Vatican trả lời “dubia” của năm hồng y chỉ trích Thượng hội đồng

449

Vatican trả lời “dubia” của năm hồng y chỉ trích Thượng hội đồng

cath.ch, I.Media, 2023-10-02

Hồng y Raymond Leo Burke lo lắng về khả năng chúc phúc cho các cặp đồng giới | © Jornal o Bom Catolico/Flickr/CC BY 2.0

Ngày thứ hai 2 tháng 10, bộ Giáo lý Đức tin công bố thư của Đức Phanxicô gởi ngày 11 tháng 7 để trả lời cho năm hồng y bảo thủ đã gởi sứ điệp đầu tiên bày tỏ những nghi ngờ của họ – “dubia”, bằng tiếng la-tinh – khi Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội sắp đến gần. Dựa nhiều vào các bài viết của Đức Gioan Phaolô II, Đức Phanxicô đặc biệt kêu gọi “sự thận trọng mục vụ” đối với vấn đề chúc phúc cho các cặp đồng tính, đồng thời xin các hội đồng giám mục không thiết lập một quy tắc chung về chủ đề này.

Để trả lời năm câu hỏi do các hồng y này đưa ra ngày 10 tháng 7 – Walter Brandmüller, Raymond Burke, Juan Sandoval Íñiguez, Robert Sarah và Joseph Zen – ngày hôm sau Đức Phanxicô phản ứng bằng một lập luận dài 8 trang, viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Theo một nguồn tin của I.Media ở Vatican, các hồng y không hài lòng với bức thư riêng nên đã quyết định gởi một bức thư mới cho Đức Phanxicô ngày 21 tháng 8, để yêu cầu ngài có câu trả lời “có” hoặc “không” cho từng câu hỏi trong số năm câu hỏi của họ. Tuy nhiên, câu trả lời ngày 11 tháng 7, hiện đã được công khai, vẫn là câu trả lời “chính thức” và dứt khoát cho những câu hỏi này.

Đức Phanxicô viết trong lời mở đầu gởi cho ‘các anh em thân mến’ của ngài: “Mặc dù không phải lúc nào cũng có vẻ khôn ngoan khi trả lời các câu hỏi trực tiếp gởi đến tôi và cũng không thể trả lời tất cả, nhưng trong trường hợp này, điều quan trọng phải làm vì Thượng hội đồng đang đến gần”.

Đường vạch phân giới với con đường của thượng hội đồng Đức

Khi được hỏi về vấn đề kết hợp đồng giới, ngài khẳng định: “Giáo hội có quan niệm rất rõ ràng về hôn nhân: một sự kết hợp độc quyền, ổn định và bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, mở ra một cách tự nhiên để sinh con cái. Từ quan điểm này, Giáo hội tránh bất kỳ loại nghi thức nào liên quan đến các cặp vợ chồng trong tình trạng bất hợp lệ, vốn có nguy cơ mâu thuẫn với xác tín này.”

Đức Phanxicô giải thích các công thức chúc lành cho con người, được thúc đẩy bởi “mục vụ bác ái” và thể hiện sự trợ giúp của Lời Chúa không “nhất thiết phải trở thành một quy tắc”. Ngài nhấn mạnh: “Thật không thích hợp khi một giáo phận, một hội đồng giám mục hoặc bất kỳ cơ cấu giáo hội nào khác liên tục và chính thức ủy quyền cho các thủ tục hoặc nghi thức cho mọi loại tình huống”. Như thế ngài đánh dấu một ranh giới rất vững chắc liên quan đến những yêu cầu nào đó của Con đường Thượng hội đồng Đức.

Giảm mặc cảm tội lỗi

Tuy nhiên, Đức Phanxicô để ngỏ cánh cửa cho “các hình thức chúc lành” cho các cặp đồng tính, miễn là chúng đi kèm với “sự thận trọng mục vụ” và không truyền tải “một quan niệm mập mờ về hôn nhân”.

Thừa nhận rằng một số tình huống nào đó mà các mục tử phải đối diện “không thể chấp nhận được về mặt đạo đức theo quan điểm khách quan”, Đức Phanxicô dựa vào tông huấn Hòa giải và Sám hối (Reconciliatio et Pỉnitentia, 1984) của Đức Gioan Phaolô II để giải thích, “tội lỗi hoặc trách nhiệm” của một số người có thể được giảm nhẹ “bởi các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến trách nhiệm chủ quan”.

Phải nghĩ đến đa nguyên tính của thần học

Để trả lời câu hỏi đầu tiên của các hồng y về “tầm nhìn nhân học mới” sẽ hướng dẫn Thượng Hội đồng, Đức Phanxicô khẳng định sự cần thiết phải “diễn giải lại” Mặc khải thiêng liêng theo nghĩa  “giải thích tốt hơn”. Ngài đảm bảo: “Những thay đổi về văn hóa và những thách thức mới của lịch sử không làm thay đổi Mặc khải, nhưng có thể giúp chúng ta giải thích rõ hơn một số khía cạnh nhất định về sự phong phú tràn đầy của nó”.

Ngài nêu lên: “Chắc chắn Huấn quyền không cao hơn Lời Chúa, nhưng cũng đúng, các bản văn Kinh thánh và các chứng nhân của Truyền thống đều cần một lối giải thích giúp phân biệt bản chất lâu năm của chúng với các điều kiện văn hóa.” Ngài đặc biệt lưu ý, ngày nay chúng ta không còn khoan dung với chế độ nô lệ được Giáo hoàng Nicholas V nói trong sắc lệnh Dù Khác nhau (Dum Diversas) năm 1452, giống như câu 20-21 trong chương 21 sách Xuất Hành: “Nếu có ai lấy gậy đánh tôi tớ nam nữ của mình, làm cho nó chết ngay dưới tay mình, thì nó phải được báo oán. Nhưng nếu nạn nhân còn sống được một hai ngày, thì sẽ không được báo oán, vì chủ đã bỏ tiền ra mua nó.” 

Thứ bậc của các sự thật

Đức Phanxicô cũng lưu ý một số lời của Thánh Phaolô về phụ nữ “cần phải được giải thích”. Đối diện với tất cả các điều phức tạp này, “Giáo hội phải liên tục phân biệt giữa những gì thiết yếu cho sự Cứu Rỗi và những gì là thứ yếu”, theo “phẩm trật của các chân lý” vốn có thể dẫn đến “những cách diễn tả khác nhau của cùng một giáo lý”. Ngài đảm bảo: “Mỗi đường lối thần học đều có những rủi ro nhưng cũng có những cơ hội của nó”.

Ngài công nhận tính hợp pháp của nhiều cách diễn tả khác nhau trong Thượng hội đồng – bao gồm cả những biểu hiện của chủ nghĩa hoài nghi – nhưng ngài từ chối đưa ra một phương pháp có thể dẫn đến việc “đóng băng” tiến trình khi “bỏ qua những đặc điểm khác nhau của các Giáo hội cụ thể riêng biệt và sự phong phú đa dạng của Giáo hội hoàn vũ.” 

Về việc truyền chức linh mục cho phụ nữ

Đức Phanxicô cũng trả lời việc không thể phong chức linh mục cho phụ nữ do Đức Gioan Phaolô II thiết lập trong những năm 1990. Ngài nhắc lại, quan điểm này của người tiền nhiệm là một “tuyên bố dứt khoát”, nhưng không mang tính chất “giáo điều”. Ngài đảm bảo, điều này không thể bị “mâu thuẫn một cách công khai”, nhưng có thể là “đối tượng của các nghiên cứu”. Đặc biệt, ngài nhấn mạnh đến tính bổ sung chứ không phải sự thấp kém của “chức tư tế chung” của các tín hữu trong mối tương quan với “chức tư tế thừa tác vụ” của các linh mục.

Dựa vào tông thư Phẩm giá của người phụ nữ (Mulieris Dignitatem) của Đức Gioan-Phaolô II năm 1988, Đức Phanxicô nhắc lại tầm nhìn của Đức Gioan-Phaolô II về chức năng linh mục “hoàn toàn hướng tới sự thánh thiện của các phần tử của Chúa Kitô”, và không nằm trong logic thống trị của đàn ông hơn đàn bà.

Về hiệu lực của bí tích hòa giải, Đức Phanxicô thừa nhận, “sám hối là điều kiện cần thiết để bí tích giải tội có hiệu lực, hàm ý quyết tâm dốc lòng chừa”. Nhưng ngài nhắc lại, các cha giải tội phải linh hoạt, vì “việc xưng tội là biểu hiện của lòng sám hối và tìm kiếm sự giúp đỡ của Thiên Chúa”.

Đức Phanxicô đưa ra các điều kiện lý thuyết về tính hợp lệ của việc xưng tội, sẽ “không áp dụng được khi một người đang ở trong tình trạng hấp hối, hoặc khả năng tinh thần hoặc tâm hệ rất hạn chế”.

Tiếp tục với những chống đối như trong Thượng hội đồng về gia đình

Từ năm 2016, bốn hồng y – Walter Brandmüller, Raymond Burke, Carlo Caffarra và Joachim Meisner – đã công khai gởi thư cho Đức Phanxicô, họ nghi ngờ về cách giải thích tông huấn Amoris laetitia về gia đình. Đặc biệt, họ muốn biết liệu một người đã ly dị và tái hôn dân sự có được rước lễ hay không. Đức Phanxicô chưa bao giờ trả lời những câu hỏi này. Hồng y Caffara và Meisner hiện đã qua đời.

Năm hồng y ký bức thư về những nghi ngờ này là: hồng y người Đức Walter Brandmüller, 94 tuổi, hồng y người Mỹ Raymond Burke, 75 tuổi, người phê bình gay gắt tiến trình hội nghị hiện nay, hồng y Guinea Robert Sarah, 78 tuổi, cựu giám mục Hồng Kông Joseph Zen 91 tuổi và cựu hồng y Juan Sandoval Íñiguez, 90 tuổi, cựu tổng giám mục Guadalajara, Mexico.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Ở Rôma, hướng tới một Thượng hội đồng kín?