Tổng giám mục Fernández, “người bảo vệ giáo điều” tương lai ở trọng tâm các cuộc tấn công

169

Tổng giám mục Fernández, “người bảo vệ giáo điều” tương lai ở trọng tâm các cuộc tấn công

Kể từ khi được bổ nhiệm làm tân bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin ngày thứ bảy 1 tháng 7, tổng giám mục Víctor Manuel Fernández bị chỉ trích mạnh tại Vatican. Nhưng nhà thần học người Argentina được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm “người bảo vệ giáo điều” từng bước bảo vệ mình.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-07-09

Tổng giám mục Víctor Manuel Fernández năm 2016. EFE/MAXPPP

Rất hiếm khi một bổ nhiệm nào mà chỉ trong một thời gian ngắn đã có vô số lời chỉ trích như vậy. Kể từ khi tin tức loan báo việc bổ nhiệm thần học gia Argentina Víctor Manuel Fernández, 60 tuổi, ngài đã là đối tượng của rất nhiều cuộc tấn công và tranh chấp, hai tháng rưỡi trước khi ngài nhậm chức người đứng đầu bộ Giáo lý Đức tin.

Điều gì đáng trách với thần học gia Fernández, một trong những cây viết của giáo hoàng, nhưng nhất là biểu tượng của một cắt đứt mà chính Đức Phanxicô mong muốn? Nhiều lời chỉ trích chắc chắn liên quan đến nền tảng tư tưởng của người được gọi là “Tucho”, một biệt danh đến từ Argentina. Đầu tiên, các nhà phê bình nêu bật một cuốn sách xuất bản năm 1995, có tựa đề “Nghệ thuật của nụ hôn” trong đó thần học gia phát triển hơn hai mươi trang, ca ngợi nụ hôn như một biểu hiện của tình yêu. Họ chỉ trích ngài đã viết không phù hợp, nhất là không có một nội dung thần học nào.

Tổng giám mục biện minh: “Tôi muốn nói rõ, quyển sách này không dựa trên kinh nghiệm bản thân tôi, nhưng trên các chứng thực trong cuộc sống của những người ôm nhau. Trong những trang này, tôi muốn tổng hợp cảm nghĩ phổ biến về chủ đề này, lúc đó tôi là linh mục trẻ 32 tuổi. Tôi tham khảo nhiều sách và muốn đưa ra cách các nhà thơ nói về nụ hôn. Bạn không thể làm bài giáo lý của một linh mục trẻ viết cho thanh thiếu niên thành một quyển sách thần học.”

Trên trang Facebook cá nhân của ngài, tổng giám mục đã phản ứng trực tiếp với các tấn công này, ngài gọi đây là các nhóm chống đối Đức Phanxicô, họ đang tức giận, họ đã dùng các phương tiện phi đạo đức để làm hại Đức Phanxicô.

Tổng giám mục đã có một số cuộc phỏng vấn, trong đó có hai phỏng vấn đầu tiên dành cho các ấn phẩm bảo thủ của người Tây Ban Nha: trang InfoVaticana và nhật báo tiếng Tây Ban Nha ABC.

Danh sách các quyển sách

Như thể Vatican đã lường trước những lời chỉ trích này, một cách rất bất thường, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố một danh sách các sách của tân bộ trưởng khi việc bổ nhiệm  được công bố. Danh sách này kèm theo bức thư của Đức Phanxicô viết để đưa ra hành trình mới cho bộ Giáo lý Đức tin, đặc biệt khuyến khích Bộ nghiên cứu thần học hơn là xử phạt các lỗi giáo lý bằng các phương pháp vô đạo đức đã dùng trong quá khứ.

Thư của Đức Phanxicô gởi tân bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin

Nhưng những lời chỉ trích cũng liên quan đến cách thức bổ nhiệm tổng giám mục Fernández. Ở Rôma, người ta chưa quên cuộc đấu tranh mà ngài phải đối diện vào cuối những năm 2000 để là người đứng đầu Đại học Công giáo Argentina. Vào thời đó Hội đồng Giám mục Argentina mà Đức Bergoglio là thành viên, muốn đưa tổng giám mục Fernández đứng đầu Viện Đại học công giáo Argentina. Một bổ nhiệm cần có “nihil obstat” (tuyên bố không phản đối) từ Vatican, nhưng Rôma đã khó khăn để đưa ra quyết định.

“Một hình thức trả thù”

Các nhà lãnh đạo của bộ Giáo dục Công giáo, gồm thư ký của Bộ là tổng giám mục người Pháp, Dòng Đa Minh Jean-Louis Bruguès, đặc biệt cho rằng các bài viết của các giám mục mà ngài đưa ra quá nhẹ. Một nhân chứng của thời đó nhớ lại: “Chúng tôi nhận xét về các quyển sách của ngài có những điểm không tương thích có thể xảy ra với huấn quyền của Giáo hội.”

Tháng 3 năm 2009, vấn đề này nằm trong chương trình nghị sự của buổi Đức Bênêđictô XVI tiếp các giám mục Argentina trong chuyến đi ad limina đến Rôma do hồng y Bergoglio dẫn đầu. Buổi tiếp kiến mang tính chất quyết định và Đức Bênêđictô XVI đồng ý với việc bổ nhiệm. Vài tuần sau, bộ Giáo dục bật đèn xanh và giám mục Fernández được bổ nhiệm làm viện trưởng Viện Đại học.

Một quan sát viên rành về Giáo triều phàn nàn: “Có một hình thức trả thù của giáo hoàng với việc bổ nhiệm theo cách này. Cũng có những lo ngại cho rằng việc bổ nhiệm này sẽ tạo ra các cuộc tranh luận làm suy yếu sự hiệp nhất của Giáo hội.”

Các cuộc gặp với những người tiền nhiệm

Phán quyết này cho thấy có một lo âu lan ra nhưng có thật trong Giáo triều, không phải về nhân cách của những người được bổ nhiệm, nhưng về hình ảnh của họ. Bức thư của Đức Phanxicô lên án “các phương pháp vô đạo đức” được dùng trong quá khứ bị cho là quá gay gắt. Một nguồn tin Vatican đặt câu hỏi: “Những lời này chỉ giới hạn ở Tòa án Dị giáo, hay nhằm vào những người tiền nhiệm trực tiếp của giám mục Fernández, cụ thể là các hồng y Ladaria, Muller, và ngay cả Đức Ratzinger? Nó không rõ ràng.”

Tổng giám mục Fernández cho biết ngài dự định gặp hai vị tiền nhiệm của mình, hồng y Luis Ladaria, bộ trưởng sắp mãn nhiệm, và hồng y Gerhard Müller người Đức, người chỉ trích Đức Phanxicô gay gắt, đặc biệt là điều mà hồng y cho rằng triều giáo hoàng của Đức Phanxicô quá yếu kém về mặt thần học. Một người thân cận Đức Phanxicô bênh vực: “Ở Vatican, các nhà phê bình thường có xu hướng nghĩ rằng để có giá trị, một thần học gia luôn phải dựa trên tư tưởng của người Đức, Nhưng như thế là sai. Giám mục Fernández là thần học gia đích thực. Nhưng dưới con mắt của những người chỉ trích ngài, ngài có một khuyết điểm: ngài không phải là người châu Âu.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch