Macron, thiên tài của kitô giáo
Với những người khẳng định rằng một tổng thống không có quyền liên quan đến tâm linh hay tín ngưỡng, chúng tôi sẽ nhắc rằng, tôn giáo, cùng với Thời cổ đại, là nguồn gốc của các tín ngưỡng và đạo đức của chúng ta.
lepoint.fr, Arthur Chevallier, 2023-09-19
Tổng thống Emmanuel Macron và Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến riêng tại Vatican, ngày 24 tháng 10 năm 2022. © Vatican Media/AFP
Emmanuel Macron đã khám phá kho tàng của Giáo hội. Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ của ông, ông đã quay ngoặt một cách tinh tế, chừng mực, không rõ ràng nhưng liên tục trong học thuyết của Pháp liên quan đến tôn giáo nói chung và mối quan hệ của nước này với Giáo hội nói riêng. Chiến lược này có lợi về mặt chính trị. Việc thông báo ông sẽ tham dự thánh lễ Đức Phanxicô cử hành tại Marseille và việc gây quỹ cho di sản các cơ sở tôn giáo là những biểu hiện mới nhất của một công việc đã bắt đầu cách đây vài năm.
Dù vì những lý do tốt hay xấu, chân thành hay đạo đức giả – chúng ta sẽ không bao giờ biết – tổng thống nước Cộng hòa xem sứ mệnh của ông như một trách nhiệm dựa trên siêu hình học chứ không trên một thứ trật hợp lý. Sở thích ưa khiêu khích của ông không đủ để giải thích những câu ông tuyên bố trong một phỏng vấn của tuần báo Le 1 khi ông còn là bộ trưởng bộ Tài chính: “Dân chủ luôn bao hàm một hình thức không hoàn thiện vì bản thân nó chưa hoàn thiện – cho chính nó. (…) La Terreur đã tạo ra một khoảng trống cảm xúc, tưởng tượng, tập thể: nhà vua không còn ở đó nữa. Sau đó, chúng ta cố gắng tái đầu tư khoảng trống này, đặt những nhân vật khác vào đó: đó là những khoảnh khắc của Napoléon và những người theo chủ nghĩa De Gaulle.”
Lý trí không giáp ranh với quyền lực cũng như với việc thực hiện nó
Emmanuel Macron là trái ngược với vẻ bề ngoài của ông. Chủ nghĩa tự do, lạnh lùng và thực dụng của ông – để nói đến những thái cực – nhuốm màu thần nghiệm bị chính vua Lu-i XIV phủ nhận vào cuối thế kỷ 1, nhưng trên thực tế nước Pháp chưa bao giờ từ bỏ nó. Nếu Macron phải chọn phe của mình trong tranh cãi về chủ nghĩa tĩnh lặng, ông sẽ thích Fénelon hơn Bossuet. Điều này làm cho ông không phải là người điên vì Chúa hay người theo trào lưu chính thống, mà là một cá nhân tin chắc rằng lý trí không giáp ranh với quyền lực, với việc thực hiện nó cũng như với cuộc sống.
Nếu đúng như vậy thì những người có lý lẽ sẽ thống trị thế giới. Ảnh hưởng của một tôn giáo hay một sức mạnh siêu việt – giấc mơ là một chuyện, trí tưởng tượng là một chuyện khác – không phụ thuộc vào quy định. Chúng ta có thể lặp lại từ “thế tục”, sửa lại nó, định nghĩa nó, khi đó chúng ta sẽ chỉ đề cập đến một phần của nhân loại, đó là tổ chức chung sống của nó. Luật pháp không thể hạn chế phạm vi mọi thứ.
Năm 2018, trước Hội nghị Giám mục Pháp tại Học viện Bernardins, nguyên thủ quốc gia đã nhắc lại: “Những người đương thời của chúng ta, dù tin hay không, cần được nghe về một quan điểm khác về con người hơn là quan điểm vật chất. Họ cần làm dịu cơn khát khác, đó là cơn khát cái tuyệt đối. Đây không phải là vấn đề hoán cải, mà là vấn đề của một tiếng nói, cùng với những người khác, vẫn dám nói về con người như một sinh vật được phú cho một tinh thần. Ai dám nói về điều gì khác hơn là nhất thời, nhưng không chối bỏ lý trí hay hiện thực.” Đó là những gì ông đã nói.
Trọng tâm của những tính khí cá nhân và tập thể
Emmanuel Macron thực hiện một chức năng cụ thể trong thời gian và không gian. Dù chúng ta vui mừng hay tiếc nuối, cảm xúc vẫn là công việc hàng ngày. Cảm xúc giành được chỗ đứng trước đối thủ cạnh tranh đầu tiên của nó, lý trí, chứng minh các quy tắc mâu thuẫn được kế thừa từ Aristotle. Những nguyên thủ quốc gia, ít nhất là những người tốt, ít nhiều là hình ảnh của xã hội họ.
Người ta sẽ nói một tổng thống không có quyền liên quan đến tâm linh hay tín ngưỡng, điều này, từ quan điểm pháp lý, là đúng. Đó là quên hơi nhanh ảnh hưởng của văn hóa đối với cảm xúc; tôn giáo, so với Thời cổ đại, là nguồn gốc của các niềm tin, phản xạ, đạo đức của chúng ta hoặc ý tưởng mà chúng ta có về nó.
Nhà sử học Jean-François Colosimo, người đã viết nhiều sách về sự trở lại của tôn giáo – trong đó có quyển Những mù quáng (Aveuglements, nxb. Cerf, 2018) –, tóm tắt vấn đề như sau: “Cách ai đó nói về Chúa là cách họ nói về con người. Mọi nguyên tắc chính trị ngày nay đều là những nguyên tắc thần học thế tục hóa.”
Emmanuel Macron có nghĩa vụ quan tâm đến chủ nghĩa thế tục, duy trì các nguyên tắc của nó và đảm bảo việc áp dụng nó một cách nghiêm ngặt. Nhưng vấn đề tôn giáo liên quan đến những lĩnh vực trí tuệ và nhạy cảm rộng lớn hơn, mang tính quyết định, vô cùng phức tạp vì chúng chạm đến trái tim của những tính khí cá nhân và tập thể. Tổng thống nước Cộng hòa đang đặt cược vào điều phi lý vì ông đang đánh cược với thời của ông.
Marta An Nguyễn dịch