Chiến tranh ở Ukraine: hồng y Zuppi thực sự có thể làm gì cho Đức Phanxicô?
Đến Kyiv ngày thứ hai 5 tháng 6 trong hai ngày, hồng y Matteo Zuppi được Đức Phanxicô giao phó một sứ mệnh với những phác thảo không rõ, được cho là góp phần để hạ căng thẳng giữa Ukraine và Nga.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-06-06
Hồng y Matteo Zuppi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý tại Vatican ngày 25 tháng 5. A.GIULIANI/IPA/SIPA USA/REUTERS
Một hồng y ở Kyiv. Hồng y Matteo Zuppi, 67 tuổi, tổng giám mục giáo phận Bologna và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý bắt đầu chuyến đi hai ngày đến thủ đô Ukraine vào ngày thứ hai 5 tháng 6. Theo Vatican, mục đích của chuyến đi: “Lắng nghe các nhà chức trách Ukraine sâu hơn về những cách khả thi để có được một hòa bình công bằng và ủng hộ những hành vi nhân đạo góp phần xoa dịu căng thẳng.”
Một sứ mệnh với những phác thảo không rõ
Chương trình làm việc của hồng y đã không được công khai và các đường lối sứ vụ giao phó vẫn còn rất mơ hồ. Phải nói ranh giới làm việc rất hạn hẹp, chưa đầy một tháng sau chuyến đi Rôma ngày 18 tháng 5 của tổng thống Ukraine. Vài giờ sau cuộc gặp với giáo hoàng, tổng thống Volodymyr Zelensky đã gạt mọi khả năng hòa giải nào: “Chúng tôi không cần một trung gian hòa giải giữa Ukraine và kẻ xâm lược.”
Thủ tướng Ukraine xin Đức Phanxicô giúp giải cứu trẻ em Ukraine bị Nga bắt
Ngày 26 tháng 5, hồng y Pietro Parolin cho biết: “Sứ mệnh này không có mục tiêu hòa giải ngay lập tức mà tạo bầu không khí này, giúp hướng tới một giải pháp hòa bình.” Sự tách biệt này của hồng y Quốc vụ khanh cũng là dấu hiệu của những căng thẳng nội bộ trong chính Vatican về công việc của hồng y Matteo Zuppi.
Tại văn phòng Quốc vụ khanh, nhiều người xem đây là hành động chập mạch trong hoạt động ngoại giao của Vatican. Trong những giờ đầu tiên sau khi công bố sứ mệnh của hồng y, những người chung quanh hồng y Matteo Zuppi nêu rõ đây là ‘sứ mệnh hòa bình’, nhưng những người phụ trách ngoại giao của giáo hoàng liên tục nhấn mạnh họ không hề nói về chuyện này.
Một hồng y có khả năng làm giáo hoàng và là người thương thuyết ở Mozambique
Hồng y Matteo Zuppi thường được các giới tại Vatican cho là người có khả năng làm giáo hoàng, ngài là nhân vật quan trọng ở Ý. Nếu Đức Phanxicô giao cho ngài trách vụ này là vì, trong những năm 1980 ngài đã có kinh nghiệm hòa giải để góp phần chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài ở Mozambique. Lúc đó ngài chỉ là một linh mục bình thường, trách nhiệm về các vấn đề châu Phi của cộng đồng Sant’Egidio.
Cùng với ông Andrea Riccardi, nhà sáng lập cộng đồng rất có ảnh hưởng này, hồng y Matteo Zuppi đã dẫn cuộc đối thoại đến việc ký kết một hiệp định hòa bình chung ngày 4 tháng 10 năm 1992, kết thúc cuộc đấu tranh vũ trang của những kẻ nổi loạn. “Sức mạnh của hồng y Zuppi không liên quan đến cấu trúc nhà nước nhưng để bảo vệ người dân. Ngài sẽ tự do hơn nhiều theo cách này.”
“Làm cho các Giáo hội nói chuyện với nhau”
Một người sành sỏi về nước Nga ở Rôma cho biết: “Vatican không thể làm gì hơn là làm cho các Giáo hội nói chuyện với nhau,” vì ở Ukraine có các Giáo hội chính thống, gồm cả một Giáo hội phụ thuộc vào tòa thượng phụ Matxcova. Nhưng ngoài chiều kích tôn giáo này, cũng có thể sứ mệnh của hồng y mang cả chiều kích đạo đức.
Hồng y Matteo Zuppi chỉ đến Kyiv lúc này, nhưng một số người trong vòng thân cận của giáo hoàng cho biết sứ mệnh này cũng nhằm mục đích đi thăm ba thủ đô khác: Washington, Matxcova và Bắc Kinh. Một nhà quan sát am tường về nước Nga ở Rôma cho biết: “hồng y Zuppi có thể nhắc nhở, cũng như Thượng phụ Matxcova, Giáo hội công giáo cũng bảo vệ gia đình và truyền thống.” Một cách tương đối hóa sự biện minh cho cuộc chiến này của Giáo hội chính thống Nga.
Một chuyến đi đến Bắc Kinh?
Nếu một chuyến đi Matxcova dường như thực sự có thể thì một chuyến đi Trung Quốc lại hoàn toàn khác. Tòa thánh không duy trì quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, ngoài quan hệ mục vụ chặt chẽ, thông qua một thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục trong nước. Nhưng ở Rôma, các nhà phân tích tinh tế nhất đã lưu ý, trong những tuần gần đây Vatican đã không ngừng gởi các tín hiệu thuận lợi.
Đây là trường hợp đặc biệt khi trong hai buổi tiếp kiến hàng tuần, Đức Phanxicô đã ca ngợi đức tính của hai nhà truyền giáo thế kỷ 16 và 17, Thánh Phanxicô Xaviê và Matteo Ricci: Thánh Phanxicô Xaviê là người mơ ước cả đời được đến đó, linh mục Dòng Tên Matteo Ricci là nhà truyền giáo đầu tiên đến Trung quốc. Ngày 5 tháng 6, Vatican cũng thông báo bổ nhiệm giáo sư triết gia Trung quốc Tongdong Bai vào Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội. Một bổ nhiệm đầu tiên.
Ở Rôma, mức độ hoài nghi bao trùm giới ngoại giao tỷ lệ nghịch với tham vọng của sứ mệnh Đức Phanxicô giao cho hồng y Zuppi. Một đại sứ thẳng thắn hỏi: “Đây có phải là một sứ mệnh tự sát không? Chưa ai làm được việc này.” Một nhà ngoại giao khác chế giễu: “Ukraine không phải là Mozambique.”
Kinh nghiệm của người đứng đầu nhóm thương thuyết
Ngay cả trước khi chịu chức năm 1981, hồng y Matteo Zuppi đã tham dự vào việc thành lập cộng đồng Sant’Egidio.
Năm 1990, ngài là người đứng đầu trong các cuộc thương thuyết hòa bình ở Mozambique của cộng đồng Sant’Egidio. Năm 2019, hồng y tháp tùng Đức Phanxicô trong chuyến đi đến quốc gia này.
Tháng 5 năm 2022, ngài được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Hồng y Zuppi đã gặp tổng thống Zelensky: đối thoại tích cực để nghiên cứu các bước tiếp theo
Hồng y Zuppi được Kyiv tin tưởng khi ngài dừng chân ở Bucha và sẵn sàng lắng nghe