Tân hồng y Stephen Chow, cầu nối giữa Bắc Kinh và Rôma
cath.ch, I.Media, 2023-10-01
Tân hồng y Stephen Chow, giám mục Hồng Kông | © Trang web của Hội nghị Dòng Tên Châu Á Thái Bình Dương
Công nghị ngày 30 tháng 9 năm 2023, giám mục Stephen Chow là hồng y thứ tư trong lịch sử Hồng Kông, một giáo phận có tính chiến lược lịch sử trong quan hệ giữa Giáo hội công giáo và Trung quốc.
Sinh ngày 7 tháng 8 năm 1959 trong một gia đình công giáo ở Hồng Kông, Stephen Chow Sau-yan theo học tại các trường của Dòng Đa Minh và sau đó là của Dòng Tên ở quần đảo, nơi mà ơn gọi linh mục và mối quan tâm đến giáo dục của ngài được nảy sinh. Sau khi du học ở Hoa Kỳ, ngài đến Ireland, nơi ngài vào Dòng Tên năm 1984.
Trở về Hồng Kông năm 1988, ngài dạy học và quản lý các cơ sở giáo dục của Dòng Tên. Ngài đi Chicago hai năm để lấy bằng thạc sĩ về phát triển thể chế tại Đại học Loyola và chịu chức năm 1994. Sau đó, ngài tiếp tục làm việc trong lãnh vực giáo dục, ngài lấy bằng tiến sĩ về phát triển con người tại Harvard năm 2006.
Năm 2018, ngài được bầu làm bề trên giám tỉnh Dòng Tên Trung quốc, gồm Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao và Trung quốc đại lục, vì thế ngài đi du lịch nhiều nơi. Ngài cũng là thành viên của Trung tâm Bắc Kinh, một tổ chức Dòng Tên nhằm thúc đẩy đối thoại và tình hữu nghị giữa Trung quốc và các nền văn hóa khác, với gương mẫu của linh mục Dòng Tên truyền giáo vĩ đại thế kỷ 16 Matteo Ricci.
Giám mục vì vâng phục
Khi giám mục Michael Yeung, giám mục Hồng Kông từ năm 2017, qua đời năm 2019, vấn đề thay thế giám mục Yeung trở thành phức tạp với Rôma: thỏa thuận mục vụ về việc bổ nhiệm các giám mục đã được Rôma và Bắc Kinh ký năm 2018, ngụ ý chính phủ có tiếng nói trong việc bổ nhiệm giám mục trong lãnh thổ của mình, kể cả Hồng Kông. Giáo phận Hồng Kông vẫn còn hai giám mục danh dự quan trọng: Hồng y Joseph Zen và Hồng y John Tong Hon. Đặc biệt hồng y Zen là một đối thủ lớn của đảng cộng sản Trung quốc, ngài lên án việc Trung quốc đàn áp người công giáo và công khai ủng hộ phong trào dân chủ chống lại sự kiểm soát của Bắc Kinh với vùng đất Hồng Kông.
Trong nhiều năm, việc bổ nhiệm giám mục phụ tá Joseph Ha Chi-shing, đã được xem xét. Tuy nhiên, việc ngài tham dự biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2019 đã làm cho việc đề cử ngài trở nên quá phức tạp. Tháng 12 năm 2020, Đức Phanxicô đề nghị giám mục Stephen Chow làm giám mục thứ 9 của Hồng Kông. Tu sĩ Dòng Tên từ chối, ngài không cảm thấy mình làm được công việc này. Nhưng trước sự nài nỉ của giáo hoàng, cuối cùng tháng 5 năm 2021, ngài chấp nhận “vì vâng lời”, chỉ xin hoãn ngày phong giám mục đến cuối năm, ngày 4 tháng 12 năm 2021, để ngài giải quyết công việc của ngài.
Giám mục Chow là một lựa chọn chiến lược: là tu sĩ Dòng Tên, ngài thừa hưởng tiếng thơm của linh mục Dòng Tên Matteo Ricci, rất được kính trọng ở Trung quốc, giám mục Chow sẽ là người tiếp nối truyền thống đối thoại tôn trọng lâu đời giữa Dòng Tên và Trung quốc, đặc biệt là giúp ngài có khả năng tiếp cận với các trường đại học Trung quốc. Hơn nữa, không giống như hồng y Zen, người bị tác động nặng nề bởi các cuộc đàn áp mà gia đình hồng y phải gánh chịu dưới thời Mao Trạch Đông, giám mục Chow là một phần của thế hệ người Hồng Kông mới mong muốn kết nối lại với Trung quốc đại lục. Vì thế ngài rất ủng hộ đường lối cởi mở của Tòa Thánh.
Hồng Kông, giáo phận-cầu nối
Tân hồng y Chow nói với hãng tin I.Media: “Chúng tôi là cầu nối giữa Trung quốc, Trung quốc đại lục và Giáo hội hoàn vũ.” Nhưng nếu ngài làm việc với phủ Quốc vụ khanh và với hồng y Pietro Parolin về các vấn đề Trung quốc, ngài khẳng định ngài không làm việc “cho họ”. Và thật vậy, theo ngài, sự gần gũi “cá nhân” mà ngài có với người công giáo cũng như không công giáo ở Trung quốc ít nhất cũng quan trọng như mối quan hệ “chính thức” mà Rôma đang thực hiện. Ngài thận trọng thừa nhận, việc giao tiếp không được tốt lúc này.
Để bắt đầu con đường thảo luận mới với Trung quốc, năm 2023 ngài đã thực hiện một chuyến đi mục vụ chưa từng có tới Bắc Kinh, ngài đã có thể tiếp xúc với cộng đồng công giáo và chính quyền ở thủ đô Trung quốc.
Một cách chung chung, giám mục Hồng Kông tránh mọi đối đầu với nhà cầm quyền, tuy nhiên điều đó không ngăn cản ngài kêu gọi họ. Vào năm 2023, ngài đặc biệt xin khoan dung cho những người bị cầm tù kể từ cuộc biểu tình năm 2019, đồng thời kêu gọi chính phủ thiết lập các giới hạn với luật an ninh vốn đã hạn chế quyền tự do cá nhân ở Hồng Kông kể từ năm 2019 dưới danh nghĩa cuộc chiến chống lại ảnh hưởng của nước ngoài. Ngài cũng trông cậy vào sự hòa giải và xích lại gần nhau để cho phép nhiều nhà truyền giáo có mặt trong giáo phận của ngài và tiếp tục sứ vụ của họ, nhất là ở Trung quốc.
Dù ngài cho biết ngài rất ngạc nhiên trước tin được phong hồng y, nhưng ngài cho rằng quyết định của giáo hoàng là do tầm quan trọng của giáo phận Hồng Kông và xem đây là một khích lệ để Hồng Kông góp phần củng cố trao đổi giữa Trung quốc và phần còn lại của thế giới.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Chân dung các tân hồng y cử tri năm 2023
Các tân hồng y, những lựa chọn rất chiến lược của Đức Phanxicô
Tân hồng y Stephen Chow nhận mũ đỏ trong công nghị phong hồng y ngày thứ bảy 30 tháng 9-2023