Đức Phanxicô đặt người di cư vào trọng tâm Thượng hội đồng

27

Đức Phanxicô đặt người di cư vào trọng tâm Thượng hội đồng

Chiều thứ năm 19 tháng 10, Đức Phanxicô triệu tập tất cả những người tham dự Thượng hội đồng để cầu nguyện cho người di cư ở Quảng trường Thánh Phêrô. Từ Rôma, các phóng viên đặc biệt của báo La Croix theo dõi và tường trình cho quý độc giả sinh hoạt hàng ngày của Thượng hội đồng trong chuyên mục Trong con mắt của thượng hội đồng.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-10-20

Ở Vatican, người ta thường nói khi Đức Phanxicô bám chặt vào một ý tưởng nào, ngài sẽ không thay đổi. Đó là trường hợp của những người di cư, trong 10 năm qua, ngài xem đây là một trong những ưu tiên triều của ngài. Ngày thứ năm 19 tháng 10, thêm một lần nữa, ngài cho thấy ưu tiên này khi ngài quy tụ các thành viên tham dự Thượng hội đồng đến “buổi cầu nguyện ngắn cho người di cư và tị nạn” tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trước những “thiên thần vô thức”, tên của tác phẩm điêu khắc bằng đồng và đất sét được lắp đặt năm 2019 cách Đền thờ Thánh Phêrô không xa, một tác phẩm của nghệ sĩ người Canada Timothy Schmalz, các nghị phụ nghị mẫu, các nhà thần học, chuyên gia và đại biểu các Giáo hội kitô giáo khác vào chỗ ngồi của họ để bắt đầu buổi cầu nguyện.

Buổi lễ kéo dài nửa giờ ở Quảng trường Thánh Phêrô vắng vẻ (đã cấm khách du lịch) do chính Đức Phanxicô chủ trì, ngài ngồi trên chiếc ghế, bầu khí thân tình, chỉ bị dòng nước róc rách của hai bồn phun nước Gregoriana và Clementina ở đối diện Đền thờ Thánh Phêrô làm chia trí.

Thượng hội đồng có nguy cơ mệt mỏi

Sau một ngày làm việc để xem xét vấn đề quản trị Giáo hội, trước 500 thành viên, Đức Phanxicô lên tiếng xin giúp đỡ những người di cư “bị cướp, bị lột hết, bị đánh đập trên đường đi”, giống như người lữ hành bị tấn công trong đoạn Kinh thánh Người Samaritanô nhân hậu. Ngài nói: “Con đường từ Giêrusalem đến Giêricô không phải là con đường an toàn, cũng như nhiều con đường người di cư phải đi qua sa mạc, rừng, sông và biển ngày nay”. 

Để có “những con đường di cư thông thường”

Theo ngài, cũng như trong dụ ngôn, ngày nay “những người bị thương, nửa sống nửa chết đụng phải sự thờ ơ của những người đi qua đường, họ nhìn thấy nhưng không dừng lại để giúp đỡ, chắc chắn họ tìm lý do chính đáng để thoái thác, nhưng thật ra họ chỉ  ích kỷ, thờ ơ và sợ hãi.”

Ngài khuyến khích: “Noi gương người Samaritanô nhân hậu, chúng ta được kêu gọi để gần gũi với tất cả những người lang thang ngày nay, để cứu họ, để chữa vết thương cho họ, để xoa dịu nỗi đau của họ”.

Đứng trước các thành viên, ngài trở nên chính trị hơn, ngài xin nhân rộng “các con đường di cư thông thường”. Ngài nói: “Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, rõ ràng chúng ta phải đưa các chính sách nhân khẩu và kinh tế vào đối thoại với các chính sách di cư, vì lợi ích của tất cả các bên liên quan, chúng ta đừng bao giờ quên đặt những người dễ bị tổn thương nhất vào trọng tâm”.

Sau đó là một phút im lặng “để tưởng nhớ tất cả những người đã thiệt mạng trên các con đường di cư khác nhau, nhưng cũng cầu nguyện cho tất cả những người bị lợi dụng, bị biến thành nô lệ”.

500 người có mặt nhắm mắt cầu nguyện trong buổi cầu nguyện rất lắng đọng.

Tin Mừng Người Samaritanô vang lên ở Quảng trường Thánh Phêrô

Khi đưa buổi cầu nguyện cho người di cư vào trọng tâm Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội công giáo, Đức Phanxicô muốn nhắc các nghị phụ nghị mẫu về tầm quan trọng của Giáo hội đối với những người dễ bị tổn thương nhất.

Tin Mừng của Người Samaritanô nhân hậu vang lên ở Quảng trường Thánh Phêrô là Tin Mừng Đức Phanxicô đặt làm tâm điểm của Thông điệp Fratelli Tutti năm 2020 của ngài, ngài đề cập đến tình huynh đệ, đồng thời ngài đưa ra tình trạng của thế giới hậu Covid.

Sự lặp lại này không phải là trùng hợp ngẫu nhiên khi chúng ta biết, chính qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu minh họa điều răn mà theo Ngài, tóm tắt tất cả những điều răn khác: “Yêu người như mình vậy”. Một cách để Đức Phanxicô nhắc những thành viên đang nghĩ về tương lai Giáo hội, người công giáo phải có một mục tiêu chính: phục vụ những người nghèo nhất.

 

Marta An Nguyễn dịch