Năm 2023 đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican

142

Năm 2023 đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican

Đức Phanxicô gặp chủ tịch Võ Văn Thưởng và phái đoàn Việt Nam ngày 27 tháng 7 – 2023

Năm 2023, Việt Nam đã ký một thỏa thuận lịch sử về việc bổ nhiệm đại diện thường trú của giáo hoàng tại Việt Nam. Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã mời Đức Phanxicô đến thăm Giáo hội địa phương.

cath.ch, cùng với Giáo hội châu Á, 2023-12-28

Tháng 7 vừa qua, Vatican và chính quyền Việt Nam đã phê chuẩn một thỏa thuận được chờ đợi từ lâu cho phép có một đại diện giáo hoàng thường trú và mở văn phòng chính thức tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Theo linh mục Antôn Quỳnh, hai bên đã tiến gần hơn tới quan hệ ngoại giao chính thức sau cuộc gặp mùa hè vừa qua giữa Đức Phanxicô và chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, ông đã chính thức mời giáo hoàng đến thăm Việt Nam.

Hà Nội chính thức mời Đức Phanxicô đến thăm Việt Nam

Tháng 3 vừa qua, theo thông cáo báo chí được công bố sau cuộc họp, Nhóm làm việc chung Việt Nam-Tòa Thánh đã gặp nhau tại Vatican để thảo luận sâu hơn về mối quan hệ song phương, “đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến Giáo hội công giáo tại Việt Nam”. Theo thông cáo, hai bên tái khẳng định quyền tự do của Giáo hội trong khuôn khổ luật pháp, nhằm thực hiện sứ mệnh của mình vì lợi ích của toàn xã hội. Cả hai bên đều nhất trí, người công giáo ở Việt Nam tiếp tục đi theo ơn gọi của mình là “người công giáo tốt và công dân tốt”.

Tòa Thánh và Việt Nam ký Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam

Quan hệ với một nhiều nhóm tôn giáo Mỹ

Chính phủ Việt Nam cũng đã phát triển mối quan hệ với các nhóm tôn giáo ở Hoa Kỳ để nhận được sự ủng hộ của họ. Vì vậy, tháng 10 vừa qua, Ban Tôn giáo Chính phủ đưa tin, một phái đoàn Việt Nam (do ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng bộ Nội vụ dẫn đầu) đã thảo luận về nhân quyền và tự do tôn giáo với đại diện chính phủ Mỹ và các tổ chức thiên chúa giáo Mỹ, trong đó có Liên minh giáo phái phúc âm thế giới và Giáo hội Mặc Môn (Mormon).

Phái đoàn Việt Nam cũng đã gặp tổng giám mục Gabriele Giordano Caccia, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc. Ông Thắng được giao nhiệm vụ tạo áp lực với bộ Ngoại giao Mỹ để chính phủ Mỹ bỏ Việt Nam ra khỏi “danh sách theo dõi đặc biệt”.

Theo Ủy ban Tôn giáo, tính đến năm 2023, cơ quan giám sát hoạt động của tất cả các nhóm tôn giáo ở Việt Nam đã cho phép 55 tình nguyện viên Mặc Môn người Mỹ tham gia các hoạt động từ thiện ở một số vùng của Việt Nam. Ngoài ra vào tháng 3, hiệp hội truyền giáo Hoa Kỳ Billy Graham đã tổ chức một sự kiện tôn giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh có 14.000 người tham dự, họ hát thánh ca và chia sẻ Kinh Thánh.

Nới lỏng các quy định về tôn giáo

Linh mục Ignatius Nguyễn Quang Anh, 76 tuổi, giáo xứ Lộc Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhìn nhận chính phủ đang tìm cách đến gần hơn với khoảng bảy triệu người công giáo Việt Nam, ca ngợi họ vì họ có nhiều đóng góp để phục vụ nhu cầu vật chất, tâm lý của người dân có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo linh mục Quang Anh, chủ tịch Võ Văn Thưởng là chủ tịch nước đầu tiên đã đến thăm trụ sở Hội đồng Giám mục Việt Nam (tháng 8 vừa qua sau cuộc gặp với Đức Phanxicô và hồng y Parolin tại Vatican).

Ngày 14 tháng 12, ông cũng đã gặp tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, giáo phận Huế để chuyển lời chúc Giáng sinh đến người công giáo trên toàn nước.

Cha Ignatius Anh giải thích trong những năm gần đây chính phủ đã nới lỏng các quy định về tôn giáo bằng cách không giới hạn số chủng sinh xin vào các chủng viện và dòng tu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của giáo hội. Ngoài ra, các giáo phận địa phương có thể tổ chức các cuộc tụ họp tôn giáo lớn hơn. Và nhờ đó, từ ngày 19 đến 20 tháng 11 tại Hà Nội, gần 20.000 bạn trẻ đến từ 10 giáo phận phía Bắc đã tham gia buổi họp mặt thường niên tại giáo xứ Bến Đông (thuộc tổng giáo phận Hà Nội). Ngày 8 tháng 12, 30.000 tín hữu cũng đã tham dự lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cui, tỉnh Đồng Nai.

Mời Đức Phanxicô đến thăm Việt Nam

Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho 48 tổ chức tôn giáo địa phương, trong đó có các giáo xứ và giáo đoàn công giáo. Cha Anh cho biết, dù chính phủ vẫn còn can thiệp vào quá trình bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận Việt Nam, nhưng năm nay chính phủ đã phê chuẩn ba tân giám mục – Phêrô Lê Tấn Lợi, Pierre Kiều Công Tụng và Giuse Huỳnh Văn Sỹ của các giáo phận Cần Thơ, Phát Diệm và Nha Trang.

Vatican cũng bổ nhiệm giám mục Lu-i Nguyễn Anh Tuấn, Giám quản Tông tòa Hà Tĩnh làm giám mục thường trú của giáo phận này; giám mục Giuse Đặng Đức Ngân, giáo phận Đà Nẵng, làm tổng giám mục phó với quyền kế vị giáo phận Huế. Trong số 27 giáo phận của cả nước, Ban Mê Thuột và Đà Nẵng vẫn chưa có giám mục.

Một số người công giáo cho rằng sự cải thiện trong quan hệ Việt Nam-Vatican là nhờ tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Vào tháng 10, lần đầu tiên tổng giám mục mời Đức Phanxicô đến gặp người công giáo Việt Nam, tổ tiên của họ đã đón nhận đức tin công giáo từ các nhà truyền giáo nước ngoài cách đây gần 500 năm.

Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng, giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ hy vọng mối quan hệ giữa Tòa thánh và chính phủ Việt Nam tiếp tục phát triển “để một ngày nào đó chúng ta có cơ hội chào đón Đức Thánh Cha. Người công giáo Việt Nam rất mong muốn được tụ tập quanh vị đại diện của Chúa Kitô, Đấng thúc đẩy, củng cố sự hiệp thông và sự tham gia của chúng ta vào sứ mệnh truyền giáo”.

Marta An Nguyễn dịch

Thời gian lớn hơn không gian. Ngoại giao của Tòa Thánh và “bài học Việt Nam