Chúng ta có thể xem thú vật nuôi trong nhà là con không? Sự tức tối của Đức Phanxicô

940

Chúng ta có thể xem thú vật nuôi trong nhà là con không? Sự tức tối của Đức Phanxicô

Hình minh họa: Đức Phanxicô và Trường dạy chó cứu hộ trên biển ngày 8 tháng 6 năm 2016

lanuovabq.it, Eugenio Capozzi, 2023-05-16

Trẻ em và thú vật, vì sao mọi người không hiểu Đức Phanxicô

Các phương tiện truyền thông đăng giai thoại Đức Phanxicô lên án việc đồng hóa trẻ em với thú vật nuôi trong nhà. Đó là triệu chứng của một văn hóa đáng buồn, ích kỷ và không còn tính sinh sản, trong bối cảnh này, Giáo hội xuất hiện như một cơ thể xa lạ.

Ngày thứ sáu 12 tháng 5, bên lề bài phát biểu của Đức Phanxicô trong cuộc họp của Diễn đàn các Hiệp hội Gia đình Ý về tỷ lệ sinh sản, một cuộc phản đối kịch liệt trên các phương tiện truyền thông và luận chiến đã nổi lên xung quanh tình tiết do ngài thuật lại, khi một bà xin ngài ban phép lành cho con chó của bà bằng cách gọi nó là “con của tôi”. Tuy nhiên, tầm quan trọng của đoạn này trong bài phát biểu của ngài liên quan đến một lý luận rộng lớn hơn, chúng ta cần xem lại một văn hóa cổ vũ cho sự sống và gia đình như những khía cạnh tự nhiên của xã hội, vì đây là điểm chạm đến vấn đề tế nhị trong văn hóa phổ biến của chúng ta, như mỗi lần chúng ta nói đến các mối quan hệ giữa con người và thú vật, mà không hoàn toàn thích ứng với kiểu nói cho “phải phép” thấm đậm tình cảm với thú vật.

Câu nói của giáo hoàng kéo theo vô số lời chỉ trích và bình luận giận dữ trên truyền thông và mạng xã hội, vì họ xem đây là thái độ xem “thú vật nuôi trong nhà” là không giá trị, không xứng đáng để được ban phép lành. Nhưng rõ ràng nếu ai nghe hoặc đọc bài phát biểu của ngài thì ngài hoàn toàn không có ý như vậy.

Thêm nữa, ngài không bao giờ có thể làm vậy, vì trong lịch sử hàng ngàn năm tuổi của Giáo hội, Giáo hội có một truyền thống lâu đời và không thể phủ nhận về tình yêu dành cho thú vật, về mối liên hệ không phải ngẫu nhiên mà thường xuyên của thú vật với thần linh, đặc biệt là với hình ảnh của Chúa Kitô, cụ thể là việc ban phép lành cho thú vật, liên quan đến các khía cạnh trong việc tôn kính của nhiều thánh. Sẽ là vô lý và mâu thuẫn nếu một giáo hoàng cho rằng thú vật không xứng để được ban phước. Và trên thực tế, Đức Phanxicô rõ ràng không nói như vậy.

Ngược lại, lời trách cứ nặng nề của ngài với đương sự đã giúp nhấn mạnh, rằng thật sai lầm và không thể chấp nhận theo quan điểm kitô giáo, khi đánh đồng thú vật nuôi trong nhà với đứa trẻ, hủy bỏ mọi khác biệt về bản chất và giá trị giữa các thú vật mà mình có trách nhiệm và có một tình cảm sâu sắc, và một đứa trẻ; thêm nữa trong xã hội chúng ta, khuynh hướng từ bỏ hoàn toàn quan hệ làm cha, làm mẹ ngày càng rõ rệt, thay thế con cái qua việc chung sống với thú vật nuôi trong nhà, sống trong ảo tưởng, cho rằng đây cũng là một con người, một hoặc hai người sống với chó hoặc mèo có thể xem là một “gia đình”.

Một vật thay thế mà theo ngài là một triệu chứng, một cấu thành quan trọng của “nỗi buồn”, của tàn lụi, của ích kỷ gắn chặt chẽ với các xã hội không còn tính sinh sản. Một nỗi buồn khẩn thiết mà qua đó chúng ta phải chống lại bằng một hy vọng không trừu tượng, nhưng dựa trên “những lựa chọn cụ thể”, đó là xây dựng những gia đình vững chắc và hiệu quả, có khả năng nhìn về tương lai với niềm vui.

Báo động về nhận thức méo mó về tình yêu và gia đình, qua tâm lý thay thế con cái bằng thú vật không phải là chủ đề mới trong các can thiệp công khai của Đức Phanxicô. Tháng 1 năm 2022, ngài đặc biệt nhấn mạnh mối quan tâm, ngày nay nhiều người thích nuôi chó và mèo hơn là có con, nhưng hai mối quan hệ này không so sánh với nhau được, vì “có con là viên mãn của cuộc sống của một con người”. Tháng 8 năm 2022, ngài xác nhận sở thích này là đi tìm một tình cảm “không có vấn đề”.

Mỗi lần ngài nhắc lại ý tưởng này, ngài đều tạo phản ứng chỉ trích. Nhưng chính những phản ứng tiêu cực, và nguồn gốc của chúng, cho chúng ta thấy rõ bằng cách nào, dưới hình thức thô sơ và khiêm tốn ngài thường dùng trong các bài diễn văn, ngài đã nắm bắt được cốt lõi trung tâm của văn hóa “nỗi buồn”, về cơ bản, đó là xu hướng tự hủy hoại và suy đồi mà ngài đã xác định trong các xã hội phương Tây.

Đó là chủ nghĩa phản-nhân văn triệt để hiện đang bám chặt vào quan điểm, không chỉ của giới ưu tú mà của một đại đa số đáng kể dân chúng trong các xã hội thừa mứa, tiêu thụ, xã hội của những “quyền” và những tự do dường như không giới hạn.

Một chủ nghĩa phản-nhân văn, thể hiện mình như con thủy quái hai đầu. Một mặt là cuồng nhiệt nghiên về chủ nghĩa môi trường, kết hợp với sự suy thoái của chủ nghĩa nữ quyền và ý thức hệ bảo vệ các nhóm thiểu số về tình dục, công khai lên án thế hệ trẻ em trong các gia đình “truyền thống” (hay đúng hơn đó là những gia đình chân thực), hoặc ngắn gọn là thế hệ trẻ em, như một lựa chọn nguy hiểm cho sự cân bằng “hệ sinh thái” hoặc có chức năng duy trì phụ nữ ở vị trí thấp dưới. Mặt khác, chủ nghĩa động vật, trong tư cách là một hệ tư tưởng giả định đồng hóa động vật với con người và ngược lại, giảm con người đơn thuần thành động vật; sự phủ nhận triệt để chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm, nhưng ngược lại, lại không thể tách rời khỏi chủ nghĩa nhân văn phương Tây; trao cho động vật những “quyền” ma quái; lên án chế độ ăn thịt và dùng sự kỳ thị của chế độ ăn dựa trên thịt và việc sử dụng chính động vật.

Các giai cấp lãnh đạo phương Tây bị thế tục hóa và phi-kitô giáo hóa, quần chúng không chủ tâm đi theo họ, nhưng một mặt lại rộng rãi chấp nhận đó như các tôn giáo thay thế, tôn giáo của “hệ sinh thái”, của khí hậu, của một vũ trụ phi nhân hóa; mặt khác lại tôn kính phiếm thần, ngẫu tượng và không phân biệt các hình thức sống không phải con người, nâng chúng lên hàng ”con người” một cách thái quá. Giáo hội công giáo, qua nhà lãnh đạo của mình, “kiên cường” bảo duy trì chủ nghĩa lấy con người làm trọng tâm, làm nền tảng cho thông điệp của Chúa Kitô, cũng như tính hợp lý được kế thừa từ hàng thiên niên kỷ của lịch sử châu Âu, xuất hiện như một vật thể ngoại lai trong “mùa đông” của một văn minh tha hóa, thu vào chính mình một cách đáng buồn, khi nó không tích cực tìm cách tự hủy diệt. Giống như “người lạ” mà thi sĩ Thomas Eliot đã nói một cách tiên tri 90 năm trước trong vở kịch “The Rock”.

Marta An Nguyễn dịch

Bà xin ngài ban phép lành cho con chó của mình, giáo hoàng mất kiên nhẫn và nổi giận