Israel-Hamas: theo Đức Phanxicô, “đó không phải là chiến tranh, đó là khủng bố”

111

Israel-Hamas: theo Đức Phanxicô, “đó không phải là chiến tranh, đó là khủng bố”

Ngày thứ tư 22 tháng 11, Đức Phanxicô đã tiếp riêng từng phái đoàn Israel và Palestine. Với người Israel ngài tiếp ở Nhà Thánh Marta, với người Palestine ngài tiếp ở một phong đằng sau Hội trường Phaolô VI. Trước mặt họ, ngài bày tỏ nỗi đau về chiến tranh và nói với thành viên của mỗi phái đoàn, họ là nạn nhân của “chủ nghĩa khủng bố” do kẻ thù của họ gây ra.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-11-22

Đức Phanxicô gặp các gia đình con tin Israel tại Nhà Thánh Marta / DIVISIONE PRODUZIONE FOTOGRAFICA/AFP

Các phái đoàn có mặt ở lối vào Vatican khoảng hơn 7 giờ sáng. Trong buổi tiếp gia đình các con tin Israel, có bà Evgeniia Kozlova, mẹ của Andrey, cô Maayan, con gái của Drir, ông Moshe Leimberg, cha của Mia, 17 tuổi. Tất cả đến đây để kể về những người thân yêu của họ đã bị Hamas bắt làm con tin ngày 7 tháng 10 và đang bị giam giữ ở Dải Gaza.

Họ muốn Đức Phanxicô hiểu thảm cảnh của họ. Vì họ nghĩ, cũng như bà Rachel Goldberg có người con trai 23 tuổi rơi vào tay Hamas cũng nghĩ, ngài có ảnh hưởng trên toàn thế giới. Bà tin chắc: “Khi ngài nói, cả thế giới lắng nghe ngài. Và không chỉ 1,3 tỷ người công giáo lắng nghe, tiếng nói của ngài cũng được tôn trọng trong thế giới hồi giáo.”

Không có chuyện hai phái đoàn nhìn thấy nhau

Trong phòng khách của Nhà Thánh Marta nơi Đức Phanxicô làm việc và sinh sống, một nhóm nhỏ 12 người Israel kể cho ngài nghe hoàn cảnh của một người cha, một cô con gái hoặc một đứa cháu trai bị bắt ở Gaza trong số 240 con tin. Đức Phanxicô lắng nghe trong 20 phút, quá ngắn để mọi người có thể kể cho ngài nghe câu chuyện của mình. Chỉ có tám trong số mười hai người có mặt nói được.

Tại Gaza, các tín hữu kitô “cùng sống chết với nhau”

Nhưng khi đến lượt Đức Phanxicô nói, sau những cánh cửa đóng kín, ngài đồng cảm với nỗi đau của họ, ngài khẳng định  chiến tranh phải dừng lại ngay bây giờ, các con tin phải được thả ngay lập tức. Ngài nói những người nói chuyện với ngài hôm nay là nạn nhân của “khủng bố” chứ không chỉ của “chiến tranh”. Một câu mà sau đó ngài sẽ lặp lại ở Quảng trường Thánh Phêrô trong giờ tiếp kiến chung trước hàng ngàn giáo dân.

Xong buổi gặp với nhóm Israel, ngài băng qua vài chục mét để đến một phòng ở Hội trường Phaolô VI gặp nhóm người Palestine có thân nhân sống ở Gaza. Vì không thể để hai nhóm gặp nhau nên Vatican tổ chức ở hai địa điểm riêng biệt. Người Israel ở Nhà Thánh Marta, người Palestine ở một phòng khách nhỏ, nằm phía sau Hội trường Phaolô VI, nơi Đức Phanxicô thường tiếp khách sáng thứ tư, trước buổi tiếp kiến chung hàng tuần. 

“Chúng tôi thúc ngài đến thăm Gaza”

Trong mặt ngài bây giờ là 10 người Palestine. Khoảng 8 giờ hơn, Đức Phanxicô bước vào phòng. Tại đây ngài nghe bà Shireen Hilal, một tín hữu kitô ở Bêlem kể câu chuyện của bà, gia đình bà ở Gaza. Người phụ nữ trẻ với mái tóc xoăn quấn quanh cổ đã mất hai người chú trong những ngày vừa qua do thiếu thuốc.

Đức Phanxicô: “Không có cuộc chiến nào có thể trả giá bằng nước mắt trẻ em”

Bên cạnh bà là ông Mohammed Halalo, một kỹ sư người Gaza sống ở Bỉ vài năm nay, ông được tin cả gia đình ông đã chết ở Gaza. Tại trại phía đông Gaza nơi ông sinh ra trước khi đến châu Âu, ngôi nhà của ông đã bị tên lửa của quân đội Israel phá sập. Sau đó ông nói với các nhà báo: “Ba mươi người sống trong ngôi nhà này, mẹ tôi, các chị của tôi, các cháu của tôi, tất cả đều bị chết tại chỗ. Ba mươi mạng sống.”

Đức Phanxicô có nói đến nạn diệt chủng ở Gaza không?

Chứng từ của ông Yusef Al Khoury, một tín hữu kitô ở Gaza, cũng kinh hoàng như vậy. Ông mất nhiều người bạn thời thơ ấu trong vụ tấn công vào một nhà thờ ở Gaza ngày 19 tháng 10. Ngày hôm đó, 18 tín hữu bị thiệt mạng. Cùng với những người Palestine khác đến gặp Đức Phanxicô, ông mời ngài đi Gaza: “Chúng tôi cầu xin ngài giúp chúng tôi chấm dứt cuộc chiến này. Chúng tôi xin ngài đến thăm chúng tôi.”

Các con tôi đang bị Hamas bắt làm con tin. Xin đưa tôi đến Gaza để tôi gặp các con tôi

Trong suốt 20 phút gặp gỡ, 10 người Palestine có mặt cho biết họ đã thấy ngài khóc khi nghe một số chứng từ. Ngài lặp lại: “Đó không phải là chiến tranh, đó là khủng bố.” Những chữ này ngài cũng đã nói trước nhóm Israel chưa đầy một giờ trước đó. Họ khẳng định, ngài nói về một “cuộc diệt chủng” khi đề cập đến tình trạng người dân Gaza bị quân đội Israel tấn công. Ngài nói: “Tôi thấy đây là nạn diệt chủng.”

Vào cuối buổi chiều, khi phái đoàn Palestine nói với các nhà báo họ nghe thuật ngữ này, Vatican phủ nhận giáo hoàng nói từ này.

Đức Phanxicô gặp nhóm người Palestine có người thân bị kẹt ở Gaza, ngày 22 tháng 11 năm 2023. / VATICAN MEDIA/CPP QUA REUTERS

Ông Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh có mặt trong hai cuộc gặp cho biết: “Tôi không biết ngài đã nói một từ như vậy”. Lời phủ nhận khơi dậy sự tức giận của nhóm Palestine: “Nhưng có mười người trong chúng tôi đã nghe chữ này!”

“Xin Chúa giúp chúng ta, xin Ngài giúp chúng ta giải quyết các vấn đề”

Kết thúc buổi gặp, nhóm ra Quảng trường Thánh Phêrô, nơi đã dành sẵn cho họ một chỗ gần dãy cột. Các ống kính của Vatican hướng về họ, họ giương các băng mang màu sắc của Palestine, và các biển hiệu tố cáo một “cuộc diệt chủng” ở Gaza và việc tiếp tục “Nakba” (thảm họa, trong tiếng Ả Rập), ám chỉ cuộc di cư cưỡng bức của 900.000 người Palestine sau cuộc chiến năm 1948 giữa Israel và liên minh các nước Ả Rập.

Đức Phanxicô nói trước hàng ngàn tín hữu: “Họ đang quá đau khổ. Tôi nghe cả hai đều phải chịu đựng đau khổ như thế nào.” Như ngài đã kêu gọi liên tục kể từ ngày Hamas tấn công Israel 7 tháng 10, ngài lặp lại lời kêu gọi hòa bình: “Chúng ta vượt ra ngoài chiến tranh. Đây không phải là chiến tranh, đây là khủng bố. Xin Chúa giúp đỡ chúng ta, xin Ngài giúp chúng ta giải quyết các vấn đề, gạt bỏ những quá đà để cuối cùng mọi người đều bị giết. Chúng ta hãy cầu nguyện cho người dân Palestine, chúng ta hãy cầu nguyện cho người dân Israel để hòa bình có thể đến.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Giám mục Bonny viết trên phương tiện truyền thông Bỉ: “Hỡi các bạn do thái, tôi không thể im lặng được nữa”