“Tính đồng nghị cần thời gian dài, chúng ta phải chấp nhận”
Hình minh họa do trí tuệ nhân tạo vẽ.
Bà Monique Baujard, chủ tịch hiệp hội Những người bạn của Sự sống (Les Amis de La Vie) thảo luận về việc khai mạc Thượng hội đồng về tính đồng nghị ở Rome, và sự thay đổi mà Thượng hội đồng đã thiết lập trong Giáo hội công giáo… thậm chí vượt xa những cải cách có thể mong chờ.
Bà Monique Baujard, chủ tịch Những người bạn của sự sống
lavie.fr, bà Monique Baujard, 2023-10-10
Giai đoạn phổ quát của Thượng hội đồng đang hiện đang diễn ra ở Rôma có hình thức như một khóa thường huấn dành cho các giám mục, và từ đó những người tham dự, tu sĩ và giáo dân được hưởng lợi nhờ quá trình này. Chương trình là tìm hiểu về sự đa dạng và đối thoại, hai thực tế khó chấp nhận, dù ở ngoài xã hội hay ở trong Giáo hội. Đối thoại là một khái niệm gần đây trong Giáo hội. Đối thoại chỉ mới được Đức Phaolô VI đưa vào từ vựng của huấn quyền năm 1964. Trong thông điệp đầu tiên Ecclesiam Suam (Hiến chương của cuộc đối thoại giữa Giáo hội và thế giới) của ngài, ngài nói mối quan hệ giữa Giáo hội và xã hội phải mang hình thức đối thoại và ngài vạch ra các vòng đối thoại khác nhau cần được vun trồng: với những người không có đức tin, với những người tin vào các tôn giáo khác, với các tín hữu kitô khác giáo phái và giữa những người công giáo.
Điểm cuối cùng này hầu như chưa được đào sâu, cuộc đối thoại giữa những người công giáo gần như chưa đặt vấn đề gì vào năm 1964. Ngày nay, có lẽ cuộc đối thoại này là phức tạp nhất! Bởi vì chủ nghĩa đa nguyên đặc trưng của xã hội đã lan rộng trong Giáo hội công giáo. Chúng ta chưa quen với sự đa dạng này. Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội đã hình thành một chính thể đồng nhất chứ chưa nói đến một nguyên khối. Điều này sẽ không còn xảy ra nữa và sẽ viển vông nếu chúng ta mơ một ngày nó sẽ trở lại.
Như Đức Phanxicô đã nói năm 2015: “Chúng ta không sống trong thời đại thay đổi, mà sống trong sự thay đổi của thời đại.” Để đối diện với thời đại đang thay đổi này, và để đảm bảo Giáo hội sẽ luôn có thể làm chứng cho Tin Mừng trong thế giới tương lai mà ngài đang tìm cách phục hồi Giáo hội qua tính đồng nghị. Khái niệm này không phải là mới – Thánh Gioan Chrysostom đã nói, Giáo hội và Thượng hội đồng là đồng nghĩa – nhưng qua nhiều thế kỷ, hoạt động của Giáo hội đã rời xa Thượng hội đồng một cách đáng kể.
Đức Phanxicô đưa ra hai đặc điểm của Giáo hội đồng nghị này: đó là một Giáo hội lắng nghe, nơi mọi người phải học hỏi lẫn nhau, và một Giáo hội phục vụ, nơi không ai đứng trên người khác. Về việc lắng nghe, điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đối thoại nào là đối thoại thiêng liêng và phần lớn phiên họp này kêu gọi đối thoại thiêng liêng. Kể từ Thượng hội đồng về Gia đình năm 2014-2015, các cuộc thảo luận đã diễn ra trong các nhóm ngôn ngữ nhỏ làm việc theo từng chủ đề cụ thể. Điều này làm cho việc đối thoại và đối diện với sự đa dạng trở nên khả thi. Trong một nhóm nói tiếng Pháp, sẽ có người Pháp nhưng cũng có các giám mục hoặc giáo dân châu Phi, người Bỉ, người Thụy Sĩ, người Canada hoặc những người khác, những người phải đối diện với những thực tế giáo hội rất khác với nước Pháp.
Các giám mục đã tham dự các Thượng hội đồng trước đây thường làm chứng, kinh nghiệm này đã thay đổi tầm nhìn của họ về Giáo hội. Và đó là toàn bộ khó khăn của tính đồng nghị: chúng ta phải sống với nó, để nắm bắt được mọi lợi ích và mọi phong phú của nó. Điều này đúng ở mọi cấp độ, có nghĩa là lời nói thường không đủ để thuyết phục hoặc xua tan nỗi sợ của những người không tham gia.
Thượng Hội đồng: “Cuộc tĩnh tâm này đã thay đổi thái độ của tôi”
Tại tổ chức Promesses d’Église (Các lời hứa của Giáo hội), một tập thể quy tụ gần 50 hiệp hội và phong trào công giáo thuộc các môi trường xã hội và giáo hội khác nhau, gồm cả Những người bạn của Sự sống, chúng tôi đang có kinh nghiệm này. “Bước đi cùng nhau” với những khác biệt không phải là chuyện dễ dàng hàng ngày, sự đa dạng nhất thiết sẽ làm chậm bước đi của chúng ta. Tính đồng nghị mất nhiều thời gian, chúng ta phải chấp nhận. Nhưng không thể phủ nhận trải nghiệm này rất phong phú. Qua việc lắng nghe và qua đối thoại, những thành kiến sẽ biến mất và chúng ta khám phá ra, nếu Chúa Kitô là trọng tâm của mỗi chúng ta, thì chúng ta sẽ có nhiều cách để diễn tả và tuyên xưng đức tin.
Vậy chúng ta có thể mong chờ gì ở Thượng hội đồng này? Có lẽ không có nhiều thay đổi lớn lao, nhưng là mong muốn truyền tải thái độ lắng nghe, đối thoại và chấp nhận sự đa dạng này trong toàn Giáo hội. Chúng ta đang ở rất xa nó. Trong Giáo hội Pháp, Các nơi chốn và văn hóa đối thoại vẫn cần được phát triển. Con đường đồng nghị của Đức bị chê bai và vẫy vùng như con bù nhìn. Nhưng rõ ràng là người Đức đã quen với việc đối thoại trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và tôn giáo hơn người Pháp, họ đã thành công trong việc tổ chức bằng cách phát triển một khuôn khổ rất nghiêm ngặt.
Không có điều này, cuộc đối thoại sẽ thoái hóa
Không có điều này, cuộc đối thoại sẽ nhanh chóng biến thành các cuộc thóa mạ hay thảo luận như ở quán cà phê. Chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm của Đức để phát triển một khuôn khổ cụ thể cho Pháp. Để hiểu nhau hơn, để vượt qua những chia rẽ nội bộ, để cho xã hội thấy sự đa dạng có thể được cảm nghiệm như sự phong phú giúp mỗi tín hữu kitô có thể làm chứng cho đức tin và niềm hy vọng của mình trong xã hội.
Vì một trong những phát triển quan trọng mà chúng ta thấy, đó là việc tìm kiếm tâm linh của người đương thời với chúng ta, họ muốn thoát khỏi các tổ chức tôn giáo. Vì thế mỗi tín hữu đã được rửa tội, sẽ là người ở tuyến đầu để làm chứng cho Tin Mừng một cách đáng tin cậy cho những ai đang đi tìm chiếc la bàn cho cuộc đời mình. Đây là một thay đổi lớn cho giáo dân. Cũng như cho các linh mục, giám mục. Nhưng bằng cách cùng nhau bước đi, chúng ta có thể vượt qua thử thách này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch