Hà Nội chính thức mời Đức Phanxicô đến thăm Việt Nam
asianews.it, 2023-12-15
Thông tin được phát sóng ở Việt Nam trước lễ Giáng sinh: chính phủ Việt Nam đã chính thức mời Đức Phanxicô đến thăm đất nước. Lời mời – được Ủy ban Tôn giáo Chính phủ Hà Nội công bố – nằm trong bức thư của Chủ tịch Võ Văn Thưởng gởi Vatican trong những ngày gần đây. Tiến trình được diễn ra sau cuộc gặp giữa nguyên thủ quốc gia Việt Nam với Đức Thánh Cha ngày 27 tháng 7 vừa qua, một Thỏa thuận được ký tại Rôma sau nhiều năm hội nghị, mở đường cho một đại diện thường trực của Tòa thánh tại Việt Nam .
Thông báo của chính phủ được đưa ra bên lề chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam nhân dịp Giáng sinh đến Tổng giáo phận Huế. Phát biểu với tổng giám mục Nguyễn Chí Linh, các linh mục và giáo dân, chủ tịch Võ Văn Thưởng nhấn mạnh đến sự đóng góp của người công giáo trong việc phát triển đất nước. Đề cập đến cuộc gặp với Đức Phanxicô cách đây vài tháng, chủ tịch nước cho biết, “Đức Phanxicô có cái nhìn trìu mến với người dân Việt Nam”.
Trên chuyến bay từ Mông Cổ về Rôma tháng 9 vừa qua, Đức Phanxicô đã nói về một chuyến đi Hà Nội có thể có: “Nếu tôi không đi, chắc chắn Đức Gioan XXIV sẽ đi…”, ý ngài muốn nói người kế vị ngài sẽ đi. Cách đây vài ngày trong một phỏng vấn với AsiaNews, giám mục Lu-i Nguyễn Anh Tuấn, giáo phận Hà Tĩnh cho biết: “Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã chờ giáo hoàng từ lâu, chúng tôi đã muốn mời ngài”, ngài cũng nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa hoàn cảnh người công giáo Việt Nam ngày nay với người công giáo Trung quốc: “Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn, chính phủ mạnh mẽ, họ muốn kiểm soát. Còn chính phủ Việt Nam cần thế giới và mong được sự giúp đỡ kinh tế từ các quốc gia khác. Ngày nay Việt Nam là quốc gia cởi mở và tin tưởng vào người công giáo.”
Vì tình trạng sức khỏe và tuổi cao của Đức Phanxicô – ngày 17 tháng 12 ngài sẽ 87 tuổi – nên khó hình dung ngài có thể đi sớm được hay không. Nhưng lời mời của Chủ tịch nước Việt Nam cho thấy đã có một bước tiến xa hơn hướng tới việc thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, vốn bị gián đoạn từ năm 1975. Và cũng khẳng định mối quan hệ mới giữa chính phủ và cộng đồng công giáo địa phương, một Giáo hội năng động hiện nay có nhiều nhà truyền giáo hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau ở châu Á.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch