Bàn giao ở Taizé: Tiếp tục duy trì thống nhất, đồng thời vun trồng sự đa dạng

138

Bàn giao ở Taizé: Tiếp tục duy trì thống nhất, đồng thời vun trồng sự đa dạng

Thầy Alois, bề trên cộng đồng Taizé chuẩn bị bàn giao cộng đồng cho thầy Matthew, báo La Vie gặp hai sư huynh để nói về lịch sử cộng đồng cũng như các thách thức đang chờ cộng đồng và Giáo hội.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2023-11-24

Thầy Matthew (trái) và thầy Alois, tân và cựu bề trên của cộng đoàn Taizé.  MICHEL JOLY – La Vie

Đây là một trang quan trọng đang xảy ra trong Giáo hội Pháp. Một chương mới bắt đầu. Mùa hè năm 2023, cộng đồng đại kết Taizé (Saône-et-Loire) thông báo thầy Alois Löser mãn nhiệm sau 18 năm làm bề trên. Thầy Alois đã được thầy Roger chọn nhiều năm trước khi ngài bị ám sát bi thảm ngày 16 tháng 8 năm 2005 tại Taizé trong Nhà thờ Hòa giải. Thầy Alois, 69 tuổi, chỉ định người kế vị là thầy Matthew (Andrew Thorpe, tên thật của thầy).

Được mục sư Thụy Sĩ Roger Schutz thành lập năm 1944 trong thời kỳ Thế chiến, cộng đồng Taizé được đặt theo tên của ngôi làng nhỏ ở Burgundy, trụ sở của cộng đồng. Hàng năm cộng đồng thu hút hàng chục ngàn người đến hành hương, trong đó có rất nhiều bạn trẻ, cộng đồng trải qua nhiều giai đoạn trong lịch sử cộng đồng, từ sự xuất hiện các anh em tin lành đầu tiên, được thúc đẩy bởi ước muốn sống đời tu theo mô thức “clunisian” – đầu tiên dành cho nam giới kể từ cuộc Cải cách tin lành – cho đến sự gia nhập của lần đầu tiên của anh em công giáo năm 1969, cộng đồng đã tạo nguồn cảm hứng cho toàn thể Giáo Hội, qua những buổi gặp gỡ của giới trẻ, qua các bài hát nổi tiếng đã lan truyền khắp thế giới. Năm 2019, hai năm trước khi Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase) công bố bản báo cáo, cộng đồng đã làm sáng tỏ các vụ tấn công tình dục của các sư huynh với các trẻ vị thành niên hoặc thanh niên. Ngày 30 tháng 9 năm 2023, cộng đồng Taizé là người tổ chức buổi canh thức cầu nguyện “Cùng nhau”, khai mạc Thượng hội đồng ở Rôma, thảo luận về tương lai của Giáo hội trên tinh thần đại kết.

Báo La Vie phỏng vấn cựu và tân bề trên cộng đồng Taizé. Thầy Alois Loser làm bề trên cộng đồng từ 18 năm nay. Thầy Matthew, 58 tuổi, người Anh và theo anh giáo, người rất tập trung và tươi cười, gia nhập cộng đoàn năm 1986 khi còn là sinh viên y khoa. Kể từ đó, thầy quan tâm đến việc nâng đỡ các “anh em mới”, tên thầy đặt cho các tập sinh ở Taizé. Là người ham hiểu biết và thích du lịch, thầy thường đến Nga và Bangladesh, những nơi thầy có kinh nghiệm thiêng liêng mạnh mẽ, khám phá một kitô giáo trong hoàn cảnh cực kỳ thiểu số.

Bàn giao cộng đồng, giới trẻ, tương lai cộng đồng và Giáo hội… hai người kế vị nhau đứng đầu “Taizé” trình bày rất thoải mái.

Người sáng lập cộng đoàn Taizé, Thầy Roger (phải), năm 1962. MICHEL JOLY – La Vie

Thầy Alois, thầy đã chỉ định người kế nhiệm là thầy Matthew… Đây là cách làm việc có vẻ bất thường!

Thầy Alois. Chúng tôi không có hiến pháp, chúng tôi chỉ có một quy tắc được thầy Roger viết, trong đó có một câu quy định bề trên phải chỉ định một thầy đảm bảo sự kế thừa của mình. Vì vậy, người sáng lập đã để ngỏ mọi chuyện… Khi bổ nhiệm tôi, thầy Roger không bao giờ nói cho tôi biết tôi phải làm gì, cũng như thầy chưa bao giờ đưa ra chỉ dẫn cho cộng đồng. Thầy tin tưởng chúng tôi và chúng tôi luôn sống nhờ lòng tin tưởng này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tôi nhận ra chúng tôi đang bước vào một thời kỳ mới của Giáo hội và của thế giới.

Di sản của thầy Roger hiện hữu và sống động, vì có nhiều thầy chưa biết đến. Cách đây hai năm, tôi bắt đầu nêu lên nhu cầu thay đổi bề trên trước anh em. Tôi cảm thấy chúng tôi phải dành chỗ cho một cái gì mới, tuy chưa xác định nhưng nhất thiết phải tìm người thay thế. Vì thế tôi tiến hành tham khảo, mỗi thầy đề xuất hai tên, và từ kết quả đó, tôi đề cử thầy Matthew. Các anh em vui vẻ đón nhận tin này.

Chúng tôi dành một chút thời gian giữa lúc loan báo tin và lúc thầy Matthew nhậm chức, sẽ là ngày chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng 3 tháng 12 trong giờ kinh chiều. Sau đó, tôi sẽ đi Cuba một thời gian, để cộng đồng có thể tự đứng trên đôi chân của mình, một cách tự do nhất có thể.

Thầy Alois kế vị thầy Roger năm 2005 / MICHEL JOLY – La Vie

Thầy Matthew. Khi thầy Alois hỏi tôi có đồng ý kế vị thầy không, tôi đã đưa ra mọi lý do vì sao không nên là tôi. Nhưng có một cái gì đó quyết định đã xảy ra. Cách đây hai năm rưỡi, chúng tôi mời những người ngoài cộng đồng, hai người công giáo và hai người tin lành, để họ lắng nghe anh em và thảo một báo cáo về phương pháp hoạt động của chúng tôi. Vấn đề kế nhiệm là một trong những chủ đề được nêu ra.

Trước khi quyết định, tôi đã hỏi những người này, và tôi chọn chấp nhận. Thầy Alois trực tiếp nhận di sản thừa kế của thầy Roger, còn tôi, tôi nhận di sản của thầy Alois… Và đó là sự giúp đỡ quý giá. Tôi đặc biệt biết ơn về cách mà sau cái chết bi thảm của thầy Roger, thầy Alois đã có thể hướng dẫn chúng tôi một cách hết sức thanh thản và đảm bảo cho ảnh hưởng của cộng đồng Taizé trong Giáo hội Pháp, ở Châu Âu và trên thế giới, cũng như gần đây hơn, nhờ đó thầy có thể nhận ra những hành vi lạm dụng của một số anh em.

Vào đầu tháng 12, thầy sẽ là bề trên, thầy đã có sẵn những dự án, những tầm nhìn nào cho tương lai chưa?

Thầy Matthew. Theo một nghĩa nào đó, vấn đề không phải là có những dự án… nhưng là dám tin tưởng vào lời cầu nguyện và sự mở lòng của trái tim. Dĩ nhiên chúng tôi là một cộng đồng nhỏ, chúng tôi có những điểm yếu, chúng tôi sẽ yên tâm hơn khi lập “kế hoạch”, nhưng tôi nghĩ chúng tôi phải có đủ can đảm để không tính toán quá mức những gì mình có thể và không thể làm. Cả hai khía cạnh đều tính đến những giới hạn của con người hiện diện nơi mọi người, nhưng cũng dám đi vào sự điên rồ của Tin Mừng, nếu tôi có thể nói như vậy. Những thách thức là gì? Ngày nay có rất nhiều cuộc nói chuyện về tinh thần đồng trách nhiệm, nhưng đơn giản hơn, tôi nghĩ chúng tôi cần tìm cách đổi mới đời sống cộng đoàn để đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô một cách trọn vẹn hơn. Làm thế nào chúng tôi có thể mời anh em tham gia nhiều hơn vào việc đưa ra quyết định? Chúng ta đang sống một trải nghiệm tương tự như trải nghiệm của Thượng Hội đồng, vì trên hết đó là việc lắng nghe. Mọi người trong cộng đồng phải cảm thấy được lắng nghe và biết rằng lời nói của họ có giá trị.

Có bao nhiêu anh em ở cộng đồng Taizé?

Thầy Alois. Có tất cả 85 anh em, trong đó có 70 anh em ở nhà mẹ ở Burgundy, nhưng cũng có những nhóm nhỏ gồm hai hoặc ba thầy ở một số nơi trên thế giới như ở Senegal, Hàn Quốc, Bangladesh – trong hơn 50 năm! –, ở Brazil, Cuba từ ba năm nay và ở Pantin, vùng Paris. Lúc đầu đã có các huynh đệ đoàn ở châu Âu, nhưng sau đó họ được phân bổ lại ở những nơi khác. Tùy theo anh em và hoàn cảnh mà có những sáng kiến xuất hiện. Gần đây có một số anh em cảm thấy cần phải nhiều với những hoàn cảnh khác nhau ở Pháp.

Nhà thờ Hòa giải ở Taizé.  MICHEL JOLY – La Vie

Khi chúng tôi suy nghĩ về đề nghị này, chúng tôi nhận thư của giám mục Pascal Delannoy mời chúng tôi đến giáo phận của ngài ở Seine-Saint-Denis. Có hai thầy đã sống ở đó được ba năm, và hai thầy trẻ sống ở đây trong mục đích sẽ dấn thân suốt đời. Chúng tôi không đủ khả năng để đánh giá những cuộc gặp gỡ mang lại. Thầy Roger rất mạnh mẽ về điều này. Thầy gặp một người nào đó và trong khi thảo luận, một điều bất ngờ nảy sinh, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu mọi thứ đều gắn liền với các dự án! 

Thầy Matthew. Đúng, Thầy Roger đã để mình được cuộc họp hướng dẫn và nhờ đó sự hiệp thông giữa mọi người được mở rộng. Ngay từ đầu, thầy luôn muốn đến với mọi người ở vị trí hiện tại của họ. Tất cả bắt đầu xung quanh cộng đồng Taizé, sau đó vòng tròn mở rộng sang phần còn lại của nước Pháp, châu Âu và các lục địa khác… Hiện tại, có bảy thầy trẻ đang được đào tạo, ít hơn một chút so với những năm gần đây, nhưng điều mới là có sự đa dạng lớn về nguồn gốc và văn hóa của những người mới đến. 

Chính xác, triều giáo hoàng này làm chúng ta phải cân nhắc nhiều hơn về tầm quan trọng của các Giáo hội miền Nam bán cầu. Thầy có thấy sự thay đổi này ở cộng đồng của thầy không?

Thầy Matthew. Thực tế trong thời gian gần đây, chúng tôi có các bạn trẻ đến từ Bangladesh, Trung Quốc, Indonesia, Chilê… Thầy lo việc đào tạo cho các em là người Guatemala. Nhưng người Pháp vẫn còn nhiều. Đôi khi họ đến từ vùng lân cận, một thầy đến từ Chalon-sur-Saône có cha là mục sư. Sự đa dạng này là món quà tuyệt vời nhưng cũng là một thách thức. Vì chúng tôi phải hiểu người khác trong văn hóa của họ. Chúng tôi vẫn cần phải làm việc nhiều trên khía cạnh này.

Thầy Matthew sẽ kế vị thầy Alois vào ngày 3 tháng 12. MICHEL JOLY – La Vie

Thầy Alois. Người châu Âu chúng tôi hơi mù quáng trước một số thực tế. Không phải lúc nào chúng tôi cũng đo lường được tác động của những nhận xét và thái độ của mình đối với những người từ các châu lục khác đến, những người chọn giữ im lặng hoặc đôi khi phản ứng rất mạnh… Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao nhận thức.

Thầy Alois, thầy là người công giáo, thầy Matthew là anh giáo, thầy có mong muốn thiết lập một hình thức cân bằng trong sự nhạy cảm kitô giáo của những người có trách nhiệm với cộng đồng không?

Thầy Alois. Ngay cả khi đây không phải là tiêu chuẩn quyết định khi bổ nhiệm thầy Matthew, nhưng may mắn là nó đã được thể hiện như thế này. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải chứng minh chúng ta thực sự đại kết, chúng tôi không rời bỏ Giáo hội nguyên thủy của mình, chúng tôi sống trong hòa giải. Chúng tôi muốn gởi thông điệp, có những đòi hỏi khắt khe nhưng có thể.

Nói về đoàn kết, các thầy có nghĩ bây giờ là thời điểm thích hợp để thực hiện các bước bổ sung không?

Thầy Matthew. Tôi nhìn thấy cơ hội tuyệt vời trong tiến trình thượng hội đồng hiện nay. Khi tôi tham dự thượng hội đồng châu Âu lục địa ở Praha, tôi đã có thể thấy được sự đa dạng của Giáo hội công giáo, và đôi khi cũng có những căng thẳng do điều này gây ra. Nó làm cho tôi nhận ra tầm quan trọng của việc tìm cách chung sống. Nếu Giáo hội công giáo thừa nhận sự đa dạng của mình thì có lẽ Giáo hội có thể có cái nhìn khác về các Giáo hội khác đang tìm kiếm sự hiệp thông với mình.

Trong buổi canh thức cầu nguyện diễn ra trước Thượng hội đồng về tính đồng nghị, ngoài chính thống giáo, anh giáo, luther, những người thường xuyên tổ chức các cuộc họp đại kết, những người theo đạo ngũ tuần, báp-tít cũng đáp lời kêu gọi của Đức Phanxicô, họ về Quảng trường Thánh Phêrô cầu nguyện. Điều này có nghĩa là có mong muốn cùng nhau cầu nguyện. Và điều này sẽ dẫn chúng ta đi đâu? Không ai biết. Nhưng dấu hiệu này không nên bị  giảm thiểu.

Thầy Alois. Vào thời điểm mà đôi khi chúng ta có ấn tượng về sự trì trệ của cuộc đối thoại thần học, các tài liệu ít được đón nhận hoặc không thực sự thay đổi đời sống của các Giáo hội, đại kết thiêng liêng như hồng y Kasper nói, có thể giúp tiến xa hơn. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước phản ứng tích cực của một số Giáo hội. Điều gì đó đã trưởng thành và bây giờ nó phải xảy ra qua các mối quan hệ, gặp gỡ cá nhân. Đã đến lúc cần có một chủ nghĩa đại kết được thể hiện rõ hơn… mang lại nhiều niềm vui.

Tiến bộ trong phong trào đại kết không có nghĩa là san bằng đức tin của chúng ta, ngay cả khi chúng ta hiểu nỗi sợ này vẫn tồn tại. Câu hỏi là: làm thế nào chúng ta có thể diễn tả đức tin của mọi thời đại, ngày nay, bằng một ngôn ngữ mà thế giới có thể hiểu được? Để đạt được điều này, chúng ta có thể cùng nhau làm việc, bắt đầu từ phẩm giá bí tích rửa tội, vốn là từ khóa then chốt trong những gì hiện đang bị đe dọa trong Giáo hội. Những hậu quả của cách tiếp cận này có thể rất mạnh mẽ với chủ nghĩa đại kết.

Thầy Matthew và thầy Alois trong buổi tiếp kiến chung, tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 27 tháng 9. MICHEL JOLY – La Vie

Vẫn có những người trẻ công giáo dường như bày tỏ những mong chờ không thể dung hòa, đôi khi họ ồn ào, giữa việc một bên là đi tìm chiều thẳng đứng, thẩm quyền và thánh hóa và một bên là kêu gọi Giáo hội dân chủ và toàn diện hơn…

Thầy Alois. Sự đa dạng lớn lao của giới trẻ, điều mà chúng tôi cũng thấy ở Taizé, là một điều đáng mừng. Ngay cả khi đa số muốn mọi thứ thay đổi trong Giáo hội, một số lại tìm thấy sự an toàn trong Truyền thống. Thỉnh thoảng, khi bắt đầu thảo luận, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt và không tương thích. Cách đây vài năm, vào thời điểm xảy ra những cuộc di cư lớn, có những người trẻ cho rằng mọi người phải được chào đón, nhưng cũng có những bạn khác cho rằng điều này là không thể. Cuộc đối thoại giữa hai bên thật khó khăn! Nhưng cuối cùng chúng tôi có thể cùng nhau cầu nguyện.

Thầy Matthew. Điều đầu tiên là chúng ta phải để những người gây ồn ào làm ồn! Chúng ta không thể giả vờ đối thoại mà không chấp nhận người khác trước. Nếu chúng ta cố gắng im lặng trước những gì làm phiền chúng ta, chúng ta đang hướng tới sự từ chối, điều đó không tốt. Ở Taizé, chúng tôi chào đón các nhóm thanh niên được các linh mục theo chủ nghĩa truyền thống giám sát. Chúng tôi cũng thấy sự bất an và bối rối lớn lao về các vấn đề đời sống và tình dục. Những mối quan tâm về giới tính rất mạnh trong giới trẻ, và nếu chúng tôi phản ứng gay gắt bằng những ý tưởng giáo điều, mà không quan tâm đến mục vụ, chúng tôi sẽ đánh mất họ. Chúng tôi phải cùng nhau chào đón và tìm kiếm.

Sau đại dịch, sự cô lập ngày càng gia tăng và việc liên lạc trở nên khó khăn hơn. Ở một số gia đình, chúng ta không còn dành thì giờ cho nhau. Nhiều người trẻ đi tìm trải nghiệm sống cộng đồng một cách vô thức và khi điều này được mang lại cho họ, có một cái gì đó nảy nở giữa mọi người, ngay cả khi họ có những ý tưởng khác nhau.

Niềm vui được ở bên nhau…

Thầy Alois. Niềm vui là một điều quan trọng. Ngay cả trong một giáo xứ nghèo, nơi chỉ còn lại một số ít người, chúng ta cũng nên vui mừng khi được ở bên nhau. Nếu chúng ta tìm lại được niềm vui được ở bên nhau, điều còn lại sẽ đến, hiệp thông, tham gia, sứ vụ…

Chính xác, trong bài phát biểu khai mạc, Đức Phanxicô thích nói về hòa hợp hơn là thống nhất, các thầy hiểu điều này như thế nào?

Thầy Alois. Nhận xét này thực sự làm tôi chú ý. Ngay cả khi có những ý kiến trái ngược nhau, mối liên kết nào có thể được tạo ra giữa mọi người để tiến về phía trước, bất chấp mọi thứ có thể làm chúng ta chia rẽ? Ở Taizé, trong lời cầu nguyện chung, chúng tôi cảm nghiệm được sự hiệp nhất không nhất thiết là một ý nghĩ duy nhất, mà là việc có thể cùng nhau hướng về Chúa Kitô. Tôi cũng đã trải nghiệm điều này tại Thượng Hội đồng. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng: luôn có những người cố gắng áp đặt quan điểm của họ. Chỉ có lắng nghe mới giúp chúng ta tiến về phía trước.

Và đồng thời chúng tôi tự nhủ, điều cần thiết là ở bên nhau dù chúng ta chưa tìm ra giải pháp. Vì con đường được thực hiện thông qua lời cầu nguyện. Vì vậy, tôi nghĩ chúng tôi có thể hiểu nhận xét này của Đức Phanxicô qua hình ảnh ngài ngồi cùng với các nhà lãnh đạo các giáo hội khác, tất cả đều quay mặt về Thập giá, trong đêm canh thức đại kết.

Thầy Matthew. Về các vấn đề giới trẻ quan tâm và chia rẽ, chẳng hạn vấn đề giới tính và tình dục, tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải rèn luyện bản thân để hiểu rõ hơn về những thực tế này, vì chúng ta thấy mình phải đối diện với những câu hỏi, không có cùng một cách trong tuổi trẻ chúng ta. Đôi khi chúng ta muốn đưa ra một quan điểm rõ ràng, nhưng muốn đi sâu thì trước hết chúng ta phải giúp đỡ người khác chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch