Vụ án hồng y Becciu, lần đầu tiên với những hậu quả khó lường
Ngày thứ bảy 16 tháng 12, tòa án Vatican kết án hồng y Angelo Becciu 5 năm rưỡi tù đã đặt một tiền lệ mà hậu quả vẫn còn khó đánh giá.
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2023-12-17
Hồng y Giovanni Angelo Becciu, tại vương cung thánh đường Thánh Sabina, Rôma – GRZEGORZ GALAZKA/SIPA
Tại Rôma, mọi người gọi đây là “phiên tòa thế kỷ”. Ngày 16 tháng 12, tòa án gồm các giáo dân và do cựu thẩm phán Giuseppe Pignatone chống mafia chủ trì, đã kết án hồng y Becciu và tám nhân vật khác. Hồng y Becciu, cựu nhân vật thứ ba của Vatican (thư ký dưới quyền của Phủ Quốc vụ khanh) bị kết án 5 năm rưỡi tù giam, phạt 8.000 âu kim và cấm vĩnh viễn thực hiện chức vụ công cộng. Trước đây tòa án đề xướng bảy năm và ba tháng tù. Sau hai năm rưỡi xử, cuối cùng tòa án quyết định bản án năm năm rưỡi tù.
Vì sao có bản cáo trạng 7 năm tù với hồng y Becciu?
Các tội phạm tài chánh
Hồng y bị buộc tội gì? Quản lý yếu kém các quỹ của Phủ Quốc vụ khanh với nhiều tội phạm tài chánh. Hồng y bị kết tội tham ô với các vụ đầu tư rủi ro cao (như mua bất động sản đầu tư ở London làm lỗ 150 triệu âu kim, tài trợ 125.000 âu kim cho một hợp tác nhân đạo do người anh trai của hồng y quản lý, một quỹ thực sự dành cho các hoạt động từ thiện, nhưng tòa phán quyết hoạt động này là bất hợp pháp do mối quan hệ gia đình và việc trả tiền cho bà Cecilia Marogna, người trung gian để trả tự do cho một nữ tu bị bắt cóc ở châu Phi, bà đã dùng tiền vào các các mục đích ngoài sứ mệnh này.
Hồng y Becciu bị kết án 5 năm tù, bài học từ một phiên tòa ngoại thường
Tuy nhiên cần phải nhớ, đây là phán quyết của tòa sơ thẩm, không phải là phán quyết cuối cùng. Trong suốt phiên tòa, hồng y luôn tuyên bố mình vô tội, lập luận rằng ông không làm giàu cho cá nhân dưới bất cứ hình thức nào. Sau phán quyết, luật sư Fabio Vignone của hồng y lập tức nêu ra khả năng kháng cáo: “Chúng tôi tôn trọng bản án nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ nạp đơn kháng cáo”, vì thế kết quả của vụ án vẫn chưa được biết, cũng như hậu quả của phán quyết này trên quy mô lớn hơn sẽ như thế nào.
Nguy cơ tuyệt đối hóa quyền lực của giáo hoàng
Đúng vậy, các ý kiến về uy tín của phiên tòa rất khác nhau. Một số hoan nghênh nỗ lực chống lại các hoạt động tài chính xấu đã tạo ra nhiều vụ tai tiếng trong quá khứ tại Vatican, nhưng cũng có một số chỉ trích cách giáo hoàng xử lý vấn đề, cách chức hồng y khỏi địa vị bộ trưởng bộ Phong thánh và các đặc quyền hồng y – đặc biệt là quyền bỏ phiếu trong trường hợp có mật nghị – ngay cả trước khi phiên tòa diễn ra.
Một số khác chỉ trích giáo hoàng công bố các sắc lệnh ủng hộ lời buộc tội trước khi mở phiên tòa. Họ lo lắng cho một nguy cơ tuyệt đối hóa “quyền lực trần thế” nảy sinh trong luật cơ bản mới của Nhà nước Thành Vatican được công bố vào tháng 5 vừa qua, mở đầu bằng hình thức quy định giáo hoàng “được kêu gọi với quyền tối thượng của Thánh Phêrô với Vatican.” Nhà sử học tôn giáo Alberto Melloni đã viết vào đầu tháng 12: “Điều này có vẻ như thiêng liêng hóa, phù hợp với hành động cải cách đánh dấu triều của ngài, nhưng ngược lại, nó có một hàm ý không rõ ràng”. Vào tháng 5, không ai có thể nói được cơ sở nào cho “ơn gọi” trần thế này của giáo hoàng, vốn được thêm vào ơn gọi mục tử của Giáo hội hoàn vũ. Thật vậy, ngay cả những người bảo vệ ngoan cường nhất của quyền lực trần thế cũng chưa bao giờ khẳng định rằng nó được trao cho Thánh Phêrô một cách đồng nhất với quyền tối thượng và tính không thể sai lầm được do Công đồng Vatican I xác định. Không ai có thể hiểu được ai là nhà giáo luật liều lĩnh đã làm cho giáo hoàng ký một công thức – mà Đức Phanxicô mô tả là “ý thức hệ” – vượt xa hình ảnh của giáo hoàng-vua, trong đó có ít nhất một dấu gạch nối…”
Một nhà nước và các hồng y không thể chê trách được
Tóm lại, vụ án này có cần thiết không? Để cố gắng trả lời câu hỏi, việc nhìn lại lịch sử có thể cho chúng ta một số thông tin để suy ngẫm. Phiên tòa xét xử hồng y Becciu diễn ra trong bối cảnh phát triển một logic về chủ quyền vốn đã có từ khi Thành quốc Vatican ra đời vào năm 1929, khi trao cho Giáo hội công giáo các phương tiện để có thể hoạt động một cách tự do. Quốc gia nhỏ bé Vatican không tránh được cuộc chiến chống rửa tiền và tham nhũng, họ sống trong thời đại này và buộc phải chứng tỏ họ tham gia vào cuộc chiến này với các phương tiện kiểm soát mà họ đã xác định, chẳng hạn như Moneyval. Vụ án tòa nhà London đóng vai trò như một minh chứng về vấn đề này, gắn liền với cuộc cải cách Ngân hàng Vatican nhằm hỗ trợ sứ mệnh cụ thể của Giáo hội và không phải là một ngân hàng có thể thoát khỏi sự kiểm soát quốc tế.
Đức Phanxicô muốn Thành quốc Vatican trở thành một mô hình quản lý tốt, không thể chê trách được trong việc dùng của cải theo hoạt động của Giáo hội. Điều này liên quan đến việc chứng minh các hồng y sẽ không được bảo vệ do địa vị đặc biệt của họ, mà trái lại, họ bị ràng buộc với nghĩa vụ phải có “tư cách tốt”, không được có các “bằng chứng phản bác”. Nhưng việc kết án một hồng y vào tù thực sự có ý nghĩa gì? Nhiều chuyên gia cho rằng thật khó hoặc thậm chí không thể áp dụng một bản án như vậy và tự hỏi làm thế nào Đức Phanxicô sẽ trình bày rõ ràng quyết định cuối cùng của mình với những lời thường xuyên xin ủng hộ để công lý được phục hồi.
Một Giáo triều song song
Một điểm tế nhị khác liên quan đến hậu quả của vụ án là lòng tin. Khi bản án được công bố, nhà sử học và thần học người Mỹ Massimo Faggioli đã bình luận trên tài khoản X-Twitter: “Tôi tự hỏi đâu là hậu quả của việc lên án hồng y Becciu sẽ tác động trên quan hệ và lòng tin tưởng giữa giáo hoàng và Hồng y đoàn.” Vấn đề tin tưởng là rất quan trọng trong bối cảnh nhiều thành viên Giáo triều và các giám mục hiện đang thấy mình mất phương hướng, do điều mà họ cho là thiếu rõ ràng trong các cải cách và quyết định đang diễn ra. Lý do, khuynh hướng của giáo hoàng bỏ qua các cơ quan thông thường, mà qua các cơ quan riêng của ngài – điều mà đằng sau hậu trường bị cho là sự quản lý của một “Giáo triều song song” – và quyết định theo cách đôi khi đột ngột và không có tính đồng nghị.
Nhiều người bị đánh dấu qua các biện pháp trừng phạt gần đây liên tiếp áp dụng với hồng y Mỹ Raymond Burke, cựu chánh án Tòa án Tối cao của Tông Tòa, người chỉ trích các lựa chọn của triều giáo hoàng và đặc biệt nổi tiếng trong giới theo chủ nghĩa truyền thống trên khắp thế giới. Hồng y Burke bị mất lương và nhà ở, giám mục Joseph Strickland, nổi tiếng với những bài đăng như súng phun lửa trên mạng xã hội, gần đây đã bị cách chức khỏi giáo phận Tyler của ông. Hai vụ nổi tiếng này xảy ra, với một sự sỉ nhục nào đó cho người này người kia.
Chuyên gia pháp lý của Vatican ủng hộ việc Đức Phanxicô kỷ luật giám mục Strickland và hồng y Burke
Không bàn về giá trị của các biện pháp trừng phạt với hồng y Burke và giám mục Strickland – hai trường hợp rất khác nhau và cũng khác với vụ Becciu – những gì xảy ra ở hậu trường là mối lo ngại về sự thiếu minh bạch trong một số tình huống cụ thể nhất định. Vì sao vụ này bị xử phạt, vụ kia lại không? Sự mơ hồ này góp phần tạo ra bầu khí nghi ngờ và bất an, cảm giác về một đe dọa thầm lặng, sợ một chiếc rìu có thể rơi bất cứ lúc nào mà không cần biện minh, đặc biệt vì họ biết giáo hoàng có một số thông tin nào đó cung cấp thông tin ngoài các quan chức, mà họ không biết thực sự không biết đến từ ai. Tóm lại, vụ án này đụng đến những điểm nhạy cảm và phức tạp, đồng thời khơi dậy những chuyển động cơ bản mà hậu quả vẫn còn khó dự đoán.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch