Phỏng vấn tân hồng y Víctor Manuel Fernández về Đức Phanxicô, về Thượng hội đồng, về Argentina…

100

Phỏng vấn tân hồng y Víctor Manuel Fernández về Đức Phanxicô, về Thượng hội đồng, về Argentina…

Tân hồng y của Bộ Giáo lý Đức tin, một trong những “bộ” quan trọng nhất của Giáo triều Rôma, nói chuyện với nhật báo La Nación về nhiệm vụ mới của ngài cùng với Đức Phanxicô. Ngài sẽ được phong hồng y thứ bảy 30 tháng 9 này.

lanacion.com.ar, Elisabetta Piqué, 2023-09-26

Đức Phanxicô và tổng giám mục Víctor Manuel “Tucho” trên VaticanTwitter

Cách vài ngày trước khi nhận mũ, nhẫn và tước vị hồng y ngày thứ bảy tuần này trong công nghị thứ chín của Đức Phanxicô, tổng giám mục Víctor Manuel “Tucho” Fernández kể về việc ngài đến Vatican, nơi ngài mới đảm nhận chức vụ đứng đầu bộ Giáo lý Đức tin, một trong những “thừa tác vụ” quan trọng nhất của giáo triều Rôma.

Trong một phỏng vấn bằng viết cho nhật báo La Nación, tổng giám mục danh dự của giáo phận La Plata cho biết: “Có lẽ một số người đã đón nhận tôi như đã đón nhận Đức Phanxicô vào thời điểm đó. Nhưng tôi phải nói, tôi thấy nơi nhiều người thái độ tôn trọng và mong chờ lành mạnh: họ biết cách nhận ra, ai đó đã mang lại một kinh nghiệm khác, có điều gì đó để đóng góp, đồng thời họ bày tỏ quan điểm của họ một cách tử tế. Cho đến nay tôi chưa gặp phải sự kháng cự nào.”

Từ Cordoba và với tầm nhìn mục vụ và thần học về Giáo hội hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của giáo hoàng Phanxicô – ngài là người trong âm thầm đã viết một số tài liệu của giáo hoàng -, ngài nói về sứ mệnh mới trong chức vụ là người đứng đầu bộ Giáo lý Đức tin, điều mà ngài xem là “một thách thức độc đáo nhưng cũng thú vị”.

Víctor “Tucho” Fernández, tổng giám mục giáo phận La Plata, thần học gia, cựu viện trưởng của Đại học Công giáo Argentina (UCA)

Về cuộc họp thượng hội đồng sẽ bắt đầu ngày 4 tháng 10, trong đó lần đầu tiên phụ nữ và giáo dân sẽ bỏ phiếu, ngài nói ngài đã gặp Đức Phanxicô, ngài thấy Đức Phanxicô “thoải mái, vì Đức Phanxicô không nghĩ những thay đổi quan trọng trong các vấn đề xung đột sẽ được giải quyết trong Thượng hội đồng này, vì không có đủ thời gian để nghiên cứu sâu bất kỳ vấn đề nào trong số đó”.

Khi được hỏi về bầu khí phân cực mạnh mẽ trước cuộc bầu cử ở Argentina – đánh dấu bằng sự xuất hiện của một ứng cử viên như Javier Milei, ông xem công bằng xã hội là một hành vi trộm cắp và tấn công giáo hoàng – tân hồng y Fernández thú nhận, nỗi sợ lớn nhất của ngài “là nhiều người bỏ phiếu vì tức giận và thất vọng, làm cho họ càng vỡ mộng hơn”. Thêm một lần nữa, câu hỏi về chuyến đi Argentina dự trù trong năm tới của Đức Phanxicô được đặt ra.

Cách đây vài ngày cha đã đảm nhận vai trò mới là bộ trưởng bộ Giáo lý và thứ bảy tuần này cha sẽ được phong hồng y: xin cha cho biết cảm nhận của cha. Một năm trước, cha có hình dung có cuộc cách mạng này trong đời cha không?

Tân hồng y Víctor Manuel Fernández. Thật ra trong 15 ngày qua, tôi đã làm việc cật lực ở Bộ, có nhiều vấn đề đang chờ giải quyết, ngoài việc tiếp các giám mục từ nhiều nơi trên thế giới đang gặp những vấn đề riêng của họ. Vì thế tôi không có giờ để nghĩ tôi cảm thấy như thế nào. Dù sao tôi đã gặp phải một thách thức đặc biệt, suy nghĩ trong một phạm vi rộng, cố gắng hiểu mối quan tâm và văn hóa của những người đến từ những nơi mà tôi không biết. Cố gắng vượt lên thói quen và những mô hình rất đòi hỏi, nhưng đồng thời cũng rất thú vị.

Sau sự ngạc nhiên xảy ra với việc cha được bổ nhiệm, vì đây là một vị trí chưa bao giờ ở trong tay một người châu Mỹ Latinh, vì mọi người biết cha có tầm nhìn về Giáo hội tương tự như giáo hoàng, rất cởi mở, làm sao cha có thể làm được điều đó? Giáo triều Rôma tiếp nhận cha như thế nào?

Có lẽ có một số người đã tiếp nhận tôi như họ đã tiếp nhận Đức Phanxicô vào thời điểm đó. Nhưng tôi phải nói, tôi thấy nơi nhiều người thái độ tôn trọng và mong chờ lành mạnh: họ biết cách nhận ra, ai đó đã mang lại một kinh nghiệm khác, có điều gì đó để đóng góp, đồng thời họ bày tỏ quan điểm của họ một cách tử tế. Cho đến nay tôi chưa gặp phải kháng cự nào.

Đức Phanxicô tại Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon – WYD LISBON

Đức Phanxicô, trong một bức thư quan trọng ngày 1 tháng 7 khi ngài bổ nhiệm cha, ngài mong chờ ở cha “chắc chắn một điều gì đó rất khác biệt” so với những gì đã có trong hàng chục năm ở bộ Giáo lý Đức tin và ngài xin cha “không kiểm soát hay lên án” mà hãy tập trung vào lĩnh vực thần học cần phát triển. Chúng ta có thể mong đợi điều gì ở đây?

Một cách khác để đối diện với những vấn đề khó khăn, như lắng nghe những người dường như có suy nghĩ “nguy hiểm”, để hiểu mối quan tâm chính đáng của họ là gì và tìm ra con đường hiểu nhau. Việc này khó hơn việc lên án, nó đòi hỏi một nghệ thuật và có chiều sâu hơn. Nhưng đồng thời nó thú vị hơn.

Cha sẽ nói gì với những người bảo thủ, họ lo ngại có những thay đổi trong học thuyết?

Đức Phanxicô không bảo thủ cũng không cấp tiến. Ngài không quan tâm đến sự mới lạ chỉ vì mới lạ, vì nó sẽ rất hời hợt. Có những điều ngày xưa rất hay để dạy cho chúng ta ngày nay. Dù thế nào đi nữa, cũng phải tìm cách đảm bảo lời của Chúa Giêsu đã có 2000 năm nay, có thể sinh hoa trái cho ngày nay và soi sáng các tình huống hiện tại.

Sau mười năm làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã đưa người tin cậy của ngài đến Rôma. Điều này có làm thay đổi mối quan hệ giữa cha và ngài không, cha và ngài có gặp nhau và nói chuyện với nhau nhiều hơn không?

Không nhiều nữa vì ngài rất bận, dù sao ngài cần giúp ngài để thoát ra khỏi những vấn đề và không tạo thêm gánh nặng hay làm mất thì giờ của ngài. Mối quan hệ đã thay đổi ở chỗ bây giờ muốn gặp ngài tôi phải xin một buổi tiếp kiến như tất cả các bộ trưởng ở Vatican và trình bày các chủ đề với ngài theo một hình thức nào đó để ngài nói với thẩm quyền của ngài. Điều này không có nghĩa là chúng tôi không còn những giờ phút thoải mái để nói những chuyện cá nhân nữa.

Cha thấy Đức Phanxicô thế nào trước Thượng hội đồng hiệp hành, trong đó bản sắc của Giáo Hội ngày nay sẽ được đặt lên bàn thảo luận, một đặt cược lớn cho triều giáo hoàng này?

Tôi thấy nó mở ra cho những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa, cho những thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Đồng thời, tôi thấy thoải mái, vì ngài không nghĩ những thay đổi quan trọng trong các vấn đề xung đột sẽ được giải quyết trong Thượng hội đồng này, vì không có đủ thời gian để nghiên cứu sâu bất kỳ vấn đề nào trong số đó. Đúng hơn, đây là thời điểm suy tư, khi một lần nữa Giáo hội tự hỏi mình là ai, để làm gì, Thiên Chúa mong đợi điều gì ở thời điểm lịch sử này.

Cha mong đợi điều gì ở Thượng hội đồng?

Tôi hy vọng rằng, ngoài những trường hợp khẩn cấp, chúng ta có thể dừng cuộc hành trình để được khích lệ, để bị lay động, phục hồi sự tự nhận thức sáng suốt về sứ mạng của chúng ta trong thế giới ngày nay và bước theo Đức Phanxicô trong sự táo bạo đổi mới của ngài.

Tôi không thể không hỏi cha một câu về Argentina, một nước đang bị phân cực mạnh mẽ và trước thềm các cuộc bầu cử chưa từng có, trong đó phe cực hữu nổi lên nói rằng công bằng xã hội là trộm cắp và xúc phạm Giáo hoàng… Cha có lời khuyên nào cho người dân Argentina?

Chuyện đang xảy ra thật đáng kinh ngạc. Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là nhiều người bỏ phiếu vì tức giận và thất vọng, và làm cho họ vỡ mộng hơn. Vì đó có thể là một cuộc bỏ phiếu muốn phù hợp với những gì họ mong đợi ở chính trị. Hy vọng thời gian còn lại trước cuộc bầu cử sẽ cho phép chúng ta nhận ra đâu là những yếu tố thiết yếu của một chính phủ dân chủ tốt: niềm đam mê vì lợi ích chung, năng lực quản lý, năng khiếu làm việc nhóm, tính trung thực, tôn trọng người khác và sự thận trọng khi đo lường tác động của các cuộc bầu cử, những gì chúng ta nói hoặc làm. Đôi khi không dễ để khám phá ra ít nhất cái xấu ít hơn là cái gì.

Dù Đức Phanxicô đã nói rõ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Religión Digital, liệu trong trường hợp này, chúng ta có thể nghĩ chuyến đi Argentina của ngài là rất khó xảy ra không?

Ngài luôn lo sợ chuyến đi của mình, thay vì góp phần mang lại hòa bình xã hội thực sự, lại có thể dẫn đến nhiều căng thẳng, va chạm và đối đầu hơn. Chúng ta sẽ phải xem bối cảnh sẽ ra sao sau cuộc bầu cử. Dù sao ngài cũng đã nói, ở tuổi này ngài không thể làm được mọi việc và ngài vẫn còn những chuyến đi đang chờ, đến những nơi chưa bao giờ có một giáo hoàng đến thăm.

Marta An Nguyễn dịch