Thánh lễ la-tinh sẽ không cứu được Giáo hội

126

Thánh lễ la-tinh sẽ không cứu được Giáo hội

la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, Tổng biên tập báo La Croix, 2023-05-31

Hình minh họa

Sau phóng sự của báo La Croix về những người trẻ tham dự Ngày Thế Giới Trẻ, cũng như từ sự thành công của chuyến hành hương truyền thống cuối tuần lễ Hiện Xuống của 16.000 người trẻ Pháp, một số người nghĩ rằng tương lai Giáo hội nằm trong việc duy trì đức tin rất cổ điển mà “công đồng” đã xem thường. Một lời buộc tội đã được lặp đi lặp lại từ ba mươi năm nay, nhưng lại tránh đặt vấn đề trên thực tế đa số người dân Pháp ngày nay hoàn toàn phớt lờ đạo công giáo.

Chúng tôi đã tìm ra giải pháp! Để cứu Giáo hội khỏi biến mất, chúng ta cần “điều thiêng, cần thánh lễ la-tinh, cần các diễn văn cổ điển hơn về các vấn đề xã hội”. Và mọi thứ sẽ ổn trong một thế giới tốt đẹp nhất… Tôi khó mà vẽ một bức tranh biếm họa ở đây. Đó là nội dung của một số nhận xét đã được lưu hành, được hỗ trợ qua sự thành công của cuộc hành hương trong dịp cuối tuần lễ Hiện Xuống của những người theo chủ nghĩa truyền thống, sau khi báo La Croix làm phóng sự về những người trẻ tham dự Ngày Thế Giới Trẻ, cho thấy những người này gắn bó vào các hình thức đức tin cổ điển hơn.

Thật ra, đã 25 năm, người ta đã giải thích cho chúng tôi tương tự như vậy, với cùng một từ, hoặc gần như… Một thế hệ, “thế hệ công đồng” nổi tiếng, với Công đồng Vatican II đã không duy trì được đạo công giáo ở cấp độ của mình. Và do đó, chúng ta nên quay trở lại với những nghi thức cử hành cổ điển hơn, ngay cả bằng tiếng la-tinh, và với một thực hành nội tâm hơn, ít “xã hội” hơn.

Các phong trào được khuyến khích dưới triều giáo hoàng Gioan Phaolô II

Trong những năm 1990-2000, người ta đã phản đối chính thế hệ công đồng này, những gì lúc đó được xem là “tương lai” của Giáo hội Pháp, như cộng đồng Thánh Gioan hoặc cộng đồng các Mối Phúc, mà chính họ đã tổ chức một nội dung cổ điển hơn, cử hành các lễ kỷ niệm truyền thống hơn, một nghi thức phụng vụ rất gọn gàng…

Chẳng có vấn đề gì để bây giờ dễ dàng chỉ trích các phong trào này, vậy mà trước đây các phong trào này được xem như một giải pháp, vậy phải công nhận chúng cũng chẳng hơn gì các phong trào khác. Thậm chí các phong trào này còn bị một số người đặt vấn đề một cách đau đớn về các hành vi lạm dụng trong nội bộ của họ. Còn những người thời công đồng, bị buộc tội về mọi tội ác, họ đã quá tuổi nghỉ hưu, đại đa số đã qua đời, và họ đã không nắm quyền lãnh đạo Giáo hội trong một phần tư thế kỷ… Vì vậy, nếu thực sự cần thiết để ngày hôm nay chỉ định một thủ phạm, chúng ta hãy nhất quán và nói rằng đó là “lỗi” của tất cả các phong trào được sinh ra dưới thời Đức Gioan-Phaolô II.

Phá vỡ nhân chủng học

Ngoại trừ việc nó không có ý nghĩa! Đó không phải là “lỗi” của ai… hoặc ít nhất là không theo cách đó. Một số người công giáo có thói ám ảnh buộc tội – và chúng ta phải công nhận trong ba mươi năm qua, các người thời công đồng đã xem đó là  cấp bậc của họ – cách tốt nhất để họ từ chối nhìn vấn đề. Rằng những người có cái nhìn khá cổ điển vẫn trung thành với cách giữ đạo thông thường, chúng ta chỉ có thể khen họ. Vấn đề thực sự là còn lâu họ mới đại diện cho tất cả người dân Pháp, và đạo công giáo Pháp có nguy cơ tái tập trung vào một thiểu số nhỏ rất “đơn điệu”. Thủ phạm, nếu có, là sự rạn nứt nhân chủng học đáng kể mà chúng ta đã trải qua từ những năm 1950, và điều này đã làm đảo lộn hoàn toàn mối quan hệ của chúng ta với thần thánh, với thể xác, với các thể chế.

Mô hình của một tổ chức giáo hội chỉ huy động chung quanh các thánh lễ ngày chúa nhật và các bí tích quan trọng trong đời sống (rửa tội, kết hôn, qua đời) không còn phù hợp trong xã hội thế tục hóa của chúng ta. Hoặc chỉ có thể thu hút một bộ phận nhỏ dân chúng. Đại đa số những người trẻ – và những người cũng không còn quá trẻ – không còn thấy mình ở đó nữa. Không phải là không quan trọng, rằng kitô giáo vẫn còn có thể tìm thấy các phương tiện để diễn tả, để trao truyền, rằng Tin Mừng vẫn tiếp tục được đọc và cầu nguyện.

Ngược lại là đàng khác! Nhưng chắc chắn chúng ta phải chấp nhận những cách cầu nguyện, hội họp, gặp gỡ, tham gia khác. Thay vì chìm đắm trong những lời buộc tội qua lại và khô khan, chúng ta phải biết sáng tạo – điều mà Đức Bênêđictô XVI đã lý thuyết hóa – và dám trở nên khác biệt, đa nguyên, không theo một mô hình duy nhất, quên đi những nhãn hiệu của những người công giáo phản động hay tiến bộ. Bởi vì vấn đề là gì? Rằng Giáo hội “hoạt động” tốt, hoặc chúng ta tất cả phải cùng nhau trung thành hơn với Phúc âm?

Marta An Nguyễn dịch