Các linh mục trẻ Pháp muốn đưa Giáo hội thoát ra khỏi khủng hoảng như thế nào

187

Các linh mục trẻ Pháp muốn đưa Giáo hội thoát ra khỏi khủng hoảng như thế nào

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2023-04-09

 

Với việc suy giảm ơn gọi, khối lượng công việc của các linh mục ngày càng nặng nề hơn, đôi khi họ cảm thấy mình thiếu nâng đỡ, nhưng bất chấp tất cả, lòng nhiệt thành của họ vẫn nguyên vẹn.

Một sự kiện ít tác động đến giới truyền thông lại có một cường độ thiêng liêng cao xảy ra ở Paris: cái chết của một linh mục trẻ. Ngày 14 tháng 3, linh mục Cyril Gordien qua đời vì căn bệnh ung thư hung ác. Cha 48 tuổi, là cha xứ nhà thờ Thánh Đôminicô ở quận 14. Tang lễ của cha ở nhà thờ Thánh Phêrô Montrouge có 6 giám mục, 250 linh mục và gần 2000 giáo dân, không kể đến nhiều lời phân ưu trên khắp nước Pháp gởi về, linh mục Gordien từng là tuyên úy toàn quốc của phong trào Hướng đạo Châu Âu.

Theo các nhân chứng, tang lễ được đánh dấu bởi cường độ của những người có mặt. Thêm nữa, “di chúc thiêng liêng” của cha, một bản văn dài khoảng bốn mươi trang của một tâm hồn rực lửa viết với tựa đề “Linh mục trong tâm hồn đau khổ” tiếp tục lan truyền trên mạng, nên không ai có thể thờ ơ. Linh mục thẳng thừng tố cáo “các linh mục và đôi khi cả các giám mục đã không đi tìm điều tốt lành cho sự cứu rỗi các linh hồn, nhưng trước hết lại chỉ mong muốn có được lợi ích riêng cho mình, như mong muốn thành công của một ‘nghề giả’”. Cha liệt kê: “Họ sẵn sàng làm tất cả mọi sự: nhượng bộ tư tưởng thống trị, thỏa thuận với một số nhóm vận động hành lang như nhóm LGBT, từ bỏ giáo lý về đức tin chân chính để thích nghi với thời đại, nói dối để đạt mục đích của họ.” Cha Gordien thú nhận: “Tôi đã đau khổ vì Giáo hội. Trong những cuộc khủng hoảng khác nhau mà tôi đã trải qua, tôi nhận ra những người cầm quyền trong Giáo hội đã không quan tâm đến các linh mục và hiếm khi bảo vệ họ.” Một cách cay đắng, linh mục ghi nhận: “Là linh mục, mục tử, người hướng dẫn đoàn chiên được giao phó, nếu bạn quyết định chăm sóc phụng vụ để tôn vinh Chúa và đích thực thờ phượng Ngài, thì không chắc bạn sẽ được cấp cao ủng hộ khi bạn đối diện với những người phàn nàn bạn”.

“Trọn vẹn cho sứ vụ của mình”

Trách vụ nặng nề. Những lời của linh mục làm vừa lòng người này, nhưng lại làm cho một số người khác tức giận. Không có gì đáng ngạc nhiên khi “di chúc thiêng liêng” này ngài nói lên niềm vui được làm linh mục, nhưng không vì vậy mà ngài không nói lên những đau khổ của mình. Nhưng linh mục Cyril Gordien không phải là một linh mục theo chủ nghĩa truyền thống. Ngài cử hành thánh lễ theo nghi thức được Công đồng Vatican II thông qua. Ngài đã làm giờ chầu Thánh Thể thường xuyên trong giáo xứ, đã làm cho một nhóm giáo dân phẫn nộ, họ liên tục tố cáo ngài sau lưng với tổng giáo phận.

Một trong những người bạn thân của linh mục Gordien là cha  Luc de Bellescize, cha xứ một họ đạo ở Paris, đã viết một bức thư ngỏ, trong đó cha mô tả bạn mình là người “quá mức, không bao giờ nghỉ ngơi vì hoàn toàn giao mình cho sứ vụ”. Cha cũng xác nhận có những lá thư tố cáo nặc danh gởi đến tòa giám mục nơi cha làm việc. Cha Luc de Bellescize nhấn mạnh: “Một bất đồng về phụng vụ hay học thuyết, một quan tâm đến quản trị không cấu thành một tội ác. Những lời của một linh mục đang đau khổ phải được coi trọng và mời gọi Giáo hội xem xét lại cách chăm sóc các linh mục của mình, vì cách mà các linh mục bị đối xử đôi khi không thể chấp nhận được trong một công ty.”

Một cơn choáng nơi các linh mục? Có một cái gì đó như thế này trong Giáo hội Pháp. Nhiều người trong số những người này, những người đã hiến cả đời mình cho Chúa đang gặp khó khăn. Và không phải lúc nào họ cũng có một giám mục để ý lắng nghe. Một linh mục tóm tắt: “Có thể có một khó chịu lớn với giám mục: ngài có phải là người cha? người chủ? người chỉ điểm không? Các linh mục thực sự đang trải qua tình trạng quá tải về cơ cấu với tình trạng ơn gọi sụt giảm. Kể từ sau báo cáo Sauvé (Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp), các linh mục công giáo vừa phải chịu đựng, một cách bất công sự sỉ nhục của lời buộc tội ấu dâm, ở cao điểm của cuộc khủng hoảng này bốn mươi năm trước có 3 đến 4% linh mục vi phạm và bây giờ là dưới 1%. Các giám mục, bị tê liệt đã không thể bảo vệ danh dự cho họ.

Những con số khủng khiếp

Trong mười năm qua, con số người vào chủng viện đã suy giảm rất nhiều, một số chủng viện ở Lille hoặc Bordeaux đã phải đóng cửa. Hội đồng Giám mục không muốn đưa ra các số liệu về thời gian bắt đầu niên học tháng 9 năm 2022, vì chúng quá tác hại. Giáo phận Paris ghi nhận chỉ có ba chủng sinh vào năm đầu tiên. Giáo hội Pháp cũng trải qua những căng thẳng về phụng vụ: ít nhất một phần tư các linh mục trẻ vừa chịu chức có khuynh hướng cổ điển, thậm chí theo chủ nghĩa truyền thống. Những người thế hệ 1968, khá tiến bộ, họ không hiểu điều này.

Các giáo phận cũng gặp khó khăn với giám mục của họ. Kể từ thứ sáu tuần trước, một kiến nghị được lan truyền trong giáo phận Strasbourg để yêu cầu tổng giám mục Luc Ravel ra đi. Cuối cùng là việc từ bỏ chức tư tế. Được thực hiện cách kín đáo cách đây ba thập kỷ, thì bây giờ mỗi lần có một linh mục ra đi, tin tức đều được đăng trên các phương tiện truyền thông. Một trong số họ công nhận: “Thật đau lòng khi thấy một linh mục anh em ra đi, dù trên thực tế con số rời chức linh mục ở Pháp tương đối ổn định: kể từ đầu những năm 2000 theo con số chính thức của Vatican, trung bình có 15 người mỗi năm, hoặc một phần ngàn. Ở Pháp, số linh mục đã giảm đi một nửa trong hai mươi năm. Năm 2020 có 10.188 linh mục giáo phận cho 10.326 giáo xứ quy tụ 45.000 nhà thờ. Tuổi trung bình của linh mục là 75 tuổi.

Để thấy rõ, báo Le Figaro hỏi mười hai linh mục. Mười hai tông đồ. Mười hai linh mục dưới 50 tuổi, đến từ mọi nơi, nông thôn cũng như thành thị. Họ nói họ “rất hạnh phúc” khi lựa chọn con đường này. Họ không hối tiếc gì. Nhưng họ sáng suốt. Với một số linh mục, họ xin phát biểu dưới hình thức ẩn danh nghiêm ngặt.

Một trong số họ kể cho chúng tôi nghe một giai thoại khủng khiếp đối với một người của Chúa. Linh mục đó làm việc ở miền nam nước Pháp và đã chịu chức mười năm. Linh mục giáo phận, linh mục không phải là người cực đoan muốn áp đặt đức tin của mình. Vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày truyền chức linh mục, linh mục nhận một “gáo nước lạnh”. Khi nói lên “cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô”, chủ đề của Lễ Phục sinh ở một trường trung học công giáo, linh mục đã bị chỉ trích vì đã không nói đến “các giá trị của kitô giáo, của đoàn kết”. Điều mà linh mục không thể không làm trong những dịp khác. Ngài suy luận: “Nó giống như cách sống của nhiều linh mục ngày nay. Nếu họ đau khổ trong tâm hồn mục tử và trong cuộc sống của họ, thì đó không phải vì cái tôi của họ, nhưng vì sứ mệnh được Giáo hội giao phó, sứ mệnh loan báo Chúa Kitô một cách rõ ràng, không phải lúc nào cũng được chia sẻ bởi ‘chính Giáo hội!’. Sứ mệnh, lời loan báo của Chúa Kitô, chúng tôi đã cống hiến đời mình để làm sứ mệnh này. chúng tôi biết lựa chọn cuộc sống của chúng tôi bị hiểu lầm. Nhưng ngài ghi nhận, sự bứt rứt của các linh mục là do chúng ta không còn biết cách nào để loan báo Tin Mừng. Các cộng đồng giáo xứ của chúng ta đang già đi. Trong các tang lễ, giáo dân chỉ chờ ‘phục vụ’. Đa số các cặp chuẩn bị hôn nhân đều không có đức tin. Trên thực tế, giáo dân không chờ những gì chúng ta mang lại cho họ…” vì thế các linh mục có nguy cơ nản lòng: “Họ không còn nhìn thấy kết quả công việc của họ. Một số không thể chịu đựng được nữa. Đặc biệt các giám mục thường để chúng tôi một mình trên cánh đồng. Và, nếu chúng ta sắc sảo một chút thì họ lo. Họ thích đồng thuận hơn.”

Một linh mục dám công khai nói. Paul Benezit năm nay 37 tuổi và đã chịu chức mười năm. Cha thú nhận mình có tính khí “tích cực, luôn tìm cách nhìn mặt tươi sáng của mọi thứ”. Là linh mục ở vùng nông thôn, cha trách nhiệm với 28 tháp chuông: “Tôi rất hạnh phúc trong chức vụ của tôi!” Cha kể bối cảnh gần đây trong giáo phận của cha: thử thách của vụ một linh mục 38 tuổi tự tử, người mà cha thay thế cách đây 5 năm, vụ tòa xét xử một linh mục sắp diễn ra và thông báo như sét đánh của một linh mục rời nhà thờ chính tòa để sống với một phụ nữ vào tháng 1 vừa qua. Linh mục nói: “Chúng tôi có một khối lượng công việc rất lớn, tất cả là do cách mình sống với nó. Tình trạng bất ổn là do thiếu nhân viên. Các linh mục thiếu kinh nghiệm được đặt vào những vị trí quá khó khăn. Nếu chúng tôi trả lời chúng tôi không thể đảm nhiệm công việc của hai linh mục, thậm chí của ba linh mục, chúng tôi sẽ được xem là tử tế, nhưng dù sao chúng tôi cũng phải làm. Nếu chúng tôi không đặt ra giới hạn cho việc nghỉ ngơi, đọc sách, chơi thể thao, quan tâm đến một chuyện khác thì nhanh chóng chúng tôi sẽ rơi vào tình trạng làm việc quá mức cho đời sống thiêng liêng của chức linh mục, vốn là một cống hiến hoàn toàn. Chúng tôi chấp nhận nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, không thể thành công hoàn toàn và đó là khởi đầu của các vấn đề. Bạn kéo sợi dây và bạn có thể ngã nhào theo: chạy trốn, bỏ sứ vụ, tự tử.”

Linh mục Benezit là vận động viên bơi lội giỏi, người đam mê rừng tự hỏi: “Chúng tôi biết đường cong của lứa tuổi linh mục, số lượng vị trí cần có, số lượng người vào chủng viện ít ỏi. Thay vì lèo lái tầm nhìn, quản lý cuộc sống hàng ngày, thì sẽ tốt hơn nếu ngồi trên bàn và lãnh đạo nguồn nhân lực của mình trên mười năm. Nhưng cái đó tôi chưa thấy. Khi nào chúng ta mới nghĩ đến một tổ chức khác ngoài mạng lưới lãnh thổ không thể kiểm soát này?”

“Mất niềm tin vào Đức Phanxicô”

Đối mặt với vấn đề tương tự ở Lot, một vùng nông thôn hơn, linh mục Florent Millet, quản nhiệm đền thánh Rocamadour, đã có một thời gian dài là cha tổng đại diện của giáo phận, nhân vật thứ hai của giám mục: “Khi tôi còn là cha tổng đại diện Tôi thấy các linh mục năng động, luôn sẵn sàng đi khắp mọi nơi, có người lại hướng về quê hương nhiều hơn, có người luôn sẵn sàng, có người luôn tràn ngập. Tính khí và tính cách luôn đóng vai trò quan trọng, nhưng tôi quan sát và thấy, linh mục nào yêu thương giáo dân mình thì họ hạnh phúc. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng điều này đã được kiểm chứng. Mặt khác, nếu hôm nay tôi cảm thấy khó chịu thì do vấn đề phụng vụ. Chúng tôi đã đi đến một tình huống bình an với các linh mục truyền thống và mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi hiểu Rôma cẩn thận không muốn thấy có những nhà nguyện đặc biệt, nhưng các hạn chế mới làm phức tạp mọi thứ cho chúng tôi”.

Cho đến gần đây, các linh mục không bao giờ chỉ trích giáo hoàng. Trong tầm nhìn này, có vẻ như một số người trong số họ – xin được ẩn danh – đã không còn dè dặt. Khi đề cập đến một “tình trạng khó chịu” có thể xảy ra, các linh mục chỉ nói đến “những cái nhìn đen tối, sự thay đổi vỉa hè và những xúc phạm” trên đường phố. Đó là hai năm trước, khi họ ở cao điểm của cuộc khủng hoảng ấu dâm. Bây giờ một số người trong số họ, không phải là những người cực đoan, họ nói rõ, họ “đã không còn tin tưởng vào Đức Phanxicô”. Nhiều linh mục dưới 50 tuổi cảm thấy bối rối vì họ có cảm tưởng Đức Phanxicô tạo rắc rối, chia rẽ, ngài luôn tố cáo chủ nghĩa giáo quyền. Tôi đã từ bỏ tất cả để theo Chúa Kitô, không phải để thực thi quyền lực! Bây giờ, liệu việc giảng dạy Phúc âm rõ ràng lại thành chủ nghĩa giáo quyền sao? Một số giáo dân buộc tội chúng tôi là lỗi thời khi chúng tôi dạy những gì Giáo hội tuyên xưng. Một cách khách quan, giáo hoàng không còn đại diện cho dấu hiệu của hiệp thông. Có rắc rối nơi các linh mục vì chúng tôi đang trải qua một cuộc khủng hoảng lòng tin.”

Một người khác nói thêm: “Khi chúng tôi hướng về Rôma, nơi luôn là áo choàng, ngọn hải đăng, một nền tảng vững chắc, chúng tôi được cho biết: ‘Chúng tôi không còn muốn linh mục như ông nữa’. Bạn phải biện minh cho việc mang cổ áo la-mã. Giáo hoàng cho chúng tôi ấn tượng ngài không hiểu chúng tôi và không yêu thương chúng tôi. Chúng tôi vẫn trung thành, tràn đầy niềm vui trong sứ vụ nhưng chúng tôi bối rối và nhiều người công giáo ở bên cạnh chúng tôi. Nếu chúng tôi trụ được, đó là nhờ vào những người trẻ, họ có động lực cao, những người cho thấy sự xuất hiện của một thế hệ mới đang bắt nhịp cầu tốt với thời đại, những người không xấu hổ khi tự cho mình là người công giáo. Không căn tính, họ mong được nói về đức tin kitô giáo. Họ là tương lai.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

“Đối diện với cuộc khủng hoảng lạm dụng, các tu sĩ thánh hiến ý thức tính xác thực của họ đang bị đe dọa”