Eric-Emmanuel Schmitt: “Vì xã hội của chúng ta không còn tin vào Chúa nên họ tin vào bất cứ gì”
lemonde.fr, Virginie Larousse, 2023-07-23
Nhà văn Éric-Emmanuel Schmitt, Jerusalem, Afif H. Amireh
Từ lâu đã xa rời tôn giáo, đầu tiên nhà văn tự cho mình là “người theo thuyết bất khả tri” nhưng cuối cùng ông lại là tín hữu kitô. Trở về sau chuyến đi Đất Thánh, ông giải thích vì sao, theo ông, đức tin tạo thành “một khoảng không gian phê phán sâu đậm mời gọi tự do”.
Đây là tiến trình của một hành trình. Hành trình dẫn tác giả Eric-Emmanuel Schmitt từ chủ nghĩa vô thần đến kitô giáo. Tuy nhiên, sự biến đổi này không xảy ra trong một ngày, nhưng qua hai cuộc hành trình, nói lên nền tảng cho sự tồn tại của ông. Nhân dịp này triết gia giới thiệu quyển sách Đêm lửa (La Nuit de feu, nxb. Albin Michel, 2015). Ông kể chuyện vì sao một thanh niên 28 tuổi, trong một đêm năm 1989 vào sa mạc Hoggar và đi lạc, nhưng khi ra khỏi sa mạc, ông là một tín hữu. Trong quyển sách gần đây, Thách thức Giêrusalem (Le Défi de Jérusalem, nxb. Albin Michel), nhà văn tiếp tục hoán cải, đến với một kitô giáo không còn chỉ là trí tuệ nhưng trải qua tất cả trải nghiệm với các giác quan của mình. Đáp lại lời mời của Vatican, ông nhận lời đi Đất Thánh, “một người hành hương giữa những người hành hương” và đi về với quyển nhật ký hành trình thiêng liêng.
Ông có ngạc nhiên không khi Đức Phanxicô nhờ ông thực hiện chuyến đi này với tư cách là một “tín hữu thiếu sót”, như ông tự cho, chứ không phải như một tín hữu công giáo truyền thống?
Eric-Emmanuel Schmitt. Điều này làm tôi ngạc nhiên về Vatican, tự cho mình là tiếng nói chính thức của kitô giáo, nhưng không phải của giáo hoàng Phanxicô! Ngài dám cho thấy khoảng cách đôi khi được tạo ra giữa thể chế mà ngài lãnh đạo và thực tế của các bài Tin Mừng. Có lẽ ngài cho rằng những người “hoạt động đơn lẻ” thể hiện tinh thần Phúc âm hơn một số đại diện của thể chế.
Theo lời mời này, ông có sợ bị hạn chế trong tự do của mình với tư cách là một nhà văn không?
Nói một cách đơn giản: Tôi chấp nhận chuyến đi, nhưng tôi từ chối mệnh lệnh. Tôi tự tài trợ cho chuyến hành hương, tôi nói trước tôi sẽ chỉ xuất bản một quyển sách nếu chuyến đi có một cái gì đó đủ mạnh để tôi có thể viết. Vì thế tôi đã làm cho lời đề nghị này thành một động lực khuyến khích và không có việc hiệu đính của cơ quan nào. Khi Đức Phanxicô biết quyển sách, ngài gởi cho tôi một bức thư rất cảm động và bức thư này đã thành lời bạt của quyển sách.
Hành trình của ông từ chủ nghĩa vô thần đến kitô giáo như thế nào?
Tôi đến từ cái mà tôi gọi là “gia đình của những con cá đỏ cá vàng”, trên thực tế, giống như nhiều gia đình Pháp: trẻ con sinh ra được rửa tội theo quy ước xã hội nhưng không giữ đạo. Khi chúng tôi đi dự đám cưới hay lễ rửa tội, chúng tôi đứng ở cuối nhà thờ và há hốc miệng như các con cá vàng cá đỏ, vì chúng tôi chưa bao giờ biết một lời cầu nguyện hay bài hát nào. Trước tiên là tôi sống xa rời tôn giáo, hoàn toàn thoải mái với chủ nghĩa vô thần, một chủ nghĩa vô thần quen thuộc, một chủ nghĩa trở thành có học thức khi tôi học triết. Là học trò của Derrida tại Trường Cao đẳng Hành chánh, tôi có bằng tiến sĩ về Diderot, một triết gia duy vật vô thần.
Nhưng một ngày nọ, chàng thanh niên 28 tuổi là tôi đi du lịch; khi bước vào sa mạc tôi là người vô thần, nhưng khi ra khỏi sa mạc tôi là người tín hữu. Tôi bị lạc ba mươi hai giờ ở vùng núi Hoggar, ban đêm tôi ngủ dưới trăng sao, đó là dịp cho tôi biết kinh nghiệm thần bí. Tôi trải nghiệm được điều ngược lại với nỗi sợ: lòng tin tưởng. Sau đó tôi viết một quyển sách về sự xuất thần này: Đêm lửa, liên quan đến Blaise Pascal, người đã đặt tên cho cái đêm làm cho ông đi từ không tín ngưỡng đến có tín ngưỡng. Tuy nhiên, nếu cái đêm trong sa mạc này đã cho tôi đức tin thì đức tin này không ở trong một khuôn khổ tôn giáo nào. Đó là đức tin vào Thượng đế, vào Đấng Tuyệt đối. Tôi trở thành người có lòng tin nhưng không phải là tín hữu kitô, tôi có đức tin vào Chúa của tất cả các tôn giáo, nhưng không trong một tôn giáo cụ thể nào.
Khi từ sa mạc về, tôi bắt đầu đọc các bài của các nhà thần bí; tôi luôn đến với tôn giáo theo cách này, chứ không theo giáo điều. Tôi ngạc nhiên khi khám phá các anh chị em thuộc các thời đại và tôn giáo khác nhau. Tôi thấy ở đó lời khẳng định cảm giác mà tôi cảm nhận trong đêm tôi ở trong sa mạc, tôi thấy tất cả những ai nói về Chúa đều nói về cùng một kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi không có ngôn ngữ để diễn tả thì vẫn có cách nói; các tôn giáo đã có cách diễn tả qua nghi thức hóa, qua các nghi lễ thiêng liêng.
Vài năm sau, trong một đêm, tôi đọc một hơi bốn sách Phúc âm liên tiếp, điều tôi chưa bao giờ làm. Tôi chấn động vì hai lý do: kinh nghiệm của tôi về sa mạc được thêm vào tầm quan trọng của tình yêu, các Tin Mừng mời gọi chúng ta điều chỉnh mối quan hệ của mình với người khác, không còn dựa trên sợ hãi và tư lợi mà dựa trên tình yêu. Trước kitô giáo, không có tôn giáo nào táo bạo như thế. Trong do thái giáo, họ thay thế sợ hãi bằng tôn trọng – đã là một chuyện rất lớn lao. Nhưng sự điên rồ của kitô giáo, chủ nghĩa lãng mạn của kitô giáo là thay thế tôn trọng bằng tình yêu. Tôi nghĩ các tín hữu kitô là những người do thái tình cảm. Với tôi, ý nghĩ này có vẻ khiếm nhã nhưng cũng cao cả, tuyệt vời cũng như không thể, và tôi cảm thấy bị lôi cuốn.
Yếu tố khác thách thức tôi là bốn sách Phúc âm không kể cùng một chuyện. Tôi xem đây là một yếu tố xác thực – trong một phiên tòa, các nhân chứng giả luôn đồng ý với nhau. Và vì câu chuyện không cố định, nên nó sống động, nên có một chỗ dành cho một cách đọc khác – cách của tôi –, một chỗ dành cho phúc âm thứ năm – của tôi: một phúc âm cá nhân, có tính phê phán. Có một không gian triết học, thơ ca, hiện sinh và tâm linh rộng lớn, và tôi lao vào đó – và tôi đã viết quyển sách Phúc Âm Theo Philatô (L’Evangile selon Pilate, 2000) của tôi. Vì thế tôi đã đến với kitô giáo trước chuyến đi Giêrusalem này, kitô giáo của tôi chỉ là trí thức. Điều thay đổi tôi trong chuyến hành hương này, đó là kitô giáo của tôi đã đột ngột thành hình.
Ông viết, “Tin, phải tin, nhưng tin vào gì?” Cụ thể, ông tin vào điều gì?
Tôi quan sát thấy, kể từ khi xã hội chúng ta không còn tin vào Chúa, thì họ tin vào bất cứ gì: chiêm tinh học, thần số học, đủ thứ. Ít nhất có một điều tốt trong sự thống trị của các Giáo hội kitô giáo: họ đưa ra nên tin vào gì – qua bốn sách Phúc âm – hơn là tin vào bất cứ gì. Thời đại chúng ta sáng chói vì tính sáng tạo khoa học và công nghệ của nó. Tôi đo lường mọi thứ mà kỹ thuật số mang lại cho tôi: ngồi trong nhà, tôi có thể đọc được bài vở của các thư viện trên khắp thế giới. Tuy nhiên dù thời đại chúng ta rất đẹp về mặt công nghệ, nhưng tôi thấy nó phẳng, theo nghĩa vũ trụ bị thu nhỏ thành vật chất. Con người nghĩ họ có đặc quyền về tinh thần và tự cắt đứt mình khỏi hệ động vật, thực vật, sự sống – theo tôi, đó là một sự nghèo nàn vô cùng to lớn đối với trải nghiệm của con người. Sự phi tự nhiên hóa này là một ngõ cụt, vì nó nhốt con người trong sự cô độc siêu hình, điều này giải thích vì sao chúng ta là những người tiêu thụ thuốc tâm thần rất nhiều.
Cùng một cách đó, việc một số người rút ra khỏi lãnh vực tâm linh và thiêng liêng làm cho thế giới như bị san bằng. Sự hiện hữu và thế giới không còn là huyền bí với một số người đương thời chúng ta là một mất mát to lớn. Đó là huyền bí của sự hiện hữu, một huyền bí đã biến mất. Làm phẳng đi huyền bí này thành một hiện tượng vật chất là cắt cụt chính mình. Chúng ta thành những người cụt tay cụt chân về mặt tâm linh.
Tuy nhiên, kể từ đêm tôi ở trong sa mạc, tôi tin vào một thế giới được tổ chức bởi ý nghĩa; một thế giới sinh ra sự sống và ghét hư vô; một thế giới mà mọi thứ đều có lý do. Tôi phải thú nhận, đôi khi ý nghĩa thoát khỏi tầm tay tôi, nhưng tôi cho rằng, đó là do sự hữu hạn của tâm trí tôi chứ không phải do sự hữu hạn của thế giới; Tôi không nói “điều đó thật phi lý” nhưng “điều đó thật huyền bí”. Tôi đặt tin tưởng vào thế giới. Và kể từ khi tôi bước vào kitô giáo, tôi vẫn tin vào một điều gì đó khác, hơn thế nữa. Có nhập thể và có phục sinh của Chúa không? Với cả hai câu hỏi này, tôi trả lời có – vì thế tôi là tín hữu kitô.
Ông viết trong quyển sách: “Không giống như lý trí, thứ khuất phục tâm trí chúng ta, tôn giáo thu hút sự tự do của chúng ta”. Nhiều người nghĩ ngược lại, cụ thể là lý trí giải phóng, trong khi tôn giáo là nô dịch…
Một đề xuất hợp lý không cần phải thảo luận: hai và hai là bốn, điều đó không cần sự đồng ý của tôi. Hợp lý là những gì có giá trị cho tất cả mọi người, độc lập với sự phản kháng của mỗi người; nó xảy ra với sự đồng ý của chúng ta. Về phần tôn giáo, đề xuất tôn giáo thu hút sự đồng ý hoặc từ chối của chúng ta; khi làm như vậy, nó nói lên sự tự do của chúng ta. Vì thế, có nhiều không gian phê phán trước các đề nghị của tôn giáo hơn là của lý trí. Hướng dẫn tôn giáo nên là một không gian phê phán sâu sắc đòi hỏi tự do. Khi đọc các bài thiêng liêng, kể cả trong truyền thống duy nhất, rõ ràng là chúng mâu thuẫn với nhau. Để có một giáo dục tôn giáo, không phải chỉ vâng lời mà là phân tích phê bình; là so sánh, là cân nhắc mọi thứ, cũng như khi chúng ta đọc một bài của triết gia Nietzsche hoặc Kant: làm việc trên văn bản để nó tạo ra một ý nghĩa mạch lạc.
Tuy nhiên, ông không cảm thấy khó chịu bởi khía cạnh giáo điều mà các cấu trúc tôn giáo thường có đó sao?
Rõ ràng là các tổ chức tôn giáo gây nhiều tổn hại cho đời sống thiêng liêng, và chính nghĩa của Chúa đã bị các Giáo hội làm thiệt hại. Dĩ nhiên trong các thể chế có những người có tâm linh cao, họ biết cách làm sống lại ý nghĩa và mở ra cho chúng ta những chân trời. Nhưng các thể chế dẫn dắt họ cũng chỉ là con người, và như Thánh Phanxicô Salê (1567-1622) đã nói: “Ở đâu có con người, ở đó có thoái hóa.”
Những đức tính đặc biệt của du lịch là gì? Ông có thể viết theo như một trong các nhân vật ông cảm hứng là Thánh Charles de Foucauld (1858-1916), vào cuối đời nhà truyền giáo đã viết: “Tôi không còn nghĩ đến việc đi du lịch nữa”?
Tôi tin vào lợi ích của du lịch. Lợi ích đầu tiên là đoạn tuyệt với sự thoải mái của mình, với những gì của riêng mình, với thói quen của mình – không chỉ về thể chất mà cả về tinh thần. Đó là khả năng làm cho mình trở nên mới mẻ, trở nên khác biệt. Trong một quá trình thiêng liêng hoặc trí tuệ, sự phá vỡ dường như là cơ bản với tôi. Hơn nữa, hai giai đoạn thiết yếu trong quá trình xây dựng thiêng liêng của tôi diễn ra trong các chuyến đi: ở sa mạc Hoggar và ở Đất Thánh. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi hơi quá bận tâm đến việc kiểm soát mọi thứ. Tôi đã tạo ra cho mình một quan niệm về thế giới mà chắc chắn mang lại cho tôi một hình thức thoải mái, nhưng trong đó tôi không bị chất vấn. Một khía cạnh cơ bản khác của du lịch là chào đón, là mở rộng vòng tay đón nhận những cuộc gặp, những trải nghiệm, những điều bất ngờ; ngừng phóng chiếu, chờ đợi và đặt mình vào trạng thái tiếp nhận. Với tôi, du lịch là hoàn toàn cần thiết.
Chuyến đi đến Đất Thánh này khác với những chuyến đi khác của ông như thế nào?
Tôi đi với một nhóm hành hương rất mộ đạo của Reunion. Còn tôi, tôi không giữ đạo, đức tin của tôi hoang dã và đơn độc, được xây dựng trong sa mạc và trong đọc sách. Đột nhiên, ở đây tôi ở trong một nhóm người mê thánh lễ và kinh chiều (cười)! Phản xạ đầu tiên của tôi là chạy trốn. Nhưng nhanh chóng sau đó, tôi chấp nhận trải nghiệm. Một trong những lợi ích đầu tiên của việc giữ đạo mãnh liệt này là tôi nhận thức được những lợi ích của nghi thức, bất kể nguồn gốc tôn giáo của nó – sự đều đặn, chống lại sự phân tán tư tưởng để tập trung vào lời cầu nguyện, suy gẫm một số bản văn… Tôi khám phá ra một nhịp điệu khác làm tôi xúc động và trấn an tôi.
Một điều khác cụ thể trong kitô giáo là bí tích Thánh Thể. Việc đón nhận, cầm lấy, chịu Mình Thánh Chúa rất mãnh liệt với tôi: khi có một cái gì đó đi xuống dạ dày, đi lên trong tâm trí tôi. Tôi cảm nhận giây phút cơ bản này với một cường độ cực cao, đến mức tôi không thể sống thiếu nó được nữa.
Ông nói về cuộc hành hương này theo một cách rất cảm tính. Làm thế nào điều này thu hút không chỉ đức tin của ông, mà còn cả cơ thể và các giác quan của ông?
Kitô giáo dựa trên những điều huyền bí. Điều đặc biệt đối với một mầu nhiệm là nó không thể được hiểu bằng trí thông minh: một Thiên Chúa làm người không có ý nghĩa gì theo quan điểm duy lý. Mặt khác, khi tôi sống ở Mộ Thánh, nơi này có lẽ là Golgotha, nơi Philatô hành quyết những kẻ bị kết án, một điều gì đó không thể giải thích được trong tâm trí tôi: đột nhiên, cơ thể tôi cảm thấy sự hiện diện của một ai đó – tôi cảm nhận được điều đó qua khứu giác, tôi cảm nhận được hơi ấm và ánh mắt của họ. Những huyền bí thoát khỏi tâm trí, cơ thể thâm nhập chúng, đó là điều ngạc nhiên lớn nhất của tôi.
Ông gọi “thử thách Giêrusalem” là gì?
Thách đố của Giêrusalem là thay đổi diễn từ của Thiên Chúa. Lần đầu tiên Thiên Chúa nói với Giêrusalem: “Hãy nghe ta!” Đây là nơi duy nhất theo chiều ngang trên trái đất này, nơi Thiên Chúa đã nói với ba tôn giáo đơn thần. Về mặt này, đây là nơi duy nhất. Nhưng diễn từ của Chúa đã thay đổi: từ chiều dọc, nó thành chiều ngang, vì dường như Chúa đang nói với người do thái, kitô giáo, hồi giáo và vô thần: “Hãy nghe chính mình!” Ngài thách thức chúng ta và kêu gọi chúng ta là anh em với nhau chứ không huynh đệ tương tàn. Vậy mà Giêrusalem lại là nơi diễn ra các cuộc huynh đệ tương tàn trong nhiều thế kỷ; bây giờ nó vẫn còn leo thang. Nhưng, hai anh em khi họ trở thành huynh đệ tương tàn là khi họ quên rằng họ có chung nguồn gốc và lịch sử.
Thách thức Giêrusalem (Le Défi de Jérusalem, Eric-Emmanuel Schmitt, nxb. Albin Michel).
Marta An Nguyễn dịch
Cuộc trở lại chớp nhoáng: Éric-Emmanuel Schmitt, “bị cháy” bởi đức tin