, bình luận về việc bổ nhiệm tổng giám mục Zalewski, ông xem đây là “thời khắc lịch sử” mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam-Vatican. Theo ông, điều này góp phần cải thiện mối quan hệ giữa Giáo hội công giáo tại Việt Nam và Giáo hội hoàn vũ. Thông tấn xã Việt Nam bình luận, việc bổ nhiệm này giúp cho Nhà nước và Giáo hội tại Việt Nam vượt qua những khác biệt lịch sử và nỗ lực xây dựng một mối quan hệ ngoại giao thực sự.
Năm 1975, chính phủ Việt Nam trục xuất Đức ông Henri Lemaitre, lúc đó là sứ thần Tòa thánh, khỏi miền Nam Việt Nam và cắt đứt mọi quan hệ với Vatican sau khi đất nước thống nhất dưới sự cai trị của đảng cộng sản. Ngày nay, theo số liệu chính thức của chính phủ, Giáo hội công giáo Việt Nam có 7 triệu giáo dân, 8.000 linh mục, 41 giám mục và 11 chủng viện. Có khoảng 3.000 giáo xứ công giáo trong nước, gần 7.700 cơ sở hạ tầng do Giáo hội địa phương điều hành.
Tháng 7 năm 2023, Vatican và Việt Nam đã ký một thỏa thuận lịch sử đồng ý bổ nhiệm đại diện giáo hoàng thường trú và thành lập văn phòng Tòa thánh tại Việt Nam. Điều này xảy ra hơn một thập kỷ sau khi Tòa Thánh bổ nhiệm tổng giám mục Leopoldo Girelli năm 2011 làm đại diện giáo hoàng không thường trú. Ngài giữ vai trò này ở Việt Nam cho đến tháng 9 năm 2017, và tổng giám mục Zalewski được bổ nhiệm vào vị trí này 8 tháng sau đó.
Tổng giám mục Marek Zalewski sinh năm 1963 tại Augustów, Ba Lan. Ngài vào đại chủng viện ở Łomża năm 1983 và được thụ phong linh mục sáu năm sau đó. Sau khi lấy bằng tiến sĩ giáo luật tại Giáo hoàng Học viện Gregorian năm 1995, ngài gia nhập ngành ngoại giao Vatican. Ngài từng là đặc phái viên Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, Cộng hòa Trung Phi, Anh, Đức, Thái Lan, Singapore và Malaysia cho đến năm 2014, khi ngài được phong làm tổng giám mục và được bổ nhiệm làm sứ thần tòa thánh tại Zimbabwe.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Năm 2023 đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican