Trí tuệ nhân tạo, hồng y Eijk: “Giáo hội nên truyền giáo cho chat bot”

125

Trí tuệ nhân tạo, hồng y Eijk: “Giáo hội nên truyền giáo cho chat bot”

Hồng y Eijk, tổng giám mục Utrecht xác tín: có nhiều điều để suy tư về những khả năng do trí tuệ nhân tạo mang lại. Từ nguy cơ siêu phàm hóa con người đến kết thúc các mối quan hệ

acistampa.com, Andrea Gagliarducci, 2023-05-18

Hồng y Wilhelm Eijk, tổng giám mục Utrecht | CNA

Bucharest, ngày thứ năm, 18 tháng 5 năm 2023. Chúng ta sẽ phải suy ngẫm rất nhiều về tác động của trí tuệ nhân tạo trên cuộc sống chúng ta. Nhưng trước hết Giáo hội phải làm điều này, kêu gọi bắt đầu truyền giáo cho những nơi “ảo” là chat bot, vì trong một thế giới mà nơi ảo lại thành thật, bây giờ lại bị tùy thuộc vào câu trả lời được đưa ra ở những nơi tương tác mới. Hồng y Eijk tin chắc về điều này và bắt đầu suy tư.

Một chủ đề cũng nổi lên trong cuộc tranh luận về giáo huấn đạo đức tính dục và hôn nhân của Giáo hội được báo cáo của hồng y đưa ra tại cuộc họp cuối cùng của các nhà lãnh đạo gia đình và đời sống của Hội đồng Giám mục châu Âu, được tổ chức tại Bucharest từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 5.

Tác động nào của trí tuệ nhân tạo có thể có trên cuộc sống chúng ta?

Hồng y Wilhelm Eijk. Thật khó để có một cái nhìn tổng quan về tất cả những gì trí tuệ nhân tạo có thể làm cho chúng ta, vì đây vẫn là một lãnh vực ít được biết đến. Nhưng tôi nghĩ các công nghệ trí tuệ nhân tạo như chat bot cũng có khả năng nói lên điều gì đó về các vấn đề tôn giáo. Ví dụ, trong một bài giảng, tôi đưa ra một ví dụ tôi đã đọc trong một quyển sách và tôi có nhắc đến Thánh Tôma Aquinô. Một phó tế trong tổng giáo phận, giáo sư tín lý tại phân khoa thần học của chúng tôi ở Utrecht, đã không nhớ là đã nghe chuyện này về Thánh Tôma. Và một linh mục trẻ đã hỏi chat bot, nó trả lời ví dụ này là của Thánh Albert Cả chứ không phải của Thánh Tôma Aquinô. Và đâu là sự thật? Phản hồi của chat bot là kết quả tính toán của trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, điều này cho thấy, nếu chúng ta thêm nhiều thông tin tôn giáo vào các chat bot trò chuyện, chúng ta có thể ảnh hưởng đến câu trả lời. Muốn vậy, chúng ta phải cố gắng hiện diện trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Trước hết đây có phải là nhiệm vụ truyền giáo không?

Giáo hội luôn thận trọng khi đứng trước một lãnh vực mới. Nhưng nếu chúng ta đợi quá lâu, những người khác sẽ nhập thêm thông tin và điều đó sẽ quyết định câu trả lời. Vì thế chúng ta không nên đợi quá lâu để có thể hoạt động trong lãnh vực này. Chúng tôi không biết hậu quả của việc sử dụng rộng rãi phần mềm chat bot trò chuyện, nhưng chúng tôi đã có thể thấy trước một kịch bản nào đó. Hiện nay người ta nói các phần mềm này có lỗi, nhưng chúng sẽ như thế nào sau 10, 20, thậm chí 5 năm nữa? Sẽ có các loại trí tuệ nhân tạo khác, máy tính mạnh hơn nhiều, có khả năng đưa ra câu trả lời chính xác hơn nhiều. Chính bây giờ chúng ta có thể có tác động trên các câu trả lời.

Có nên sợ hãi không?

Sợ hãi trước sự phát triển là điều dễ hiểu, vì trí tuệ nhân tạo cũng có thể tạo ra những hậu quả rất tiêu cực với xã hội chúng ta. Ví dụ, trí tuệ nhân tạo là một bước tiến tới quá trình robot-hóa xã hội, như thế có thể làm mất nhiều việc làm, đặc biệt là với những người chưa thực hiện các nghiên cứu cụ thể. Cuối cùng, robot là dạng nhân viên không đòi tăng lương, làm việc 24/24 không biết mệt. Và vì thế nó sẽ  thay đổi hoàn toàn xã hội của chúng ta, tôi có cảm tưởng cả trong Giáo hội lẫn ngoài xã hội, chúng ta đều không nhận ra những thay đổi rất sâu sắc đang chờ chúng ta trong những năm tới.

Cha có nghĩ trí tuệ nhân tạo mang theo nguy cơ của cái gọi là “chủ nghĩa siêu phàm 2.0” không?

Đó là một rủi ro có thể xảy ra. Chúng ta đã có robot phân phối thức ăn trong các nhà dưỡng lão. Việc phân phát thức ăn cho người bệnh cũng là lúc tiếp xúc nhân bản với bệnh nhân, và điều này cũng đã mất rồi. Nhưng khi chúng ta không chỉ quyết định phân phát thức ăn bằng robot mà còn dùng robot để di chuyển bệnh nhân ra khỏi giường và đi vào phòng tắm, thì sẽ có nguy cơ đánh mất hoàn toàn tiếp xúc với con người. Cũng vì có thể lúc đầu lập trình dở nên 3 giờ sáng robot đưa bệnh nhân đi tắm nước lạnh, nhưng với phần mềm cải tiến và sai số giảm đến mức tối thiểu thì không có gì ngăn cản chúng ta tận dụng tối đa bước tiến này. Đây là những thay đổi và phát triển đang diễn ra trong một thời gian rất nhanh. Không phải ngẫu nhiên mà những nhân vật công nghệ cao như Elon Musk cũng kêu gọi tạm dừng phát triển trí tuệ nhân tạo. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn về tác động trong tương lai của những công nghệ này với xã hội.

Người ta cũng đã nghĩ, ngay cả quyết định về một cái chết êm dịu cũng có thể dễ dàng hơn nếu người máy đánh giá dữ liệu. Vì không còn nhân tính, con người bị xem là máy móc. Nếu không hoạt động thì phải tắt máy.

Điều trị rất tốn kém và các chính phủ chi phần lớn tiền thuế vào việc chữa trị cho mọi người, nhưng đến một lúc nào đó sẽ khó có thể kham nổi. Lúc đó sẽ có áp lực xã hội để đưa các robot này vào, những cỗ máy tự động được điều khiển bởi phần mềm rất tinh vi có khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc cần thiết. Có rất nhiều chủ đề cần đề cập. Ví dụ, mọi người sẽ được chăm sóc tại nhà và có thể sống trong những căn nhà biệt lập, một mình. Vì vậy họ sẽ mất tất cả liên lạc với con người, như thế sẽ tạo ra những hậu quả khác. Đây cũng là một chủ đề có tầm quan trọng lớn. Để làm được điều này, chúng ta phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa tất cả những cỗ máy này vào cuộc sống của mình. Hiểu rằng những máy móc này có thể có tác động rất tích cực đến việc chăm sóc, nhưng chúng ta cần tìm sự cân bằng giữa yếu tố con người và yếu tố máy móc.

Trong một thế giới như vậy, liệu có còn chỗ cho nền Văn minh Tình thương mà Giáo hội công giáo chủ trương không?

Có, vì sẽ không thể tự động hóa mọi thứ trong Giáo hội. Chẳng hạn, cần phải có linh mục để cử hành thánh lễ, để giải tội. Đây là những hoạt động không thể thay thế bằng trí tuệ nhân tạo. Đúng là chúng ta có thể tưởng tượng việc dạy giáo lý có thể do người máy làm. Nhưng động từ catechezein, giáo lý, trong tiếng hy lạp bao gồm việc tiếp xúc cá nhân theo cách truyền bá đức tin của Chúa Kitô. Đức tin của Chúa Kitô được chia sẻ với những người khác và không bằng một cách nào khác. Tôi tin, dù sao Giáo hội sẽ là một trong những nơi còn tồn tại yếu tố con người trong tương lai.

Cha đã nhiều lần xin có một thông điệp hoặc một tài liệu của giáo hoàng về vấn đề giới tính. Cha có nghĩ cũng nên có một tài liệu giải thích làm thế nào để trí tuệ nhân tạo có những nơi tương tác mới này không?

Cần phải có một tài liệu, nhưng nên suy nghĩ kỹ. Giáo hội luôn cần thời gian để suy nghĩ về các kỹ thuật mới và sự phát triển của chúng. Đôi khi, thời gian suy ngẫm này kéo dài nhiều năm. Ví dụ, đứa trẻ đầu tiên được thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được sinh ra năm 1978, chỉ thị của Bộ Giáo lý Đức tin về vấn đề này, Hồng ân Đức tin, Fidei Donum chỉ đưa ra năm 1987, chín năm sau đó. Huấn quyền của Giáo hội đã có câu trả lời của Đức Piô XII về vấn đề thụ tinh nhân tạo vào những năm 1950, nhưng đã phải tranh luận rất lâu. Vì lý do này, bây giờ còn quá sớm để yêu cầu một tài liệu như vậy.

Việc chờ đợi và truyền giáo có quan trọng không?

Truyền giáo, nhưng cũng thảo luận vấn đề này giữa các nhà thần học, để đảm bảo mọi người nhận thức được các kỹ thuật mới. Nó sẽ cần thời gian.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

ChatGPT có linh hồn không? Một cuộc trò chuyện về đạo đức công giáo và trí tuệ nhân tạo A.I.

Nữ tu Helen Alford: “Giáo hội có thể mở mang tinh thần cho trí tuệ nhân tạo A.I.”