Đức Phanxicô: “Phương Tây không được xuất khẩu nền dân chủ của mình cho những nước chưa sẵn sàng”

79

Đức Phanxicô: “Phương Tây không được xuất khẩu nền dân chủ của mình cho những nước chưa sẵn sàng”

cath.ch, Maurice Page, 2023-10-24

Đức Phanxicô: “Đừng tiến hành chiến tranh để mang dân chủ đến những nước mà người dân của họ không có khả năng hòa nhập”. Vatican Media

“Phương Tây không nên xuất khẩu dân chủ theo kiểu của mình qua các nước khác khi người dân của họ chưa có khả năng hòa nhập,” Đức Phanxicô nói trong quyển sách phỏng vấn Non sei solo (Bạn không đơn độc) được xuất bản bằng tiếng Ý ngày thứ ba 24 tháng 10 năm 2023. Dựa trên trường hợp của Iraq và Libya, ngài lấy làm tiếc về sự can thiệp của phương Tây đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn và các xung đột mới.

Sự hỗn loạn về chính trị và thể chế mà nhiều quốc gia nghèo hoặc các quốc gia ở miền Nam bán cầu gặp phải, cũng xuất phát từ “sự thất bại của phương Tây trong cố gắng đem mô hình dân chủ của họ vào một số quốc gia có văn hóa, tôi sẽ không nói là bộ lạc, nhưng có một văn hóa tương tự,”ngài trả lời trong quyển sách phỏng vấn của hai nhà báo Francesca Ambrogetti và Sergio Rubin. Xuất bản tại Argentina tháng 2 năm 2023 và được xuất bản ở Ý ngày 24 tháng 10 với tựa đề: Bạn không đơn độc. Những thách thức, câu trả lời, hy vọng.

Kadhafi và Saddam Hussein: không phải thiên thần nhưng…

Cuốn sách ‘Bạn không đơn độc’ là quyển sách phỏng vấn với Đức Phanxicô

âNgài bảo vệ mình, tự cho mình không biết gì về chính trị, nhưng ngài đưa ra một phân tích thẳng thắn như chúng ta thường thấy ở ngài. “Hãy nghĩ đến Libya, nơi dường như chỉ có thể được lãnh đạo bởi những nhân vật rất mạnh như Kadhafi. Một người Libya nói với tôi, hồi đó chỉ có một Kadhafi, bây giờ có đến 53.

Cuộc xâm lược Iraq của phương Tây cũng được đánh giá bằng thước đo tương tự: “Chiến tranh vùng Vịnh thực sự là một nỗi xấu hổ, nếu không muốn nói là một trong những chiến tranh tàn ác nhất. Saddam Hussein chắc chắn không phải là thiên thần, nhưng Iraq là một đất nước khá ổn định. Tôi không bảo vệ Kadhafi hay Hussein. Nhưng chiến tranh đã để lại những gì?”

Ngài tuyên bố: “Tôi nghĩ chúng ta không được xuất khẩu dân chủ của mình sang các nước khác, nhưng giúp họ phát triển một quá trình trưởng thành dân chủ theo các đặc điểm của dân tộc họ. Đừng tiến hành chiến tranh để mang lại dân chủ mà người dân của họ không có khả năng hòa nhập. Có những quốc gia có hệ thống quân chủ và có thể sẽ không bao giờ chấp nhận dân chủ, nhưng tôi chắc chắn chúng ta có thể giúp họ làm sao để có một sự tham gia nhiều hơn.” 

Không có chiến tranh vì dân chủ

Trong một đoạn sách ngài nói: “Vào đầu triều của tôi, tôi đã nói, chúng ta đang trải qua Chiến tranh thế giới thứ ba từng phần, sau đó tôi nói những phần này đã dần dần tăng lên và bây giờ tôi nghĩ nó đã là một phần lớn.”

Một lời kêu gọi mới và là lời kêu gọi không biết bao nhiêu lần, Đức Phanxicô đưa ra từ đầu triều, ngài đã nhắc lại một cách mạnh mẽ trong những tháng Nga xâm lược Ukraine và bây giờ là những căng thẳng ở Trung Đông, với các cuộc tấn công ngày càng nặng, càng hung bạo.

Sự gần gũi của trái tim

Quyển sách phỏng vấn đề cập đến nhiều chủ đề, từ chính trị đến kinh tế, từ cuộc cải cách Giáo triều Rôma đến những mối đe dọa đè nặng lên “Ngôi nhà chung” và việc đổi mới trong việc loan báo Tin Mừng. Nhưng ngài cũng không quên một số khía cạnh cá nhân trong cuộc sống của ngài với tư cách là một mục tử và người có đức tin. Theo các tác giả, mối quan tâm của ngài với sự sống và thân phận của con người có thể tóm gọn trong hình thức “gần gũi của trái tim”.

Đức Phanxicô trong chuyến đi Cộng hòa Dân chủ Congo tháng 1 năm 2023, nổi bật với những lời chứng của các nạn nhân của quân nổi dậy | © Keystone/EPA/CIRO FUSCO

Báo Avvenirre của Hội đồng Giám mục Ý đăng các trang với nội dung cá nhân và thiêng liêng hơn.

Ngài nhấn mạnh: “Theo tôi, việc tông đồ đầu tiên của linh mục là việc tông đồ bằng tai”. Chúa Giêsu “chỉ trích rất nhiều sự thiếu nhân tính, chủ nghĩa luật pháp của các tiến sĩ luật, sự thống trị của các hệ tư tưởng… Ngược lại, yếu tố con người dù của một nhân loại khốn khổ, bệnh tật, một tình trạng tội lỗi, bị lãng quên được chấp nhận trong Các Mối Phúc Thật và trong cách chúng ta sẽ bị xét xử.

“Tôi là mục tử của Giáo hội, nhưng tôi ở đó vì mọi người. Và tôi sẽ phải trả lẽ với Chúa từng việc.” 

Giáo hoàng của những người vô thần? Một lời khen!

Một nhà báo Tây Ban Nha từng nói cha là giáo hoàng của những người vô thần. Cha hiểu câu nói này như thế nào? – “Đó là lời khen.” – Nhưng cha là giáo hoàng của người công giáo… – “Tôi là mục tử của Giáo hội, nhưng tôi ở đó vì mọi người. Và tôi sẽ phải trả lẽ với Chúa từng việc.”

“Dám cầu nguyện với bàn tay bẩn” 

Khi được hỏi về cách cầu nguyện của mình, ngài giải thích: “Lời cầu nguyện không thể bị thu gọn thành những khuôn mẫu. Chúng ta phải cầu nguyện như chúng ta đang sống trong cuộc sống, nghĩa là với đôi bàn tay bẩn và ghi nhớ hai khía cạnh vừa thuộc về cầu nguyện vừa thuộc về cuộc sống: lòng can đảm, được hiểu là ‘parresia’, nghĩa là nói thẳng, nói ra mọi điều, và kiên nhẫn trong cảm giác chịu đựng. Tôi thường nói chuyện, hỏi han, lắng nghe và thậm chí ngủ quên. Thật lạ, nhưng bất ngờ, ngày hôm sau câu trả lời lại đến. Tôi nghe và  thậm chí còn thấy rõ ràng.”

Đức Phanxicô cầu nguyện tại đền thờ Đức Bà Cả ngài vẫn thường đến cầu nguyện trước và sau mỗi chuyến tông du. | © Truyền thông Vatican

Ngài nói: “Chúa không bao giờ bắt chúng ta rơi vào những hoàn cảnh mà chúng ta không thể chịu đựng nổi. Ngay cả khi chúng ta đánh nhau, lăng mạ nhau, chửi thề, đó là những điều rất con người, nhưng nếu chúng ta trung thành trong việc tìm kiếm, cuối cùng chúng ta sẽ tìm được giải thoát. Vì Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta.” 

Một giáo hoàng không đi nghỉ hè

Đức Phanxicô giải thích: “Tôi không thích đi nghỉ hè. Lần cuối tôi đi là mùa hè năm 1975, khi tôi còn ở Buenos Aires. Tôi cùng cộng đoàn Dòng Tên đến thị trấn ven biển Mar del Plata. Năm sau, tôi quyết định không đi vì tôi cảm thấy có một cuộc đảo chính quân sự đang đến gần với những hậu quả nghiêm trọng và tôi thích ở lại trụ sở Dòng Tên hơn. Sau đó tôi nghiệm ra, tôi có thể có những ngày nghỉ hè theo một cách khác: cầu nguyện nhiều hơn, đọc sách nhiều hơn, nghe nhạc nhiều hơn, im lặng hơn, hưởng giây phút không có ai. Và tôi rất thích kiểu nghỉ hè này.”

Non sei solo, Bạn không cô đơn

Francesca Ambrogetti, cựu giám đốc Ansa ở Argentina, Sergio Rubin của báo El Clarin, là những nhà báo đầu tiên Đức Phanxicô tin tưởng.  Họ đã phỏng vấn ngài trong quyển sách đầu tiên xuất bản năm 2014. Kể từ đó, họ tiếp tục có mối quan hệ đặc biệt và cùng ngài trò chuyện thẳng thắn và chân thành. Quyển sách được xuất bản vào tháng 2 tại Argentina với tựa đề El Pastor (Người mục tử); được xuất bản bằng tiếng Ý với tựa đề Non sei solo (Bạn không cô đơn)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch