Lễ đăng quang của vua Charles III: nghi lễ tôn giáo giữa truyền thống và hiện đại

93

Lễ đăng quang của vua Charles III: nghi lễ tôn giáo giữa truyền thống và hiện đại

Lễ đăng quang của vua Charles III sẽ cử hành ngày thứ bảy 6 tháng 5 tại Tu viện Westminster, London. Nghi thức đăng quang công bố ngày 29 tháng 4 là nghi thức dựa trên các truyền thống có từ hàng thế kỷ nay nhưng cũng mang nét đa dạng của xã hội Vương quốc Anh hiện đại.

la-croix.com, Alice d’Oleon, 2023-05-03

Tổng giám mục Canterbury, Justin Welby sẽ cử hành lễ đăng quang vua Charles III. Hình tổng giám mục Welby ngày 20 tháng 4 năm 2023 tại London. DANIEL LEAL / AFP

Vua Charles III là người đại diện cho mọi tín ngưỡng chứ không phải chỉ tín ngưỡng anh giáo sẽ lên ngôi vua và với chức vị này ông sẽ là nhà cầm quyền tối cao của của Giáo hội anh giáo ngày thứ bảy 6 tháng Năm. Nghi thức đăng quang đã được công bố tại Cung điện Lambeth, dinh thự ở Luân Đôn của tổng giám mục Canterbury, Justin Welby.

Nghi thức truyền thống sẽ được tôn trọng, nhưng nhà vua muốn buổi lễ nói lên tinh thần cam kết của ông với sự cởi mở và đặc biệt là với các tôn giáo khác nên đã có một số sửa đổi.

Đại diện tất cả các tín ngưỡng

Và vì thế đây là lần đầu tiên sẽ có đại diện các tôn giáo do thái giáo, hồi giáo, sikh, phật giáo, ấn giáo, jain, baha’i và zôrôastrô tham dự lễ đăng quang. Bản phụng vụ giải thích, trước khi vua Charles tuyên thệ nhậm chức, tổng giám mục Justin Welby sẽ có lời phát biểu về những truyền thống đức tin khác nhau này, ngài lưu ý anh giáo sẽ “tìm cách tạo môi trường trong đó mọi người thuộc mọi tín ngưỡng có thể sống tự do bên nhau”.

Những lời này lặp lại lời của nữ hoàng Elizabeth II, năm 2012, bà tuyên bố: “Vai trò của Giáo hội chúng ta không phải là bảo vệ anh giáo bằng cách loại trừ các tôn giáo khác. Ngược lại, Giáo hội có nhiệm vụ bảo vệ quyền tự do giữ đạo của tất cả các tôn giáo trên đất nước chúng ta.”

Trong số những bổ sung sáng tạo, tân vương sẽ đọc lời cầu nguyện được viết riêng cho ông, trích từ Kinh thánh (kể cả thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Ga-lát, 5). Tổng giáo phận cho biết, phá vỡ sự dè dặt thường lệ của Hoàng gia Anh, đây là lần đầu tiên một tân vương công khai đọc lời cầu nguyện cá nhân. Các chủ đề về lòng bác ái và cởi mở với mọi tín ngưỡng một lần nữa được nhắc lại.

Vua, là người tôi tớ Chúa

Kế đó là giây phút được cho là long trọng nhất buổi lễ: xức dầu cho nhà vua, ông trở thành người tôi tớ của Chúa. Dầu dùng để xức là dầu trên Núi Ô liu, không xa nơi chôn cất công chúa Alice Hy Lạp, người bà của vua Charles, bà đã trở lại chính thống giáo năm 1920.

Con trai của bà là hoàng thân Philip được rửa tội theo đức tin chính thống giáo hy lạp và đã trở lại anh giáo để có thể kết hôn với nữ hoàng Elizabeth II tương lai. Để nhấn mạnh mối liên kết hợp nhất giữa hai nhánh kitô giáo này, dầu thánh đã được thượng phụ chính thống giáo hy lạp Theophilus III và tổng giám mục anh giáo của Giêrusalem, Hosam Naoum làm phép vào đầu tháng 3.

“Vinh danh dân tộc”

Nghi thức xức dầu tân vương sẽ diễn ra ở nơi khuất tầm nhìn, đằng sau tấm màn vải giăng quanh nhà vua để tôn trọng sự linh thiêng của nghi thức. Dầu thánh – được đựng trong chiếc bình hình đại bàng có niên đại từ lễ đăng quang của vua Charles II năm 1661 – sẽ được đổ lên đầu, tay và ngực của tân vương.

Dầu cho lễ đăng quang của vua Charles III được làm phép ở Giêrusalem

Theo một cách chưa từng có, “sự kính trọng của những người ngang hàng” ngày xưa đã được một số thành viên hoàng gia từ lâu giữ truyền thống, bây giờ sẽ được thay thế bằng “sự kính trọng người dân”, những người sẽ được tổng giám mục mời để cam kết trung thành với tân vương. Một khác biệt đáng chú ý khác với các lễ đăng quang trước đây, một số nữ giám mục sẽ tham dự chung vào buổi lễ. Cuối cùng, buổi lễ sẽ kết thúc với lời đồng thanh chào mừng của tất cả đại diện các tôn giáo được mời trong buổi lễ này.

Ngày thứ bảy 29 tháng 4, tổng giám mục Canterbury tuyên bố: “Tôi rất vui vì buổi lễ này tôn vinh truyền thống lịch sử vĩ đại, phong tục của quốc gia chúng ta và tất cả những người đi trước. Tôi cũng rất vui khi thấy những yếu tố mới phản ánh sự đa dạng của xã hội hiện tại của chúng ta.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Charles III: Vua của những việc tốt lành

Đức Phanxicô tặng vua Charles III hai mảnh của Thánh giá thật