Các giám mục quan tâm đến cuộc cách mạng kỹ thuật số
Trong số tháng 7 của tạp chí Tài liệu của hàng giám mục (Documents épiscopat), các giám mục quan tâm đến những hậu quả đạo đức của cuộc cách mạng kỹ thuật số và đặt câu hỏi về vị trí của Giáo hội trong những biến đổi đang diễn ra.
la-croix.com, Juliette Vienot de Vaublanc, 2023-08-17
Trong số tháng 7 của tạp chí Tài liệu của hàng giám mục, các giám mục quan tâm đến những hậu quả đạo đức của cuộc cách mạng kỹ thuật số và đặt câu hỏi về vị trí của Giáo hội trong những biến đổi đang diễn ra. PASCAL POCHARD-CASABIANCA/AFP
Sự gia tăng các tài khoản của các linh mục hay tu sĩ trên mạng xã hội, sự xuất hiện của những rô-bốt đàm thoại trả lời các câu hỏi thần học… Không thiếu những dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của công nghệ kỹ thuật số đối với đời sống của Giáo hội công giáo.
Để làm sáng tỏ những phát triển công nghệ gần đây, Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) đã có bài viết “Kitô hữu trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, các công trường xây dựng cho Giáo hội” trong số cuối tháng 7 về tạp chí Tài liệu của hàng giám mục này.
Một công cụ “tiên nghiệm không tốt cũng không xấu”
Trong số này, ngay phần giới thiệu, các tác giả tìm cách làm sáng tỏ việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, một công cụ “không tốt cũng không xấu theo tiên nghiệm” dưới ánh sáng của sự khôn ngoan trong Kinh thánh và các truyền thống tôn giáo, để thúc đẩy việc sử dụng đúng đắn công nghệ này. Những phân tích này được bổ sung với các lời chứng thực, như lời chứng của ông Bruno Tardieu, người dạy máy tính cho các thanh niên trẻ ở một khu phố nghèo của New York trong những năm 1980.
Mục tiêu của số báo này đầy tham vọng, vì có rất nhiều câu hỏi đặt ra khi chúng ta dùng các công cụ kỹ thuật số. Bài giới thiệu đặt các câu hỏi: “Làm thế nào Internet, trí tuệ nhân tạo, thuật toán, các đối tượng được kết nối, v.v. định hình cách sống, cách giao tiếp, cách tham gia vào các mối quan hệ, cách thu thập thông tin, cách quyết định, cách hành động của chúng ta không? (…) Chúng có giúp củng cố mối liên kết giữa con người không? Chúng có góp phần nhân bản hóa và tiếp tục sáng tạo không?”
Để cung cấp cho những suy nghĩ này, ông Bernard Jarry-Lacombe, giám đốc Dịch vụ Gia đình và Xã hội Quốc gia của Hội đồng Giám mục Pháp nhắc lại các giai đoạn chính của sự phát triển kỹ thuật số, từ khi trang web xuất hiện đến bước khởi đầu của metaverse. Tác giả quyển Để công nghệ số phục vụ lợi ích chung (1) nhấn mạnh đến những tác động nghịch lý và gây bất ổn: “Mọi thứ đều bị biến đổi: mối quan hệ với thời gian bị xáo trộn bởi khả năng tăng tốc, tức thì, đồng thời, đa hoạt động, mối quan hệ với không gian và thế giới vật chất được biến đổi với định vị toàn cầu GPS và thực tế ảo, mối quan hệ với máy móc, mối quan hệ với bản thân và với nội tại, với thế giới, với những người khác.”
CatéGPT, trí tuệ nhân tạo phục vụ Giáo hội
Các vấn đề đạo đức và nhân chủng học
Sau đó, các tác giả phân tích các vấn đề đạo đức và nhân học của những thay đổi này dưới lăng kính của đức tin kitô giáo, học thuyết xã hội của Giáo hội và các kinh nghiệm của Giáo hội.
Linh mục Thierry Magnin, thần học gia, vật lý gia, viện trưởng Đại học công giáo Lille quan tâm đến các vấn đề nhân chủng học về mối quan hệ mới giữa con người và máy móc. Ngài cảnh báo: “Khi con người ít nhiều tự nguyện giao quyền quyết định cho máy móc, thì một hình thức phi nhân hóa sẽ xuất hiện”.
Dù có những lời chỉ trích này, các tác giả không kêu gọi từ bỏ các công nghệ mới. Như giám mục Bruno Feillet, giáo phận Séez và là chủ tịch Hội đồng Gia đình và Xã hội của Hội đồng Giám mục Pháp đã nhắc lại trong phần mở đầu, “Giáo hội đã không ngừng dùng các phương tiện truyền thông của thời đại. Từ những con đường la-mã được Thánh Phaolô dùng đến con đường Internet. (…) Không có lý do gì để các con đường này dừng lại.”
Đặc biệt là vì công nghệ kỹ thuật số có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá thông điệp của Kinh thánh, như linh mục Vincent Cardot làm chứng. Với tư cách là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội công giáo, linh mục kể lại kinh nghiệm của ngài và ngài công nhận: “Thật khó để nói công việc này dẫn đến đâu. Trên TikTok, những người trẻ đang đi tìm Chúa Kitô.” Tuy nhiên ngài lấy làm tiếc về một “hiệu ứng đi-văng” của màn hình đã không làm cho chúng ta phải chuyển động.
(1) – Để công nghệ số phục vụ lợi ích chung (Pour un numérique au service du bien commun, Bernard Jarry-Lacombe, Jean-Marie Bergère, François Euvé và Hubert Tardieu, nxb. Odile Jacob)
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Mạng xã hội: Vatican kêu gọi trách nhiệm của người công giáo