Tại Gaza, các tín hữu kitô “cùng sống chết với nhau”
Dù có lệnh sơ tán nhưng 1.000 tín hữu kitô ở Dải Gaza vẫn không rời các nhà thờ ở khu vực phía bắc. Họ đoàn kết với những người dễ bị tổn thương nhất, sống lây lất ngày này qua ngày khác dưới làn bom đạn và thiếu thốn mọi thứ.
Thánh lễ tại giáo xứ la-tinh Thánh Gia ở Gaza | © Marcin Mazur/KNA
cath.ch, Clémence Levant, Giêrusalem, 2023-10-18
Việc tiếp xúc với người dân ở Dải Gaza ngày càng khó khăn. Không còn điện, không còn internet… Vùng đất này bị cắt đứt khỏi thế giới. Trong hỗn loạn của các vụ đánh bom, mỗi ngày các nữ tu Thừa sai Bác ái ở Giêrusalem (Dòng do Mẹ Têrêxa thành lập) cố gắng liên lạc trong vài phút với ba nữ tu của cộng đoàn đang làm sứ mệnh ở giáo xứ la-tinh ở Gaza.
Chỉ một chút thời gian để biết tin tức, để trấn an, để cầu nguyện. Nữ tu bề trên Dòng nói: “Các chị em của chúng tôi ở Gaza làm chúng tôi ngạc nhiên. Dù dưới làn bom đạn, dù thiếu thốn mọi thứ, giọng nói của họ luôn tươi cười…” Kể từ ngày 7 tháng 10, ngày chiến tranh bắt đầu, gần 500 giáo dân tị nạn trong khu phức hợp của giáo xứ. Đó là một nửa số giáo dân ở Dải Gaza, tất cả đều là người Palestine.
Tín hữu kitô Palestine từ chối ra đi
Nằm ở phía bắc Dải Gaza, như phần còn lại của dải đất, các giáo xứ chính thống la-tinh và hy lạp phải chịu cùng tối hậu thư: phải rút về phía nam trước khi quân đội Israel sắp tấn công. Hồng y Pierbattista Pizzaballa, thượng phụ la-tinh của Giêrusalem giải thích trong cuộc phỏng vấn với các nhà báo Ý ngày thứ hai 16 tháng 10: “Tất cả quyết định ở lại, họ nghĩ như thế sẽ an toàn hơn vì tình hình ngày càng trở nên tế nhị ở khắp nơi”.
Chiến tranh Israel-Hamas: Hồng y Pizzaballa đề nghị hy sinh làm con tin để đổi lấy các con tin
Rời đi, đi đâu?
Bề trên Dòng Mẹ Têrêxa cho biết: “Rời đi, nhưng đi đâu?”. Ở Gaza, chị em chúng tôi điều hành ngôi nhà chăm sóc 60 trẻ em hồi giáo khuyết tật và một số người bị thương. Gia đình các em là người tị nạn và sống rải rác khắp nơi, không ai có thể về đây đón các em. Các em ở lại và toàn thể cộng đoàn ở lại: chúng tôi cùng sống cùng chết với nhau, gần Chúa Giêsu, gần các nhà thờ.
Một giáo xứ trở thành trại tị nạn
Dưới làn bom đạn, khu vực thiếu nước, thiếu điện, thiếu thực phẩm, thiếu nhiên liệu, ba nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái, ba nữ tu Ngôi Lời Nhập Thể, bà nữ tu Dòng Mân Côi làm việc để đảm bảo cuộc sống được bình thường nhất có thể, trong “trại tị nạn” là giáo xứ Thánh Gia. Giếng nước duy nhất vì không còn nước máy, đã không còn hoạt động vì thiếu xăng cho máy bơm.
Bề trên giải thích: “Công việc tràn ngập. Không có đủ nhà vệ sinh cho mọi người, không đủ nệm, không đủ chăn. Họ sống từng giờ, không nghĩ đến ngày mai, hoàn toàn phó mình trong tay Chúa. Họ luôn nói với tôi: ‘Chúa sẽ giúp chúng tôi’”.
Đức Phanxicô gọi điện thoại cho linh mục Gabriel Romanelli
Đức Phanxicô gọi điện thoại cho linh mục Gabriel Romanelli ở Bêlem, ngài bị kẹt ở đây khi chiến tranh bắt đầu, linh mục cho biết Đức Phanxicô rất quan tâm đến tình hình ở Gaza, ngài thường xuyên gọi cho linh mục, đã bốn lần kể từ ngày 7 tháng 10, ngài hy vọng “các cuộc ném bom sẽ tạm dừng và các hành lang nhân đạo sẽ được mở để giúp cho hàng ngàn người đang cần lúc này. Số người chết đã tăng lên 2.750 người trong khu vực và ước tính có khoảng 1 triệu người phải sơ tán.
Đức Phanxicô gọi điện thoại cho linh mục Romanelli ở giáo xứ Gaza
Trong sự hỗn loạn này, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Linh mục Yousef Assad, người Ai Cập dâng thánh lễ hàng ngày. Ngày chúa nhật em bé Daniel Ala Shaheen được rửa tội. Một tia hy vọng cho tương lai của cộng đồng kitô giáo ở Gaza tan thành tro bụi trong số 2 triệu người dân của một vùng đất bị bỏ rơi cho số phận của họ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch