Liệu Thượng Hội đồng về tương lai của Giáo hội có bị “thao túng” không?
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2023-10-15
Quý độc giả thân mến,
Tôi viết thư này cho quý độc giả từ Rôma, nơi tôi theo dõi Thượng hội đồng về tương lai Giáo hội. Nhiều người tự hỏi liệu hội nghị này có dẫn đến một cuộc đổi mới sâu sắc trong thế giới công giáo hay không, hay liệu những thông báo hứa hẹn oai hùng, hứa mà không hứa – hôn nhân của các linh mục, truyền chức cho phụ nữ, chúc phúc cho các cặp đồng tính – sẽ phải kéo dài.
Sau tuần đầu “rồ máy” loan tin tại chỗ, qua tuần thứ nhì, tôi theo dõi từ xa, những người tham dự cho cảm tưởng giữa nhiệt tình và thận trọng. Một số nghiêng về “tháp Babel” với những tạp âm của nó, một số hy vọng một “Hiện Xuống mới” cho Giáo hội.
Rất khó để nhìn rõ vì nhiều lý do:
– Chương trình bao gồm nhiều chủ đề rất khác nhau cả về hình thức lẫn nội dung.
– Các đại biểu được nghiêm khắc yêu cầu không được nói chuyện với báo chí. Họ làm việc đằng sau cánh cửa đóng kín. Dù cuối cùng Vatican đã loan tin nhiều hơn mong đợi dưới hình thức ngẫu hứng khá hiếm đối với tổ chức này.
– Thượng hội đồng diễn ra trong hai phiên họp, tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 2024. Cuối tháng 10 năm 2024, họ sẽ bỏ phiếu theo đa số 2/3 về các đề xuất. Sau đó, các đề xuất này sẽ được chuyển đến giáo hoàng, ngài sẽ quyết định xem có giữ lại chúng hay không. Và ngài chỉ công bố vào đầu năm 2025.
– Phương pháp làm việc thiên về dò dẫm. Nó không phải là một suy tư thần học rõ ràng về các vấn đề được các thần học gia thiết lập và lên khung. Đúng hơn đây là hội chợ của các ý tưởng, mọi người đều đưa ra ý kiến của mình về mọi thứ.
– Một số diễn biến mới được công bố, đặc biệt là về địa vị của giám mục, vốn là vấn đề trọng tâm, không thuộc thẩm quyền của một thượng hội đồng. Các chuyên gia về giáo luật đảm bảo cần phải triệu tập một Công đồng để cải cách họ. Giáo hoàng không có quyền thay đổi các nền tảng pháp lý của Giáo hội dựa trên lá phiếu duy nhất của 364 đại biểu (trong đó có 88 người không phải giám mục), hầu hết do ngài chỉ định. Ngài nên triệu tập một Công đồng gồm hơn 5.000 giám mục. Một lựa chọn mà một số sau đó nhắm đến. Nhắc lại, Công đồng Vatican II đã tập hợp 2.400 giám mục của Giáo hội từ năm 1962 đến năm 1965.
Để bắt đầu suy nghĩ của chúng tôi và không giới hạn Thượng hội đồng này trong những đề xuất táo bạo nhất, tôi xin mời quý độc giả đọc “Tài liệu Làm việc” công bố tất cả các ý tưởng. Nếu quý vị muốn hiểu, thì đọc toàn bộ văn bản này là hoàn toàn cần thiết. Theo thuật ngữ của giáo hội, đó là “Instrumentum Laboris”, Tài liệu Làm việc, rất dễ tiếp cận. Chính văn bản này chứ không phải văn bản nào khác mà các thành viên của Thượng hội đồng có trong tay và họ tranh luận về tài liệu này trong suốt bốn tuần.
Dĩ nhiên các chủ đề chính là, phụ nữ, người đồng tính, độc thân của các linh mục, nhưng vấn đề cơ bản về “quyền lực” ở mọi cấp độ trong Giáo hội mới là trọng tâm thực sự của Thượng hội đồng. Tôi tóm gọn lại hai điểm sau: ai là người đưa ra quyết định? Do cơ quan nào?
Thẩm quyền của giám mục được đề cập
Xu hướng chủ yếu là đặt câu hỏi về thẩm quyền hiện tại của giám mục. Việc quản lý yếu kém các vụ lạm dụng tình dục đã xảy ra. Giám mục vừa là mục tử, vừa là bác sĩ, là thẩm phán trong giáo phận. Họ có mọi quyền lực. Họ chỉ trả lời cho giáo hoàng.
Liệu giám mục có phải chịu trách nhiệm trước một hội đồng gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người sẽ kiểm soát việc quản lý của họ không? Ngoài ra còn có câu hỏi về quyền lực của linh mục, người phải được xếp ngang hàng một cách hợp pháp với những người đã được rửa tội là giáo dân, không phải để cử hành các bí tích, mà để quản lý thông thường các giáo xứ và các hoạt động khác.
Đây là những gì tôi đã viết về các giám mục trong một bài báo mô tả nội dung của tài liệu làm việc, ngày 20 tháng 6 vừa qua. Vì thế quan trọng là phải đọc đầy đủ, in extenso.
Thượng hội đồng có thể yêu cầu xác định các “tiêu chuẩn” để “đánh giá và tự đánh giá” của họ. Thượng hội đồng cũng muốn thảo luận sâu hơn về “nền tảng” thẩm quyền giám mục khi giám mục từ chối tuân theo “ý kiến đã được cân nhắc” của “các cơ quan tư vấn” vốn luôn phải được ưu tiên. Tài liệu hỏi, làm thế nào một giám mục có thể “phân định tách biệt với các thành viên khác của dân Chúa”, của các giáo dân? Ngược lại, phải hướng tới “góc độ minh bạch và trách nhiệm giải trình (khả năng chịu trách nhiệm)”. Và chúng ta phải “xem lại chân dung của giám mục”, xem lại “tiến trình phân định để xác định ứng cử viên nào thích hợp cho chức giám mục”.
Hay còn
Đó là vấn đề đi vào “một quan niệm mục vụ của toàn thể Giáo hội”. Theo nghĩa này, Tài liệu Làm việc thể hiện “lời kêu gọi rõ ràng vượt xa tầm nhìn chỉ dành cho các thừa tác viên được phong chức (giám mục, linh mục, phó tế), bất kỳ chức năng tích cực nào trong Giáo hội, giảm thiểu sự tham gia của người đã được rửa tội thành một loại cộng tác cấp dưới”. Điều quan trọng là “hình dung ra những mục vụ mới để phục vụ một Giáo hội có tính đồng nghị”.
Và cuối cùng
Ngoài ra còn có các linh mục và giám mục bị Vatican đưa vào danh sách trừng phạt. Ở đó, người ta “đánh giá cao ơn tư tế thừa tác” nhưng lại “mong muốn sâu sắc để đổi mới nó từ góc độ đồng nghị”. Tuy nhiên, các linh mục, những người đã cống hiến đời sống, sẽ “xa cách với cuộc sống và nhu cầu của dân chúng, thường chỉ giới hạn trong lĩnh vực phụng vụ-bí tích”. (…) Vì thế điều cần thiết là chủng viện phải chuẩn bị cho các linh mục tương lai “một phong cách thẩm quyền đặc trưng của một Giáo hội có tính thượng hội đồng”. Cuối cùng, câu hỏi được tài liệu Vatican công khai đặt ra, đó là “xem xét lại (…) kỷ luật của việc tiếp cận chức linh mục cho các ông đã có gia đình” là điều thích hợp.
Một phương pháp nhằm mục đích giáo dục
Bên cạnh những vấn đề ít nhiều nóng bỏng này, vấn đề thứ hai của hội đồng này là phương pháp nhằm mục đích giáo dục, thay đổi văn hóa quyền lực trong Giáo hội. Chúng ta nói về một “phương pháp đồng nghị” dành cho một “Giáo hội đồng nghị”, nghĩa là một “Giáo hội của tất cả, dành cho tất cả” trong đó “các cuộc đối thoại trong Thánh Thần” – chứ không phải “các cuộc hoán cải”, “các cuộc đối thoại” mà quý vị đọc chính xác – sẽ cho phép có một “phân định tập thể” về “ý muốn của Thiên Chúa” để trả lời cho những câu hỏi mới được đặt ra cho Giáo hội. Những quyết định nào nên được đưa ra theo “phẩm giá bình đẳng của những người đã được rửa tội”, cho dù đó là giám mục cao cấp, linh mục hay giáo dân. Họ phải “lắng nghe” nhau, mà không phán xét hay xem mình vượt trội.
Tôi xin được phép trích dẫn lại bài báo tháng 6 trong đó tôi đã phân tích “Tài liệu Làm việc” rất mạnh mẽ:
“Một Giáo hội được cấu thành với tính đồng nghị, được kêu gọi nêu rõ quyền của tất cả mọi người tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội nhờ phép rửa của họ với việc phục vụ quyền bính và thực thi trách nhiệm.” Tín hữu công giáo có những nghĩa vụ, giờ đây họ có quyền. Điều quan trọng là phải “sửa đổi các cơ cấu giáo luật và các thủ tục mục vụ để thúc đẩy tính đồng trách nhiệm và tính minh bạch”.
Về mặt bình đẳng và đồng trách nhiệm, những người tổ chức Thượng hội đồng không để gì là ngẫu hứng. Trên thực tế, mọi người trong phòng họp đều cùng ngang hàng về thể chất, bình đẳng. Sau Công đồng Vatican II, các “phòng họp thượng hội đồng” được xây theo hình thức giảng đường, tất cả diễn ra trước sự chứng kiến của giáo hoàng chủ trì, đã bị bỏ qua.
Thượng hội đồng hiện tại diễn ra trong căn phòng rộng lớn của Hội trường Phaolô VI. Nhiều người biết nơi này vì giáo hoàng có các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư ở đây khi thời tiết xấu. Có khoảng ba mươi bàn tròn, mỗi bàn có từ mười đến mười hai người, tất cả được trang bị với máy tính và máy tính bảng điện tử. Chỉ có bàn của giáo hoàng hơi cao hơn các bàn khác một chút.
Sự dàn dựng này, danh từ mới, cho thấy Giáo hội công giáo cổ điển sẽ bước vào kỷ nguyên mới. Quan sát này được củng cố bởi thực tế là các đại biểu Thượng hội đồng đang thực hành một “thực hành” mới của Giáo hội. Không phải một “thực hành tôn giáo” mà là một cách sống mới cùng nhau, trong “tính đồng nghị”.
Trong tiếng Hy Lạp, Synode có nghĩa là cùng nhau bước đi. Vì thế Đức Phanxicô muốn các thành viên học cách bước đi bằng cách bước đi. Thế giới nhỏ bé với hơn 400 người này, nếu tính cả các chuyên gia, trong một tháng họ sẽ ở trong “trường học của Giáo hội”, nơi họ học cách cư xử theo quy tắc sống mới của Giáo hội: “lắng nghe” người khác, có những quyết định “tập thể”, không có thứ bậc, ngoại trừ thứ bậc của giáo hoàng, không có giới hạn mục vụ để mọi người, bất kể họ là ai, đều cảm thấy ở trong Giáo hội như ở trong nhà mình. Một loại nghệ thuật sống tình huynh đệ và cầu nguyện, khác xa với các hình thức hoạt động theo thứ bậc, làm nhắc lại những kinh nghiệm không tưởng, ở đây là kinh nghiệm kitô giáo, trong trường hợp này, nhắm đến trải nghiệm hiện sinh trước khi có kết quả cụ thể.
Đây là những gì tôi đã viết vào cuối tháng 6, trích dẫn Tài liệu Làm việc, về phương pháp làm việc mới này:
Lần đầu tiên, Tài liệu Làm việc này mô tả tiến trình đưa ra quyết định tập thể mới mà Thượng hội đồng muốn thấy được thực hành và được giảng dạy ngay “từ khi còn ở chủng viện” để đảm bảo rằng các linh mục và giám mục không còn giữ vị trí thống trị nữa, để nuôi dưỡng một thái độ “phục vụ” tín hữu. Trọng tâm của hệ thống mới này, phương pháp này được gọi là “đối thoại trong Chúa Thánh Thần”.
Một sơ đồ giải thích thậm chí còn được công bố để giải thích ba thì: thì đầu tiên là “cầu nguyện”, nói và chăm chú lắng nghe sự đóng góp của người khác, kế đó là thì “dành chỗ cho người khác và cho Chúa” và nói điều gì “gây tiếng vang nhất” hoặc “tạo kháng cự nhất”. Cuối cùng là “cùng nhau xây dựng” bằng cách “nhận ra các trực giác và các hội tụ”, cũng như “thấy những bất đồng và trở ngại” nhưng bằng cách “để những tiếng nói tiên tri vang lên” vì điều quan trọng là “mọi người đều cảm thấy được đại diện bởi kết quả của công việc”. Văn bản nêu rõ: “Vấn đề không phải là phản ứng hay phản đối những gì đã được nghe mà là bày tỏ những gì đã chạm đến hoặc bị chất vấn trong quá trình lắng nghe”.
Theo tài liệu, “các hiệu quả của việc lắng nghe được tạo ra trong không gian nội tâm của mỗi người là ngôn ngữ mà Chúa Thánh Thần làm cho giọng nói của Ngài vang vọng”. Phương pháp này nên được áp dụng ở mọi cấp độ trong Giáo hội bằng cách tạo ra chức năng “của điều phối viên của các quá trình phân định chung”.
Cú sốc văn hóa và những căng thẳng cao độ tại Vatican
Do đó, Thượng hội đồng này gây ra một cú sốc văn hóa và những căng thẳng cao độ ở Vatican và trong Giáo hội Ý, mà đa số không màng đến hoạt động này, tất cả đều được đảm nhận bởi một giáo hoàng rất quyết tâm với chủ đề này.
Một dấu hiệu của những khác biệt này: một ngày trước khi khai mạc Thượng hội đồng, những “nghi vấn” được năm hồng y danh dự đưa ra về thẩm quyền và tham vọng cải cách của Thượng hội đồng. Hoặc một lần nữa, thư của hồng y Zen, tổng giám mục danh dự của Hồng Kông nói về một “sự thao túng” rộng lớn. Các cuộc trao đổi vũ khí khác đã diễn ra trong tuần này, tôi sẽ nói về các trao đổi này sau, chúng không bổ sung nội dung vào những gì quý độc giả sẽ tìm thấy với các liên kết này.
Vì thế bây giờ không thể nói liệu điều này có mang lại kết quả hay không. Trong sương mù tháng mười này, tôi lưỡng lự giữa hai giả thuyết:
– Hoặc cỗ máy này, một số người sẽ nói đây là cỗ máy chiến tranh, công trình xây dựng này sẽ bị đình trệ do cơ chế quá phức tạp, tham vọng quá mức, sẽ dẫn đến nổ tung, trong sự lún tắc của nó tạo ra một thất vọng lớn, một thất bại cho sự kết thúc triều của Đức Phanxicô không?
– Hoặc nhà máy sản xuất ý tưởng này, táo bạo và rất hữu ích cho nhiều chủ đề nhưng hiện tại không thể đọc được, sẽ thành công trong việc giải quyết những tranh chấp quan trọng trong Giáo hội, vốn được xem là những vết thương, những hụt hẫng sẽ trở thành thành tựu cao điểm của triều giáo hoàng cải cách của Đức Phanxicô.
Tuy nhiên, hy vọng việc cầu xin “Chúa Thánh Thần” được Thượng hội đồng này vinh danh, đúng theo truyền thống của Giáo hội, sẽ không bị lợi dụng. Câu hỏi có phần khiêu khích này không phải là một chi tiết. Đó là câu hỏi nghiêm chỉnh. Tôi đặt câu hỏi một cách thận trọng, không phải để luận tội ý định của những người chịu trách nhiệm về Thượng hội đồng nhưng vì chúng tôi chưa bao giờ thấy trong Giáo hội công giáo có một “quảng cáo” đột ngột như vậy cho Chúa Thánh Thần. Mọi việc diễn ra như thể chúng ta dùng thẩm quyền thiêng liêng của mình để buộc thế giới của các nhà giáo luật và một số thần học gia phải chấp nhận những diễn biến, mà một số người mong đợi nhưng có nhiều người ở Rôma bác bỏ và không phải chỉ có họ.
Thêm nữa, linh đạo của Chúa Thánh Thần được chia thành hai trường phái nơi người công giáo.
Có một nhánh “đặc sủng” thừa nhận những biểu hiện ngoạn mục (ơn nói tiên tri, các bài hát bằng ngôn ngữ lạ, “những chữa lành”, hoán cải đột ngột, v.v.). Phổ biến hơn, có một nhánh tối giản, trong đó Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Thiên Chúa, cũng quan trọng như đời sống thiêng liêng, rất kín đáo, như “làn gió nhẹ” trong Kinh thánh, được thể hiện trong sự thân mật của tâm hồn hoặc trong phụng vụ, không có chút bồng bột hay chủ định nào.
Dù sao, ngay cả trong một Công đồng khi Giáo hội cầu xin Chúa Thánh Thần đến và soi sáng các giám mục và các nhà thần học, Vatican cũng không tuyên bố trước, một cách rầm rộ và chắc chắn rằng Chúa Thánh Thần bảo đảm một cách tiên nghiệm, hiệu lực của các kết quả sẽ có của Thượng hội đồng về tương lai Giáo hội này.
Chủ đề này rất tế nhị vì nó ảnh hưởng đến chính thẩm quyền của Thượng hội đồng vốn có ý định xem xét thẩm quyền phẩm trật trong Giáo hội. Tuy nhiên, nó phải được giải quyết nên tôi nêu lý do này một cách thận trọng, với tư cách là một nhà báo và nhà quan sát, đồng thời sẵn sàng chấp nhận sai lầm.
Chẳng hạn, tuần này hồng y Cyprien Lacroix, tổng giám mục giáo phận Québec, Canada trả lời câu hỏi về “sự vắng mặt của các cặp tái hôn ly hôn hoặc người LGBT” trong số các thành viên của Thượng Hội đồng: “Chúng tôi vẫn chưa thấy xong những điều sẽ làm chúng tôi ngạc nhiên,” rõ ràng ngài ngụ ý có nhiều cánh cửa đã mở.
Đó là ngày 11 tháng 10. Ngay trước khi hồng y Lacroix can thiệp, ông Paolo Ruffini bộ trưởng bộ Truyền thông, một giáo dân làm bộ trưởng bộ thông tin của Tòa thánh – đã giải thích, “bản sắc tình dục, tình trạng của các cặp đồng tính nam, của người ly dị và tái hôn” thực sự đã được đề cập đến. Theo ông, một số thành viên đã yêu cầu “phân định sâu sắc hơn về giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề tính dục”, trong khi những người khác, cũng một nguồn tin, cho rằng điều đó “không hữu ích”. Nhưng ông nhấn mạnh, tất cả đều thấy “cần phải bác bỏ mọi hình thức kỳ thị người đồng tính”.
Trong 35 năm theo dõi sinh hoạt hàng ngày của Vatican, với kinh nghiệm của ba triều giáo hoàng, hai lần đưa tin mật nghị và hàng chục thượng hội đồng, tôi chưa bao giờ thấy một tham vọng, một tổ chức tỉ mỉ như vậy, với một ý chí lấy “Thần khí của Chúa” là lập luận căn cứ cho phần tiếp theo của công việc.
Đó có thể là trường hợp. Trong thần học Thiên Chúa Ba Ngôi, “Thánh Thần của Thiên Chúa” là sự xuất hiện của “Tình yêu” giữa “Chúa Cha” và “Chúa Con”. Vai trò của Chúa Thánh Thần là truyền cảm hứng cho tín hữu và Giáo hội, nuôi dưỡng đời sống thần bí của Giáo hội.
Nhưng trong những ngày này ở Rôma, người ta nói như thể Chúa Thánh Thần đã rời Tòa thánh và đột nhiên trở lại nhờ Thượng hội đồng này, trong khi chúng ta vẫn xin Ngài cầu bàu trong thánh lễ và trong các buổi cầu nguyện!
Trừ khi – một giả thuyết khác – việc khám phá lại ảnh hưởng tự phát của Chúa Thánh Thần sẽ quay trở lại, theo đường lối đặc sủng, Hiện Xuống hoặc Phúc âm, đến cấp độ cao nhất của Giáo hội, nơi phong cách không kiềm chế này chưa bao giờ được thừa nhận. Đức Phanxicô, trước khi được bầu và sau đó, luôn có chiều kích đặc sủng trong cách ngài điều hành Giáo hội. Từ quan điểm này, chiều kích này hoàn toàn nằm trong truyền thống kitô giáo.
Nhưng trong các câu chuyện Tin Mừng và trong sách Công vụ Tông đồ, dường như chính Thiên Chúa là người ra lệnh. Trong những ngày này, những “điều ngạc nhiên” về Chúa Thánh Thần mà mọi người ở Rôma đang nói đến, không đến “từ bên dưới” mà đến từ “trên cao”.
Chủ nghĩa tự nguyện này, những từ khóa này, gần như những câu thần chú – những điều bắt buộc, trong số đó, là “những ngạc nhiên của Chúa Thánh Thần” – được lặp đi lặp lại như một khám phá tuyệt vời về giao tiếp, một yếu tố hay của ngôn ngữ, nhưng có thể đó là một trong những điểm yếu trong phương pháp luận của Thượng hội đồng này. Tôi không nói cuộc gặp gỡ này sẽ không được “linh hứng”, tôi là ai mà dám khẳng định điều này, nhưng tôi ngạc nhiên trước sự việc người ta bảo đảm trước hành động của Chúa Thánh Thần, ấn tín tuyệt đối Ngài sẽ ban cho công việc.
Lịch sử của các Công đồng cho thấy Giáo hội đôi khi phải mất hàng thế kỷ mới đồng ý về một công thức đơn giản. Sự trưởng thành là rất chậm trong lãnh vực này. Các nhà thần học làm việc ở đó, đó là công việc của họ. Sự tham gia của giáo dân hoặc các nam nữ tu sĩ có ít chuyên môn là một tin rất vui cho Giáo hội, nhưng thượng hội đồng này không thể để các thần học gia ở vị trí thứ yếu, đó là điều mà một số người trong số họ chỉ trích.
Từ quan điểm này, tầm nhìn của hồng y Lacroix nói lên trong tuần này hứa hẹn một sự trưởng thành chậm cũng tạo không ít hoang mang: “Mục tiêu của Thượng hội đồng này (…) không phải là giải quyết các vấn đề giáo lý mà là học cách “cùng nhau bước đi” để chúng ta có thể xem tất cả những câu hỏi này khi về nhà.”
Chắc chắn, những khoảng thời gian “im lặng”, đây là điều mới mẻ, được áp dụng tại các bàn tròn để những người tham dự suy niệm, suy nghĩ và cầu nguyện. Và không ai có thể đánh giá lời cầu nguyện nội tâm của một ai đó, đó là cung thánh không ai bước vào được, nhưng ở đây, đôi khi Giáo hội cho ấn tượng “điều hành” Chúa Thánh Thần, tôi dám nói, một cách nào đó là triệu tập Chúa Thánh Thần vào Thượng hội đồng. Có ai bao giờ triệu tập được Thần Khí Thiên Chúa? Trong Kinh thánh dường như chỉ có Chúa Kitô mới có quyền năng này.
Một câu hỏi khác, được nói đến quá ít ở Rôma, đó là các sứ điệp của Chúa Thánh Thần luôn đòi hỏi có “phân định”. Ngay cả Giáo hội công giáo trong nhiều thế kỷ đã đấu tranh với bất kỳ phong trào hoặc nhân cách nào quá đặc sủng, có liên quan trực tiếp đến Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể trích dẫn Thánh Phanxicô Assisi. Chúng ta cũng có thể đề cập đến Đức Phanxicô, người đã chiến đấu chống lại giáo triều Rôma, cơ quan quản lý trung ương của ngài. Mỗi lần Rôma tự cho mình có thẩm quyền “phân định” để biết trực giác của một người sáng lập hay một gia đình tâm linh nào đó đến từ đâu: từ Thiên Chúa, từ Chúa Thánh Thần? hay nơi khác… Và đó là những giới hạn. Sự “phân định” này của Giáo hội la-mã la-tinh là tâm điểm của việc bác bỏ các luận điểm của Luther và nhiều luận điểm khác, được xem là ngoài tầm kiểm soát của công giáo và vì thế không thể đến từ Chúa Thánh Thần…
Cũng cần phải nhớ việc thực hành “phân định” cao quý này là một trong những đặc điểm của Dòng Tên. Và các tu sĩ Dòng Tên hoặc các linh mục được đào tạo hoặc gần gũi với họ được đặt vào nhiều vị trí chủ chốt trong Thượng hội đồng này. Đó là điều mới ở điểm này. Thậm chí người ta còn nói có bốn tu sĩ Dòng Tên ở chiếc bàn tròn có giáo hoàng ngồi.
Vì thế sự phân định I-Nhã này sẽ được thực hiện để cố gắng nắm bắt những gì “Chúa Thánh Thần” muốn “nói” với Giáo hội và những điều mà Ngài chưa bao giờ gợi ý cho các giáo hoàng tiền nhiệm. Điều mà chúng ta gọi là “những ngạc nhiên nổi tiếng của Chúa Thánh Thần”.
Nhưng những “bất ngờ” này là gì? Người ta nói: “Chúng tôi không biết.” Và chúng ta thường nghe thấy, như trong một kế hoạch truyền thông, yếu tố ngôn ngữ khác này được thể hiện bằng mọi giọng điệu: “không thành viên nào của thượng hội đồng có một chương trình nghị sự”, nghĩa là một mục tiêu cần đạt được.
Điều gì sai.
Trong hội nghị của các giáo dân, các tu sĩ nam nữ, thậm chí cả các hồng y đã trực tiếp hoặc gián tiếp rất ủng hộ cuộc cải cách này hay cuộc cải cách kia, được mô tả trong Tài liệu Làm việc. Tôi đã gặp một số. Nói về họ như những người vận động hành lang, theo nghĩa của những người như chúng ta gặp trong các hành lang vận động của các cơ quan quản trị ở châu Âu thì quá đáng, nhưng hội đồng này gặp phải những nhà cải cách đích thực. Họ không che giấu. Cũng vậy với tu sĩ Dòng Tên người Mỹ James Martin, người bảo vệ các phong trào LGBT, rất gần với Đức Phanxicô.
Trong cùng một hội đồng này, có rất nhiều giám mục, giáo dân, tu sĩ nam nữ, “những người đa khoa” của Giáo hội, những người lính bộ binh hoặc những người lính bộ binh, những sĩ quan tác chiến không có bất kỳ một chương trình nghị sự nào bây giờ. Họ sẽ có thể phản đối hoặc ủng hộ các phương án cải cách thông qua nhiều cuộc bỏ phiếu về các văn bản, kiến nghị và đề xuất.
Một hoạt động rất đặc biệt
Điều này làm cho Thượng hội đồng “mở” với những điều mới lạ và “bất ngờ” nhưng chúng ta không nên để mọi người nghĩ rằng những biện pháp mới có thể được biểu quyết vào năm 2024 sẽ từ trên trời rơi xuống… Nhiều người công giáo muốn nghĩ rằng cuộc họp này là để diễn tả và giới thiệu “dân Chúa đang đi”. Nhưng không thể giữ người công giáo trong ảo tưởng để họ nghĩ Giáo hội như tờ giấy trắng, sẽ chờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần để biết bây giờ Giáo hội phải tiến theo hướng nào. Nhiều người trong hội trường biết rất rõ phải đi về đâu. Nhiều người cũng biết họ không muốn đi về đâu.
Vì thế tuần này, nhận xét của bề trên tổng quyền Mauro-Giuseppe Lepori của Dòng Xitô, đã thừa nhận với báo chí, nếu chủ đề truyền chức cho phụ nữ “không chiếm ưu thế”, thì “chỗ đứng của phụ nữ” trong Giáo hội chiếm ưu thế. Theo ngài, không có chuyện bàn đến việc phong chức cho phụ nữ bây giờ, nhưng vấn đề phong chức phó tế cho họ đã được bàn đến.
Có một hình thức dân chủ, có phiếu bầu của phụ nữ, chúng ta chỉ có thể chào mừng cho Giáo hội, đó là tinh thần đồng nghị, tuy nhiên với sự dè dặt: danh sách khách mời được chính giáo hoàng chọn lọc kỹ càng, những người của các hội đồng giám mục “bầu”, không do Rôma kiểm soát, họ chỉ chiếm thiểu số.
Và rồi, không chỉ có “thành viên” của hội đồng. Vẫn có một văn phòng trung tâm của Thượng hội đồng như thường lệ, nhưng tầm quan trọng của văn phòng này ngày càng tăng. Trên thực tế, tổ chức mới xem trọng công việc của ba mươi “nhóm nhỏ” (circuli minores). Do đó đòi hỏi văn phòng phải làm việc rất nhiều để phối hợp.
Trong các hình thức của các thượng hội đồng trước đây, chủ yếu các phiên họp toàn thể chiếm ưu thế. Từng thành viên phát biểu trước mặt mọi người. Tiếp đó các nhóm nhỏ gặp nhau để thảo luận. Rồi các cuộc họp lớn, mọi người đều có mặt để đi tới phần kết luận.
Bây giờ thì hơi ngược lại: có nhiều thì giờ và không gian hơn cho công việc trao đổi xung quanh ba mươi bàn, mỗi bàn mười hai thành viên, tất cả đều được trang bị màn hình cá nhân nhỏ để bỏ phiếu và để lưu hành thông tin.
Điều này củng cố nhu cầu của một phối hợp được văn phòng trung tâm làm việc, nhưng hoạt động của văn phòng khá ẩn kín, những bài tổng hợp của họ rất quan trọng, không phải với phiếu bầu của các đại biểu mà với việc soạn thảo các văn bản tóm tắt.
Tôi vẫn chưa hiểu đủ bộ máy đồng hồ làm việc của thượng hội đồng, tôi hy vọng từ đây tới cuối cuộc họp tôi sẽ hiểu và sẽ kể cho quý độc giả nghe sau. Chúng ta không thể tuyên bố đang làm việc hướng tới một Giáo hội có tính đồng nghị minh bạch, dân chủ và phi tập trung nhưng lại hành động khác trong thời gian họp thượng hội đồng.
Tôi xin nói rõ, việc mô tả hoạt động rất đặc biệt này của thượng hội đồng, tầm quan trọng, giới hạn của nó, không nhằm mục đích bôi nhọ cách làm việc này. Đó là cấu thành của Giáo hội kitô giáo. Các Giáo hội chính thống chưa bao giờ từ bỏ tập tục hai ngàn năm tuổi này, dù thượng hội đồng của họ chỉ có các giám mục tham dự. Cũng như các Giáo hội tin lành, về bản chất là đồng nghị, nhưng họ có sự tham gia mạnh mẽ của giáo dân.
Kể từ Công đồng Vatican II, Giáo hội công giáo đã kết nối lại với truyền thống đồng nghị. Chúng ta đừng quên, truyền thống này được thực hành rộng rãi dưới thời Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI. Trong 27 năm triều giáo hoàng của ngài, Đức Gioan Phaolô II triệu tập 15 thượng hội đồng có quy mô tương tự. Trong 10 năm Đức Bênêđictô XVI triệu tập 5 thượng hội đồng. Đức Phanxicô đã triệu tập Thượng hội đồng về giới trẻ và ơn gọi, về gia đình, về Amazon. Thượng hội đồng về “tính đồng nghị” này có tên “Thượng hội đồng về tương lai Giáo hội” tạo cảm tưởng đây thực sự là thượng hội đồng đầu tiên của Giáo hội công giáo. Điều này không đúng, dù đúng là Giáo hội la-mã rôma chưa bao giờ tự chất vấn mình ở điểm này thông qua một thượng hội đồng.
Ngoài ra, Đức Phanxicô đã vắng mặt vào đầu tuần. Được thông báo ở các bàn tròn thượng hội đồng, ngài không có mặt. Ngài có vấn đề sức khỏe? Vatican trả lời ngài có những cuộc gặp bất ngờ khác. Ông Paolo Ruffini, bộ trưởng bộ Truyền thông Vatican, người duy nhất được phát biểu trong thời gian nhịn truyền thông đúng-sai này do giáo hoàng áp đặt.
“Đúng-sai”, vì thông tin không chỉ bằng lời nói: ông Ruffini cho biết ngày thứ ba 10 tháng 10, ngài đã ăn trưa với “những người nghèo” ở Rôma, để hỏi họ mong đợi gì ở Thượng hội đồng và Giáo hội. Họ trả lời, họ chỉ hy vọng một điều từ Giáo hội: “Tình yêu, chỉ duy nhất tình yêu”.
Một chương trình hay, không ai phản đối. Thông điệp tuyệt vời cũng đặc biệt trong bối cảnh khủng khiếp của các tin tức thời sự, sẽ đến từ một thượng hội đồng khác, thượng hội đồng “các vùng ngoại vi”! Chắc chắn đây là một trong những “điều ngạc nhiên” của cuộc họp phong phú và đặc biệt này.
Cảm ơn quý độc giả đã trung thành và quan tâm đến thư này.
Marta An Nguyễn dịch
Nhà báo Jean-Marie Guénois: “Đức Phanxicô rất can đảm trong việc lãnh đạo Giáo hội”