Tổng giám mục Fernández: Chính một Người đã cứu chúng ta, không phải một học thuyết

148

Tổng giám mục Fernández: Chính một Người đã cứu chúng ta, không phải một học thuyết

Vatican News phỏng vấn tổng giám mục Víctor Manuel Fernández, tổng giáo phận La Plata, vừa được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin ngày 1 tháng 7, ngài giải thích: “Việc tuân giữ đức tin chắc chắn không loại trừ cảnh giác, nhưng đức tin được bảo tồn trên hết bằng cách lớn lên trong hiểu biết về đức tin.”

vaticannews.va Andrea Tornielli, Thành phố Vatican, 2023-07-08

Một thần học lớn lên và đào sâu “trong đối thoại giữa các thần học  gia và đối thoại với khoa học và xã hội”. Nhưng luôn phục vụ việc loan báo Tin Mừng. Tổng giám mục Víctor Manuel Fernández tin rằng đây là nhiệm vụ Đức Phanxicô giao phó cho ngài, thể hiện qua bức thư Đức Phanxicô gởi cùng lúc với việc bổ nhiệm ngài vào chức vụ tổng trưởng bộ Giáo lý Đức tin.

Tổng giám mục Fernández là cộng tác viên thân cận với giáo hoàng Bergoglio từ khi giáo hoàng còn là tổng giám mục của Buenos Aires. Trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Vatican, tân bộ trưởng, người sẽ nhậm chức vào tháng 9, giải thích ý nghĩa của việc loan báo Tin Mừng và trở thành người bảo vệ đức tin ngày nay.

Thưa cha, vì sao khi bổ nhiệm cha, Đức Phanxicô lại gởi một bức thư và điều này có nghĩa là gì?

Tổng giám mục Víctor Manuel Fernández. Chắc chắn bức thư có một ý nghĩa quan trọng trong việc bổ nhiệm. Vì trước đó, ngài đã thông báo cho tôi cùng lúc với sắc lệnh bổ nhiệm, ngài muốn gởi thư để “làm sáng tỏ” ý nghĩa sứ mệnh của tôi. Bức thư trình bày ít nhất sáu điểm mạnh để mời gọi suy tư, nhưng với bức thư này, tôi hiểu một cách nào đó ngài đã tiên liệu việc áp dụng tông hiến Anh em hãy rao giảng Tin Mừng Praedicate Evangelium. Đúng vậy, ngài kêu gọi một thần học trưởng thành, phát triển, đào sâu trong đối thoại giữa các thần học gia và trong đối thoại với khoa học và xã hội. Nhưng tất cả những điều này là để phục vụ cho việc rao giảng Tin Mừng. Việc đặt bộ Giáo lý Đức tin sau bộ Truyền giáo đã truyền tải thông điệp này, nhưng lá thư của Đức Phanxicô làm rõ ràng hơn. Việc ngài chọn một thần học gia làm bộ trưởng, đồng thời là linh mục quản xứ tái khẳng định điều này theo một cách khác.

Vatican: thay đổi hướng cho những người bảo vệ học thuyết

Ngày nay “giữ” đức tin có nghĩa là gì?

Ngài dùng thành ngữ “giữ” để nói về đức tin rất giàu ý nghĩa. Chắc chắn không loại trừ sự cảnh giác, nhưng ngài bày tỏ, giáo lý đức tin được bảo tồn trên hết bằng cách tăng hiểu biết về đức tin. Ngay cả trong tình huống phải đối phó với dị giáo có thể xảy ra, cũng nên cần đến sự phát triển một thần học mới, để làm trưởng thành sự hiểu biết của chúng ta về giáo lý, và đó là cách tốt nhất để giữ đức tin. Chẳng hạn, nếu chủ nghĩa Giăng-xen đã tồn tại lâu như vậy, đó là do chỉ lên án chứ không có phản hồi nào với những ý định chính đáng có thể ẩn sau những sai lầm, và không có phát triển thần học phù hợp với thời gian. 

Làm thế nào để loan báo Tin Mừng, làm thế nào để thông truyền đức tin trong bối cảnh ngày càng thế tục của xã hội chúng ta?

Bằng cách chúng ta luôn cố gắng thể hiện tốt hơn tất cả vẻ đẹp và sức hấp dẫn của đức tin, không làm biến dạng đức tin qua việc tiêm nhiễm các tiêu chuẩn thế gian, nhưng luôn tìm ra điểm tiếp xúc để đức tin thực sự có ý nghĩa, hùng hồn, quý giá với người nghe. Nếu không đối thoại với văn hóa, chúng ta có nguy cơ nhìn thấy thông điệp của mình, dù đẹp đẽ đến đâu, cũng mất đi tính liên quan. Đó là lý do vì sao tôi biết ơn về thời gian tôi là thành viên trong Hội đồng giáo hoàng về Văn hóa, nơi tôi đã học được rất nhiều điều với hồng y Gianfranco Ravasi.

Đâu là ý nghĩa và sự thích đáng của những lời Đức Bênêđictô XVI viết trong thông điệp Thiên Chúa là tình yêu (Deus caritas est): “Từ nguồn gốc của việc là một kitô hữu, không phải là một quyết định đạo đức hay một ý tưởng lớn lao, mà là cuộc gặp với một sự kiện, một Đấng, mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và từ đó, là một định hướng quyết định”?

Thật tốt lành khi ghi nhớ những lời này ngày hôm nay. Không có học thuyết tôn giáo nào từng thay đổi thế giới nếu không có một sự kiện đức tin, một cuộc gặp thay đổi cuộc đời. Và điều này không chỉ áp dụng cho kitô giáo mà còn áp dụng cho lịch sử của các tôn giáo. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng của ấn giáo và sự hồi sinh sau đó với các bài thánh ca về Krishna, và rất nhiều dịp khác. Không có kinh nghiệm về Chúa Kitô hằng sống, Đấng yêu thương và cứu độ, chúng ta không thể hình thành “con người kitô hữu” của mình, và việc tập trung tranh luận và thảo luận với mọi người sẽ không giúp trưởng thành sự phát triển này nơi con người. Lời nói này của Đức Bênêđictô XVI mời gọi chúng ta phát triển một nền thần học vững chắc và có cơ sở, nhưng rõ ràng hướng tới phục vụ cho sự kiện này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tổng giám mục Víctor Manuel Fernández: “Một tháng trước, tôi nói với giáo hoàng tôi không chấp nhận”

Thư của Đức Phanxicô gởi tân bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin