Năm điểm ngắn gọn cần biết để chuẩn bị cho chuyến tông du Mông Cổ của Đức Phanxicô

140

Năm điểm ngắn gọn cần biết để chuẩn bị cho chuyến tông du Mông Cổ của Đức Phanxicô

catholicnewsagency.com, Jonah McKeown, 2023-08-28

Mông Cổ là một trong những quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, nằm giữa các nước láng giềng lớn và hùng mạnh là Trung quốc và Nga. Mông Cổ là một trong những cộng đồng kitô giáo nhỏ nhất thế giới – nhưng được Đức Phanxicô nâng đỡ trong chuyến tông du sắp tới của ngài từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9.

Sau đây là một số thông tin cần biết về Mông Cổ. 

1- Mông Cổ chỉ có vài ngàn tín hữu kitô.

Chính thức, Mông Cổ chỉ có 1.300 người công giáo, ít hơn 1% trong tổng số 3,3 triệu dân của đất nước. Con số tuy nhỏ nhưng vào đầu những năm 1990, đất nước này gần như không có người công giáo địa phương nào. Tình trạng này chủ yếu do quốc gia này ở dưới chế độ cộng sản từ những năm 1920 cho đến năm 1990 và tất cả các hình thức tôn giáo đều bị đàn áp. Phật giáo Tây tạng chiếm đa số ở Mông Cổ.

Sau khi kết thúc chế độ cộng sản, các nhà truyền giáo quay trở lại đất nước để xây dựng lại từ đầu cộng đồng công giáo. Năm 1992 Vatican tái lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ. Năm 2003 xây dựng Nhà thờ Thánh Phêrô-Phaolô; năm 2016, phong chức linh mục gốc bản xứ đầu tiên của thời kỳ hiện đại.

Mặc dù số giáo dân ít ỏi nhưng kitô giáo đã có từ thế kỷ thứ bảy hoặc thứ tám khi người nestôriô (người theo kitô giáo Ba Tư với lòng nhiệt thành truyền giáo) lần đầu tiên đến vùng này. Các nhà truyền giáo công giáo dòng Phanxicô đã rao giảng cho người Mông Cổ từ thế kỷ 13.

Theo World Factbook, hơn một nửa dân số là phật tử, hồi giáo chiếm 3,2%, người theo đạo saman chiếm 2,5%, kitô giáo 1,3% và khoảng 40% tuyên bố không có tôn giáo.

Giám quản Tông tòa Oulan-Bator, khu vực truyền giáo không có đủ giáo dân để thành lập một giáo phận, có thẩm quyền trên toàn Mông Cổ, được hồng y Giorgio Marengo, 49 tuổi lãnh đạo, ngài là hồng y trẻ nhất thế giới. Được Đức Phanxicô phong hồng y tháng 8 năm 2022.

2- Mông Cổ là quốc gia có mật độ dân số thấp nhất thế giới.

Ba triệu người nghe có vẻ nhiều, nhưng với đất nước rộng mênh mông như Mông Cổ thì không nhiều. Với mật độ dân số chỉ hai người trên mỗi cây số vuông làm cho vùng này là vùng vắng vẻ nhất thế giới. Phần lớn đất đai Mông Cổ là thảo nguyên khô cằn và trống trải, chăn nuôi gia súc và dân cư chủ yếu là du mục rất ít. Tuy nhiên thủ đô Oulan-Bator là thành phố tương đối lớn, là nơi sinh sống đông đúc của khoảng một nửa dân số cả nước, 1,6 triệu người.

3- Thời tiết tháng 9 ở Oulan-Bator dễ chịu, nhưng Mông Cổ nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt.

Nằm trên cao nguyên, nhiệt độ trung bình tháng 9 ở Oulan-Bator là 19 độ C, nhiệt độ thấp nhất là 2 độ C. Nhưng chung chung Oulan-Bator là thủ đô lạnh nhất trái đất. Khí hậu nhiều gió, lạnh, khô và dễ thay đổi. Khí hậu ngày càng trở khắc nghiệt và khó dự đoán khi khí hậu toàn cầu thay đổi, buộc ngày càng có nhiều người dân phải di cư về thủ đô để tìm kế sinh nhai.

4- Dưới nhiều khía cạnh, Mông Cổ không hoạt động tốt.

Phần lớn người dân sống bằng nghề chăn nuôi du mục, một nghề trở nên ngày càng khó khăn. Một phần do khí hậu thay đổi nhưng cũng do đất đai bị bị hư hại vì gia tăng chăn nuôi dê cashmere ở những khu vực trước đây dành chăn nuôi gia súc.

Tình trạng quá đông đúc ở thủ đô, cũng như những khó khăn khác như mức độ ô nhiễm cao, đã làm gia tăng tình trạng nghèo đói, nghiện rượu và lạm dụng gia đình ở nhiều người chăn nuôi trước đây. Các tín hữu kitô đôi khi bị nghi ngờ, Mông Cổ phải đối diện với sự gia tăng các hệ tư tưởng bài ngoại nơi người dân, nhất là những người đến từ nước láng giềng Trung quốc lớn hơn.

5- Lịch trình chuyến tông du của Đức Phanxicô đã được công bố.

Đức Phanxicô sẽ có chuyến thăm xã giao với tổng thống Ukhnaagiin Khürelsükh, gặp chủ tịch Quốc hội Khural, là Quốc hội Mông Cổ, và thăm Thủ tướng Oyun-Erdene Luvsannamsrai. Đức Phanxicô cũng sẽ gặp các giám mục, linh mục, các nhà truyền giáo, tu sĩ và nhân viên mục vụ tại Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô của giám quản Tông tòa Oulan-Bator.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Mông Cổ, mô hình phát triển độc nhất ở Trung Á