Liệu hồng y Parolin có thể trở thành giáo hoàng không?
pillarcatholic.com, JD Flynn, 2023-10-18
Khi Thượng hội đồng về tính đồng nghị đang họp tại Vatican, các giám mục và giáo dân tham gia cân nhắc nhiều cách khác nhau để Thượng hội đồng có thể đề xuất những thay đổi cho giáo lý công giáo, hoặc các yếu tố trong giáo huấn công giáo ít nhất phải được xem xét lại hoặc bớt tầm quan trọng, đáp ứng lời kêu gọi của Đức Phanxicô, Giáo hội nên “có tính đồng nghị” hơn – và đón nhận người công giáo bị gạt ra ngoài lề nhiều hơn.
Khi có những báo cáo của những người tham dự có quan điểm ngược với giáo huấn công giáo, các nguồn tin nói với trang The Pillar, một tiếng nói trong thượng hội đồng đã lớn tiếng ủng hộ tầm nhìn về tính đồng nghị đặt giáo lý công giáo làm trọng tâm các mối quan tâm của họ: hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin.
Với danh tiếng dè dặt trong ngoại giao, ý tưởng cho rằng hồng y Parolin phát biểu trong Thượng hội đồng có thể làm nhiều người ngạc nhiên. Và lại vào thời điểm bất thường của hồng y, vì ngài dường như đang giữ khoảng cách, cả riêng tư lẫn công khai, với vòng thân cận của Đức Phanxicô.
Dù can thiệp của ngài mang một ý nghĩa nào đó cho Thượng hội đồng, nhưng có lẽ câu hỏi thú vị hơn liên quan đến một hội đồng Vatican khác: thật sự hồng y Parolin sẽ mang một ý nghĩa nào cho mật nghị sắp đến?
Khi triều Đức Phanxicô sắp qua 10 năm, những người theo dõi Vatican đã bắt đầu thảo luận nghiêm túc về việc bầu người kế vị ngài sẽ diễn ra như thế nào. Kín đáo hơn, các hồng y và giám mục bắt đầu có những cuộc trò chuyện giống nhau.
Một đường lối suy nghĩ mới đang nổi lên: sau ba giáo hoàng “nước ngoài”, hồng y đoàn có muốn bầu lại một người Ý để có được ổn định hơn không.
Hơn nữa, khối hồng y người Ý có thể có ảnh hưởng đáng kể trong mật nghị tiếp theo, vì người Ý biết nhau, trong khi phần lớn hồng y đoàn, những người được bổ nhiệm từ khắp nơi trên thế giới, ít có cơ hội gặp gỡ nhau, ít trao đổi ý kiến với nhau.
Trong số các hồng y Ý, ba lựa chọn rõ ràng nhất là hồng y Angelo De Donatis, hồng y đại diện giáo phận Rôma, hồng y Matteo Zuppi, tổng giám mục Bologna, và hồng y Pietro Parolin, quốc vụ khanh của Đức Phanxicô từ năm 2014.
Không chắc là có một người nổi bật
Trong những tháng gần đây, hồng y De Donatis đã bị ảnh hưởng của phản ứng quần chúng trước việc hồng y bảo vệ cho tu sĩ Dòng Tên bị thất sủng Marko Rupnik.
Hồng y Zuppi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, được Đức Phanxicô giao trọng trách hòa giải nhằm có được thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga. Nhưng đồng thời, hồng y cũng thường bị chỉ trích vì sự “uyển chuyển” về mặt học thuyết của ngài, làm cho khó biết được vị trí của ngài.
Còn hồng y Parolin vẫn là người nắm giữ chức vụ có ảnh hưởng thứ hai trong Giáo hội – ít nhất là trên giấy tờ – thì rõ ràng uy thế của ngài với Đức Phanxicô đã giảm sút trong những năm gần đây.
Cuối năm 2020, Bộ Ngoại giao đã bị tước tài sản và danh mục đầu tư trị giá tổng cộng vài tỷ euro, sau cáo buộc có những tham ô tài chánh hình sự trong nội bộ Bộ Ngoại giao.
Gần đây nhất, các nhân viên ngoại giao của hồng y Parolin đã bị “loại trừ” khỏi quá trình soạn thảo Tông huấn Laudate deum của Đức Phanxicô trong tháng này, dù họ làm việc với các nhà lãnh đạo quốc tế về chủ đề biến đổi khí hậu.
Và Đức Phanxicô đã chọn một nhân vật khác, hồng y Zuppi để điều hành các nỗ lực hòa bình giữa Ukraine và Nga. Đối với các nhà quan sát ngoại giao, điều đáng chú ý là giáo hoàng đã giao cho một người không phải trong bộ Ngoại giao lo việc này.
Kể từ khi được bổ nhiệm, theo các nguồn tin ngoại giao, một số đại sứ ở Vatican bắt đầu xem hồng y Zuppi như một ngoại trưởng trên thực tế, một đối thủ với ảnh hưởng và vị trí của hồng y Parolin.
Nhưng nếu hồng y Parolin bị cho càng ngày càng không được lòng Đức Phanxicô, thì đây không phải là dấu hiệu một nhóm hồng y sẽ không ủng hộ ngài trong mật nghị tiếp theo – hoặc việc hồng y Zuppi có uy tín với giáo hoàng không nhất thiết là hồng y sẽ được ủng hộ.
Về vấn đề này, sự can thiệp của hồng y Parolin tại thượng hội đồng có thể có lợi cho ngài. Theo các nguồn tin thân cận với Thượng hội đồng, hồng y Parolin đã có can thiệp “mạnh mẽ và rõ ràng” trong cuộc họp ‘kín’ – ngài kêu gọi những người tham dự chú ý đến lòng trung thành với mặc khải của Thiên Chúa, như huấn quyền của Giáo hội giải thích. Các nguồn tin nói với trang The Pillar, các nhận xét của hồng y đã để lại ấn tượng trên các thành viên của hội đồng.
Với một số người theo dõi Vatican, điều này có thể gây ngạc nhiên.
Hiện nay hồng y Parolin được biết đến nhiều nhờ những nhận xét ngoại giao, ngay cả những nhận xét gây tranh cãi, hơn là những bài thần học của ngài. Nhưng danh tiếng này là thành quả của sự nghiệp giáo hội của ngài.
Kể từ khi chịu chức năm 1980, ngài là nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Vatican – ở Nigeria, Mexico, Venezuela và trong các hành lang của phủ Quốc vụ khanh, chương trình nghị sự của ngài là chương trình nghị sự của giáo hoàng, trong suốt ba triều giáo hoàng kế tiếp. Người ta biết rất ít về những cam kết hoặc quan điểm thần học của ngài – thậm chí ngài chưa bao giờ là mục sư, và các bản tin giáo xứ hoặc bài giảng của ngài chỉ cho một cái nhìn thoáng qua về những gì ngài nghĩ về Giáo hội.
Bằng cách có một hình ảnh tốt ở Thượng hội đồng – đặc biệt là về tính ổn định của tính chính thống giáo lý – ngài có thể làm cho một nhóm hồng y thấy ngài có một số đặc tính có lợi cho một giáo hoàng: biết cách Vatican hoạt động, kinh nghiệm với các Giáo hội trên thế giới, và – với sự can thiệp của ngài – rõ ràng ngài không muốn thấy các cuộc tranh luận kéo dài về các vấn đề học thuyết đã được giải quyết.
Nhìn chung, có thể có một số hồng y xem ngài là người kế nhiệm xuất sắc cho triều giáo hoàng kể tiếp.
Tất nhiên, hồng y Parolin còn rất nhiều điều phải vượt qua.
Khi đánh giá những gì các hồng y đang tìm kiếm ở một giáo hoàng tương lai, có thể nói hồng y Parolin phải đứng trước một khó khăn gấp đôi.
Ở tuổi 69, có thể ngài trẻ hơn mức mà một số cử tri mật nghị mong muốn, nếu họ muốn tìm một triều ngắn hạn, “tái khởi động” để kế vị triều lâu dài và thường gây tranh cãi của Đức Phanxicô.
Thêm nữa, hồng y Parolin đã sống sót sau căn bệnh ung thư và phải đối diện với những vấn đề sức khỏe dai dẳng của ngài, dù ngài phải làm việc ở một trong những chức vụ khắt khe nhất của Giáo hội, ngoại trừ chức vụ giáo hoàng.
Những câu hỏi cũng đặt ra cho các công việc hàng ngày của ngài. Các quan chức cấp cao trong ban thư ký của ngài hiện đang bị xét xử vì tham nhũng tài chính nghiêm trọng, và một số người đã khai hồng y Parolin biết hoạt động của họ hoặc đã sơ suất trong việc giám sát.
Hơn nữa, những người chỉ trích ngài cho rằng ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong một thỏa thuận bị chỉ trích nhiều với Bắc Kinh và ngài đã áp dụng một chiến lược chính trị thực tế thiên về chủ nghĩa thực dụng hơn là Chúa Quan Phòng. Nhưng các bạn bè của ngài liên tục nhắc, ngài là “người của Giáo hội” – người chính thống về mặt giáo lý, sắc sảo về mục vụ và nhiệt thành truyền giáo.
Tất nhiên, cả hai đều có thể đúng. Không rõ trong thỏa thuận Bắc Kinh, công việc của hồng y ở mức độ nào, và nó được thúc đẩy ở mức độ nào bởi mong muốn của Đức Phanxicô muốn thấy tình hình của Giáo hội ở Trung Quốc được bình thường hóa.
Dù thế nào đi nữa, trong những tháng gần đây, hồng y đã không ngần ngại thảo luận về các giới hạn của thỏa thuận và cách thức giải thích thỏa thuận này ở Bắc Kinh.
Và bất kể vai trò của hồng y trong vụ bê bối tài chính ở Vatican là như thế nào, các hồng y được bầu có thể bỏ qua hoặc không hiểu đủ vì sự phức tạp của vấn đề và cách xử lý.
Liệu hồng y Parolin có thể trở thành giáo hoàng?
Điều này dường như ngày càng có nhiều khả năng xảy ra.
Ngài có muốn làm giáo hoàng không?
Không ai muốn làm giáo hoàng mà nhận mình muốn.
Liệu ngài có phải là người mà các hồng y cử tri mong chờ không?
Khó nói. Kể từ Đức Piô XII năm 1939, chưa có ngoại trưởng Vatican nào được bầu làm giáo hoàng. Vẫn còn phải xem liệu mật nghị tương lai có xem đây là thời điểm chín muồi để bầu một người khác hay không.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch