Nhà báo Jean-Marie Guénois: “Đức Phanxicô rất can đảm trong việc lãnh đạo Giáo hội”

162

Nhà báo Jean-Marie Guénois: “Đức Phanxicô rất can đảm trong việc lãnh đạo Giáo hội”

 

 

Nhà báo Jean-Marie Guénois của Le Figaro và là nhà quan sát Vatican từ nhiều thập kỷ, ông tìm cách đào sâu nhân cách của giáo hoàng trong quyển sách mới của ông, “Giáo hoàng Phanxicô. Cuộc cách mạng” (Pape François. La révolution, nxb, Gallimard).

 

 

 

famillechretienne.fr, Charles-Henri d’Andigné, 2023-09-04

Đức Phanxicô rời nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô Phaolô sau cuộc gặp với các giám mục, linh mục, các nhà truyền giáo, tu sĩ và nhân viên mục vụ tại Oulan-Bator ngày 2 tháng 9 năm 2023. – Pedro PARDO / AFP

Có phải vì ông cảm thấy bị hiểu lầm nên ông muốn viết một quyển sách về Đức Phanxicô không?

 Jean-Marie Guénois: Có hai khía cạnh. Điểm đầu tiên liên quan đến chính con người của ngài, vừa vui vẻ, ấm áp, vừa có trái tim, vừa đam mê; nhưng ngài cũng độc đoán, giận dữ, rất chỉ huy. Khía cạnh thứ hai là sự phân cực mà triều của ngài đã tạo ra trong Giáo hội. Hiếm khi có một giáo hoàng lại có nhiều lời khen ngợi và phản đối như vậy. Qua quyển sách, tôi muốn thoát ra khỏi những sơ đồ, những khuôn sáo trắng đen để giải thích sự phức tạp của một người có cá tính phong phú trong môi trường tế nhị của Vatican.

Đức Phanxicô có thực hiện việc quản lý độc tài không? Quyển sách của ông dành cho ai?

Khi là chuyên gia trong một lĩnh vực như tôi, người ta thường có khuynh hướng viết cho người am hiểu. Đó là cái bẫy! Tôi muốn nói với công chúng, không nhất thiết họ phải quen thuộc với văn hóa kitô giáo. Tôi hy vọng tôi có đủ trình độ sư phạm để có nhiều người hiểu càng tốt. Những vấn đề thiêng liêng không chỉ liên quan đến tín hữu mà còn liên quan đến tất cả mọi người.

Giáo hoàng có một tính cách rất sôi nổi, ngài có khía cạnh độc tài, nhưng ngài muốn đưa tính đồng nghị vào Giáo hội. Điều đó không mâu thuẫn sao?

Không nên giới hạn tầm mức rộng lớn của cải cách này qua nhân cách của giáo hoàng. Tại sao lại có cuộc cải cách tính đồng nghị này? Triều giáo hoàng Đức Bênêđíctô XVI đã chứng minh tình trạng xơ cứng đã tác động trên Giáo triều như thế nào, của hệ thống hành chính Tòa thánh với tất cả những gì kéo theo chủ nghĩa thăng quan tiến chức trong giáo hội có thể đi xa đến mức nào, hoàn toàn đáng ghét. Đức Phanxicô đã đúng khi lay động những thói quen quyền lực này, điều mà người ta thường thấy ở trong một ban quản trị lớn. Chúng ta đã thấy một cách cực điểm dưới thời Đức Bênêđíctô XVI, ngài đã tin tưởng vào chính quyền của mình, một cách nào đó đã thấm nhập vào ngài, đưa đến mức ngài phải từ chức. Và Đức Phanxicô đã chỉnh lại chuyện này, khá gay gắt. Và phải cần đến một người có lòng can đảm, dũng cảm, sức mạnh, uy quyền, đôi khi cứng rắn, mới có thể thay đổi được hệ thống một chút. Chính trong bối cảnh này mà cuộc cải cách thượng hội đồng diễn ra, sẽ tập trung vào việc ra quyết định trong Giáo hội. Vì vậy, để trả lời câu hỏi của ông, căn bản Đức Phanxicô là người thiện cảm, ngài yêu giáo dân, ngài muốn mọi người thể hiện bản thân, nhưng ngài cũng là một ông chủ. Đã lâu lắm rồi Giáo hội không có ông chủ. Tôi hoan nghênh nỗ lực của một người đấu tranh chống lại những thói quen có hàng thế kỷ và vẫn chưa ghi bàn thắng.

Tính đồng nghị có phải là một trong những cách để tránh quyền lực của Giáo triều không? 

Đây là một trong những thiên tài chính trị của Đức Phanxicô, người đối diện với một ngọn núi, đối diện với một văn hóa mà ngài không thể thay đổi chỉ trong nháy mắt một ngày, ngài đã vượt qua khó khăn bằng cách đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề, nghĩa là, trong trường hợp này, đó là việc đưa ra quyết định. Ai đưa ra quyết định trong Giáo hội? Làm thế nào để đưa ra quyết định? Với tính đồng nghị, Đức Phanxicô muốn làm cho người công giáo tập quan tâm hơn đến sinh hoạt của Giáo hội mình, đặt câu hỏi nhiều hơn cho các nhà lãnh đạo, giám mục, linh mục của mình, tham gia nhiều hơn vào các hội đồng giáo xứ, là người trong cuộc và không còn là một Giáo hội chờ quyết định của linh mục hay giám mục, mà không đảm nhận quá nhiều trách nhiệm. Đây là chủ đề của “thượng hội đồng về tính đồng nghị”, một từ ngữ chưa nghe thấy, để người công giáo trong tiến trình giáo hội và phúc âm có tiếng nói của mình, nhất là phụ nữ.

Tiến trình này có nguy cơ vuột khỏi tay ngài như trường hợp ở Đức không?

Quả thực, chúng ta có ví dụ của thượng hội đồng Đức, một cơ cấu rất có tổ chức nhưng cuối cùng lại trở thành một bộ máy chính trị với các khuynh hướng thống trị, đưa ra các đề xuất cải cách chịu ảnh hưởng mạnh của tin lành. Đúng là chuyển động có phần vuột khỏi tay Đức Phanxicô. Ở đây chúng ta thấy tính nước đôi của ngài: một bên là Dòng Tên, tôi muốn nói đến tính cách mạng, muốn khuyến khích mọi khuynh hướng thể hiện mình, bất hoặc chúng như thế nào. Một bên ngài là người đứng đầu Giáo hội, không thể cho phép vượt qua một số giới hạn nhất định. Thượng hội đồng Đức cảnh báo ngài về mối nguy hiểm tiềm tàng của thượng hội đồng và sự cần thiết phải điều chỉnh đúng mức, nhưng nó cũng làm cho một số người bảo vệ tính đồng nghị nghi ngờ tính khả thi của một thượng hội đồng toàn diện liên quan đến chính tổ chức của Giáo hội. Từ tháng 10 này, chúng ta sẽ xem ngài sẽ đồng hành với các suy tư, cải cách này như thế nào. Những thách thức rất nghiêm trọng với tương lai Giáo hội.

Còn quan điểm của ngài trong vấn đề đạo đức thì sao? Chúng tôi có cảm giác dưới mắt ngài, đạo đức đứng sau những thứ còn lại…

Tôi không nghĩ ngài đặt đạo đức ở hàng thứ nhì, với ngài đạo đức rất quan trọng, những phán xét về đạo đức thường xuyên có mặt trong các bài diễn văn của ngài. Điều ngài tố cáo, là điều ngài xem như một ám ảnh của một số người công giáo về các chủ đề luân lý tình dục mà theo ngài, dường như hoàn toàn phản tác dụng ở cấp độ mục vụ. Ngài muốn giảm bớt chú ý với các chủ đề luân lý để nhấn mạnh đến lòng thương xót, làm nổi bật một Giáo hội không có tường, không có cửa để mọi người có thể bước vào dễ dàng hơn. Nhưng ngài không thay đổi đạo đức, ngài không có ý chí cũng như sức mạnh để làm. Ngài đã bị buộc tội khi nói về vấn đề đồng tính (“Tôi là ai để phán xét?”). Trên thực tế, về chủ đề này ngài đã tỏ ra uyển chuyển, giữ một quan điểm theo kiểu mục vụ, thích ứng với từng trường hợp, và làm theo hoàn cảnh của từng người, hơn là theo một quy tắc hơi quá cứng nhắc. Mục đích là để xoa dịu mối quan hệ cực kỳ căng thẳng, đặc biệt là với Giáo hội Hoa Kỳ, rất tiến bộ về những chủ đề này. Vấn đề không phải là thay đổi đạo đức mà là thay đổi cách tiếp cận đối với một số chủ đề nào đó, thay đổi bầu khí. Phá những ổ khóa ngăn cản một số người không dám bước chân vào nhà thờ.

Giống như tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia?

Đúng, một cách nào đó. Với tông huấn này, đó là vừa duy trì tính bất khả phân ly của hôn nhân (tông huấn lặp lại nhiều lần vẫn giữ nguyên giáo lý), vừa đi tìm các giải pháp mục vụ thích ứng với từng trường hợp để có thể chấp nhận, với một số điều kiện cụ thể, khả năng rước lễ của những người tái hôn đã ly hôn. Vì vậy, thực sự, nó được thực hiện theo từng trường hợp, hơn là lời nhắc nhở về luật. Như thế chúng ta có thể buộc tội ngài theo chủ nghĩa tiến bộ như một số người vẫn buộc tội không? Tôi nghĩ là không. Trong những lĩnh vực này, ngài đi tìm con đường thỏa hiệp về một chủ đề bi thảm của gia đình.

Các từ ngữ “cánh hữu/cánh tả”, “truyền thống/cấp tiến”, có phù hợp để giải thích cho suy nghĩ và hành động của một giáo hoàng không?

Đây là những quan niệm rất thực tế! Bản thân ngài, khi chúng ta nhìn vào hành trình cá nhân, chúng ta có thể thấy ngài là người ở phía trung tả. Ngài bác bỏ chủ nghĩa tư bản điên cuồng, chủ nghĩa tự do, v.v. ngài cho rằng, vinh dự của Giáo hội khi tập hợp những người có đường lối chính trị rất đối lập nhau, nhóm xanh lục, nhóm xanh lam, nhóm đỏ, nhóm trắng, và chính thiên tài công giáo đã cố gắng vượt qua những khác biệt này một cách rất hợp pháp, đảm bảo những người này có thể cùng nhau cầu nguyện. Tôi nghĩ, giáo hoàng có tinh thần này. Ngài có những ý tưởng cá nhân mà ngài không giấu giếm, nhưng ngài không bao giờ ở nơi bạn mong chờ.

Nguồn gốc Mỹ la-tinh của ngài có phải là chìa khóa để hiểu nhân vật không?

Về tính cách của ngài, có; về quan điểm của ngài, không. Việc ngài có nguồn gốc Ý là rất quan trọng. Nó giúp giải thích sự hiểu biết sâu sắc của ngài về văn hóa Ý. Điều này mang lại cho ngài sự tự do lớn lao với những người Ý ở Vatican. Ngài hoàn toàn hiểu họ. Nhưng căn bản, điều quan trọng nhất, ngài là tu sĩ Dòng Tên: rất cổ điển trong linh đạo, ngài cầu nguyện trước Thánh Thể, suy niệm Tin Mừng, ngài rất gắn bó với việc kính mến Đức Mẹ và Thánh Giuse – ngài là cha giải tội trong một thời gian dài  sau khi bị loại khỏi tỉnh dòng Argentina. Đồng thời sự đào tạo Dòng Tên đã ảnh hưởng trên ngài rất nhiều, khá tự do với giáo điều, rất thù địch với chủ nghĩa tư bản – Hoa Kỳ. Khi làm giáo hoàng ngài mới đi Mỹ lần đầu tiên, ngài luôn cố tình từ chối đến đó.

Ông ngưỡng mộ giáo hoàng này không?

(Cười) Tôi xin cám ơn câu hỏi này, vì tôi thường bị trách là kẻ thù của ngài, không yêu ngài. Điều đó thật phi lý. Tôi là người đòi hỏi, tôi khá phê phán về những thái độ nước đôi của ngài, điều đó không có nghĩa là tôi không tôn trọng ngài. Tôi ngưỡng mộ lòng dũng cảm của ngài. Ngài có rất nhiều dũng cảm trong việc lãnh đạo Giáo hội, ngài đã làm những việc mà chưa có giáo hoàng nào trước ngài làm được. Ngài thực sự có tự do, điều mà tôi đánh giá rất cao. Điều đó muốn nói lên, tôi đã biết và đã quan sát rất rất gần ba triều giáo hoàng: nguy cơ mất ổn định hiện nay ở một số điểm quan trọng của Giáo hội làm tôi phải đặt câu hỏi khi thể chế này đã rất yếu kém.

Marta An Nguyễn dịch

Giáo hoàng Phanxicô. Cuộc cách mạng” (Pape François. La révolution, Jean-Marie Guénois, nxb. Gallimard).