Sebastián Padrón: từ nạn nhân khủng hoảng kinh tế ở Argentina năm 2001 đến ‘làm ngọt’ cho cuộc đời của Đức Phanxicô

48

Sebastián Padrón: từ nạn nhân khủng hoảng kinh tế ở Argentina năm 2001 đến ‘làm ngọt’ cho cuộc đời của Đức Phanxicô

Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023

Sebastián mang hương vị đặc trưng của các loại kem đặc biệt của Argentina như dulce de leche hay empanada đến cho Đức Phanxicô. Ngài là một trong những khách hàng chọn lọc của ông: cả hai hợp nhau trong hương vị đặc biệt của quê hương Argentina.

Ông kể câu chuyện của ông cho hãng tin Ecclesia.

cope.es, Jose Melero Campos, 2023-03-08

Quý vị hình dung quý vị mở một doanh nghiệp, chẳng hạn một cửa hàng áo quần và một nhân vật nổi tiếng là khách hàng thường xuyên của quý vị: một thủ tướng, một vận động viên lừng danh quốc tế hoặc một ông vua. Và không chỉ vậy, sau một thời gian, họ còn liên lạc với quý vị để mời quý vị về nhà họ. Và chuyện thần tiên này đã đến với ông Sebastián Padrón, người Argentina, năm năm trước đây, ông di cư đến Rôma, ông cùng vợ mở tiệm kem cách Vatican vài mét và ông đã là một trong những nhà cung cấp ẩm thực cho giáo hoàng Phanxicô.

Đặc sản tiệm kem của ông là món kem dulce de leche đặc trưng của xứ sở Tango. Biết ngài thích món tráng miệng này, ông gởi đến cho ngài. Thành công đảm bảo, ông được ngài cám ơn, ngài nhờ thư ký của ngài gởi cho ông tấm thiệp nhỏ và một ít quà.

Do đại dịch, ông có sáng kiến mở rộng địa bàn, cung cấp các sản phẩm đặc trưng khác của Argentina như bánh empanadas, món được Đức Phanxicô nếm thử. Qua cách này, ông mang hương vị cổ điển Argentina đến cho ngài để ngài đỡ nhớ quê hương một chút.

Ông Sebastián tươi cười nói: “Và như thế đã trở thành thông lệ hàng tuần, Một thư ký đến mua các hương vị yêu thích của ngài. Tình cờ hôm qua họ đến. Và tuần này, chúng tôi đã làm xong việc!”

Giai thoại và nhớ nhung Argentina: cuộc gặp giữa ông Sebastián và Đức Phanxicô

Mối quan hệ giữa người đồng hương và Đức Phanxicô trở nên thân thiết hơn vào tháng 11 năm 2020, khi ngài điện thoại mời hai vợ chồng và hai con ông đến nhà ngài, ông vui vẻ kể: “Thư ký của ngài gọi cho tôi và nói tôi chờ một chút, họ sẽ chuyển điện thoại cho một người muốn chào tôi và thế là chúng tôi nói chuyện với nhau.”

Một giai thoại lý thú, đó là ngài hỏi ông Sebastián xem khi nào ông rảnh: “Tôi nghĩ thật buồn cười, ngài hỏi tôi có thể đi lúc mấy giờ vì ngài luôn bận việc, còn tôi, dĩ nhiên tôi trả lời khi nào ngài rảnh là tôi đến ngay, tôi đóng cửa tiệm ngay lập tức. Ngài cho chúng tôi ngày giờ hẹn và chúng tôi đi.”

Cuối cùng ngày hẹn là ngày 6 tháng 11 năm 2020 kéo dài khoảng 40 phút. Thời gian tặng quà, kể giai thoại và chia sẻ nỗi nhớ nhà!

“Tất cả chúng tôi, những người ở nước ngoài luôn thiếu một cái gì. Đó là khoảnh khắc suy tư khi chúng tôi ở với ngài, giống như nói chuyện với nhau trong khu phố ngày xưa, như ngài đã làm với người dân khi họ đến chào ngài mỗi ngày.”

Hơn hai năm sau ngày gặp Đức Phanxicô, ông Sebastián nhớ lại cảm giác, ông thấy ngài “hoàn toàn bình thường, chất phác, rất giản dị, thật thà, tình cảm. Chúng tôi nói chuyện với nhau như thử chúng tôi biết nhau từ đời nào, một cuộc nói chuyện bình thường như với người mình quen biết.” Hai đứa con của ông Sebastián còn quá nhỏ để biết tầm quan trọng của giây phút này, nhưng không sao, cô con gái 8 tuổi của ông đã vẽ cho ngài một bức tranh nhỏ, ông kể lại: “Đức Phanxicô trân trọng và trìu mến nhận tranh. Khi chúng tôi từ giã, ngài nói chờ một chút, tôi quên một chuyện quan trọng, bức tranh nhỏ còn nằm trên bàn. Ngài quay lại, lấy bức tranh cất vào túi và nói ngài không được quên bức tranh vì nó là điều quan trọng nhất. Sau đó ngài ban phép lành cho các con tôi và chúng tôi ra về.”

Cuộc gặp với Đức Phanxicô đã thay đổi cuộc đời của ông Sebastián như thế nào?

Làm sao có thể khác đi được, cuộc gặp với Đức Phanxicô đã thay đổi cuộc sống của gia đình này về mặt tinh thần mà còn cả trên công việc làm ăn vì khách đến tiệm ông ngày càng đông, ông nói: “Dĩ nhiên đời sống chúng tôi đã thay đổi một chút, công việc cũng khác, nhiều người biết đến chúng tôi. Từ lúc đó nhiều người ở Vatican và du khách trên thế giới khi họ về đây, họ đến tiệm chúng tôi… để ăn kem giáo hoàng ăn!”

Nhưng những năm vừa qua, đời không là rượu và hoa hồng vì đại dịch, một thành phố sống nhờ khách du lịch mà bây giờ khách thưa thớt. Vatican vẫn trống khách trong nhiều tháng. Nhưng tiệm của ông Sebastián may mắn vì người dân thích tiệm của ông nhờ tiếng tốt của tiệm.

Sebastián: nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế Argentina năm 2001

Và người di dân đến từ Argentina biết rõ con đường dẫn đến thành công khó khăn như thế nào. Không phải không có lý do mà ông buộc phải vượt đại dương để đến châu Âu, đó là vì cuộc khủng hoảng kinh tế ở Argentina năm 2001: “Giống như nhiều người Argentina, chúng tôi bị tổn thương rất nhiều, tôi quyết định ra đi và thử vận may ở nơi khác, vì  tôi có quốc tịch Ý, mẹ tôi là người Ý, và tôi đến Ý để thử vận may. Tôi ở lại đây và mọi chuyện khá suôn sẻ”.

Đó là một quyết định khó khăn vì Sebastián không thông thạo tiếng Ý nhưng khát khao tiến bộ đã giúp ông vượt lên mọi chông gai: “Đây là điều tôi muốn nói với những người trẻ Argentina khi họ ghé qua tiệm kem để hỏi ý kiến tôi, hoặc tôi có thể cho họ một vài lời khuyên để ra đi, để phải làm gì… điều quan trọng nhất là phải biết mình muốn làm việc và muốn thịnh vượng, nếu không thì nước này cũng chẳng khác gì nước kia, chẳng thay đổi được gì.”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô an ủi mẹ của giám mục Toni Vadell: “Bà có thể tự hào về con trai bà”

Ông Gian Piero: “Khi Đức Phanxicô hôn tay tôi, tôi cảm thấy mình là người giàu có, người khỏe mạnh.”