Timothy Radcliffe: “Tương lai càng nguy hiểm thì việc cùng nhau đi tìm lợi ích chung càng cấp bách”

128

Timothy Radcliffe: “Tương lai càng nguy hiểm thì việc cùng nhau đi tìm lợi ích chung càng cấp bách”: “Tương lai càng nguy hiểm thì việc cùng nhau đi tìm lợi ích chung càng cấp bách”

Linh mục Timothy Radcliffe, cựu Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh mời gọi chúng ta đừng từ bỏ niềm khát khao hạnh phúc vô tận. Ngài nhấn mạnh: “Hy vọng là sống trong thế giới thực”, ngài giải thích, hy vọng được nuôi dưỡng bằng những cuộc gặp gỡ với những người dám mạo hiểm mạng sống mình vì người khác. Ngài luôn trở về với đức tin mới mẻ từ những nơi chiến tranh ngài đã đến thăm. Những lý do để chúng ta hy vọng.

la-croix.com, bài phỏng vấn của nhà báo Christophe Henning, 2023-12-29

Linh mục Timothy Radcliffe, tu sĩ dòng Đa Minh, nguyên Bề trên Tổng quyền nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tiếp tục hy vọng vào hạnh phúc vô tận. David Hartley / Shutterstock / Sipa 

Làm thế nào để cha định nghĩa hy vọng?

Linh mục Timothy Radcliffe: Trong các tổng hội của Dòng Đa Minh chúng tôi, chúng tôi luôn nhận thấy sự khác biệt hấp dẫn giữa các nền văn hóa “la-tinh” và “Anglo-Saxon”. Các nền văn hóa la-tinh thường bắt đầu cuộc thảo luận bằng việc định nghĩa các thuật ngữ. Chúng tôi, những người Anglo-Saxon, cho rằng sẽ hiệu quả hơn khi để ý nghĩa đầy đủ của các từ xuất hiện khi chúng ta tiếp tục nói chuyện. Vì vậy, tôi rất vui khi thấy ông vẫn trung thành với di sản văn hóa của ông! Và vì lịch sự, tôi xin đề nghị một điều: là tín hữu kitô, hy vọng là tin chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc viên mãn mà chúng ta mong mỏi: đó là Thiên Chúa.

Tại Thượng Hội đồng, cha đã suy niệm về đề tài “Hy vọng chống lại mọi hy vọng”: có cần phải hơi điên rồ, phải hơi không ý thức mới dám hy vọng dù chẳng còn gì để hy vọng không?

Ngược lại, tôi sẽ nói, thật kỳ lạ – thậm chí là điên rồ – nếu KHÔNG hy vọng vào hạnh phúc vô tận này. Con người đôi khi được chạm đến bởi sự khao khát tình yêu vô bờ bến, vô điều kiện này. Nếu chúng ta bác bỏ điều này, xem đó như một ảo tưởng, thì chúng ta đang nói, trong trọng tâm nhân loại chúng ta, có một sự lừa dối. Tôi tin niềm khao khát hạnh phúc vô tận của con người mà đôi khi tất cả chúng ta đều cảm thấy là điều có thật nhất. Hy vọng vào nó là sống trong thế giới thực. Người trẻ biết điều này. Tôi hy vọng rằng giáo dục sẽ không phá hủy niềm hy vọng vốn là cốt lõi bí mật của nhân loại chúng ta.

Thế giới đang rung chuyển bởi các cuộc xung đột ở Palestine và Ukraine: làm sao chúng ta có thể không lo lắng và bị ảnh hưởng bởi bầu khí chiến tranh này? Chúng ta không thể thờ ơ…

Tất nhiên là không! Sẽ là không tốt nếu chúng ta thờ ơ. Khó khăn là chúng ta thấy bạo lực trên các phương tiện truyền thông quá thường đến mức chúng ta dễ dàng thoát khỏi thực tế của nó và nghĩ tất cả chỉ là trò chơi, như thể các cuộc chiến tranh thế giới là những trận bóng chày vô hại. Chỉ cần nhìn thoáng qua nỗi kinh hoàng thực sự của chiến tranh, chúng ta sẽ vô cùng đau xót và sẽ đấu tranh cho hòa bình. Tôi đã xem đoạn video quay cảnh một người lính trẻ Nga bị máy bay không người lái truy lùng, anh biết không thể nào thoát khỏi, anh tự bắn vào miệng. Tôi đã khóc suốt một giờ.

Những lý do gây lo ngại cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng khí hậu: liệu con người có còn cứu được hành tinh của mình không?

Điều này xứng đáng có một câu trả lời rất dài! Tôi chỉ muốn nói một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phá hoại của chúng ta, đó là chúng ta lầm tưởng chúng ta phải phát triển không ngừng. Đó là ảo ảnh. Chúng ta cần một mô hình mới về một kinh tế lành mạnh. Vấn đề thứ hai là chính trị và kinh doanh thường tập trung vào các mục đích ngắn hạn – vào cuộc bầu cử tiếp theo, vào bảng cân đối kế toán cuối năm tài chính. Để đắc cử, các chính trị gia buộc phải hứa những điều họ không thể giữ được. Vì thế mọi chính trị gia đều là các vị cứu tinh thất bại. Ít nhất ở Anh, các đảng chính trị lớn luôn nhấn mạnh không thể tin cậy vào đảng kia. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của các chế độ độc tài. Chắc chắn chúng ta cần khôi phục nền dân chủ có trách nhiệm ở địa phương, trong đó chúng ta được đào tạo để có trách nhiệm hỗ tương với nhau. 

Làm thế nào chúng ta có thể tránh được nỗi sợ khi sống trong thế giới bị bao trùm bởi bạo lực?

Sợ hãi trong một thế giới nguy hiểm là điều tự nhiên. Dũng cảm không phải là không sợ mà là không trở thành tù nhân của sự sợ hãi. Một số người dũng cảm nhất mà tôi biết là những người sợ hãi nhưng vẫn làm điều đúng đắn. Tôi nghĩ đến cha Yvon Pomerleau, tu sĩ dòng Đa Minh người Canada, đã dám về Rwanda trong thời kỳ xảy ra nạn diệt chủng. Quân đội đến tìm kiếm cha trong cộng đoàn chúng tôi: tất cả anh em bị nằm xuống đất, bị tra vấn để tiết lộ tung tích của cha. Cha nói với tôi, cha ở đó, run rẩy vì sợ hãi, nhưng không bỏ chạy. Đó là can đảm thực sự.

Thần học gia dòng Đa Minh Herbert McCabe đã nói: “Nếu bạn yêu, bạn sẽ bị tổn thương và thậm chí bị giết. Nếu bạn không yêu nó, bạn đã chết rồi.” Đúng, chúng ta sẽ bị tổn thương, nhưng Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ và cho họ xem các vết thương của Ngài. Chúng ta là anh chị em của Chúa bị thương tích của chúng ta, và những vết thương của chúng ta là dấu chỉ cho thấy chúng ta đã dám sống và chia sẻ niềm hy vọng của Ngài.

Làm thế nào để tin tưởng khi đối diện với tương lai bấp bênh?

“Tin tưởng” là chữ huyền diệu. Nó có nghĩa đen là “cùng nhau tin tưởng” – con-fidens trong tiếng la-tinh. Chúng ta không hy vọng một mình, nhưng trong cộng đồng đức tin, chúng ta hy vọng. Khi tôi có những nghi ngờ, người có lòng tin tưởng sẽ có thể là người hỗ trợ tôi. Khi họ mất hy vọng, tôi có thể giúp họ. Vì vậy, tương lai càng nguy hiểm thì chúng ta càng phải cùng nhau đi tìm lợi ích chung và không bị nhốt vào sự sống còn của chính mình.

Tin cậy vào Chúa là nơi nương náu hay là một lối thoát?

Tôi đã có may mắn lớn được sống với những người như chân phước Pierre Claverie, vị tử đạo ở Algeria năm 1996. Ngài đã cống hiến cả cuộc đời để đối thoại với những người bạn hồi giáo của ngài. Ngài biết mình sẽ bị giết, nhưng ngài đối diện tương lai với lòng tin tưởng ở Chúa, ngài cho chúng tôi, anh chị em và bạn bè của ngài lòng tin tưởng này. Tôi cũng nghĩ đến Albert Nolan, tu sĩ dòng Đa Minh đã can đảm đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc, dù phải nguy hiểm đến tính mạng ở Nam Phi. Thật đáng khích lệ khi được sống với những người đối diện với những căn bệnh khủng khiếp và cuối cùng là đối diện với cái chết với lòng can đảm và niềm vui.

Hy vọng có thể sinh ra từ đâu: cầu nguyện, gặp gỡ người khác hay đọc Tin Mừng?

Mọi thứ đều có thể đóng góp! Thánh Oscar Romero sợ chết nhưng ngài vượt qua được nỗi sợ này vì ngài là người cầu nguyện. Bí tích Thánh Thể là lời mời gọi hằng ngày để chúng ta sống trong hy vọng. Thánh Thể tái hiện khoảnh khắc từ đêm trước khi Chúa chịu  chết, khi Ngài bị những người bạn thân nhất bỏ rơi và chối bỏ. Tất cả những gì chờ đợi Ngài là tra tấn và cái chết khủng khiếp. Vào thời điểm đen tối kinh khủng này, Ngài đã có hành động hy vọng quảng đại đẹp đẽ nhất. Này là mình Ta… Vì vậy, khi chúng ta mất hy vọng, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là đến với bí tích Thánh Thể, bí tích của niềm hy vọng.

Đâu là những dấu hiệu an ủi cha, hòa giải cha với thế giới?

Mỗi lần tôi đến thăm những nơi có chiến tranh – Iraq, Syria, Rwanda, Angola, v.v. –, tôi luôn trở về với niềm tin, với một hy vọng mới. Chẳng hạn, tôi trân trọng những khoảng thời gian tôi trải qua với các nữ tu Đa Minh ở Iraq. Dù gặp đủ khó khăn, dù bị quân hồi giáo khủng bố cực đoan Daesh trục xuất, dù tương lai bấp bênh, các nữ tu đã chia sẻ niềm tin và hy vọng với tôi và tôi trở về với niềm hạnh phúc mới. Tôi cũng có đặc ân được sống với giới trẻ Đa Minh ở Oxford. Lòng nhân, đức tin và can đảm của họ mang lại cho tôi niềm hy vọng vào tương lai. Cần có một hiệp ước hy vọng giữa các thế hệ, người già chia sẻ niềm hy vọng của họ với người trẻ và ngược lại.

Về cá nhân, điều gì giúp cha tiếp tục đứng vững khi đối diện với khó khăn?

Ngoài bí tích Thánh Thể, có hai điều được liên kết sâu sắc: sự im lặng và tình bạn. Một trong những người bạn thân nhất của tôi là người bạn thời tập sinh David Sanders, đã chết vì Covid. Chúng tôi thường đi nghỉ hè chung và tôi học được, sự im lặng và tình bạn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau như thế nào. David là người cầu nguyện sâu sắc và thầm lặng với Chúa. Đó là nền tảng cuộc đời của anh. Mọi điều anh nói đều bắt nguồn từ đó. Với những người bạn thân nhất, chúng ta có thể im lặng, và vì thế chúng ta nói chuyện sâu sắc hơn và được dẫn đến sự im lặng thậm chí còn sâu sắc hơn. Một số kỷ niệm quý giá nhất của tôi là những lần ở bên bạn bè trong im lặng, trước sự hiện diện của cái đẹp, có lẽ với một ly rượu trên tay! 

Năm mới sắp đến, cha mong gì?

Tôi muốn nghe nhạc nhiều hơn. Tôi nghĩ âm nhạc là điều cần thiết trong việc tìm kiếm hòa bình và hòa hợp của chúng ta. Âm nhạc mở ra cánh cửa siêu việt. Cuộc đời tôi là một cuộc chạy đua điên cuồng, tôi cố gắng làm hàng trăm việc. Tôi phải dành nhiều thì giờ hơn cho âm nhạc. Đó cũng là một chuẩn bị tốt cho đời sống vĩnh cửu, có lẽ không còn xa nữa!

Linh mục Bề trên Tổng quyền Timothy Radcliffe.

Nhà rao giảng rất Anh. Ngài là Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh từ năm 1992 đến năm 2001, ngài có tầm vóc quốc tế, diễn giả xuất sắc với tính hài hước rất Anh. Sau thời gian làm Bề trên Tổng quyền, ngài về cộng đoàn Oxford, tiếp tục giữ vị trí của ngài trong dòng mà ngài là thành viên từ năm 1965… khi ngài không phải đi diễn thuyết tận chân trời góc biển.

Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 10, trước khi bắt đầu công việc tại Thượng Hội đồng, 364 tham dự viên đã tham gia khóa tĩnh tâm “Hy vọng chống lại mọi hy vọng”, được giáo hoàng Dòng Tên mong muốn và đặc biệt được ủy thác cho linh mục Radcliffe.

Ở tuổi 78, ngài tiếp tục đi giảng khắp thế giới, giảng dạy tại Oxford và trả lời các yêu cầu phỏng vấn. Ngài thường xuyên xuất bản các sách tham khảo về đời sống Giáo hội và việc đi tìm đời sống thiêng liêng. Mười hai quyển sách đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, từ quyển đầu tiên Tôi gọi bạn là bạn của tôi (Je vous appelle mes amis, nxb. Cerf, 2001) đến quyển gần đây nhất Hãy chọn cuộc sống! (Choisis la vie, nxb. Cerf, 2020).

Marta An Nguyễn dịch