Tả, hữu và chính giữa, tại sao không có hồng y nào đủ tiêu chuẩn để thành ứng viên giáo hoàng

211

Tả, hữu và chính giữa, tại sao không có hồng y nào đủ tiêu chuẩn để thành ứng viên giáo hoàng

pillarcatholic.com, Ed. Condon, 2023-05-18

Hình minh họa

Đến một thời điểm nào đó trong triều giáo hoàng, sự bất lợi của các ứng viên kế vị giáo hoàng đã trở thành một phần không thể tránh khỏi trong các cuộc trò chuyện hàng ngày giữa các nhân viên giáo triều và các nhà báo Vatican.

Nhưng phạm vi hiện nay của các ứng viên quá mong manh một cách đáng ngạc nhiên và với mức độ phủ sóng ngày càng quan trọng, nên mọi ứng viên tiềm năng nào cũng được chú ý, như thế có thể có một rủi ro thực sự cho hồng y nào bị cho là bay quá cao.

Dù điều này có thể một phần do mong muốn của một số người muốn có có người thừa kế đáng tin cậy và hiệu quả cho triều giáo hoàng Phanxicô, nhưng kết quả cũng có thể là cuộc bỏ phiếu rộng rãi để kế vị ngài.

Khi một giáo hoàng đến một độ tuổi hoặc bị một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, các bài báo về ba, năm hoặc mười ứng viên hàng đầu cho mật nghị bắt đầu nở rộ theo đó, giống như cây thường niên trong giới báo chí.

Thật cũng lạ, Đức Phanxicô đã 86 tuổi và thoát hiểm sau lần nhập viện khẩn cấp gần đây, những người có khả năng kế nhiệm lại không bao gồm các nhà lãnh đạo hiển nhiên – và những người có thể được xem là ứng viên càng ngày càng ở trong tầm ngắm của giới truyền thông.

Trong những tuần gần đây, sau khi bị cách chức chủ tịch Caritas Quốc tế, hồng y “Chito” Luis Antonio Tagle thấy ngôi sao của mình bị mờ đi đáng kể. Trước khi được Đức Phanxicô đưa về Rôma năm 2019, hồng y Phi Luật Tân được ca ngợi là “Phanxicô Á châu”, là người có tiềm năng kế vị Đức Phanxicô, nổi bật ở thượng hội đồng về giới trẻ năm 2018.

Nhưng sau khi hồng y Tagle bị loại khỏi chức vụ chủ tịch Caritas Quốc tế, giới báo chí trước đây đưa tin tích cực đã trở nên chua chát, họ nói đến các vấn đề tài chính và nhân sự trong cơ quan Caritas, kể cả những lần thất bại trong việc xử lý với các giáo sĩ lạm dụng.

Những lời trích dẫn từ những người thân cận với hồng y Tagle bắt đầu xuất hiện trên báo chí, mô tả ngài là “một trong những người tốt”, nhưng là nhà quản lý và tổ chức kém, “không biết làm sao để đưa ra quyết định”.

Trong trường hợp hồng y Tagle, một số người xem sự thay đổi phản ứng về hồng y, đánh giá tiêu cực về khả năng lãnh đạo của ngài, như câu trả lời hợp lý trước các báo cáo về tình trạng rối loạn chức năng lan rộng trong Caritas. Nhưng cần lưu ý những câu hỏi gần đây về khả năng đảm nhiệm chức vụ của hồng y Tagle đã bị giới hạn trong khả năng đứng vững của ngài trong tư cách là giáo hoàng tương lai – hầu như không ai đặt vấn đề về chức vụ hiện tại của ngài là bộ trưởng bộ Truyền giáo, một bộ quan trọng nhất trong Giáo triều la-mã.

Một quan sát tương tự gần đây cũng xảy ra với hồng y Péter Erdő sau chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Hungary – được ca ngợi là một thành công ngoại giao lớn và là một thử nghiệm trong việc nối lại quan hệ với thủ tướng Victor Orban.

Là tổng giám mục Esztergom-Budapest, hồng y Erdő thường cố tình tỏ ra e ngại trước sự chú ý của giới truyền thông khi ngài điều khiển các quan hệ của ngài với chính phủ Hungary, nhưng ngài liên tục nhấn mạnh đến sự ủng hộ của ngài với Đức Phanxicô.

Nhưng khi uy tín của hồng y nổi lên sau chuyến đi của giáo hoàng, ngài trở thành mục tiêu thấy rõ của một số phái đoàn báo chí Vatican, với từ mô tả “bảo thủ” được ghim trước tên của ngài, các báo cáo nổi lên xem ngài là người như thế nào, ứng viên “cánh hữu” ưa thích của cố hồng y George Pell cho chức giáo hoàng.

Dù ngài có những cố gắng rõ rệt để không làm lu mờ giáo hoàng trong chuyến đi, nhưng hồng y bị các nhân vật truyền thông Vatican có những nhận xét ác ý khi so sánh chiếc xe sang trọng chở ngài ra sân bay Budapest với chiếc xe đơn sơ của giáo hoàng.

Nếu hồng y Tagle và Erdő có thể được cho là đại diện “tả” và “hữu” trong các ứng viên kế vị giáo hoàng, thì con đường trung dung cũng đang đối diện với sự siết chặt. Khi Đức Phanxicô bổ nhiệm hồng y Matteo Zuppi làm tân chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, hồng y đã được ca ngợi là “giám mục theo hình ảnh của Đức Phanxicô” và được truyền thông tích cực đưa tin trong vài tháng.

Khi hồng y bắt đầu ghi dấu ấn tại chức, trở thành tiếng nói hàng đầu trong cam kết của Giáo hội tại chính trường Ý, ngài được cho là một ứng viên nặng ký cho mật nghị tương lai. Nhưng vỏ bọc thuận lợi đó đã bị mờ khi tháng 10 năm ngoái, khi ngài hướng dẫn các buổi kinh chiều hành hương của nhóm “Populus Summorum Pontificum” ở Rôma dành cho các người ủng hộ hình thức phụng vụ ngoại thường.

Mặc dù hồng y Zuppi đã nhấn mạnh ngài đồng ý tham gia sự kiện, trong đó ngài có một bài giảng ngắn, trước khi được bổ nhiệm làm chủ tịch hội nghị và dù ngài nhấn mạnh xác tín của ngài vào tự sắc Cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng năm 2021 của giáo hoàng với “lương tâm và trách nhiệm lớn lao”, các thảo luận về tư cách người thừa kế hiển nhiên của Đức Phanxicô gần như đã hết.

Tại Vatican, lời khen ngợi về sự dấn thân của hồng y Zuppi trong các cuộc thảo luận về văn hóa và chính trị của Ý đã giảm đi đáng kể. Trong khi chính ngài vẫn lớn tiếng và tỏ ra “ủng hộ Đức Phanxicô”, nhiều tiếng nói xung quanh triều giáo hoàng nói bây giờ hồng y “đã đi đôi giày quá rộng”.

Nếu hiện nay có vẻ khó khăn cho một hồng y để duy trì uy tín cao mà không phải đối diện với những lời chỉ trích cá nhân, thì điều này giải thích cho một giáo triều ngày càng thiếu vắng những cá tính lớn.

Trong khi Đức Phanxicô kế thừa một Vatican gồm nhiều nhân vật nổi tiếng, những người này thường dần dần bị thay thế hoặc nghỉ hưu mà không có nhân vật đáng chú ý nào thay họ – dĩ nhiên có thể ngoại trừ trường hợp hồng y Tagle.

Trong khi một số hồng y như hồng y Gerhard Müller và Raymond Burke đã trở thành những người lớn tiếng chỉ trích Đức Phanxicô, thì những người khác, như hồng y Fernando Filoni và Mauro Piacenza vẫn tương đối ít người biết đến.

Để thay thế họ, Đức Phanxicô đã lựa chọn sự kết hợp giữa những người từ bên ngoài giáo triều và các đề bạt nội bộ như sự xuất hiện của hồng y Lazarus You Heung-sik từ Hàn Quốc để đứng đầu Bộ Giáo sĩ, cũng như hồng y Dòng Tên Luis Ladaria Ferrer ở Bộ Giáo lý Đức tin.

Những người đi ra khỏi làn ranh phải chịu sự chỉ trích nhanh chóng của công chúng, dù họ theo lệnh của giáo hoàng, như hồng y Ladaria đã bị chỉ trích vì một tài liệu được giáo hoàng chấp thuận, bác bỏ các phép lành của Giáo hội dành cho các cặp đồng giới.

Có thể ngoại trừ hồng y Pietro Parolin ở Phủ Quốc vụ khanh – người đứng vững trong một mật nghị tương lai đã bị tác động bởi tiến độ các vụ tai tiếng tài chánh trong sứ mệnh và trong việc ngài tham dự vào thỏa thuận gây tranh cãi giữa Vatican và Trung Quốc – các quan chức cấp cao được Đức Phanxicô bổ nhiệm, những người thành công nhất trên báo chí lại có xu hướng là những người có hình ảnh thấp nhất.

Sẽ lý thú khi thấy báo chí ngày càng tiêu cực với các ứng viên giáo hoàng, bằng chứng của một sự phân cực chung với đời sống Giáo hội và về những chỉ trích mang tính bộ lạc đang từ mọi phía tràn vào. Nhưng cũng thú vị những lời chỉ trích về các giáo hoàng tiềm năng tương lai dường như chỉ đến từ cánh “ủng hộ Đức Phanxicô” của các phương tiện truyền thông công giáo: các hồng y như hồng y Tagle hoặc Zuppi không có xu hướng bị chỉ trích vì chủ nghĩa tự do hoặc sự tiến bộ của họ trong các vấn đề giáo hội học hoặc giáo huấn của Giáo hội – ít nhất là không ở điểm bị cho là ở ngoài vòng mật nghị.

Và, có lẽ trớ trêu thay, làn sóng chỉ trích có thể thực sự ngăn cản chính Đức Phanxicô có được các đề cử của chính mình.

Đầu năm nay, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm tổng giám mục Robert Prevost làm tân bộ trưởng bộ Giám mục, trao cho giám mục trách nhiệm với một bộ mà ngài được bổ nhiệm làm thành viên lần đầu tiên năm 2020.

Trong khi nhiều người xem việc bổ nhiệm tổng giám mục Prevost kế vị hồng y Marc Ouellet 78 tuổi (có lẽ là nhân vật lớn cuối cùng còn sót lại trong rừng Vatican) như một việc đã được chuẩn bị trong ba năm, thì trong nội bộ, từ lâu ngài đã được biết là người mà Đức Phanxicô muốn bổ nhiệm làm tân bộ trưởng.

Các quan chức của Bộ đã kín đáo thừa nhận từ nhiều năm nay, thư ký có ảnh hưởng của bộ là tổng giám mục Ilson de Jesus Montanari là lựa chọn đầu tiên của Đức Phanxicô, nhưng giám mục đã từ chối đề cử hơn một lần.

Các nguồn tin thân cận với tổng giám mục đã liên tục nói, ngài sợ trở thành ‘cây anh túc cổ thụ’ trong vườn Vatican, chỉ muốn ở vị trí thứ yếu cho đến khi ngài có thể trở về quê hương Brazil để lãnh đạo một tổng giáo phận.

Cũng không rõ ràng và cũng không biết chắc, liệu việc báo chí không dành đủ tiêu chuẩn cho các hồng y như hồng y Tagle và hồng y Erdő trong vài tuần qua, có phải là một phần của chiến dịch có ý thức hoặc một cái gì đó có tính cách tổ chức hơn.

Chúng ta cũng không biết liệu đây có phải là một kiểu bảo vệ phản xạ nào đó với Đức Phanxicô, với tư cách là một giáo hoàng sẽ không sớm ra đi và không cần đối thủ, hay một nỗ lực phối hợp để mở đường cho người kế vị lý tưởng được đồng thuận – hồng y Mario Grech, ngôi sao của thượng hội đồng, là một trong những lựa chọn khả thi.

Trong cả hai trường hợp, kết quả có thể có một hướng hoàn toàn khác.

Mật nghị tiếp theo, dù như thế nào thì bây giờ cũng đã cho thấy khó đoán trước được, vì các công nghị ngày càng ít thường xuyên nên các hồng y ít có dịp để làm quen với nhau theo truyền thống. Hơn bao giờ hết, nhận thức của công chúng có khả năng định hình ấn tượng riêng tư cho các ứng viên. Và những gì họ đang đọc ngày càng nhiều, là không ai đủ tốt hoặc đủ trung thực với giáo hoàng Phanxicô để trở thành người kế vị xứng đáng.

Nếu ấn tượng này được xác nhận, thì trớ trêu thay, ấn tượng này có thể hình thành tư duy giữa các hồng y, việc tìm kiếm một ứng viên “tiếp nối Đức Phanxicô” trên thực tế đang đi vào ngõ cụt. Và như thế họ phải xem xét nhiều nhân vật ngoại vi hơn trong số các hồng y, làm cho cơ hội có một giáo hoàng thực sự bất ngờ lại càng yếu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch